Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Chùa Quy Sơn - Shangri-La

Nằm ở phía Nam của khu phố cổ Shangri-La, chùa Quy Sơn tọa lạc trên một quả đồi nhỏ bên trong công viên Đại Quy Sơn. Đây có thể được coi là một trong những vị trí đắc địa nhất tại Trung Điện. Từ ngọn đồi này có thể phóng tầm mắt nhìn ra khắp thành phố Shangri-La, cả phần hiện đại lẫn khu phố cổ.

Để lên tới khu vực trung tâm của chùa Quy Sơn, người ta phải đi qua một cái cổng và một khu nhà mang đường nét kiến trúc Hán đặc sệt. Sau đó, vượt thêm vài chục bậc thang, bạn sẽ thấy chùa Quy Sơn mang nét kiến trúc Tạng truyền thống và chiếc chuyển kinh luân khổng lồ ở ngay trước mắt.

Chúng tôi tới đây thì trời đã nhập nhoạng và đã hết giờ được vào thăm chùa, đành đi dạo ở phía ngoài. Ấn tượng lớn nhất chính là chiếc chuyển kinh luân được dát vàng cao lừng lững ở mé phải chùa Quy Sơn. Chiếc chuyển kinh luân này hầu như lúc nào cũng quay bởi luôn luôn có người tới đây để quay những vòng luân hồi. Những vòng quay ấy chỉ ngừng lại khi trời tối hẳn.


Toàn cảnh quả đồi và chùa Quy Sơn. Ảnh: Candy.

Chiếc chuyển kinh luân khổng lồ là một điểm nhấn đặc biệt của chùa Quy Sơn. Theo các bạn Tàu thì đây là chiếc chuyển kinh luân lớn nhất thế giới. Các bạn ấy cũng thật hài hước, ngoài đất Tạng ra thì người ta còn dựng lên một chiếc chuyển kinh luân chí ít là ngang phân để làm gì cơ chứ.

Chiếc chuyển kinh luân này cao tới 21m (ngang với một tòa nhà 7-8 tầng) và nặng tới 60 tấn, toàn bộ được dát vàng sáng lóa cả một góc trời. Trên phần thân của chiếc chuyển kinh luân khổng lồ, người ta trang trí các biểu tượng của phật giáo Tạng truyền, hình các vị thần, núi non, sông nước, tu viện, stupa, hình các dân tộc của Vân Nam, những cánh sen và cả chữ Vạn - biểu tượng của Phật giáo.

Sừng sững trên quả đồi ở phía Nam của thành phố, chiếc chuyển kinh luân dát vàng đã trở thành một biểu tượng của Shangri-La.


Chiếc chuyển kinh luân khi trời tối. Ảnh PeterPan

Shangri-La - Núi tuyết Thạch ca



Không thể thiếu kinh phướn của người Tạng tại một đỉnh núi tuyết như Shika.

Trước chuyến đi Sangri-La, tôi chẳng hề biết chút gì về Thạch Ca. Mọi sự ngưỡng vọng và mong ước được dồn cả cho núi tuyết Ngọc Long và hơn cả là núi tuyết Mai Lý - nóc nhà của tỉnh Vân Nam. Thế nhưng, như một sự sắp đặt ngẫu nhiên nào đó, tôi đã không thể tiếp cận độ cao 4605m để ngắm Ngọc Long Tuyết Sơn vì tuyến cáp treo lên đây đang sửa chữa và rồi cũng chẳng thể chiêm ngưỡng ngọn núi được coi là một trong những biểu tượng của Lệ Giang từ độ cao khoảng 3000m vì một màn mưa mịt mù. Mai Lý Tuyết Sơn càng trở nên xa vời vì tuyến đường Trung Điện - Đức Khâm đang trong quá trình nâng cấp, chỉ mở 3 ngày 1 lần và phải mất tới hơn nửa ngày cho một hành trình khoảng 200km trong điều kiện đường xá cực kỳ tồi tệ.

Thế rồi, Thạch Ca Tuyết Sơn xuất hiện như một vị cứu tinh. Lần đầu tiên tôi được biết tới ngọn núi tuyết này là khi lên kế hoạch di chuyển với bác tài đi cùng cả đoàn suốt tuyến Lệ Giang - Shangri-La - Lệ Giang. Ngay khi biết rằng ở Shangri-La cũng có một núi tuyết có thể lên tới đỉnh bằng cáp treo, tôi và các bạn của mình đều quyết lên bằng được cho bõ công lặn lội cả ngàn cây số.

Núi tuyết Thạch Ca cao 4500m, cách trung tâm Shangri-La khoảng 7km và chỉ cách biên giới gần nhất giữa Trung Quốc với Myanmar khoảng 90km. Trong tiếng Tạng, tên của ngọn núi tuyết này ám chỉ một ngọn núi có rất nhiều... hươu. Chi tiết thú vị này bắt nguồn từ câu chuyện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chuyển pháp luân cho 5 vị tỉ-kheo tại vườn Lộc Uyển với hình ảnh 2 con hươu quỳ gối đã rất quen thuộc trong Phật giáo Tạng truyền (xem thêm tại đây).

Thạch Ca không phải là một núi tuyết vĩnh cửu và có nhiều thời điểm trong năm nó cũng khoác lên mình màu xanh của cây cỏ. Tuy nhiên, chúng tôi tới đây vào cuối xuân và tuyết vẫn còn dày tới cả mét trên đỉnh núi.

Để lên tới đỉnh cao 4500m, chúng tôi phải đi qua 2 chặng cáp treo liên tiếp với giá vé trọn gói cho mỗi người là 220Y. Giá gốc được in trên vé là 270Y nhưng chẳng rõ vì sao cả đoàn chúng tôi được giảm 50Y/người bởi "thẻ sinh viên" không được chấp nhận tại đây. 9/14 người trong đoàn quyết định sẽ "chinh phục" độ cao 4500m bất chấp việc bác tài khó tính liên tiếp khuyến cáo về hội chứng độ cao và những cơn gió cực mạnh ở trên đỉnh núi.

Và không ai trong số 9 người "liều mạng" cảm thấy phải hối tiếc sau khi "lên đỉnh"...


Bản đồ các điểm tham quan chính mà chúng tôi đã ghé qua trong chuyến đi.


Những con đường gỗ cắt ngang dòng sông... tuyết.


Phía xa kia chính là đỉnh cao 4500m của núi tuyết Shika.

Nếu tuyết không phủ dày lút từng bước chân, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu một chuyến trekking thú vị kéo dài 6 giờ ngay sau khi trải qua 35 phút ngồi cáp treo. Xung quanh đỉnh cao 4500m của núi tuyết Shika là rất nhiều điểm tham quan mà đáng chú ý nhất là hồ Lingxi. Khi chúng tôi lên tới trạm cáp treo cuối cùng, tuyết phủ trắng và tạo thành một lớp xốp dày trên mặt đất. Bởi vậy, sẽ không có một chuyến trekking nào cả. 9 người sẽ chỉ dạo chơi quanh khu đỉnh núi mà thôi.

Trời cực kỳ lạnh, gió thổi ào ào như gào thét. Gió mạnh đến nỗi có cảm giác nó sẽ hất tung 9 người chúng tôi bất cứ lúc nào. Chưa hết, tuyết bắt đầu rơi ào ạt. Sự hứng khởi và thích thú vì không ai bị hội chứng độ cao (2 bình oxy với giá 90Y hoàn toàn không được dùng đến) đã nhanh chóng được thay bằng sự lo lắng trước cơn mưa tuyết xối xả với từng nắm tuyết dội lên mấy người chúng tôi.



Những con đường gỗ rất trơn nên cách di chuyển khôn ngoan và hiệu quả hơn lại là dẫm lên lớp tuyết xốp để tránh bị trượt. Tuyết dày đến nỗi lút gần tới đầu gối của mấy anh em còn mấy chị em thì chắc phải qua đầu gối nhưng chính vì thế mà bước chân vững hơn, không lo bị ngã. Dò dẫm từng bước trong lớp tuyết dày, chúng tôi chỉ trở lại con đường gỗ khi tới gần điểm có đặt tảng đá ghi nhận độ cao 4500m. Đó là điểm dừng chân thứ hai và cũng là cuối cùng của 9 người trong chuyến dạo chơi trên đỉnh Shika.

Lên tới đây mới thấy những người chinh phục được đỉnh Everest cao 8848m hay những đỉnh núi cao 7000-8000m khác quả thật phải có thể lực và ý chí phi thường. Chúng tôi mới lên tới độ cao 4500m mà đã thấy gió thét ào ào, tuyết rơi ầm ầm, lạnh thấu xương và chỉ có thể dạo chơi trong khoảng hơn nửa giờ đồng hồ. Vậy mà, những người leo lên tới đỉnh Everest còn phải đương đầu với những điều kiện khắc nghiệt hơn nhiều ở một độ cao gần gấp đôi so với độ cao mà chúng tôi lên được bằng... cáp treo.

Dẫu sao thì với những kẻ nghiệp dư như chúng tôi, việc lên tới độ cao 4500m bằng cách nào đi nữa cũng có thể coi là một trải nghiệm đáng nhớ. Với riêng PeterPan, việc tăng thêm được gần 500m độ cao so với lần "chinh phục" đỉnh đèo Tuyết Sơn Lương ở Tứ Xuyên cũng có thể được coi là một gạch đầu dòng đáng kể sau chuyến đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét