Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Hành trình trên đất Ang Kor

Đăng Bởi  - 
Ảnh: Visit-mekong
Ảnh: Visit-mekong

Những ngày cuối tháng 9, theo lời “rủ rê” của một anh bạn hướng dẫn viên du lịch, tôi cầm hộ chiếu, vượt biên giới Tây Nam để bắt đầu một cuộc hành trình trên đất nước của những đền tháp Ang Kor huyền thoại, vương quốc Campuchia.
Từ TP.HCM đi đến thủ đô của đất nước chùa Tháp, bạn sẽ có hai lựa chọn: hoặc đường hàng không xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất hoặc đường bộ qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Và tất nhiên, tôi chọn chiếc vé giá 10 USD để lên đường, bởi ngoài việc tiết kiệm ra (giá vé máy bay khoảng  150 – 200USD), chắn chắn cung đường từ TP.HCM đến Phnom penh sẽ cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị.   
   Khu vực cửa khẩu biên giới VN - Campuchia  
Dọc đường vào đất Ang-kor 
Đường từ TP.HCM đến cửa khẩu Mộc Bài (người Campuchia gọi là Ba – Vét) khoảng 70 cây số. Con đường xuyên Á nối liền hai điểm này khá rộng và thoáng nên xe đi khoảng hơn một tiếng là đến cửa khẩu. Tranh thủ khoảng thời gian dừng lại để hoàn thành các thủ tục xuất cảnh, tôi tiếp cận một anh chạy xe ôm người Campuchia nói tiếng Việt khá sỏi. Biết tôi muốn “hóng chuyện” cờ bạc, anh này bảo, so với cách đây vài năm, chuyện cờ bạc giờ đã giảm nhiệt nhiều bởi người chơi hầu hết đã “cạn tiền”.  Như để cho tôi hiểu thêm, anh cho biết khu vực này có trên dưới chục sòng bạc lớn nhỏ, hầu hết đều do các ông chủ người Ma Cau, Malaysia đứng ra xây dựng (một số ít người Việt có phần hùn ở các sòng bạc này), còn người chơi đại đa số là người Việt.
Trong số những người Việt sang đây “thử vận may”, theo anh thì dân Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh là đứng đầu về độ “máu”.  Và cũng chính từ chuyện “máu me” ấy mà nhiều người giờ đây phải sống trong cảnh vất vưởng với nhiều cái không: không nhà cửa, không người thân, không bạn bè, không tiền bạc.
Chỉ vào một nhóm người đang ngồi vắt vẻo trong một quán cà phê cóc gần biên giới, anh cho biết nhóm người đó cách đây vài tháng còn là những đại gia với hàng trăm héc ta cao su mỗi người. Thế nhưng giờ đây, nhà của họ là những căn nhà trọ tạm bợ sát biên giới với giá khoảng 50 ngàn đồng một ngày.
Công việc của nhóm người này giờ đây là lê la ở các sòng bạc cò con bên ngoài để kiếm tiền rau cháo mỗi ngày. Thỉnh thoảng, gặp những đại gia cờ bạc bên Việt Nam sang họ xụp mặt đu theo để xin vài trăm ngàn lẻ mặc cho những lời sỉ vả. Nói đoạn anh quay sang tặc lưỡi: “Đời của họ đã tàn dưới bóng của những casino tráng lệ rồi anh ạ!”.
Rời của khẩu Ba - vét, chúng tôi tiến sâu vào nội địa.
 Vào đất Campuchia 
Do qua biên giới đúng vào lúc tan tầm nên trước mặt tôi hiện ra một khung cảnh mà có lẽ nằm mơ tôi cũng không thể nào tưởng tượng ra: hàng chục chiếc xe chở đầy ắp công nhân nối đuôi nhau chạy về hướng thủ đô Phom penh.
Thấy tôi trố mắt, anh tài xế người Việt cho biết, hiện khu vực biên giới có khoảng 10 công ty với hàng vạn công nhân nên cảnh tượng này không là hình ảnh lạ với cánh tài xế xuyên biên giới. Để đáp ứng cho nhu cầu đi lại của một lượng lớn công nhân đó, những người thức thời đã mua những chiếc xe tải về “độ” lại thành xe chở người.  Số người trên mỗi xe tùy thuộc vào địa phương đó có nhiều công nhân hay không. Tuy nhiên, số lượng mỗi xe theo quan sát của tôi, ít nhất cũng không dưới 70 người! Tiền công mỗi tháng cho nhà xe mà mỗi công nhân phải trả là khoảng 20 ngàn riel (khoảng 100.000 đồng).
Thấy tôi thắc mắc “tiền công mỗi tháng công nhân nhận được bao nhiêu?”anh tài xế bảo: “Khoảng 60 USD/tháng, ai làm giỏi thì được khoảng 80USD hơn, nhưng không ai quá 100USD/tháng!”.
Nói tiếp chuyện giao thông, không chỉ chở công nhân, trên đường đi chúng tôi bắt gặp rất nhiều xe khác chở cồng kềnh và quá khổ: khi thì hàng hóa, lúc là người. Thực tế là vậy song trên đường đi chúng tôi tuyệt nhiên không nhìn thấy bất kỳ bóng dáng một cảnh sát giao thông nào dừng xe kiểm tra hay thổi phạt.
Từ cửa khẩu Ba – Vét vào thủ đô Phom penh phải đi phải đi qua bến phà có tên gọi là Neak Luong. Trước cổng vào của bến phà, có một tượng đài chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Được biết, đây là một trong những cửa ngõ chiến lượt quan trọng để tiến vào thủ đô Phnom penh nên trong thời kỳ thực hiện nghiã vụ quốc tế, đẩy lùi nạn diệt chủng rất nhiều chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng hi sinh tại bến phà này.
 Tượng đài chiến sĩ quân tình nguyện 
Hiện tại, phà Neak Luong hoạt động hầu như cả ngày lẫn đểm để phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, trong một tương lai không xa, bến phà này sẽ kết thúc xứ mệnh lịch sử của mình khi mà một chiếc cầu dây văng lớn đang bắt đầu tượng hình.
Sau khoảng hơn 5 giờ đồng hồ, vượt hơn 170 km từ TP.HCM, tôi có mặt tại thành phố Phnom penh khi bóng đêm đã bao trùm lên thành phố này. Lấp ló trong những luồng ánh sáng đa sáng là đỉnh của một mái vòm, đó chính là Hoàng Cung, một địa điểm khám phá mà tôi sẽ đến trong ngày hôm sau. Phnom penh đang chìm vào giấc ngủ….

Mách bạn
Một số điểm lưu ý khi du lịch Campuchia
Di chuyển: Hiện có nhiều công ty mở tuyến xe buýt đi từ TP.HCM đi Phnom Penh và ngược lại (giá từ 9 -10 USD/lượt), thông tin có thể xem trên các trang web của các nhà xe.
Khách sạn, nhà nghỉ ở thủ đô Phnom penh có giá dao động từ khoảng 10 – 30 USD/đêm (tuy nhiên, bạn nên chọn loại 15USD/đêm).
Phương tiện: Có rất ít xe taxi ở Phnom penh nên phương tiện đi lại chủ yếu ở Campuchia là xe tuk tuk hoặc xe ôm. Giá một ngày thuê xe tuk tuk ở Phnom – Penh là 30USD.
Nếu muốn tham quan nhiều hơn, các bạn có thể thuê một hướng dẫn viên biết tiếng Việt với giáo 30 USD/ngày
Ở Phnom penh có nhiều quán ăn vỉa hè giá trung bình khoảng 2USD/ xuất
Biết tiếng Anh là một lợi thế khi đi du lịch bụi ở Campuchia.

Một góc nhìn khác về Phnom penh


Một góc nhìn khác về Phnom penh

Cũng như hai quốc gia còn lại trên bán đảo Đông Dương là Lào và Việt Nam, bánh xe lịch sử đã buộc con dân của đất nước chùa tháp phải đắm chìm trong nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu trong nhiều thế kỷ. Để bảo vệ vương quyền và đất nước, các triều đại phong kiến ở đất nước chùa tháp đã phải nhiều lần dời đô và Phnom penh chính là kinh đô cuối cùng tính đến thời điểm hiện tại của vương quốc này, đó là vào thế kỷ 15.

Về xưng danh Phnom penh, có nhiều giả thuyết  khác nhau, trong số đó giả thuyết cho rằng tên gọi này bắt nguồn từ tên của một phụ nữ có công quyên góp tiền bạc xây dựng nên thành phố này, tên của bà là Daun Penh (bà Penh), được nhiều người chấp nhận hơn cả (trong ngôn ngữ Kh’mer, Phnom – Penh có nghĩa là núi của bà Pênh ). Để cũng cố cho giả thuyết này, anh bạn hướng dẫn viên kéo tôi lên một chiếc xe tuk tuk thẳng tiếng chùa Wat Phnom, nơi đang thờ tự Daun Penh.
Sau khi mua một chiếc vé với giá 1USD, chúng tôi được bảo vệ hướng dẫn lên chùa. Nằm trên một ngọn đồi nhỏ cao gần 30 mét, Wat Phnom được xây năm 1373 và có mặt hướng thẳng ra dòng Mê Kông cách đó hơn cây số.
Theo truyền thuyết, vào năm 1372 thành phố Phnom penh trải qua một trận lụt lớn, trong trận lụt ấy bà Penh đã vớt được một cây gỗ trôi dạt trên sông, bên trong có 4 bức tượng Phật lớn.
Cho rằng điềm lành, một năm sau bà đã bỏ tiền cho đắp một ngọn đồi (phnom có nghĩa là đồi) và một ngôi chùa nhỏ (wat) để thờ những bức tượng này.
Kể từ đó, khu vực xung quanh được gọi theo ngọn đồi (Phnom) và người tạo ra nó (Penh), vì thế mà có Phnom Penh. Hiện Wat Phnom được xem là ngôi chùa linh thiêng và quan trọng nhất trong tín ngưỡng của người dân Phnom penh nói riêng và Campuchia nói chung.
Nói tới kinh đô tức là nói đến Hoàng Cung, và đó là lý do mà tôi quyết định theo dòng du khách ghé thăm địa danh này.
Đón tiếp chúng tôi cửa Hoàng Cung không phải là một dàn vệ binh như trong trí tưởng tượng của những ai lần đầu tiên đặt chân đến đây, mà là một đàn bồ câu lên đến hàng ngàn con. Anh bạn hướng dẫn cho biết, đàn bồ câu này chỉ thực sự phát triển và trở thành một biểu tượng mới của Hoàng Cung cách đây vài năm, khi mà ngày càng có nhiều du khách mang thức ăn đến đây cho chúng.
Hoàng Cung chia làm hai phần, phần phía trước dùng làm nơi thượng triều, phần phía sau làm nơi ăn nghỉ của hoàng tộc và du khách chỉ được tham quan phần phía trước (và tất nhiên và những ngày hoàng gia không tổ chức hội họp hoặc đón tiếp quốc khách- NV).
Ở Campuchia, đạo Phật được xem là quốc giáo nên ngoài việc làm nơi hội họp, gặp mặt quan chức trong và ngoài nước ra, Hoàng Cung còn là nơi để các nhà sư thực hiện một số nghi thức thuộc về quốc lễ.
Ngoài hai lễ lớn là lễ mừng năm mới Chuol Chnam Thmey và Sel Dolta ra, Hoàng Cung còn là nơi diễn ra một lễ hội linh thiêng mà không phải ai cũng biết và tất nhiên, để được trực tiếp tham gia vào lễ này thì lại càng khó hơn – đó là nghi thức cầu mưa.
Là một quốc gia có chiều cao trung bình khoảng 100 mét so với mực nước biển, thế nên Campuchia thường xuyên xảy ra tình trạng hạn hán. Nếu thiên nạn này kéo dài lâu thì nhà vua sẽ cho mời những nhà sư có uy tín từ khắp cả nước về đây làm lễ tế tạ trời đất. Diễn ra liên tục trong vòng ba ngày, trong suốt khoảng thời gian đó các nhà sư phải thay phiên nhau quỳ trước sân tụng kin và gõ chuông. Nếu trong 3 ngày mà trời vẫn không mưa thì nghỉ ngơi vài ngày và sau đó tiếp tục một vòng ba ngày cầu nguyện mới. Tuy nhiên, theo người hướng dẫn, do sự phát triển của khoa học nên ngi thức này đang mai một dần.

Người ta gọi Campuchia là đất nước chùa tháp và đó là lý do mà bên cạnh Hoàng Cung luôn luôn có một ngôi chùa để hoàng gia tiện việc cúng tế. Và khi mà thủ đô được dời về Phnom penh, một ngôi chùa mới cũng được xây dựng bên cạnh Hoàng Cung.
Ngôi chùa mà tôi đang nói đến có tên gọi Wat Preah Morakat, còn được gọi là Chùa Bạc hay Chùa Phật ngọc lục bảo.
Sở dĩ được gọi là Chùa Bạc vì ngôi chùa có đến 5.329 miếng bạc lát trên nền nhà, mỗi miếng bạc đều làm thủ công và có trọng lượng 1,125 g, ngoài ra bên trong ngôi cùa còn có hơn 1650 đồ vật có giá trị khác.
Ngoài ra, trên đỉnh ngọn tháp trung tâm chùa, người ta còn cho đặt một bức tượng Phật được tạc bằng ngọc lục bảo, một bức tượng Phật Di-lặc được đúc bằng 90 kg vàng ròng và được gắn 2086 viên kim cương, trong đó có một viên kim cương 25 carat trên vương miện và viên kim cương 20 carat gắn ở ngực! Nhắc ra những vật dụng để thấy giá trị của ngôi chùa này và đó là lý do mà nó được bảo vệ khá nghiêm ngặt.
Cũng giống như những du khách khi đặt chân đến Phnom- Penh, sau khi thăm thú những địa danh nổi tiếng ở đất nước chùa tháp, tôi bước lên tuk tuk để bước vào một thế giới khác – thế giới mua sắm. Và một khi nói đến mua sắm ở Phnom – Penh, không thể không ghé qua chợ Phsar Thmei mà người Việt hay gọi là chợ Mới.
Sở dĩ gọi là chợ Mới là do cách đó không xa có một ngôi chợ cũng có tên tương tự và ngôi chợ mới này chính là “hậu duệ” có nó.
Có công năng tương tự như chợ Bến Thành ở TP.HCM, chợ Mới Phsar Thmei buôn bán rất nhiều hàng hóa mang tính chất phục vụ cho nhu cầu làm đẹp của du khách như mỹ phẩm, quần áo, vải vóc, ba lô, túi xách, giày dép, đồ lưu niệm...
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều ngôi chợ ở Việt Nam, ở đây việc nói thách, nâng giá trị hàng hóa lên đến 10 – 20, thậm chí là 50% giá trị thật diễn ra khá phổ biến.Nguồn gốc hàng hóa cũng rất đa dạng, từ hàng Trung Quốc, Thái Lan cho đến Việt Nam, tất cả đều trong tư thế sẵn sàng để phục vụ du khách.
Phnom penh rộng lớn, một quỹ thời gian ngắn để khám phá thành phố này được ví như là một chuyến “cưỡi ngựa xem hoa” hay nói cách khác đó chỉ là một phần nổi của khối băng trôi và tôi đã ở trong tư thế buộc phải làm việc đó. Hy vọng rằng, các bạn sẽ là người kế tiếp giúp tôi tìm khám phá phần còn lại đang ẩn mình dưới bóng Hoàng Cung....

Mách bạn:
Điểm thăm quan: Ngoài những địa điểm trên tại Phnom penh còn nhiều nơi đẹp để du khách ghe thăm và chụp hình lưu niệm như công viên Shihanuk, đài độc lập.....
Khi vào hoàng cung và chùa bạc, du khách không được chụp ảnh, quay phim chính điện Hoàng Cung và chính điện Chùa. Nếu lực lượng an ninh phát hiện các hành vi trên, toàn bộ hình ảnh trong máy sẽ bị xóa và bạn phải chịu một khoảng phạt nhất định từ 50 – 100USD.
Khi mua sắm ở chợ, bạn nên trả giá thật kỹ bởi tình trạng nói thách diễn ra khá phổ biến.
Ở Phnom penh, bạn có thể sử dụng tiền Việt, tiền Riel hoặc đô la để giao dịch (tuy nhiên tốt nhất là sử dụng tiền riel hoặc USD vì tỉ giá tiền đồng Việt Nam được định ở mức khá thấp).
Đồng 2USD được xem là may mắn cho nên người Campuchia rất ít khi đem ra giao dịch, vì thế khi đưa 2 USD nhiều cửa hàng sẽ từ chối nhận. Và bạn nên chú ý nếu không có ý định làm quà lưu niệm thì cũng không nên nhận đồng 2USD tiền thối lại.

Oudong và cuộc hôn phối của nàng công chúa Việt


Oudong và cuộc hôn phối của nàng công chúa Việt
Không chỉ có cảnh quang huyền bí, Oudong còn gắn liền với một huyền tích liên quan đến cuộc hôn phối của một vị công chúa người Việt.

Nằm cách thủ đô Phnom-Penh khoảng 70 km, cố đô Oudong (hay còn gọi là Udong hoặc Odong) từng là trung tâm quyền lực của đế chế Kh’mer trong hơn 2 thế kỷ. Các tài liệu còn lưu lại cho thấy Oudong chính thức trở thành kinh đô của đế chế Kh’mer (hay còn gọi là Chân Lạp) từ năm 1618 dưới thời vua Chey Chettha II và kết thúc sứ mệnh của mình vào năm 1866 dưới thời vua Norodom.
Với mong muốn được một lần được nghe những câu chuyện huyền bí ngay chính tại nơi sản sinh ra nó, chúng tôi bắt xe tuk tuk lên đường.
Được bao bọc bởi một cánh đồng rộng lớn, từ quốc lộ 6 nhìn vào, núi Oudong trông như một “chiếc bát úp”. Điểm xuyết và gây ấn tượng thêm cho “chiếc bát úp” ấy là ba ngọn tháp trong tư thế vươn mình lao thẳng vào bầu trời xanh. Được cộng hưởng bởi màu trắng của cánh đồng đang vào mùa nước nổi và ráng chiều của hoàng hôn, Oudong khiến cho cảm giác như đang chạm vào sự huyền bí của vùng đất cố đô.
Vừa dẫn tôi đi tham quan những ngọn tháp Gropa – những dấu ấn tiêu biểu ở cố đô này, người hướng dẫn bắt đầu dẫn tôi vào câu chuyện huyền bí liên quan tới một người Việt Nam – đó là công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, ái nữ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
Câu chuyện liên quan đến ái nữ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên bắt đầu vào năm 1620, tức là hai năm sau khi vua Chey Chetta II bắt đầu xây dựng kinh đô Oudong. Theo đó, để củng cố quyền lực và tránh xảy ra chiến tranh với một lân bang nên vua Chey Chetta II đã cầu hôn  công chúa chúa Ngọc Vạn. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để gắn kết tình hữu hảo, tránh xảy ra xung đột, chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã đồng ý cuộc hôn phối này. Sau khi trở thành Hoàng hậu nước Chân Lạp, công chúc Ngọc Vạn được bang tước hiệu là Somdach PrCâu chuyện liên quan đến ái nữ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên bắt đầu vào năm 1620, tức là hai năm sau khi vua Chey Chetta II bắt đầu xây dựng kinh đô Oudong. Theo đó, để củng cố quyền lực và tránh xảy ra chiến tranh với một lân bang nên vua Chey Chetta II đã cầu hôea Peaccayo dey Preavoreac.
Vừa đẹp người, lại đẹp nết, nên chúa được vua Chey Chettha II rất yêu quý. Nhờ vậy, mà nhà vua đã cho một số người Việt đi theo bà giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp, cũng như cho nhiều người Việt lập hãng xưởng và buôn bán ở gần kinh đô.
Lợi dụng mối quan hệ này, năm 1623, chúa Sãi còn cử một sứ bộ, đem theo thư cùng nhiều tặng phẩm, tới Oudong để tỏ tình thân hữu và bảo đảm sự ủng hộ của triều đình Huế. Trong quốc thư, chúa Nguyễn cũng đã yêu cầu vua Chey Chettha II cho lập một đồn thuế ở Prei Kor (tức vùng Sài Gòn) và lập một dinh điền ở Mô Xoài (gần Bà Rịa ngày nay). Nhờ sự vận động của Ngọc Vạn, nên cả hai việc trên đều được vua Chey Chetta II chấp thuận.
Sau khi vua Chey Chetta II băng hà vào năm 1628, triều đình rơi vào khủng hoảng bởi nạn tranh giành quyền lực. Đến năm 1642, một người con của vua Chey Chettha II đã đoạt được quyền lực và bước lên ngôi báu lấy vương hiệu là Chau Ponhea Chan.
Sau khi lên ngôi, vị vua này đã phải lòng và cưới một Công chúa người Mã Lai theo đạo Hồi Islam.
Do quá si mê vị hôn thê ngoại tộc này, nhà vua Chau Ponhea Chan đã gạt bỏ những bà vợ khác và phong người này làm Hoàng hậu. Thậm chí, ông còn bỏ hẳn quốc giáo ( Phật giáo Tiểu thừa) để theo đạo của vợ. Điều này cùng với việc cho người Mã Lai và người Chăm được nhiều ưu đãi, đã gây bất bình trong giới hoàng tộc và dân chúng Chân Lạp. Hiện dấu tích về sự xuất hiện của đạo Hồi vẫn còn tồn tại trên một ngọn đồi nhỏ thuộc núi Oudong, đó là ngôi mộ của một vị tướng Hồi giáo.
Trở lại Oudong
Người hướng dẫn cho biết, trước khi xảy ra đại nạn diệt chủng do tập đoàn Kh’mer đỏ gây ra, cố đô Oudong có nhiều tượng Phật. Nổi bật trong số đó là bức tựơng Phật nằm dài hơn 9 mét. Tuy nhiên, do có tin đồn trong thân Phật chứa vàng và ngọc quý nên bức tượng này đã bị bắn phá trong giai đoạn này. Nhìn vào bức tượng thiên giờ chỉ còn là đống đổ nát, người hướng dẫn – là một người mộ đạo tặc lưỡi nuối tiếc.
Theo chân một nhóm tín đồ Phật giáo người Kh’mer, tôi leo lên nơi cao nhất của đỉnh Oudong. Từ đây, có thể phóng quan sát được các hướng Đông - Tây – Nam - Bắc một cách rất rõ. Và đây có lẽ là lý do mà các vị vua Kh’mer đã chọn ngọn núi này làm kinh đô?
Chỉ vào một ngọn thấp đang được trùng tu, được óp kiếng cẩn thận, người hướng dẫn cho biết bên trong ngôi tháp là một bức tượng vàng hơn 20 kg. Bức tượng này vốn rất linh thiêng đối với những người mộ đạo. Tuy nhiên cách đây hơn chục năm bức tượng này đã bị đánh cắp. Sau hơn 10 năm lưu lạc, bức tượng này cuối cùng đã được tìm thấy và được mang về Oudong thờ tự, một niềm vui lớn cho những tín đồ Phật giáo trên đất Ang – Kor.
Để đến Oudong, bạn có thể thuê xe tuk tuk với giá khoảng 40USD/ngày (mỗi xe tuk tuk có thể chở được 4 người). Để lên được đến đỉnh phải qua nhiều bậc đá do vậy, bạn nên trang bị giày ba ta trước chuyến đi.

Câu chuyện dưới bóng Ang Kor


Câu chuyện dưới bóng Ang Kor

Đối với người dân ở đất nước chùa tháp, Ang Kor Wat với ba ngọn tháp sừng sững hướng thiên là một niềm tự hào dân tộc. Và có lẽ đó chính vì lý do mà ta có thể bắt gặp hình ảnh của nó ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào.
Anh bạn hướng dẫn bảo với tôi, đã đến Campuchia mà không ghé thăm Ang Kor thì xem như bạn chưa đến xứ chùa tháp bao giờ. Để không bị chê là người “chưa bao giờ đến xứ chùa tháp”, tôi quyết định móc 10USD để bắt xe buýt lên đường.
Nằm cách thủ đô Phnom-Penh khoảng 350 km, hệ thống đền tháp Ang Kor thuộc tỉnh Siem Reap ngày nay.
Quốc lộ 6, con đường nối thủ đô và cố đô Siem Reap của đế chế Kh’mer hùng mạnh cách đây hơn 1.000 năm khá khó đi, đặc biệt là đoạn từ thị trấn Krul đế trung tâm tỉnh lị tỉnh Kongpom Thom. Người tài xế cho biết, đoạn đường đang xây dựng dở dang, đầy bụi đất mà chúng tôi đang đi được khởi công cách đây vài năm nhưng ngày hoàn thành thì chưa biết, bởi phương tiện, nhân lực làm đường đã rút đi cách đây vài tháng.
Đang lơ mơ ngủ, bất ngờ đoàn xe thắng gấp bởi một tai nạn suýt xảy ra giữa một xe chở du khách và một xe máy. Anh bạn hướng dẫn cho biết, người đi xe máy suýt gây thảm nạn là người chụp ảnh dạo ở Ang Kor. Trong giới này, có một quy luật bất thành văn là, ai “chấm” đoàn du khách nào trước thì sẽ được toàn quyền bấm máy trong suốt thời gian du khách lưu lại Siem Reap.
Và để có được cái quyền đó, những tay “phó nháy” phải dùng xe máy đón đầu và “xí phần” từ những địa điểm cách trung tâm Siem Reap hàng chục cây số, sau đó bám theo xem đoàn ăn ngủ ở khách sạn nào để sáng hôm sau xách máy bám theo.
Sau một đêm ngủ nghỉ tại một khách sạn hạn trung với giá 20 USD, sáng hôm sau tôi có mặt tại Ang Kor Wat, khu đền được chọn là biểu tượng trên lá quốc kỳ của Vương quốc Campuchia.
Sao khi trả phí 20 USD cho một vé tham quan trong vòng một ngày tại tất cả các địa điểm nằm trong quần thể Ang Kor (gồm Ang Kor Wat, Ang Kor Thom, Đền Ta Rhum, Bayon...)  tôi được trao lại một tấm vé có in hình mình trên đó. Giải thích về lý do này, anh hướng dẫn cho biết nguyên do của việc in hình xuất phát từ bản tính gian lận của một anh bạn láng giềng khổng lồ của Việt Nam. Thay vì mua đầy đủ vé theo quy định, những anh hướng dẫn viên du lịch ở quốc gia này chỉ mua một nửa số vé sau đó chuyền ra bên ngoài để du khách thay phiên nhau vào cổng. Về sau, để chống nạn này người ta cho in hình du khách thẳng vào vé....
Một điều nữa là, những khu vực này không thu vé của người có chứng minh thư Campuchia, bởi theo quan điểm của những người quản lý du lịch thì Ang Kor là tài sản của tổ tiên người Campuchia và họ có quyền thụ hưởng và bảo vệ nó. Đến đây, tôi chợt nhớ về Việt Nam, hình như chúng ta chưa làm được việc đó...
Về lịch sử hình thành nên Ang Kor, tài liệu và sách báo đã nói nhiều, điều tôi muốn nói đến các bạn chính là thái độ khi viếng thăm khu đền linh thiêng của người bản xứ - đừng gây ồn ào và tỏ thái độ tôn trọng di sản thiên liêng của họ. Người hướng dẫn kể cho tôi nghe câu chuyện về một trường hợp du khách thiếu tôn trọng với nơi này. Hôm đó có một nhóm du khách người Việt ghé qua, vừa thăm thú khu đền, đôi vợ chồng du khách nọ vừa trổ tài “dân ca quan họ”. Anh hướng dẫn người Campuchia nhắc nhở, người du khách sửng cồ lại “Ang Kor là của mày à?”.  Sau khi giải thích rõ đây là tài sản của dân tộc Kh’mer xong, ẩu đả đã xảy ra và cuối cùng là du khách này đã phải xin lỗi người hướng dẫn này trong đồn cảnh sát.
Nằm cách quần thể Ang Kor Wat không xa là lá quần thể Ang Kor Thom. Ngoài đền Bayon với những bước tượng mặt phật cười nổi tiếng thế giới là đền Ta Rhum, từng là bối cảnh chính trong bộ phim “Bí mật ngôi mộ cổ” của nữ tài tử xinh đẹp Angelina Jolie thủ vai chính.
Vẫn vẻ cổ kính và huyền bí trong phim, ngôi đền này giờ đây là một nơi chụp ảnh đắt hàng nhất ở đền Ta Rhum và trong thâm tâm người Campuchia, có lẽ họ phải cảm ơn đạo diễn và nữ diễn viên này lắm lắm! Bởi nhờ nó mà người ta biết đến đất nước Campuchia xinh đẹp bên cạnh mảng màu tối tăm được tô vẽ nên bởi bàn tay tàn bạo của Kh’mer đỏ.
Trước khi đi đến đất nước Campuchia chùa tháp, tôi nghe nói nhiều đến núi Bakheng ,  địa điểm được những người yêu thích du lịch và khám phá xếp vào nhóm 1 trong 7 nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới.
5 giờ chiều, tôi theo chân nhóm đông du khách lên lên đỉnh Bakheng.
Nằm trong quần thể Ang Kor Thom, núi Bakheng cao khoảng 65 mét, được nối liền với các đền tháp bên dưới bằng con đường nhỏ.
Đến đây, tôi chợt nhớ đến một quy định của chính quyền tỉnh tỉnh Siem Reap, đó là tất cả các tòa nhà, cao ốc ở đây điều không được vượt quá chiều cao 65 mét (tức là cao hơn đỉnh Bakheng) và đây được xem như là một trong những cách mà hậu nhân tôn trọng tiền nhân, tôn trọng lịch sử ngàn năm của cha ông.
Từ trên đỉnh Bakheng, có thể nhìn thấy rõ hồ Tonle Sap,  xóm làng với những cây thốt nốt biểu trưng.
Mặt trời xuống chìm dần xuống đáy hồ Tonle Sap huyền thoại của dân tộc Campuchia, tôi chia tay đỉnh Bakheng trong tâm trạng thư thái như vừa mới nhận được quà – vâng, đó món quà mà Ang Kor đã dành cho tôi...
Mách bạn: Khi thăm Ang Kor, bạn nên cú ý giữ gìn vé cẩn thận bởi mỗi khu đền đều có lực lượng soát vé riêng. Nếu bị phát hiện không có vé, bạn sẽ bị phạt và bắt buộc phải mua vé lại.
Là một thành phố du lịch nên khách sạn ở Siem Reap đắt hơn Phnom Penh đôi chút (giá bình quân từ 15 – 60USD/đêm).
Giá thuê tuk tuk khoảng 30 USD/ ngày.
Ngoài những điểm du lịch ban ngày, ban đêm bạn có thể thăm quan ăn uống ở khu phố đêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét