Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Nam Lào mộc thật mộc

LTS: La Lay chính thức trở thành cửa khẩu quốc tế từ 25.6.2014, nối liền Dăkrông, Quảng Trị với Nam Lào. Nói nào ngay, tỉnh Salavan giáp với cửa khẩu này ít danh lam thắng cảnh, nhưng những nét hoang sơ mộc mạc của Salavan và cả Champasak kề bên sẽ là những điểm lạ hấp dẫn khách du quá bước đến đây.
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Salavan là tỉnh cực đông nam, Champasak là tỉnh cực nam nước Lào, gần đất nhưng cách đường với nước Việt vì rừng núi hùng vĩ thâm u. Champasak bắt đầu được biết đến từ khi Bờ Y thành cửa khẩu quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang hoạt động cũng như lắm xe gỗ ùn ùn ngược về xứ Việt. Đến cửa khẩu trễ, tôi chỉ còn cách tìm xe đi nhờ đến Pakse, thủ phủ tỉnh Champasak. May gặp anh Diệp, doanh nhân Việt tự chạy xe hơi sang xứ bạn cho đi ké. May mắn hơn, anh rủ rê đi Salavan (vì anh đến đó công tác), mai mốt hẵng về Pakse, tôi sung sướng gật đầu lia lịa. Thêm ông anh, biết thêm miền đất lần đầu nghe tên, thì còn gì bằng!
Mộc mạc ở chốn “không mộc mạc”
Salavan đìu hiu vắng vẻ. To lớn nhất là những toà công sở vừa mới nên vóc. Đường phố một hai phố trải nhựa, còn lại đất đỏ tèm lem, chợ tỉnh mà như chợ xã quê mình. Nhưng tín đồ ăn nhậu yêu thích đồ rừng đặc sản sẽ mẩn mê khi đến đây – vì khắp nơi trong chợ đầy dẫy những đặc sản giờ đã đỏ con mắt tìm kiếm ở quê nhà. Cũng chẳng sợ bị bơm, ngâm ướp formol, những con thú nhỏở đây lơn tơn bò, ngoe nguẩy quẫy. Thú lớn thì thịt tươi đỏ từng tảng ngồn ngộn.
Không khuyến khích, xúi giục nên không liệt kê cụ thể những món đó, nhưng hình ảnh khu chợ đầy ắp phẩm vật núi rừng là một nét lạ cuốn hút của Salavan. Cũng từ núi rừng, hiền lành hơn, tươi ngon hơn và không sợ bị phun thuốc tăng trưởng, ngâm tẩy trắng bởi axít oxalic, tưới nhớt thải… là những gánh, những đòn măng lồ ô, tre, những bó rau rừng… các phụ nữ, em bé dân tộc toòng teng gánh xuống phố, bày lềnh ở chợ. Những gánh măng lạ, những khuôn mặt lem luốc nhưng ngời sáng của các bé sẽ là những khuôn hình đẹp yêu thích của khách du dù Âu Mỹ hay Việt.
Đến Salavan, nhìn nếp sống ngày thường mộc mạc đã hay, theo chân đại gia gỗ xứ Việt tìm hiểu cuộc sống về đêm càng ngỡ ngàng bởi nét chơn chất còn giữ – kể cả những nơi thiết nghĩ sự mộc mạc rất khó còn. Thẳng tiến đến những dây đèn nhấp xanh nháy đỏ. Rồi sốc nhiều tập. Tỷ như Beer Lào quán bình dân 10.000 kip/chai 640ml (# 27.000 đồng), ở quán có phục vụ xinh đẹp vẫn vậy. Còn nhiều thứ… nhưng cái sốc cuối, lớn nhất là khi cái hoá đơn có ghi rõ tiền tip 10.000 kip/nhân viên! Câu chuyện sốc này vẫn theo tôi đến giờ khi trà dư tửu hậu!
Hoàng hôn rực đỏ trên dòng Mekong ở Siphandon.
Hoàng hôn rực đỏ trên dòng Mekong ở Siphandon.
Thiên đường du lịch giá cũng rất “mộc”
Rời Salavan, lắc lư theo chiếc xe đi mất năm giờ cho khoảng 85km, tôi đến Pakse, thủ phủ Champasak. Lại tiếp tục ngỡ ngàng với nét mộc mạc khác nơi đây. Khác Salavan, Champasak có nhiều danh lam thắng cảnh. Kể nhanh thì có ngôi đền Vat Phou 1.000 năm tuổi, làng voi Kiet Ngong lạ lẫm, cột đá Phou Asa bí hiểm, thác lớn nhất Đông Nam Á Khone Phapheng, cá heo nước ngọt trên Mekong… Nhưng nhiều lắm thì đi vài ngày cũng hết, trong khi đó rất nhiều du khách Âu Mỹ lưu lại Champasak, nhất là ở vùng Siphandon cả tháng trời – chỉ vì yêu thích cuộc sống mộc mạc nơi miền sông nước 4.000 đảo này.
Mệnh danh thiên đường của dân balô, các đảo Don Khong, Don Khone, Don Det của Siphandon có nhiều khách sạn nhà nghỉ. Hầu hết là nhà sàn mái tranh vách lá ven theo bờ Mekong, mà bên kia con đường hẹp té, nếu không phải là nhà dân heo bò gà qué tung tăng, con nít chơi đùa í ới… thì là những cánh đồng xanh ngắt. Nên, cứ như đang hoà vào cuộc sống mộc mạc người quê. Dịch vụ cũng mộc chẳng kém.
Ngày trước nếu không đi đò tìm ngắm cá heo, xem thác thì chỉ có cho thuê xe đạp lòng vòng… Giờ thêm thuyền kayak, phao thả trôi lơn tơn theo sông… Vậy thôi, nhưng khách vẫn chết gí chẳng muốn rời. Vì không chỉ dịch vụ dân dã, giá cả ở đây cũng “mộc” chẳng kém. Như các nhà sàn bình dân, giá năm 2007 chỉ 10.000 kip (# 27.000 đồng), năm 2013 là 15.000 kip (# 40.000 đồng)/phòng, mà nếu tiết kiệm có thể nhét hai người trong phòng và hai người đòng đưa trên võng ngoài hiên để gió Mekong ru giấc Nam Kha. Còn được bonus hoàng hôn ráng vàng lộng lẫy hay ban mai hồng lênh đênh tiếng chuông chùa trên sông…
Thức ăn, các bà, mẹ quê nấu trong bếp nhà, cũng cỡ 30.000 – 40.000 đồng/phần. Bia bọt giá 10.000 kip/chai 640ml dường như đồng nhất toàn quốc, toàn Siphandon… Bởi vậy, đến đây thấy các bạn Tây chiều tắm sông cùng lũ con nít, tựa gốc dừa đọc sách, ai qua cũng biết tên chào… Mới biết các bạn ở đây cũng lâu lắm rồi.
Sau lần đầu, tôi cũng đã dừng lại Siphandon thêm mấy lần. Những chiều ra bờ tây Don Det ngắm hoàng hôn rực cháy trên những con nước rồi sẽ xuôi về miền Nam nước Việt, càng thấy yêu thêm miền đất đẹp đơn sơ này. Và biết rằng mình sẽ còn về lại. Nhiều lần!    
bài và ảnh: Trần Thái Hoãn
Ở Don Det nhiều dịch vụ vẫn còn đơn sơ.
Ở Don Det nhiều dịch vụ vẫn còn đơn sơ.
Thuê phao bơi, thả trôi trên dòng Mekong là dịch vụ mới.
Măng rừng xuống phố ở Salavan.
Măng rừng xuống phố ở Salavan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét