Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Đất nước Ethiopia

Đất nước Ethiopia nằm ở Đông Phi. Quốc gia này cũng được nhiều người biết đến với thung lũng Great Rift. Nhiều người cho rằng thung lũng này là cái nôi của nhân loại. Thung lũng Great Rift trải dài từ Hồng Hải đến Ethiopia, Kenya, Tanzania.
Cách nay 5 triệu năm, lục địa Đông Phi bắt đầu tách khỏi phần còn lại của thế giới. Vào thời đó, các khu rừng ở đây dần biến mất và được thay thế bằng những đồng cỏ, vùng đồng bằng, sa mạc, rừng cây, sông và hồ nước. Cảnh quan dần thay đổi và tạo thành hình dạng như những gì chúng ta nhìn thấy ngày nay. Sự thay đổi đó đã tác động đến cuộc sống của tổ tiên con người. Người cổ phải chuyển đến những nơi cao hơn để được an toàn. Và khi đứng ở những chỗ cao, họ dễ dàng phát hiện con mồi để săn bắt chúng làm thức ăn.
Nước hồ Langano màu nâu đỏ
Đá vôi bị bào mòn rồi trôi xuống hồ nước. Các thành phần trong đá khiến nước hồ Langano chuyển sang màu nâu đỏ.
Cách nay 150 năm, nhà bác học Darwin đã nói rằng thủy tổ của con người xuất phát từ châu Phi. Vào năm 1974, nhà cổ sinh vật học người Mỹ Donald Carl Johanson đã có nhiều phát hiện rất quan trọng. Ông đã tìm được những khúc xương vẫn còn khá nguyên vẹn của một người phụ nữ thuộc họ người Australopithecus afarensis đã sống cách nay hơn 3 triệu năm. Người ta đặt tên cho bà ấy là Lucy. Nhờ dung nham núi lửa bảo vệ, nên xương của bà vẫn còn nguyên vẹn. Người Ethiopia gọi bộ xương của bà ấy là Denkenesh.
Bộ xương của người phụ nữ được đặt tên là Lucy
Cũng ở Ethiopia, các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều công trình được xây dựng vào thời xa xưa của nhân loại trên vùng đồng cỏ của làng Tiya. Những tấm bia đá được cho là xuất hiện từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 14 trước Công nguyên. Đáng tiếc là cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết được ai đã tạo nên chúng. Có giả thuyết cho rằng, đây là nơi chôn cất thi hài vì các nhà khảo cổ phát hiện được một số mẫu xương. Tuy nhiên, họ vẫn chưa giải thích được những hình ảnh chạm khắc trên các tấm bia đá. Các tấm bia này có hình dáng tựa như những thanh kiếm mà người ta dùng để chiến đấu. Khu bia đá kỳ bí này đã được công nhận là di sản thế giới vào năm 1980.
Khu bia đá kỳ bì làng Tiya
Teff hay lovegrass là một loại ngũ cốc có thân nhỏ. Hạt của chúng có chứa nhiều protein. Ở Ethiopia, loại hạt này là thực phẩm cơ bản của khoảng 2/3 dân số. Các loài động vật được thuần hóa giúp nông dân địa phương làm việc đồng áng. Mọi công việc đều được làm bằng thủ công do không có sự hỗ trợ của máy móc. Cuộc sống của người nông dân nơi đây rất đơn giản. Họ sống gần gũi với tự nhiên. Phân trâu bò được sử dụng chứ không bỏ phí. Người ta nhặt chúng mang đi phơi khô rồi dự trữ làm nhiên liệu.
Teff là loại ngũ cốc quen thuộc của người dân Ethiopia
Ở Ethiopia, người ta trồng rất nhiều cây café. Loài cây này có rất nhiều hoa màu trắng và những chùm trái nhỏ. Khi trái chín, người ta tách vỏ lấy hạt bên trong mang đi phơi khô. Ethiopia nổi tiếng với ngành xuất khẩu café. Hiện, cây café được trồng khắp nơi trên đất nước này. Café mang đến 2/3 trong số nguồn thu nhập ngoại tệ của Ethiopia.
Cà phê mang lại việc làm và nguồn thu nhập cho người dân Ethiopia
Người Ethiopia dùng cây khuynh diệp, cây tre và lá cỏ để làm nhà. Trải qua nhiều thế kỷ, người ta vẫn sử dụng cùng những loại vật liệu xây dựng và duy trì kiểu kiến trúc lâu đời này cho đến ngày nay. Những ngôi nhà tuy đơn sơ là thế, nhưng có thể đứng vững cùng với thời gian. Người thợ phải rất khéo tay để dựng lên một ngôi nhà vừa đẹp vừa mang đậm phong cách truyền thống. Một ngôi nhà như thế chỉ mất khoảng 2 tuần là hoàn thành, nhưng nó có thể tồn tại đến 15 năm.
Một ngôi nhà được làm từ cây khuynh diệp, cây tre và lá cỏ
Haraghe là một tỉnh lịch sử của đất nước Ethiopia. Trung tâm của tỉnh là thành phố Harar. Thành phố nằm ở vị trí kết nối các nước Ả Rập với khu vực Hạ Sahara của châu Phi. Harar có nhiều đồi núi. Người dân nơi đây trồng nhiều cây café và cây Khat hay còn được gọi là cây Miraa. Cư dân ở tỉnh Haraghe rồng rất nhiều cây Khat. Nông dân phải vất vả chăm sóc từng gốc cây, đến năm thứ 3 chúng mới bắt đầu cho trái. Sau đó, người ta sẽ thu hoạch chúng hàng tháng.
Dân làng, những thương buôn, nông dân các vùng xung quanh thường tụ tập đông đúc ở khu chợ của thị trấn. Đây là chợ bán cây Miraa lớn nhất ở Ethiopia. Chợ chỉ bán loại cây này. Người trồng mang đọt lá non ra chợ bán. Người mua hàng định giá tùy theo chất lượng của bó đọt cây. Sau đó mọi người bắt đầu thỏa thuận giá cả. Khi được giá, người mua cột chúng lại thành từng bó lớn mang về. Người ta mua cây Miraa để làm gì? Khi nhai loại lá này chúng sẽ kích thích cơ thể tiết ra chất endorphine. Điều đó là do trong lá cây có chứa hợp chất Alkaloid gây kích thích mạnh lên hệ thần kinh trung ương mang đến cảm giác thư giãn, làm giảm cảm giác mệt mỏi sau khi tham gia nhiều hoạt động căng thẳng, và giảm cảm giác đói. Cây Miraa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của thị trấn này. Chúng góp phần mang đến cuộc sống khá giả cho người dân nơi đây.
Người dân Ethiopia trồng và buôn bán lá của cây Khat
Người Haraghe vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với loài linh cẩu trong nhiều thế kỷ qua. Nhiều người cho rằng, họ sẽ được an toàn khi đến gần linh cẩu và không bị ma quỷ quấy rối. Người Haraghe gọi loài vật này là linh cẩu cười vì chúng phát ra tiếng kêu tựa như tiếng cười của con người. Linh cẩu được cho là loài động vật ăn xác thối, mặc dù chúng săn mồi rất giỏi. Cái hàm của linh cẩu rất khỏe, có khả năng cắn vỡ xương voi. Linh cẩu hay đụng độ với sư tử, thường là do chúng muốn cướp mồi mà sư tử đã săn được. Tuy vậy, các cuộc chạm trán giữa chúng hiếm khi dẫn đến mất mạng, bởi linh cẩu luôn tránh đối đầu trực tiếp với sư tử, mà chờ lúc sư tử sơ hở để cướp mồi.
Người dân Ethiopia vẫn duy trì thói quen cho linh cẩu ăn vào ban đêm
Thanh Trúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét