Những ngư dân của vùng biển Tunisia có kỹ thuật săn bắt bạch tuộc khá đặc biệt. Họ không dùng lưới mà dùng sự kiên nhẫn và tài khéo léo để bắt loài sinh vật biển này với một dụng cụ truyền thống là một chiếc bình gốm.
Hiện nay, phương pháp bắt bạch tuộc truyền thống của người Tunisia đang dần bị mai một, chỉ những người cao niên mới còn sử dụng phương pháp ấy.
Người ta nói rằng bạch tuộc là loài sinh vật biển mà các ngư dân ở Tunisia luôn tìm kiếm. Người Tunisia bắt bạch tuộc bằng phương pháp mà người La Mã đã từng sử dụng cách nay 2.500 năm. Họ dùng những chiếc bình gốm đã qua sử dụng để bắt bạch tuộc. Ngày nay, còn rất ít người sử dụng phương pháp đánh bắt truyền thống này. Mỗi năm, khi đến mùa đánh bắt bạch tuộc, các ngư dân thường chuẩn bị những chiếc bình để ra khơi.
Theo thống kê có đến 80% lượng bạch tuộc được đánh bắt ở Vịnh Gabes, thuộc bờ biển phía đông của Tunisia. Loài bạch tuộc sống ở vịnh này thường trú ngụ tại những khu vực có độ sâu khoảng vài mét. Ước tính mỗi năm có khoảng 60.000 con bạch tuộc bị đánh bắt ở Vịnh Gabes. Nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt bạch tuộc quá mức, chính quyền Tunisia đã đưa ra hạn ngạch đánh bắt hợp lý.
Trong mỗi lần đánh bắt, khoảng 500 chiếc bình bằng gốm được buộc vào một sợi dây và thả xuống biển. Người ta không bỏ mồi vào những chiếc bình này dụ bạch tuộc mà để chúng nằm yên dưới đáy biển cho đến khi mùa đánh bắt kết thúc.
Giống như nhiều loài sinh vật biển khác, bạch tuộc cũng đi tìm mồi. Do vậy, các ngư dân chỉ cần thả những chiếc bình xuống biển để dụ chúng. Một khi đã bò vào những chiếc bình này để kiếm ăn thì chúng thường không muốn bò ra ngoài.
Bạch tuộc thường thích săn mồi ở những khu vực tối tăm. Giống như một số loài săn mồi khác dưới lòng biển, bạch tuộc thường săn bắt các loài vật thân mềm, giáp xác và những loài cá nhỏ. Do bạch tuộc thích săn mồi ở những chỗ tối nên chúng nghĩ những cái bình này là hốc đá. Thế là chúng bò vào tìm mồi và trú ngụ luôn trong đó. Khi ngư dân kéo những chiếc bình ấy lên khỏi mặt nước, chúng mới bò ra ngoài.
Những chiếc bình bắt bạch tuộc từng được dùng để đựng dầu, rượu, sữa, ngũ cốc và trái chà là. Khi không còn sử dụng nữa, người ta vứt chúng đi. Các ngư dân nhặt về để tạo bẫy bắt bạch tuộc.
Những con bạch tuộc đực đã trưởng thành thường có trọng lượng khoảng 250 gram. Còn con cái nặng khoảng 500 gram. Các ngư dân chỉ được phép bắt những con bạch tuộc nặng hơn 1 kg.
Người dân đảo Kerkennah có cách chế biến món bạch tuộc khá độc đáo. Món ấy có tên là “Kerkennah sauce”. Mỗi người đều có công thức nấu ăn riêng. Thành phần chính là tỏi, tiêu, củ hành, cà chua và một ít gia vị.
Nằm cách đảo Kerkennah khoảng 100 km về phía Tây là đảo Djerba. Cư dân trên đảo chủ yếu sống bằng nghề làm gốm, nhưng nghề này cũng đang dần bị mai một do lớp trẻ không muốn tiếp nối nghề truyền thống của tổ tiên. Cách đây vài năm, tại thị trấn nhỏ Guellala có 400 công nhân làm gốm nhưng giờ chỉ còn khoảng 40 người bám nghề. Hầu hết những người trẻ tuổi đều rời làng quê đến các thành phố lớn để làm việc. Ngư dân bắt bạch tuộc trên đảo Kerkennah thường mua bình gốm ở Guellala.
Ngày nay, ngư dân ở Tunisia vẫn sử dụng những chiếc bình gốm để bắt bạch tuộc. Nhằm bảo tồn loài bạch tuộc, Tunisia đã ban hành các quy định nghiêm ngặt về đánh bắt loài thủy sản này. Để làm tốt điều đó, các quốc gia gần Địa Trung Hải cũng cần phối hợp thực hiện tốt những quy định này để hạn chế tình trạng đánh bắt quá mức nhằm tránh gây cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên.
Hồng Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét