Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Đến đảo Jeju, mua… đá đen về làm quà

Từ những cục đá đen thô, những người thợ đã chế tác nên hàng trăm món đồ với hình dáng khác nhau để làm quà lưu niệm cho du khách ghé thăm đảo Jeju.
Đảo Jeju của đất nước Hàn Quốc đã rất nổi tiếng khi trở thành bối cảnh của nhiều bộ phim của xứ sở kim chi. Và ít ai có thể ngờ rằng hòn đảo đẹp đủ bốn mùa trong năm họ đang đi dạo được hình thành từ dung nham núi lửa. Trên đảo Jeju, đâu đâu cũng là đá. Đá trên đảo có màu đen, xốp nhẹ và hút nước. Đá nằm hai bên đường đi, dọc theo bờ biển, đá chen những rừng hoa, nhoài mình ra xa bờ, xung quanh những vườn quýt. Đá được tạc tượng, đá để xây nhà, đắp cổng làm hàng rào bao phủ, làm ranh giới phân định các làng xóm với nhau.
Cùng với đá, người dân đảo Jeju đã khéo léo tạo nên một hòn đảo thơ mộng của riêng mình bằng những thảm hoa. Họ trồng cùng một loại hoa trên khắp một vùng đất rộng. Mỗi loại hoa mang màu sắc riêng. Hoa anh đào được trồng dọc hai bên các con đường trên khắp đảo, trên những con đường mòn, trong các khu vườn. Hoa cải vàng được trồng thảnh những thảm rộng bên sườn đồi thoải dọc sát biển. Hoa đỗ quyên được trồng suốt dọc những con đường dẫn lên miệng núi lửa đã ngừng hoạt động Hallasan và Seong San. Những đám cỏ cũng được quy hoạch sát bên bờ biển. Cùng với đó là vô vàn những loài hoa khác trong những khu vườn, bên hàng rào, trên ban công…
Để rồi mỗi mùa trong năm lại có muôn vàn loài hoa nở rộ, khiến du khách được chiêm ngưỡng những khung cảnh ngoạn mục nhất. Hoa chen với đá. Dưới bầu trời xanh nắng ấm, gió nhẹ đưa, đám cỏ ràn rạt theo tiếng gió, muôn loài ong bướm rộn ràng bay lượn, khung cảnh thật thanh bình, dễ chịu.
Đến đảo Jeju, Hàn Quốc, không ai không biết đến nhân vật Harubang (ông nội), người được coi là người bảo vệ cho làng và hòn đảo. Ở đâu cũng thấy tượng Harubang được tạo bởi nham thạch như Harubang đứng trước biển, trước cổng làng, tại các điểm du lịch… Harubang cũng trở thành biểu tượng của đảo Jeju và được tạc thành các những món quà lưu niệm đáng yêu. Các món quà làm bằng nham thạch với nhiều hình dáng tỉ mỉ. Giá của các mặt hàng khá cao nhưng tinh xảo và đẹp mắt.
Harubang người bảo vệ cho hòn đảo
Các bức tượng bằng đá núi lưa để làm quà lưu niệm cho khách du lịch
Ở Jeju, bạn không được phép mang đá thô nhặt ở ngoài đường hay bãi biển mang về làm đồ lưu niệm. Đó là luật lệ được đặt ra để người dân Jeju bảo vệ ‘đặc sản’ của mình. Đá núi lửa là tài sản quốc gia của người Hàn Quốc nên bạn không được tự ý lấy nó và mang đi. Những mẫu đá này sẽ bị tịch thu tại sân bay khi bạn rời khỏi đây.
Nếu muốn mang đá về nhà, bạn chỉ có thể mua các bức tượng được làm bằng đá. Đó là những sản phẩm đã được chế tác và làm thành món quà lưu niệm có giá trị cao. Đó cũng là một cách tích cực để bảo vệ tài sản quốc gia và nâng cao giá trị của những món quà dân gian truyền thống. Các sản phẩm đá tại điểm du lịch đôi khi có giá rẻ hơn các quầy hàng lưu niệm trên phố. Đá được bọc cẩn thận trong hộp cho du khách mang về.
Những tượng đá lớn nhỏ, những chiếc móc chìa khóa bé xinh, Harubang xù xì thô nhám… tất cả đều là những món quà thú vị có thể mang về sau hành trình khám phá hòn đảo thiên đường.
Theo afamily

Truyền thuyết về tượng đá kỳ bí Dol hareubang ở đảo Jeju

Đảo Jeju (Hàn Quốc) không chỉ đẹp với vô số những cột đá hình hài khác nhau mà còn bởi câu chuyện truyền thuyết về hai pho tượng đá Dolhareubang.

Jeju là hòn đảo được hình thành bởi sự phun trào của núi lửa trong một thời gian dài. Bởi vậy, nơi đây ngập tràn đá núi lửa. Đá không chỉ tạo nên những bức tượng với vô số hình hài khác biệt mà còn có mặt trong đời sống của người dân. Đá được mang ra xây nhà, được đắp thành cổng và tường bao quanh nhà, được dùng làm cột mốc phân chia… Tổng chiều dài đá Jeju ước tính khoảng 36 triệu km, tương đương với chiều dài một vòng trái đất.
Tượng đá trên đảo Jeju
Tượng đá trên đảo Jeju
Chính đá đã tạo ra sự hấp dẫn đặc trưng rất riêng của Jeju. Không chỉ vậy, đá còn tạo nên truyền thuyết về hai pho tượng đá “Ông nội – Bà nội” vẫn đang sừng sững bảo vệ hòn đảo Jeju.
Truyền thuyết về “Ông nội – Bà nội”
Nếu đến với Jeju, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy những bức tượng có hình “Ông nội – Bà nội” (hay còn được gọi với những cái tên Dol hareubang, Hareubang hoặc Harubang) ở khắp mọi mọi nơi, từ các điểm thăm quan du lịch, trên đường phố đến trước cổng mỗi căn nhà trong các ngôi làng dân tộc…
Người dân trên đảo kể lại rằng, tổ tiên của người Jeju chính là “Bà nội”. Tượng “Bà nội” không chỉ được đặt ở cổng làng để làm “người giữ làng” mà còn được người Jeju sử dụng làm cột mốc đánh dấu một khoảng cách nhất định trên những con đường. Mỗi khi vượt qua một chặng đường, chỉ cần đếm số tượng “Bà nội”, người ta sẽ tính được khoảng cách mà mình đã đi qua.
Rồi sau này, để ngăn không cho xe tải vào làng, người Jeju cho tạc thêm tượng “Ông nội” đứng đối diện với “Bà nội” ở phía bên kia cổng làng. Khoảng cách giữa hai pho tượng chính là giới hạn cho phép các loại phương tiện có thể lưu thông trên đường làng. Cho dù một ngày đẹp trời hoặc ngày có giông bão, ông bà đá đều đóng vai trò như những người vệ sỹ bảo vệ hòn đảo thoát khỏi tất cả những điều kỳ quái.
Bức tượng
Bức tượng "Bà mẹ của Jeju". Người phụ nữ ở Jeju phải gánh rất nhiều trách nhiệm với việc kiếm sống, nuôi dạy con cái cũng như rất nhiều công việc khác...
Sau đó, hai pho tượng được gắn thêm ý nghĩa phồn thực với mong muốn phát triển dân số ở nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nếu muốn sinh con trai, người dân Jeju sẽ đặt tay lên mũi “Ông nội”, còn nếu muốn sinh con gái thì đặt tay lên mũi “Bà nội”.
Ngày nay, nhiều du khách cũng đến Jeju và đặt tay lên mũi “Ông nội – Bà nội” như một điều may mắn về chuyện con cái.
Vườn hóa thạch đặc biệt nhất Jeju
Sẽ rất khó tưởng tượng nếu như Jeju không có đá. Đá của Jeju được dùng để tạc tượng, làm bia mộ nên nó tồn tại cùng thời gian với linh hồn những người đã khuất. Đặc biệt, các bức điêu khắc được làm từ đá Bazan chứa đựng sự tồn tại duy nhất của người Jeju. Bởi vậy, đá của Jeju không thể mang ra khỏi hòn đảo. Du khách chỉ có thể mang đi những món đồ kỷ niệm nhỏ mà người nghệ nhân Jeju đã khéo léo tạo ra.
Đến thăm Vườn hóa thạch Geumneung, ta sẽ bắt gặp những bức tượng đá với nhiều hình thù khác nhau. Không chỉ là những bức tượng “Ông nội – Bà nội” đã trở nên quen thuộc, mà còn có những bức tượng Phật làm bằng đá, những mô hình đá nhỏ kể lại cuộc sống bình dị của người dân, đặc biệt là những bức tượng đá miêu tả số phận của những người phụ nữ Jeju.
Đây là nơi thể hiện rõ và chân thực nhất cuộc sống sinh hoạt của Jeju thông qua những hòn đá mà nghệ nhân Jang Gong Ik đã điêu khắc trong suốt 60 năm. Ông Jang Gong Ik chia sẻ rằng, với người dân Jeju, những bức tượng đá xung quanh làng là vị thần của họ, là nơi chứa đựng và nuôi dưỡng tâm hồn của họ. Chỉ với niềm tự hào là người con của Jeju, ông đã bắt tay vào thực hiện bức tượng đầu tiên khi mới 16 tuổi.
Mỗi ngày, ông Jang Gong Ik nghĩ ra ý tưởng và tạc các bức tượng trong 8 giờ đồng hồ. Nghệ nhân Jang Gong Ik chỉ sử dụng đá Bazan để tạc tượng bởi tính chất xốp, nhẹ, hút nước, bền dáng dưới thời tiết và màu sắc không phai. Đá thường có màu đen hoặc màu xám tro của núi lửa. Tính trung bình, một năm ông tạo ra được khoảng 80 tác phẩm. Đến nay, con số đó lên đến hơn 100.000 bức tượng.
Hoạt cảnh bằng tượng đá miêu tả cuộc sống của người phụ nữ Jeju
Hoạt cảnh bằng tượng đá miêu tả cuộc sống của người phụ nữ Jeju
Hiện tại, ở tuổi 86, khi mái tóc đã bạc, khi đôi tay chai sần đã không còn nhiều sức để cầm cái đục, cái đẽo… ông lại cố gắng đem những bức tượng mình đã tạc trong suốt 60 để tạo thành Vườn hóa thạch Geumneung, mở cửa miễn phí cho du khách muốn tìm hiểu về con người và văn hóa Jeju.
Nghệ nhân Jang Gong Ik chia sẻ rằng: “Tôi không thể làm công việc này mãi được, thế nên tôi đã truyền nghề cho con trai tôi. Chỉ có chúng tôi – những con người của Jeju mới tạo ra được những sản phẩm phản ánh cuộc sống và văn hóa của Jeju. Cho dù sau này, khi không còn ai làm công việc này nữa thì những bức tượng như "Ông nội - Bà nội" sống mãi với thời gian sẽ là thứ thuyết minh rõ nhất cho mọi người về Jeju và con người Jeju”.
Theo Thanh Thanh/VOV.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét