Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Sống trọn cùng Vientiane trong 24 tiếng

Vào tháng 2 tiết trời se lạnh, còn gì tuyệt vời hơn khi bạn cùng gia đình và bạn bè thực hiện chuyến du xuân đến thủ đô Vientiane nổi tiếng thanh bình xứ Triệu Voi.

Có nhiều cách để khám phá thủ đô của nước bạn Lào. Sau đây là lịch trình một ngày gợi ý giúp bạn không bỏ lỡ những phút giây quý giá.
6h: Đến bến xe Vientiane
Có nhiều xe tuk tuk chờ sẵn và các bác tài xế đon đả mời chào du khách. Từ bến xe đi vào trung tâm thủ đô Vientiane (nằm dọc bên sông Mê Kông, nơi mà đứng bên này bờ, bạn có thể thấy nước láng giềng Thái Lan) cách 15 km và mất 20.000 kip/ người (60.000 đồng).
7h: Tìm phòng và gửi đồ lễ tân
Khu vực trung tâm thuộc quận Chanthabouly tập trung vô số khách sạn, nhà nghỉ mà tất cả các hướng rẽ đều dẫn ra con đường lớn bên cạnh sông Mê Kông. Nếu bạn lưu trú ở khách sạn có hướng nhìn ra bờ sông thì giá cả sẽ cao. Để tiết kiệm chi phí, bạn có thể chọn các khách sạn trên đường Frangcois Ngin.
8h: Dùng điểm tâm sáng tại quán ăn dân dã với các món ăn đặc trưng nước Lào.
9h – 12h: Tham quan công viên tượng Phật (Xiengkuane Buddha Park)
Bạn ra các góc đường ngã tư thuê bất kỳ một chiếc xe tuk tuk với giá 220.000 kip (576.000 đồng) đi tham quan các địa điểm nổi tiếng ở Vientiane như công viên tượng Phật, tháp Pha That Luang, chùa Ho Phra Keo và khải hoàn môn Patuxay. Một chiếc xe tuk tuk chở được 6 khách. Bạn nhớ mang theo bánh ngọt cho bữa trưa vì lộ trình tham quan ở hai hướng cách trung tâm khá xa.
Công viên tượng Phật (Xiengkuane Buddha Park) tọa lạc tại làng Thadeua, cách trung tâm Vientiane khoảng 25 km về phía đông, được nhà sư Bounlua xây dựng vào năm 1958 trong một khuôn viên rộng 4 hecta. Công viên được xem là công trình điêu khắc hoành tráng với hơn 200 bức tượng Phật lớn nhỏ với nhiều hình dáng khác nhau làm bằng xi măng, rêu phong cổ kính nhuốm màu thời gian. Có một bức tượng hình thù kỳ lạ như quả bí ngô khổng lồ đang há miệng, bên trong có ba tầng đại diện cho địa ngục, trần gian và thiên đường. Bạn có thể bước lên các bậc thang đá bên cạnh những lối đi hẹp để lên thiên đàng và nhìn ngắm toàn cảnh công viên tượng Phật. Giá vé tham quan công viên tượng Phật là 5.000 kip (15.000 đồng).
Toan-canh-cong-vien-tuong-Phat-8958-3535
Toàn cảnh công viên tượng Phật (Xiengkuane Buddha Park).
13h – 14h: Tham quan tháp Pha That Luang
Pha That Luang hay That Luang nằm ở cuối đường Lan Xang, là di sản văn hóa thế giới, biểu tượng của quốc gia Phật giáo xứ Triệu Voi. Đây là tháp xá lị lớn nhất và đẹp nhất ở Lào, được xây dựng từ năm 1566 trên phế tích của một ngôi đền Ấn Độ có từ thế kỷ 13, mặt ngoài được dát vàng. Ngọn tháp chính của That Luang được bao quanh bởi 3 lớp tường đồ sộ, trang trí bằng những cánh hoa sen sơn son thếp vàng và những ngọn tháp nhỏ lộng lẫy. Bao quanh tháp chính là một thảm cỏ xanh cùng những dãy hành lang có mái che. Trong khuôn viên có hai ngôi đền nhỏ là Wat That Luang Neua ở phía bắc và Wat That Luang Tai ở phía nam.
Giá vé vào cổng đối với người dân Lào là 2.000 kip, đối với du khách nước ngoài là 5.000 kip (15.000 đồng). Nơi đây mở cửa từ thứ hai đến chủ nhật, buổi sáng từ 8h đến 12h , buổi chiều từ 13h đến 16h. Trước khi vào tham quan, nếu du khách mặc quần ngắn hoặc váy ngắn thì sẽ được cho mượn xà rông để quấn phần thân dưới.
Thap-Pha-That-Luang-JPG-8888-1422507332.
Tháp Pha That Luang.
14h30 – 15h30: Vãn cảnh chùa Ho Phra Keo nổi tiếng bởi các tác phẩm điêu khắc quý hiếm.
Ho Phra Keo là ngôi chùa nổi tiếng ở Vientiane chỉ sau Pha That Luang, tuy được gọi là chùa nhưng chưa từng có sư ở, được xây dựng từ thế kỷ 17-18 khi vua Setthatirath chuyển kinh đô từ Luang Prabang tới Vientiane. Hiện nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu quý giá liên quan đến Phật giáo và được xem như báu vật quốc gia. Bao quanh chùa là các dãy bức tượng Phật làm bằng đồng tinh xảo. Giá vé vào tham quan là 5.000 kip (15.000 đồng).
16h – 17h: Chiêm ngưỡng khải hoàn môn Patuxay
Patuxay là biểu tượng chiến thắng của người dân Lào, nằm ngay vòng xoay đại lộ Lan Xang – đại lộ lớn nhất thủ đô Vientiane. Trước kia, khải hoàn môn Patuxay được gọi là Anou Savary (đài chiến sĩ vô danh), được xây dựng từ năm 1958. Phần dưới và bên ngoài khải hoàn môn có kiến trúc mô phỏng theo đài Arc de Triumphe (Paris, Pháp), nhưng phần trên và bên trong thể hiện những nét kiến trúc, phù điêu đặc thù Lào. Đứng trên tầng cao nhất của khải hoàn môn Patuxay, bạn có thể chiêm ngưỡng nhịp sống yên bình của người dân nơi thủ đô Vientiane.
Khai-hoan-mon-Patuxay-JPG-3543-142250733
Khải hoàn môn Patuxay.
17h30: Trở về khách sạn nghỉ ngơi và mua trước vé xe cho chặng hành trình Vang Vieng hoặc Luang Prabang (địa danh khác trong đất nước Lào mà bạn khó lòng bỏ qua).
18h:  Dạo quanh đường phố, ra khu chợ trời dọc bên bờ sông Mê Kông.
Khu chợ bày bán đủ các loại mặt hàng như quần áo, giày dép, khăn choàng, trang sức. Với 15.000 kip (40.000 đồng), bạn có thể mua một đôi bông tai đính đá lấp lánh hoặc một chiếc quần ngố.
19h: Dùng bữa tối tại một quán ăn bên đường
Hầu hết các quán ăn ở Lào đều bán cơm chiên và hủ tíu nước. Thật khó để kiếm món cơm trắng vì ít quán bán, nhưng gặp người Lào biết tiếng Việt thì nhiều. Có thể nói rằng món cơm chiên ở Lào cực kỳ ngon. Đặc biệt, quán Han Sam Euay Non nằm trên đường Chao Anou (song song với đường Frangcois Ngin, quận Chanthabouly) có cách chế biến cơm chiên lạ miệng và bắt bén. Lớp cơm chiên hơi cháy vàng như cơm cháy, trộn với dừa non, trứng chiên, bì heo thái nhỏ, thêm bún tàu và có vị chua cay mặn, ăn kèm với xà lách, húng quế, đậu đũa cắt khúc. Món gỏi cuốn rau cũng ngon độc đáo không kém bởi chén nước chấm chua ngọt cay có đậu phộng. Một bữa tối no nê với giá 15.000 kip (40.000 đồng).
20h: Vào cuối ngày, đi dạo phố đêm, tận hưởng bầu không khí trong lành và bạn có thể ghé vào các quán nước, thưởng thức hương vị bia Lào.
Phan Ngọc Hạnh

Sống chậm ở Viêng Chăn

Ở Viêng Chăn (Lào), bên cạnh một số công trình cao tầng, không khó để bắt gặp những ngôi nhà cấp bốn, những con đường cỏ mọc um tùm. Và đối với nhiều người Việt sang đây mưu sinh, Viêng Chăn yên bình, gần gũi quá đỗi nên họ đã chọn nơi đây là quê hương thứ 2 của mình. Trong hơn 20.000 người Việt đang định cư tại Lào thì có khoảng  20% người Việt có thu nhập cao. Những gia đình này chủ yếu sống ở Viêng Chăn, Champasac, Savannakhet, Khammuon, Attapeu…
Giao thông ở Viêng Chăn rất quy củ và trật tự.

Thuần hậu, gần gụi và nhường nhịn
Lâu nay Thủ đô Viêng Chăn của xứ sở Triệu Voi vẫn bình yên với những nhịp sống chậm, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Ngoài kiến trúc chùa và tháp đồ sộ, Viêng Chăn kết tinh những nét đặc trưng làm nên tính cách rất riêng của người Lào - Thuần hậu, gần gũi và nhường nhịn…Nghe lời giới thiệu của anh Minh (quê Hải Dương) đã sang Lào mưu sinh được gần 10 năm nay, chúng tôi quyết định sang thăm xứ sở Triệu Voi. 
Bình yên là cảm nhận chung của tất cả mọi người trong đoàn khi xe vừa chạm bánh đại lộ Lan Xang. Ở đây người và xe rất đông nhưng tuyệt nhiên không thấy có hiện tượng ùn tắc hay còi xe inh ỏi. Mọi phương tiện đều lưu thông một cách trật tự và đúng luật. Nếu bạn muốn rẽ ngang hay xin đường, không cần vượt ẩu,  người cùng đi sẽ sẵn sàng nhường đường, thậm chí là dừng xe chờ cho bạn đi qua họ mới tiếp tục hành trình, chậm rãi và rất bình tĩnh. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân trên cả một đại lộ Lan Xang rộng thênh thang nhưng có rất ít cảnh sát giao thông. 
Đặc biệt, người dân ở Thủ đô Viêng Chăn có nếp sống rất văn minh, không mấy khi có chuyện người đi bộ  tìm cách băng qua đường khi xe cộ đang lưu thông  và càng không thấy cảnh mua bán lộn xộn trên vỉa hè, nên đường phố khá thoáng đãng, toàn bộ không gian chỉ để dành cho người đi bộ.
Đón chúng tôi bằng một chiếc xe tuk tuk, anh Minh giới thiệu, ở đây hầu như không có xe taxi nên khách du lịch đến đây ngoài xe buýt, ô tô… thì phương tiện đi lại trong thành phố chủ yếu là xe tuk tuk. Đây là một loại xe ba bánh có gắn cabin. Xe tuk tuk không chỉ thuận tiện đi lại mà còn được trang trí khá đẹp mắt, di chuyển rất gọn.
Sang Lào được 10 năm, có lẽ cái văn hóa, phong cách và nhịp điệu sống của người dân nơi đây cũng đã thấm vào con người anh nên Minh bảo, từ lâu mình cũng đã có thói quen sống chậm. Mọi thứ đều không xô bồ, vội vã. Ngay cả việc mưu sinh cũng vậy, không bon chen, giành giật. Số tiền Minh kiếm được từ việc lái xe tuk tuk chở khách du lịch cùng xe kem lưu động của vợ đủ để hai vợ chồng và hai đứa con sống khá thoải mái ở Viêng Chăn. 
Theo anh Minh, để làm được nghề này cũng không khó, sau khi có một số vốn tiếng Lào, anh  tìm hiểu rất nhiều về văn hóa Lào, các danh lam thắng cảnh, các cơ sở thờ tự đạo Phật… để giới thiệu cho du khách. Hiện phí cho xe tuk tuk chạy trên đường phố một năm là 250.000 kíp Lào (khoảng 700.000 đồng tiền Việt). Nếu chịu khó chạy xe, thu nhập khoảng 13-15 triệu đồng tiền Việt/tháng. Được cái mọi chi phí ở đây cũng khá rẻ, nên cuộc sống như thế là tạm ổn, anh bảo vậy. 
Cũng theo anh Minh thu nhập là mục đích quan trọng nhất khi mưu sinh ở xứ người, thế nhưng còn một thứ nữa níu chân những người Việt mình đó là tình cảm nồng hậu, thân thiện, gần gũi, sống thực chất và nghĩa tình sâu nặng của những người dân Lào. Ngoài ra, an ninh trật tự xã hội ở đất nước Lào nói chung và ở thủ đô Viêng Chăn nói riêng khá tốt, không mấy khi xảy ra chuyện gây sự, đánh nhau trên đường phố và tình trạng cướp giật cũng hiếm khi xảy ra. 
Xe tuk tuk – phương tiện mưu sinh của khá nhiều người Việt ở Lào.
Ẩm thực Việt ở Viêng Chăn
Buổi tối, ở khu vực trung tâm Viêng Chăn, rực rỡ với nhiều nhà hàng, cửa hiệu. Đặc biệt, ẩm thực Việt là một thứ không thể thiếu trong thành phố này. Viêng Chăn có rất nhiều quán ăn của người Việt. Chả thế nhiều người sang đây vô cùng ngạc nhiên vì tại mỗi quán thường treo cả bảng giá tiếng Lào và tiếng Việt. Chúng tôi gọi mỗi người một tô phở to bởi anh Minh giới thiệu vị phở ở đây cũng không khác mấy Hà Nội, mỗi tô nhỏ giá 17 ngàn kíp (khoảng 45 ngàn đồng Việt), tô to 20 ngàn, tô đại 25 ngàn. 
Ngoài ra khẩu vị người Lào tương đối giống người Việt, đa phần món hơi ngọt hoặc hơi cay chút. Đó cũng là lý do để các món ẩm thực Việt được người Lào đón nhận. Những món như hủ tíu, mì thịt, bánh mỳ, bánh cuốn… có giá từ 12.000 - 15.000 kíp/suất.
Chị Mai Hoa, chủ một quán ăn của người Việt ở Viêng Chăn cho biết, việc kinh doanh buôn bán ở đây cũng khá thuận lợi nhưng khó giàu vì mức sống của người dân Lào cũng gần tương đương với người dân Việt Nam. Hai vợ chồng chị Hoa sang đây cũng được hơn 10 năm, chăm chỉ làm ăn, số tiền tích lũy từ cửa hàng ăn này cũng đủ lo cho 2 đứa con ăn học và  trang trải cuộc sống 4 người. 
1 tuần liền, được anh Minh dẫn đi thăm quan rất nhiều danh thắng ở Viêng Chăn chúng tôi cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cũng là phố xá, đô thị nhưng nếu ở Việt Nam, tại các thành phố lớn, người ta tranh thủ từng giờ từng phút, cả đêm để buôn bán mưu sinh thì những người dân ở đây ngược lại. Họ cứ từ tốn và chỉ hoạt động buôn bán trong giờ hành chính. Nhiều hôm, chúng tôi ra cửa hàng tạp hóa tìm mua một số vật dụng sinh hoạt, thật ngạc nhiên khi 11 giờ trưa  chủ cửa hàng đã đóng cửa và từ chối: Đến giờ nghỉ trưa rồi. Còn buổi chiều, cứ khoảng 4 giờ là thấy họ bắt đầu lục tục dọn hàng. Ngay cả anh xe ôm chở chúng tôi đi tham quan cũng vậy. Xe đang bon bon chạy, ngó đồng hồ xong anh nhẹ nhàng dừng lại “trả khách” và xin đủ số tiền quãng đường đã chở.
Người dân Lào niệm về cuộc sống khá đơn giản, họ ít ganh ghét, bon chen về chuyện giàu nghèo, địa vị. Cuộc sống từ tốn và chậm rãi. Chả thế mà, ở giữa một thủ đô lớn nhất nước Lào, bên cạnh một số công trình (cao không quá 5 tầng), người ta vẫn dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà cấp bốn, những con đường cỏ mọc um tùm. Và đối với nhiều người Việt sang đây mưu sinh, Viêng Chăn yên bình, gần gũi quá đỗi nên họ đã chọn nơi đây là quê hương thứ 2 của mình. Hiện tại  có khoảng 20.000 người Việt đang định cư tại Lào
    Trường Giang

Ghé thăm Viêng Chăn bình yên


Đã không ít người từng đến Thủ đô của đất nước Lào. Họ chụp được nhiều bức ảnh về thành phố xinh đẹp này, nhưng có lẽ hình ảnh đẹp thôi dường như chưa đủ để nói về Viêng Chăn bình yên, đáng mến.

Khi tôi tản bộ trên những con đường ở Viêng Chăn tôi luôn nhận được lời mời của các tài xế xe tuk-tuk với thái độ niềm nở. Nếu từ chối họ cũng cười mà thôi, tuyệt đối không có chuyện tranh giành khách, hay cau có, khó chịu. Bến xe bus của Viêng Chăn những ngày giáp Tết cổ truyền Bunpimày (8/4-14/4) nhộn nhịp hơn bình thường nhưng bạn sẽ không nghe thấy âm thanh to tiếng hay bất cứ sự tranh giành cãi cọ nào xảy ra. Và nếu có một sự việc rắc rối nào đó chắc hẳn là chuyện kì lạ ở nơi đây hoặc do những người nước ngoài.
Những con phố luôn sạch đẹp, rác được bỏ đúng vị trí! Người dân luôn vui vẻ, nhẹ nhàng với khách du lịch hay với người xung quanh. Môt thoáng ghé qua thành phố này chưa đủ hiểu hết văn hóa lối sống nơi đây nhưng những ấn tượng ban đầu này như lời hứa chắc nịch "Sẽ có lần thứ hai tôi ghé lại thành phố bình yên này".
Ghé thăm Viêng Chăn bình yên - 1
Tháp Ba Nụ từ đằng xa xa.
Ghé thăm Viêng Chăn bình yên - 2
 Ghé thăm Viêng Chăn bình yên - 3

Hoa bọ cạp vàng nở rực rỡ mọi nơi.
Ghé thăm Viêng Chăn bình yên - 4

Vườn tượng là địa điểm không nên bỏ qua nếu bạn muốn tìm hiểu Phật giáo nơi đây.
Ghé thăm Viêng Chăn bình yên - 5
Ghé thăm Viêng Chăn bình yên - 6
Ghé thăm Viêng Chăn bình yên - 7
Ghé thăm Viêng Chăn bình yên - 8
Ghé thăm Viêng Chăn bình yên - 9


Thành phố Viêng Chăn khi lên đèn bình yên đến kỳ lạ.
Ghé thăm Viêng Chăn bình yên - 10

Bên bờ sông Mê Công.
Ghé thăm Viêng Chăn bình yên - 11

Món nướng là ẩm thực đặc trưng của người dân Lào.
Ghé thăm Viêng Chăn bình yên - 12


Bên bờ sông Mê Công kê những... thùng rác trông khá "thẩm mỹ".
Ghé thăm Viêng Chăn bình yên - 13

Người dân luôn gần gũi niềm nở với du khách.
(Theo Infonet)


Khám phá Thủ đô của đất nước "Triệu Voi" - Lào



Cùng khám phá thủ đô Viêng Chăn của nước bạn Lào và tìm hiểu những nét văn hóa được người Việt tại đây gìn giữ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét