Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Hoa mận ở xứ Phù Tang

Trong thời tiết cuối đông, khi cái lạnh vẫn còn vương vấn thì trên những cành cây trụi lá, vô số bông hoa mận trắng, hồng bắt đầu khoe sắc và tỏa hương thơm. Chúng là đại sứ báo hiệu mùa xuân đang về trên xứ sở Phù Tang.
Hoa mận nở cũng là lúc người Nhật náo nức đi ngắm hoa. Trong tiết trời se lạnh, mọi người mặc quần áo ấm, đi đến công viên, đền thờ để chiêm ngưỡng loài hoa thanh khiết này.
Hoa mận là đại diện cho mùa xuân ở Nhật
Cây mận được trồng ở Nhật Bản ngày nay có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người ta đã mang chúng đến Nhật cách đây khoảng 2 ngàn năm, cùng lúc với giai đoạn hình thành nền nông nghiệp lúa nước ở quốc gia này.
Từ xa xưa, người Nhật không chỉ xem hoa mận là loài hoa quý, mà trái mận cũng được dùng để làm thực phẩm, gia vị và làm thuốc chữa bệnh.
Quả mận
Vẻ đẹp của hoa mận còn là đề tài trong thi ca, hội họa; hình dáng của chúng trở thành hoa văn trang trí trên áo kimono, trên các mặt hàng thủ công truyền thống.
Thị trấn Minabe thuộc tỉnh Wakayama nổi tiếng với những giống mận quý, cho hoa đẹp. Thị trấn sở hữu khoảng 4.300 cây mận, 80% trong số đó là cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm. Mận là loài thực vật phổ biến ở khu vực Đông Á, chúng ta có thể nhìn thấy chúng ở Nhật Bản, Trung Quốc, Vùng lãnh thổ Đài Loan, Bán đảo Triều Tiên… Tuy nhiên, tại Nhật Bản, cây mận có một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân, hình ảnh của chúng hiện diện khắp mọi nơi.
Khi băng tuyết bắt đầu tan chảy, những tia nắng ấm áp xuất hiện cũng là lúc hoa mận nở. Đối với người Nhật, hoa mận là đại diện cho mùa xuân. Mùa hoa mận kéo dài trong nhiều tháng. Khu vực miền Nam Nhật Bản trên đảo Kyushu là nơi hoa mận nở sớm nhất, thường là vào tháng Giêng hàng năm. Kế đến là các địa phương ở miền Trung và cuối cùng là Hokkaido ở miền Bắc.
Khi hoa mận khoe sắc là lúc người Nhật tổ chức các lễ hội ngắm hoa, tương tự như lễ hội ngắm hoa đào.
Hoa mận là hình ảnh ẩn dụ cho một nghị lực phi thường
Tại Nhật Bản, có hơn 300 giống mận khác nhau dựa theo hình dáng và màu sắc của hoa. Người ta trồng loài cây này chủ yếu ở các công viên, chùa hay đền thờ Thần Đạo.
So với hoa anh đào thì hoa mận có sự cuốn hút riêng, trong khi hoa anh đào có đặc điểm là nở đồng loạt trên cành thì hoa mận lại nở tuần tự. Trên cùng một cây mận có những đóa hoa đang tỏa hương sắc rực rỡ thì cũng có vô số bông đang e ấp hay vẫn còn là nụ. Chính vì vậy, thời gian một cây mận trổ hoa diễn ra khá dài, từ 2 tuần lễ đến 1 tháng. Hoa mận lâu tàn hơn và có hương thơm mạnh hơn hoa đào. 
Cây mận thường được trồng trong các đền thờ Thần đạo 
Không giống như hoa đào, cánh hoa nhanh chóng rơi rụng sau vài ngày khoe sắc, hoa mận vẫn giữ gần như nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu của nó sau hơn 2 tuần lễ. Nếu xét về đặc tính sinh học, quá trình sinh trưởng của hoa mận diễn ra trong quãng thời gian dài. Vào mùa hè, lá cây hấp thu ánh nắng mặt trời, chuyển hóa thành chất dinh dưỡng dự trữ trong thân cây. Chất dinh dưỡng này được cây sử dụng để nuôi nụ hoa trong suốt mùa đông. Nhờ vậy, nụ vẫn phát triển trong điều kiện thời tiết lạnh giá. Quá trình này diễn ra âm thầm trong nhiều tháng, từ mùa hè đến giai đoạn cuối đông. Và khi những tia nắng của mùa xuân vừa ngấp nghé thì người ta đã thấy hoa mận có ở khắp mọi nơi.
Thân cây mận trơ lá giữa gió tuyết, nhưng bên trong nó lại là một sức sống mạnh mẽ để khi mùa xuân về hoa mận trở thành loài hoa đầu tiên nở trong năm. Theo quan niệm của người Nhật, hoa mận đại diện cho sự bền bĩ, tinh thần mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn. Những bông hoa mận nở bung mình, đương đầu với cái lạnh cuối đông là hình ảnh đẹp nhất, mang tính ẩn dụ về một nghị lực phi thường.
Người Nhật cũng đi ngắm hoa mận tương tự như hoa anh đào
Nếu hoa mận tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, thì cây mận lại là biểu tượng cho sự trường tồn. Đối với nhiều người sẽ là thiếu sót nếu chỉ ngắm vẻ đẹp của hoa mận mà bỏ qua dáng vẻ của thân cây. Một cây mận được cho là đẹp phải có hoa phủ khắp cành, thân cây vững chải với những cành to vươn dài theo chiều ngang. Cây mận mọc thẳng đứng không được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ và giá trị
.Vào mùa xuân, người ta luôn luôn cắm một cành hoa mận để trang trí tại hốc tường Tokonoma – nơi quan trọng trong trà thất. Theo quan niệm của người Nhật, hoa mận tạo cảm giác ấm áp và gợi cho khách thưởng trà về những điều tốt đẹp, về sức sống đang trỗi dậy của mùa xuân.
Trong tiệc trà, khách cũng được mời dùng bánh ngọt, trong đó không thể thiếu loại bánh mô phỏng hình dáng của hoa mận.
Bánh ngọt mô phỏng hình hoa mận
Khí hậu của Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt, người Nhật dùng hình ảnh của một loài thực vật hay động vật làm đại diện cho từng mùa. Trang phục có hình trang trí hoa mận thích hợp để mặc vào mùa xuân. Đối với những chiếc kimono nền đỏ, hình ảnh hoa mận trắng giúp chiếc áo trở nên nổi bật. Ở đây, người ta không vẽ hoa văn trên áo mà sử dụng kỹ thuật thêu thủ công.
Trang phục và phụ kiện dành cho nữ giới mang hình ảnh hoa mận
Hoa mận hiện diện trên bình trà bằng gốm
Cây mận được trồng tại Nhật Bản cách nay khoảng 2 ngàn năm, nó được du nhập từ Trung Quốc cùng với cây lúa nước. Giới khoa học đã xác nhận điều này khi họ tìm thấy nhiều mẫu hóa thạch có liên quan đến cây mận tại các địa điểm khảo cổ trên khắp Nhật Bản.
Cây mận được cho là có vai trò quan trọng trong đời sống của người xưa, họ trồng chúng để làm thực phẩm. Trái mận dùng để làm gia vị và làm thuốc chữa bệnh. Người ta phơi khô những trái mận chín, bảo quản chúng cẩn thận để sử dụng dần trong năm. Mận khô có tác dụng tốt trong các bài thuốc điều trị ho, giảm đau hay cảm mạo.
Trái mận được dùng làm gia vị và thuốc chữa bệnh
Lúc đầu, hoa mận ít được mọi người để ý đến. Mãi đến thời Nara, thế kỷ thứ 8, lĩnh vực văn học, thơ ca của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trong giới quý tộc, người ta bắt đầu cảm nhận vẻ đẹp của loài hoa này.
Cùng với hoa đào, hoa cúc là những loài hoa cao quý, hoa mận trở thành đề tài trong thi ca. Các tuyển tập thơ nổi tiếng lúc bấy giờ tràn ngập hình ảnh của loài hoa này.
Đến thời Chiến quốc Sengoku, trái mận một lần nữa làm phong phú cho nền ẩm thực Nhật Bản với sự ra đời của món mận muối umeboshi. Mận muối và lương thực là nguồn thức ăn quan trọng của các binh sĩ. Mận umeboshi bảo quản được lâu và có thể mang theo ra chiến trường dài ngày, ngoài ra nó còn có tác dụng chữa bệnh đối với những binh sĩ bị thương hay mắc phải bệnh tật.
Món mận muối có mặt trong tất cả mọi gia đình Nhật Bản và trở thành món ăn quen thuộc nhất
Không chỉ là thực phẩm hữu dụng trong thời chiến, mận muối umeboshi đã được người dân sử dụng rộng rãi sau này. Hiện nay, nó là 1 trong những món ăn điển hình của Nhật Bản.
Thời kỳ nội chiến Sengoku kết thúc, người dân Nhật Bản hưởng cuộc sống thái bình dưới thời Edo. Chính quyền Mạc Phủ lúc bấy giờ ra lệnh mở rộng các khu vườn trồng mận trên khắp cả nước như một cách để tôn vinh loài cây này.
Mận muối trở thành món ăn phổ biến trong đời sống hàng ngày của người Nhật, cả đối với tầng lớp thượng lưu lẫn dân thường. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, hình ảnh quả mận muối được xem như biểu tượng của tinh thần Nhật Bản. Học sinh được rèn luyện ý chí vượt khó bằng những bữa cơm trắng ăn kèm chỉ với 1 quả mận muối.
Những bữa cơm trắng đi kèm với 1 quả mận muối là cách mà người Nhật
rèn luyện tinh thần và ý chí vượt khó
Nhiều người còn trang trí hộp cơm trưa của mình bằng cách đặt một quả mận muối umeboshi màu đỏ lên giữa phần cơm trắng để thể hiện hình ảnh quốc kỳ của nước Nhật.
Ngày nay, người Nhật có nhiều sự lựa chọn trong việc ăn uống khi các món ăn phương Tây du nhập mạnh mẽ vào nước này. Tuy nhiên, trong bữa ăn của hầu hết các gia đình, những quả mặn muối có vị chua luôn là sự ưu tiên để hỗ trợ tiêu hóa
.Hoa mận có giá trị tinh thần, trái mận có ích trong thực phẩm và dược phẩm. Nhằm khai thác hết tiềm năng của loài cây này, hiện nay nhiều doanh nghiệp ở Nhật Bản đã tung ra thị trường những sản phẩm mới làm từ trái mận.
Mứt mận dùng làm quà trong đám cưới là sản phẩm mới của một công ty chế biến mận ở tỉnh Wakayama – địa phương nổi tiếng với loại trái cây này. Mứt mận là sự đối lập hoàn toàn với mận muối umeboshi truyền thống có vị chua.
Theo quan niệm của người Nhật, trái mận mang ý nghĩa rất tốt, dựa vào yếu tố này, công ty đã nghĩ ra phương pháp xử lý từ mận chua thành mứt mận ngọt cho phù hợp với tinh thần của lễ cưới.
Mứt mận ngọt ngào được chế biến phù hợp với tinh thần lễ cưới
Ngoài ra, hình thức của túi giấy đựng quà cũng được họ chăm chút kỹ lưỡng. Bên ngoài túi quà là dòng chữ tiếng Anh ghi “Wedding Plum”, tức “Mận cưới”. Phía dưới dòng chữ này là hình 2 đóa hoa mận đang nở. Những trái mứt mận bên trong túi quà được đặt cẩn thận ở từng ngăn riêng. Món quà tuy không có giá trị về mặt vật chất, nhưng qua cách thể hiện, nó đã chứng tỏ sự tôn trọng của người tặng đối với người nhận.
Phần bỏ đi của trái mận, chẳng hạn như hạt mận, có thể được tận dụng để làm ra sản phẩm mới. Cách mà họ áp dụng là sấy khô những hạt mận, rồi sau đó đốt chúng để cho ra sản phẩm cuối cùng là than hạt mận.
So với than truyền thống, than hạt mận cứng và chắc hơn, giữ nhiệt lâu hơn. Hạt mận, từ một phế phẩm tưởng chừng như vô dụng, người ta đã tạo sức sống mới cho nó. Với sáng kiến này, người Nhật đã tận dụng hết tất cả mọi thứ trên cây mận, từ hoa, trái đến hạt. Họ đã không phí phạm những gì thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước vốn nghèo tài nguyên này.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét