Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Mandalay - tìm về miền cổ tích

Tôi đến bến xe Kywe Se Kan ở Mandalay khi gà vừa gáy canh ba. Bến xe Kywe Se Kan dường như không ngủ, nhộn nhịp bất kể ngày đêm. Các bác tài xế quấn longyi đon đả mời chào khách thuê xe. Sau một hồi thỏa thuận, với 50 USD, tôi có được một chuyến tham quan những địa điểm nổi tiếng ở cố đô Mandalay.
Mandalay là thành phố lớn thứ hai tại Myanmar và từng là kinh đô của Hoàng triều Myanmar. Cho đến ngày nay, cố đô Mandalay vừa là trung tâm kinh tế của vùng thượng Myanmar, vừa là vùng đất của nền văn hóa Myanmar cổ đại.
“Lễ rửa mặt Phật” tại Mahamuni Phaya
Điểm tham quan đầu tiên trong hành trình Mandalay là Mahamuni Phaya. Theo tiếng Bhasa, “Mahamuni” có nghĩa là “nhà hiền triết vĩ đại” và “Phaya” có nghĩa là “ngôi chùa”. Mahamuni Phaya được xây dựng vào năm 1784 với bức tượng Phật đúc bằng đồng cao 4m, nặng 6,5 tấn.
Để thể hiện sự sùng đạo và sức mạnh về quyền lực của mình, nhà vua Sanda Thurija thường đem vàng dát lên tượng. Tập tục này được thực hiện qua nhiều thế hệ, theo kiểu “cha truyền con nối”. Sau đó, tập tục ăn sâu vào tiềm thức của người dân Myanmar. Vì thế cho đến ngày nay, tượng Phật ngày càng to bởi lớp nón và lớp áo bào được dát lên vô số những lớp vàng lá. Uớc tính lớp vàng hiện dày 15cm.

Chùa Mahamuni có bốn mặt với những dãy hành lang dài. Ở giữa chánh điện có một tượng Phật lớn bằng vàng nhưng chỉ có đàn ông được phép đi lại ở khu vực sát tượng, tiếp xúc và dán vàng lên tượng. Phụ nữ bị cấm đến gần tượng Phật, chỉ được quỳ cầu nguyện ở phía dưới sau hàng rào.
Tôi đến Mahamuni Phaya khá sớm nên được dịp chứng kiến nghi thức truyền thống “lễ rửa mặt Phật” diễn ra hàng ngày vào lúc 4 giờ sáng.
Theo lời người dân địa phương, chỉ có nhà sư đức độ và có vị trí cao trong Giáo hội Phật giáo Mandalay mới được phép rửa mặt Phật. Trước tiên, vị sư này phủ tấm vải màu vàng quanh phần thân tượng. Tiếp đến, ông cầm chiếc bình đựng nước và bắt đầu nghi thức xịt nước làm ướt khuôn mặt tượng Phật. Sau đó, nhà sư dùng miếng mút lau khuôn mặt Phật từ trán xuống mắt, rồi đến hai bên cánh mũi. Đến phần môi, ông dùng cây cọ mềm chải một cách nhẹ nhàng. Sau cùng, vị sư dùng quạt phe phẩy để làm khô nước trên mặt Phật.
Trong lúc buổi lễ diễn ra, người dân Mandalay tập trung ở giữa chánh điện, đọc kinh rì rầm và thành kính quỳ lạy.
Cuộc sống giản dị bên U Bein Bridge
Để đến điểm thứ hai trong hành trình - U Bein Bridge, xe phải chạy ra ngoại ô thành cổ Mandalay.
Cầu U Bein được người dân trong khu làng cổ Amarapura xây dựng từ năm 1800 bởi hàng ngàn tấm ván bằng gỗ tếch với 1.068 trụ cột. Vì thế, đây là cây cầu có giá trị và cổ nhất thế giới bắc qua hồ cạn Taungthaman. Hai bên bờ sông có rất nhiều ngôi chùa, dân cư tập trung đông đúc.
Đây không chỉ là cây cầu gỗ tếch dài nhất thế giới với chiều dài 1,2 km mà còn là địa điểm tuyệt vời nhất để ngắm bình minh cũng như hoàng hôn.
Đến U Bein vào buổi sáng tinh mơ, tôi chọn một góc và lặng ngắm từng dòng người qua lại trên chiếc cầu gỗ. Các cô đầu đội những chiếc làn cói, hai gò má thoa bột Thanaka với những hình vẽ khác nhau, có chị đạp xe chở những đôi thúng hàng hóa, có chị hì hục đẩy xe đạp chất đầy những bó rau xanh mướt.
Những người đàn ông miệng bỏm bẻm nhai trầu ngồi trên những chiếc ghế gỗ ngay giữa cầu để ngắm cảnh, hít thở bầu không khí trong lành vào buổi sáng. Các nhà sư mặc áo cà sa màu nâu đỏ chéo vai tản bước trên cầu. Khung cảnh sáng sớm trên cầu U Bein quá đỗi bình yên, giản dị.
Sagaing Hill, nơi cư trú của các vị Thánh
7 giờ sáng, tôi có mặt dưới chân đồi Sagaing, cách trung tâm Mandalay khoảng 20 km về phía tây nam, qua cầu Ava (cũ) xây từ những năm 1934 hoặc cầu Ava mới hoàn thành 2 năm trước.
Thuở xưa, Sagaing là thủ đô của Vương quốc Shan, độc lập vào khoảng năm 1315 nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Năm 1364, Thado Minbya dời thủ đô về Inwa. Tuy nhiên, Sagaing Hill vẫn nổi tiếng là trung tâm tôn giáo của Myanmar với trên 400 tu viện trải dài trên các cụm đồi.
Tôi leo lên đỉnh đồi Sagaing trên những bậc thang có tổng chiều dài 1km. Những nấc thang thoai thoải với khoảng cách rộng làm tôi thấm mệt khá nhanh. Dọc hai bên có các hàng ghế đá dành cho khách hành hương lên chùa ngồi nghỉ chân.
Sau nhiều lần dừng chân, tôi đã lên đến đỉnh Sagaing. Từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn dòng sông Irra Wady dài nhất Myanmar lượn uốn quanh chân đồi, xung quanh vô số chùa tháp cao ẩn mình bên những tán cây rừng xanh rì. Nơi đây không có người dân sinh sống mà chỉ có những đền chùa của những nhà sư, ẩn sĩ, thiền sư. Sagaing Hill tạo nên sự trầm mặc xứng với mệnh danh “nơi cư trú của các vị Thánh”.

Inwa, cố đô 400 năm của Myanmar
Sẽ là thiếu sót nếu đến cố đô Mandalay mà không ghé thăm Inwa, ngôi làng cổ nằm tại nơi hợp dòng của sông Ayeyarwaddy và sông Myitnge. Cố đô Inwa có bề dày lịch sử gần 400 năm từ 1364 đến 1841, do Thado Minbya dời thủ đô từ Sagaing về Inwa.
Cố đô Inwa tựa một ốc đảo nằm giữa dòng sông Ayeyarwady và một con kênh đào, cách duy nhất đến đây là phải đi đò qua sông. Đến bờ bên kia sông, tôi thuê một chuyến xe ngựa dạo quanh làng với giá 8USD trong 3 tiếng. Mặc dù trên giấy có ghi giá cố định nhưng du khách cứ kiên quyết trả giá bởi những người đánh xe ngựa “hét” giá rất cao.
Ngôi làng cổ Inwa là địa điểm du lịch nổi tiếng với nhiều di sản quý. Xe ngựa lọc cọc phi nhanh trên những con đường đất làm bụi tung lên mù mịt giữa trưa nắng. Đến đoạn sỏi đá, ngựa không chịu đi mà đứng khựng lại, người đánh xe phải bước xuống và kéo dắt chúng. Xe dừng trước tu viện Bagaya Kyaung.
Tu viện rất độc đáo bởi được chống bằng 267 cây cột gỗ tếch khổng lồ. Gần đó là tu viện Mahar Aung Mye Bon San hay còn gọi là tu viện Brick, được xây dựng vào năm 1822 bởi Nanmadaw Me Nu, hoàng hậu của triều đại Bagyidaw.

Để nhìn ngắm toàn cảnh cố đô Inwa 400 năm, tôi đến đài vọng cảnh Nanmyin. Tháp cao 30m được xây bằng đá, qua thời gian đã bị nghiêng nhưng vẫn sừng sững. Leo lên những cầu thang gỗ dốc cao và chơ vơ, hiện ra trước mắt tôi là toàn cảnh ngôi làng Inwa với những chóp đền xanh đỏ mờ ảo trong nắng và được bao phủ bởi những hàng cây xanh.
Người dân nơi đây vẫn giữ được nếp sinh hoạt xưa cũ từ hàng trăm năm nay, làm nên nét độc đáo riêng có của cố đô Inwa.
Choáng ngợp trước phế tích Mingun
Địa điểm cuối cùng trong hành trình Mandalay là phế tích Mingun Pathodawgyi.
Khởi hành từ bến thuyền Mandalay, tôi xuôi theo dòng Ayeyarwady để tới Mingun. Khung cảnh hai bên bờ sông rất khác so với Việt Nam, bởi hai bên bờ toàn những sa mạc cát vàng phủ khắp và tập trung những đền tháp cổ kính. Sau một tiếng, chiếc thuyền cập bến bên bãi cát. Hai ông lái thuyền nhiệt tình bắc thanh ván gỗ và giữ cây sào tre dài để tôi và những người khách trên thuyền có thể dễ dàng bước xuống.

Từ đầu làng Mingun, cây lapan cổ thụ sừng sững như một vị thần bảo vệ ngôi làng. Những chiếc xe bỏ xếp hàng chờ du khách thuê, không có cảnh chèo kéo như bao chỗ khác. Người dân Mingun gọi những chiếc xe bò bằng cụm từ hoa mỹ “taxi bò”. Mỗi chiếc “taxi bò” chở được 5 người và được kéo bởi hai con bò trắng, giá 5USD đi khắp làng Mingun.
Phế tích Mingun Pathodawgyi là ngôi chùa xây bằng gạch đỏ mà nếu hoàn thành sẽ là kiến trúc Phật giáo bằng gạch lớn nhất thế giới với chiều cao dự kiến 150m. Chùa được khởi công từ năm 1790, dưới thời vua Bodawpaya nhưng do kinh tế suy yếu, công trình vĩ đại này đã bị tạm dừng vào năm 1797 và mãi mãi bị bỏ dở dang sau khi nhà vua qua đời năm 1813.
Phế tích Mingun chỉ được xây cao chừng 50m trên mặt bằng khoảng 140 mét vuông. Đến năm 1838, một trận động đất lớn đã khiến phần trên của chùa sụp xuống, nhưng ngày nay Mingun Pathodawgyi vẫn sừng sững bên sông với những vết nứt gây kinh ngạc.
Cách phế tích Mingun không xa là tháp chuông Mingun lớn nhất thế giới nặng 90 tấn, được đúc riêng cho chùa Myatheindan nhưng đã không bao giờ được sử dụng.
Trở ra bên cạnh bến thuyền, một ngôi đền trắng muốt Hsinbyume Paya được vua Bagyidaw xây dựng năm 1816 để tưởng nhớ hoàng hậu quá cố của ông. Ngôi chùa bị hư hỏng nặng cũng bởi trận động đất năm 1838, nhưng sau đó được vua Mindon khôi phục năm 1874. Chùa được bao quanh bởi bảy lớp hành lang sơn trắng uốn lượn tượng trưng cho bảy dãy núi bao quanh ðền Meru như trong thần thoại. Trước cổng đền có đôi tượng Chinthe khổng lồ (linh vật nửa sư tử nửa rồng) được người dân xem như những báu vật bởi đôi tượng đứng canh giữ sát bờ sông.
Hành trình đến với thành cổ Mandalay có thể khiến bạn không chỉ đến đây một lần…


PHAN NGỌC HẠNH

Thành phố của những ngôi chùa

(Tin Nóng) Du khách khi đến Mandalay (Myanmar) là tìm về những dấu ấn của cố đô một thời với những công trình liên quan đến Phật giáo được xây dựng từ khoảng 200 năm trước.

Thành phố Mandalay nhìn từ đồi Mandalay
Đây không chỉ là nơi hành hương thú vị của tín đồ Phật giáo thế giới mà còn là bảo tàng chứa đầy dấu vết của sự hòa quyện giữa chính trị, xã hội, văn hóa và Phật giáo của các đế chế Myanmar trước đây.
Mandalay cũng là trung tâm chính của các nghiên cứu về Phật giáo nguyên thủy, tu viện, đền chùa; và con người vẫn còn gìn giữ ý nghĩa tôn giáo sâu đậm ở Myanmar. Dưới đây là một số điểm nổi tiếng liên quan đến Phật giáo, không chỉ thu hút các Phật tử, các nhà nghiên cứu mà cả những du khách muốn trải nghiệm đất nước và con người Myanmar.

Thiền viện Atumashi

Nằm gần đồi Mandalay, thiền viện Atumashi (có tên là Độc Nhất) được vua Mindon cho xây dựng bằng gỗ teak và trát vữa từ năm 1857. Đây là dự án xây dựng liên quan đến tôn giáo cuối cùng được vua Mindon thực hiện.
Thiền viện là một cấu trúc đồ sộ (giống cung điện) bao quanh bởi 5 hệ thống bậc thang hình chữ nhật. Ban đầu, nơi này có 1 bức hình đức Phật lớn, cao gần 9 m được làm từ lụa và sơn mài quý. Nhiều đồ vật quý giá được đặt nơi bức hình này, trong đó có viên kim cương lớn (19,2 carat, do vua Maha Nawrahta tặng vua Bodawphaya) đặt ở trán Đức Phật, bốn bộ Tripikata đầy đủ.
Khi người Anh sáp nhập Mandalay và Thượng Miến, rồi thiền viện và toàn bộ đồ vật bên trong bị đốt cháy năm 1890, chỉ còn vài trụ và một phần bậc thang. Viên kim cương lớn biến mất.

Chùa gỗ Shwenandaw

Shwenandaw là một công trình kiến trúc gỗ nổi tiếng, xa xỉ, được dựng trong thế kỷ 19, nằm cạnh Atumashi. Đây là một kiệt tác thể hiện trình độ chạm khắc điêu luyện của các nghệ nhân Myanmar.
Ngôi chùa này từng là một phần của hoàng cung tại Amarapura và vua Mindon chuyển về Mandalay. Chính vua Mindon đã trút hơi thở cuối cùng tại chùa này. Sau đó, vua Thibaw, con trai vua Mindon, di dời chùa ra ngoài khuôn viên cung điện hoàng gia và chuyển thành thiền viện năm 1880. Hoàng cung bị thiêu trong biển lửa hồi tháng 3.1945, Shwenandaw là công trình còn sống sót sau bao nhiêu bom đạn tàn phá thành phố này.
Ban đầu, chùa được sơn và dát vàng, nhưng thời gian đã làm bong hết lớp vàng phía ngoài.

Chùa Mahamuni Image

Gần hồ Kandawgyi, chùa Mahamuni Image, còn gọi là chùa Maha Myat muni, nơi được sùng kính nhất tại Mandalay. Trong chánh điện còn lưu giữ bức tượng Phật cao 3,8 m, nặng 6,5 tấn làm bằng vàng và trang trí bằng đá quý, chỉ nam giới mới được tới gần và dát vàng lên tượng.
Theo truyền thuyết, trong lần đức Phật thăm Arakan (ngày nay là bang Rakhine)  - lần thứ 4 đức Phật đến Myanmar - vua Candrasuriya tại vùng này đã xin phép tạc một bức tượng bằng kích thước của Đức Phật để thờ tại đền Mahamuni trên ngọn đồi Sirigutta.
Năm 1784 khi vua Bodawpaya đánh chiếm Arakan, ông đã chuyển bức tượng Phật cùng với chiến lợi phẩm và tù binh về. Ông cho xây chùa dưới chân đồi Mandalay để lưu giữ tượng Phật được cho là linh thiêng nhất vùng, để khẳng định sự mộ đạo của mình.
Những Phật tử mộ đạo và khách hành hương đến viếng tiếp tục bao phủ bức tượng Mahamuni bằng các lớp vàng lá chồng lên nhau. Có thể nói, bức tượng vẫn đang được làm lớn hơn mỗi ngày nhờ lớp vàng lá dát lên.
Bức tượng Phật dát vàng ở chùa Mahamuni Image
Tại chùa còn lưu giữ sáu bức tượng bằng đồng từ thời vương quốc Khmer, trong đó có những con sư tử, 2 bức là những chiến binh nam và một con voi ba đầu Erawan. Người ta đồn rằng, mọi bệnh tật sẽ được chữa nếu bệnh nhân đến rờ vào vùng tương ứng trên tượng đồng.

Phiến đá khắc tạng kinh tại chùa Kuthodaw

Chùa nằm phía đông nam chân đồi Mandalay, được vua Mindon xây dựng cùng thời điểm ông xây dựng quần thể hoàng cung tại Mandalay để dời đô từ từ Amarapura về.
Tạng kinh bằng đá cẩm thạch, được bắt đầu khắc vào khoảng năm 1860, khi Mandalay chuẩn bị tổ chức kỳ kết tập kinh điển lần thứ 5 (sự kiện đại hội Phật giáo thế giới) vào năm 1871.
Vua Mindon, một người sùng đạo nghĩ rằng Phật giáo liên quan đến sự tồn vong của quốc gia, mỗi khi đất nước bị xâm lăng, kẻ thù thường đốt kinh sách Phật giáo. Vì thế, để Kinh Phật được thống nhất và bảo quản lâu dài, ông đã cho thực hiện bộ kinh tạng trên 729 phiến đá và 1 phiến giới thiệu bộ tạng kinh.

Rừng tháp trắng ở chùa Sandamuni

Nằm kề chùa Kuthodaw, và khá giống Kuthodaw, chùa Sandamuni nổi tiếng vì có hệ thống tam tạng kinh bằng đá, ngoài ra còn có chú giải và phụ chú giải do người dân cúng dường xây dựng đầu thế kỷ 19.
Với 1.774 phiến đá được khắc chữ Myanmar đọc âm Pali và có mái che, quần thể này như rừng tháp trắng vươn lên trời. Ngôi chùa này ban đầu được vua Mindon xây nhằm tưởng nhớ người anh em cùng cha khác mẹ đã giúp ông củng cố quyền lực tại Pagan Min hồi năm 1853.
Bài, ảnhKim Dung

Mandalay, thành phố dưới chân ngọn đồi thiêng

(Tin Nóng) Cách Yangon 700 km về phía bắc, Mandalay là trung tâm của Myanmar, kết nối giao thông giữa Ấn Độ, Trung Quốc với phía nam nước này. Mandalay được coi là trung tâm Phật giáo quan trọng do giữ được những nét nguyên thủy nhất.

Thành phố Mandalay nhìn từ đồi Mandalay
Nếu phải dùng từ ngữ để mô tả thì “giản dị”, “bình yên” là phù hợp với Mandalay giai đoạn này nhất, dù đây là cố đô một thời rực rỡ của triều đại Konboung, Đế chế Myanmar thứ ba.
Vua Mindon là một Phật tử sùng đạo. Tin tưởng vào truyền thuyết còn lưu truyền tại Mandalay, rằng Đức Phật đã tiên đoán ngay tại chân đồi Mandalay, một thành phố lớn sẽ xuất hiện vào khoảng 2.400 năm sau, vua Mindon đã khởi công xây thành phố ngày 13.2.1857 để hiện thực hóa lời tiên tri của đức Phật và lấy tên ngọn đồi đặt cho thành phố.
Năm 1858, vua Mindon dời đô từ Amarapura về Mandalay, quyết tâm xây dựng thành phố vàng dưới chân ngọi đồi Mandalay linh thiêng.
Một đoạn sông huyết mạch Irrawaddy chảy qua Mandalay
Ngọn đồi Mandalay linh thiêng cũng là nơi ngắm hoàng hôn thu hút du khách 
Điều dễ nhận biết nhất khi đến thành phố này là sắc áo cà sa hiện diện mọi nơi. Mandalay được coi là vùng đất của tu tập, không gian của tu thiền. Đó là lý do mà một nửa số tu sĩ (300.000 người) của Myanmar tập trung tại thành phố này vừa học tập, vừa hành tu, thiền  theo phái nam tông nguyên thủy.
Nơi đây cũng tập trung nhiều đền chùa nổi tiếng, những dòng tu và hệ thống trường đại học Phật giáo danh tiếng. Đặc biệt là hệ thống thiền viện, rừng thiền nằm trên núi thu hút nhiều tu sĩ từ khắp nơi trên thế giới đến tu tập.
Một không gian thiền điển hình của các vị sư Myanmar
Từ khi Myanmar mở cửa vài năm nay, thành phố Mandalay cũng trong giai đoạn hiện đại hóa, với đường sá, nhà cửa được xây mới. Tuy nhiên, không gian của một thành phố mang đậm tinh thần Phật giáo thì vẫn còn đậm nét.
Từ trên máy bay hoặc đứng trên những ngọn đồi cao quanh thành phố nhìn xuống, những đỉnh nhọn của chùa tháp vẫn vút lên trời cao giữa những không gian xanh bao la còn chưa bị khai phá.
Lễ xuất gia truyền thống mà bất cứ người dân Myanmar nào cũng trải qua một lần trong đời 
Mandalay có những địa điểm dành cho những người muốn khám phá thiên nhiên, như những điểm ngắm bình minh hoặc hoàng hôn đẹp, đồi núi, sông suối đến hệ thống chùa tháp, hồ, hoặc cầu gỗ.
Mandalay có nhiều ngôi chùa độc đáo như chùa gỗ tếch cổ nhất, chùa lưu các pho tạng kinh bằng đá lớn nhất thế giới, chùa có tượng Phật dát vàng lớn nhất. Mandalay cũng có những ngôi làng truyền thống như làng làm tre, làng dát vàng lá, làng điêu khắc đá, làng dệt longyi truyền thống.
Người dân Myanmar hiền hòa, tránh sát sinh, siêng bố thí để tạo thiện nghiệp
Là một cố đô, Mandalay có tất cả những gì mà du khách muốn tìm hiểu khám phá và trải nghiệm nét văn hóa, tâm linh, tôn giáo cũng như không gian sống của một đất nước nằm giữa hai nền văn minh lớn: Ấn Độ và Trung Hoa; nhưng vẫn duy trì nét độc đáo, truyền thống riêng, nhất là sau nhiều năm đóng cửa với thế giới bên ngoài.
Làng khắc tượng đá, một làng nghề truyền thống nổi tiếng tại Mandalay
Có nhiều cách để di chuyển từ Yangon đến Mandalay như tàu lửa, tàu thủy chạy dọc sông Irrawaddy hay xe đò. Tuy nhiên, cách nhanh nhất và tiết kiệm thời gian chính là hàng không. Hàng ngày có nhiều chuyến bay của hãng hàng không Air Bagan nối liền các thành phố như Heho, Bagan, Mandalay… khá thuận tiện cho việc đi qua những miền Phật tích của Myanmar.
Những phương tiện di chuyển tiện lợi và độc đáo dành cho du khách tại Mandalay
Bài, ảnhKim Dung

Du lịch Myanmar: Mandalay, thành phố của những ngôi đền tuyệt đẹp

Bài viết của 
Mandalay không phải là ưu tiên số một của nhiều người khi đi du lịch Myanama. Nhưng nếu một lần đến đây, bạn sẽ không bao giờ hối hận trước vẻ đẹp linh thiêng của những ngôi đền.
Một buổi chiều cà phê, xen giữa những câu chuyện về đủ thứ trên đời, về những nơi chưa được đặt chân đến, tôi và ba người bạn chợt nảy ra ý định về một chuyến đi đến một nơi mà tất cả đều chưa có cơ hội ghé thăm. Nhưng thời gian eo hẹp cộng thêm áp lực từ “ông sếp” khó tính, chúng tôi chỉ có thể sắp xếp một chuyến đi ngắn ngày. Vậy nên tốt nhất là nên chọn một quốc gia châu Á.
Sau một hồi bàn cãi, bằng một cách nào đó, chúng tôi đã chọn du lịch Myanmar. Nghe nói đất nước này mới chỉ mở cửa du lịch vài năm trở lại đây. Cảnh vật còn hoang sơ và lượng khách chưa thực sự đông. Du lịch Myanmar cũng không phải xin visa. Thông tin trên mạng không phong phú bằng một vài điểm đến khác nhưng đủ dùng. Đặc biệt là chúng tôi đã bị thu hút và đi đến quyết định cuối cùng khi nhìn thấy những bức ảnh chụp thành phố Mandalay với những ngôi đền phải gọi đúng nghĩa là kỳ quan.
du lịch myanmar
Ảnh: shutterstock
Trên thực tế, nhiều người không hề chọn Mandalay là ưu tiên số 1 cho chuyến du lịch Myanmar. Thường, đa số sẽ chọn thủ đô Yangon như một “trạm trung chuyển” để sau đó làm một vòng Bagan và hồ Inle. Nếu còn thời gian và còn sức mới ghé Mandalay. 
Tôi thật sự không hiểu nổi. Bởi vì qua ảnh, Mandalay quá đẹp với một màu trắng xóa và vàng đồng lấp lánh phủ kín cả không gian. Không bàn cãi nữa, chúng tôi nhất định sẽ đến đó.
Và quả thật chúng tôi đã không hề hối hận.
du lịch myanmar 5
(Ảnh: PxHere)
Mandalay quả thực là thành phố của những ngôi đền. Bài viết này sẽ chẳng nói gì về tôn giáo hay lịch sử. Nó chỉ đơn giản là chia sẻ những hình ảnh quá đẹp về một thành phố của Phật giáo, những cảm nhận cá nhân từ góc nhìn của một kẻ “vô thần” khi được chiêm ngưỡng những gì linh thiêng và đáng chiêm ngưỡng nhất của những công trình kiến trúc nhuốm màu tôn giáo.
du lịch myanmar 2
Ảnh: ursulas weekly wanders

Giống như tất cả những thành phố còn lại của đất nước Phật giáo này, cái bạn có thể tìm thấy dễ nhất không phải đồ ăn ngon hay cửa hàng tạp hóa mà chính là những ngôi đền chùa với lối kiến trúc đặc trưng. Ngoài những điểm đến cần phải check-in xuất hiện trong mọi cuốn cẩm nang du lịch, mỗi ngôi làng nhỏ hay đơn giản chỉ là một quần thể dân cư nào đó, họ cũng tự xây dựng cho mình một ngôi đền riêng để thỏa lòng tôn kính tìm về với Phật.
Kinh Phật ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân nơi này. Có lẽ bởi vậy mà người dân bản địa ai nấy đều hiền khô và nhiệt tình giúp đỡ khách nước ngoài đi du lịch Myanmar.
Trong số những đền chùa đẹp nhất của Mandalay, bạn không nên bỏ qua Mahamuni Buddha, tu viện Shwenandaw, chùa Kuthodaw, quần thể Mingun, đền Kyauktawgyi paya và quần thể kiến trúc trên đồi Mandalay Hill. Nói thật, kể cả bạn có là một lữ khách bàng quan không hiểu nhiều về Phật giáo, bạn cũng sẽ không thể ngăn được lòng ngưỡng mộ khi ngắm nhìn những công trình này bởi đường nét kiến trúc duy nhất không nơi nào có được.
du lịch myanmar 3
Chùa Mahamuni là thánh tích Phật giáo nổi tiếng và là điểm hành hương quan trọng của các Phật tử tại Myanmar (Ảnh: shutterstock)
du lịch myanmar 6
(Ảnh: AsiaTrips Travel)
du lịch myanmar 1
(Ảnh: Reuben Teo)
Tu viện bằng gỗ Shwenandaw (Ảnh: Thủy Trần)
Chùa Kuthodaw, nơi có Bộ kinh Phật bằng đá cẩm thạch lớn nhất thế giới (Ảnh: unsplash)
Quần thể di tích làng Mingun (Ảnh: cheapseorank)
du lịch myanmar 2
(Ảnh: Urban Adventures)
Quần thể di tích làng Mingun (Ảnh: Rakso Travel)
Hình ảnh những nhà sư mặc bộ cà sa đỏ mận nhấn dải màu vàng lướt đi trên nền kiến trúc kỳ vĩ của những mảng lát vàng đồng, xanh cẩm thạch hay trắng xóa một màu sẽ là hình ảnh ám ảnh nhất chuyến đi. (Ảnh: Scott Sharick)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét