Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

Đi giặt sấy thuê ở Mỹ

(iHay) Đến Mỹ thăm thân hoặc phượt dài ngày, có lẽ bạn sẽ biết thêm về một loạt dịch vụ rất phổ biến tại đây. Và tưởng chừng như chỉ là dịch vụ bình thường, việc đi giặt sấy thuê lại thể hiện khá nhiều nét văn hóa Mỹ.



Một tiệm giặt sấy thuê loại lớn
 
Ở Mỹ hầu như nhà nào cũng có sân vườn nhưng hầu như không ai sử dụng sân vườn để phơi đồ. Có lẽ điều đó một phần do mùa đông kéo dài, phần khác, thói quen sử dụng máy sấy khô hoàn toàn quần áo đã đi vào đời sống.
Tôi đến Boston (bang Massachusetts) vào những ngày đầu tháng 4. Những ngôi nhà ở đây thường có tầng hầm: đó là nơi để những vật dụng thỉnh thoảng mới sử dụng, thường ưu tiên nhất là máy giặt và máy sấy.
Hai loại máy này ở đây luôn đi thành một cặp, mỗi máy có sức chứa lớn, phải gấp đôi các loại máy giặt phổ biến ở Việt Nam. Bởi mùa đông kéo dài, khí hậu lạnh giá, người dân địa phương phải mặc nhiều lớp quần áo mỗi khi ra ngoài, chưa kể áo khoác, nón mũ len, khăn quàng, găng-vớ các kiểu, chăn-mền… nên mỗi lần giặt hay sấy thì phải cần loại máy có sức chứa lớn mới chịu nổi.
Giá của “cặp đôi” này khoảng 1.000 USD đến hơn, nếu không có nhà riêng thì dù có tiền cũng đừng mơ sắm sửa nó, vì chỗ đâu mà để?
Dân nhập cư hoặc du học sinh đến Mỹ đi thuê nhà thường tìm những nhà trọ có sẵn máy giặt và máy sấy, còn nếu chủ nhà không có sẵn, họ sẽ phải mang quần áo đi giặt sấy thuê ở một chỗ chuyên mở dịch vụ này.
Vì thế, những vùng có đông dân nhập cư hoặc du học sinh thường có nhiều điểm dịch vụ giặt sấy thuê. Điều đặc biệt là người chủ của những điểm dịch vụ này thường là người Mỹ gốc châu Mỹ La Tinh (Nam Mỹ), mà dân ở đây thường gọi là dân “Sì” (Spanish/Hispanic - người nói tiếng Tây Ban Nha).
Không ít những ông chủ “Sì” giàu lên nhờ dịch vụ này, thậm chí có những điểm dịch vụ lớn còn có cả sân đậu xe hơi dành cho khách đi giặt thuê ngay bên cạnh.

Khách tự chọn máy giặt

Toàn bộ máy giặt hay máy sấy ở Mỹ đều lồng inox và là loại cửa trước
 
Dịch vụ giặt sấy thuê ở Mỹ thường để sẵn rất nhiều máy giặt, máy sấy với những kích cỡ khác nhau, với giá thuê máy giặt từ 4 USD - 5 USD - 6 USD/lần giặt và 25 cents/10 phút sấy.
Người đến giặt sấy thuê sẽ chọn cỡ máy chứa đủ đồ mình cần giặt, trả tiền bằng thẻ Laundry Card (thẻ từ mua của chủ tiệm, giá 1 USD, sau đó nạp khoảng 20 USD/lần giặt) hoặc tiền mặt. Họ có thể mang nước giặt theo hoặc mua ở tiệm cũng có đủ loại.
Sau khi giặt xong, mỗi người tự lấy đồ của mình và đến chỗ máy sấy khô, chọn thời gian sấy. Đồ mỏng và nhẹ sấy khô khoảng 30 phút, còn đồ dày và áo khoác, mền…có thể  phải chọn sấy 60 phút hoặc hơn.
Dân đi giặt sấy thuê ở đây trung bình cứ dồn đồ dơ khoảng sau hai tuần mới đi một lần, mỗi lần như thế tốn chừng trên dưới 20 USD (cho nhóm 2 người).
Cửa tiệm giặt sấy thuê thường hoạt động từ sáng sớm đến 12 giờ đêm và hầu như lúc nào cũng tấp nập, thậm chí khách phải xếp hàng chờ máy trống. Chỗ cửa tiệm lớn thường có xe đẩy cho khách đựng đồ dơ hay đồ sạch; có bàn lớn để khách xếp lại đồ đã sấy xong; có cả những máy trò chơi… đủ loại dành cho khách giải trí trong khi chờ đợi (tất nhiên, khách muốn chơi phải bỏ tiền mua tiền xu!).

Các máy trò chơi được lắp đặt bên trong tiệm để khách "giết thời gian"

Cửa tiệm giặt sấy thuê thường hoạt động từ sáng sớm đến 12 giờ đêm

Khách sấy quần áo xong tự đưa quần áo ra bàn để xếp

Bạn không lo quên bột giặt khi đến đây

Một máy bán bột giặt tự động

Ở một tiệm giặt sấy thuê, bạn có thể nhìn thấy những dòng chữ nhắc nhở của chủ tiệm trên tường
Ở một tiệm giặt sấy thuê, bạn có thể nhìn thấy những dòng chữ nhắc nhở của chủ tiệm trên tường: “Làm ơn lấy nhanh đồ của bạn ra khỏi máy sau khi xong” (nghĩa là “vì còn người khác đang chờ sử dụng”) và “Chúng tôi không chịu trách nhiệm về việc đồ của bạn bị mất hay hư hỏng” (nghĩa là “bạn tự chịu trách nhiệm về cách sử dụng máy của bạn”).
Dĩ nhiên, muốn sử dụng thành thạo các loại máy này thì bạn phải biết tiếng Anh để biết nó nói gì. Học ở Mỹ hay sống ở Mỹ, đâu có dễ!
Bài, ảnh: Ben Khôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét