Trong những câu chuyện cổ tích, người ta đã quá quen thuộc với vương quốc Ba Tư huyền ảo. Thậm chí đến tận bây giờ rất nhiều người dân Iran vẫn tự nhận mình là con dân của vùng đất thần thánh này. Là quốc gia thuộc Trung Á, thức ăn chính của người Iran vẫn là cơm ăn kèm với các loại thịt như cừu, bò, gà nấu với cà ri.
Không giống như các quốc gia lân cận sử dụng tay để bốc khi dùng cơm, người Iran lại sử dụng dao và nĩa khi ăn cơm, có thể một phần là do ẩm thực Iran pha trộn bởi hơi thở của các quốc gia Đông Âu nằm bên kia bờ biển Đen.
Càng về phía Bắc của Iran, ẩm thực lại mang âm hưởng của người Thổ Nhĩ Kỳ với các loại kebab(một kiểu ăn thịt nướng đặc trưng của vùng Trung và Nam Á)
Dưa chuột hay bắp cải muối là những món không thể thiếu trong các bữa cơm hàng ngày của người Iran. Những trái oliu muối từ người Thổ cũng bắt đầu xâm nhập và gây nên cơn sốt trong văn hóa ẩm thực của người Iran. Chỉ một số vùng đất ở Iran mới phù hợp cho cây oliu phát triển nên oliu muối trở thành món khá xa xỉ và chỉ có mặt trong những nhà hàng lớn.
Xuôi về phương Nam, những món cà ri lại được yêu chuộng trong các bữa ăn hàng ngày. Cũng không nhộn nhịp và giàu có như các thành phố phương Bắc nên kebab trở thành món ăn dành cho tầng lớp trung lưu và giàu có.
Trong bữa ăn sáng, người Iran thường sử dụng bánh mì ăn cùng với các loại bơ, mứt và phô mát. Không là chiếc bánh mì bagguet của người Pháp, mà chiếc bánh mì của người Iran mang những nét rất đặc trưng của vùng Nam Á. Nó có hình tròn trông giống như là chiếc bánh tráng. Bánh mì có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo hình dáng và mục đích sử dụng. Buổi ăn sáng những chiếc bánh mì thường dày và được gọi là "phitti", buổi ăn trưa chúng được cán mỏng hơn và gọi là "roti" để mọi người có thể cuộn tròn cơm vào trong chiếc bánh.
Những ngày mùa hè người trẻ lại thích dùng cà phê vào buổi sáng. Những ngày mùa đông hay mùa thu, trà lại được sử dụng nhiều hơn. Khi uống, người Iran thường cho một viên đường vào trong ly trà. Những người lớn tuổi hơn lại có thói quen uống sữa tươi pha cùng mật ong nguyên chất. Anh Lesman, một công dân của thành phố Shiraz cho tôi biết : “Mật ong ở Iran khá đắt tiền bởi bao quanh quốc gia là những sa mạc rộng lớn, nên mật ong chỉ thật sự dành cho tầng lớp giàu có”. Những túi trà được nhập khẩu từ Sri Lanka với hương thơm nhè nhẹ lẫn trong vị thanh tao khiến tôi cứ muốn được thưởng thức mãi khi đến đây.
Bữa trưa và bữa tối hầu hết mọi người đều dùng cơm. Những cửa hàng thức ăn nhanh cũng đã góp mặt nhưng chỉ phù hợp với số đông giới trẻ, cũng như không khí ở đây không nhộn nhịp như các quốc gia châu Á khác. Hạt cơm của người Iran rất dài, chúng không dẽo mà lại thật tơi xốp. Người Iran thường để một vài hạt dầu điều phía trên để tạo sắc màu cho dĩa cơm thêm phần bắt mắt. Trong các loại kebab, xếp theo mức độ giảm dần về sự đắt đỏ : thịt cừu, cá, thịt bò và thịt gà. Tùy theo mức độ sang trọng của nhà hàng, tôi có dịp thử qua những hương vị kebab khác nhau. Ở mức độ ngon nhất, độ hăng thịt cừu nó chỉ thoáng qua và đánh thức vị giác cho tôi biết rằng tôi đang dùng món sườn cừu nướng.
Tôi học theo cách của người Iran dùng nước chanh rải đều lên trên những xâu kebab thơm lừng. Mùi vị chua chua hòa lẫn trong độ ngọt và thơm của thịt luôn tạo thành hương vị khó quên. Đến Iran, cũng đừng bỏ qua món kebab cá. Những chú cá được đánh bắt từ sông và suối luôn mở màng và béo ngậy.
Theo Sài gòn ẩm thực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét