Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Về miền Tây Trúc

Sravasti bình yên


TTO - Ấn Độ với tôi là một giấc mơ được trải ra dưới ánh mặt trời. Ở đây mọi thứ đều được đẩy đến độ tột cùng khiến tôi không ngớt ngạc nhiên về những điều bày ra trước mắt mình. Xứ sở này rực rỡ như chính loài chim biểu tượng cho nó: chim công, và kỳ bí như chính loài thú biểu tượng quốc gia: hổ Bengal.
Bò là phương tiện di chuyển phổ biến ở Ấn Độ - Ảnh: Thu Giang
Trên mảnh đất mênh mông này, núi rừng và biển cả, đồng bằng và sa mạc cùng trải dài, mùa hè nóng như đổ lửa, mùa đông lạnh thấu xương. Trên mảnh đất này, những công trình kiến trúc huy hoàng như những cung điện của thần linh ở chung với những túp lều đất nhỏ hơn cả những chuồng bò.
Tây Trúc huyền thoại
Ấn Độ là miền Tây Trúc nhiều huyền thoại, mảnh đất phát tích của đạo Phật với tám vùng thánh tích linh thiêng đánh dấu những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật.
Ấn Độ trải rộng trên 3 triệu km2với mũi Nam vươn ra Ấn Độ Dương, phía Đông được bao bọc bởi vịnh Bengal, phía Tây được bao bọc bởi vịnh Arabian, đường bờ biển lên tới trên 7.500km. Đồng bằng Ấn-Hằng kéo dài từ phía đông đến tận chân dãy Himalaya tuyết phủ phía Bắc; phía Tây là sa mạc Thar rộng hơn 200.000km², một trong những sa mạc lớn nhất thế giới.
Nếu đi theo “dấu chân Đức Phật” chúng ta sẽ bắt đầu từ Lumbini (Lâm Tì Ni), nơi đánh dấu sự kiện đản sanh; tới Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), nơi Đức Phật thành đạo; rồi từ Bodh Gaya sang Sarnath (Lộc Uyển), nơi chuyển pháp luân, theo con đường hoằng hóa của Người tới Rajgir (Vương Xá), Vaishali (Tỳ Xá Li), Sravasti (Thành Xá Vệ) và Sankasya trước khi đi Kusinagar (Câu Thi Na), nơi Đức Phật nhập Niết Bàn.
Cuộc hành trình gần hai tuần của chúng tôi đã bao phủ 7 điểm trong số 8 vùng thánh tích quan trọng của Phật giáo trên đất Ấn; chỉ thiếu Sankasya, vùng thánh tích nằm bên bờ sông Ikkhumati, nơi còn ít được du khách đến thăm do đường đi và tiện nghi không thuận lợi.
Khoảng thời gian từ tháng 10 đến đầu tháng 2 được coi là thời điểm lý tưởng để du lịch Ấn Độ. Lúc này mùa hè, với những ngày nhiệt độ lên tới 45 độ C đã qua đi; cũng đã hết những ngày mưa tầm tã; mùa đông giá lạnh còn chưa tới. Lúc này, mỗi ngày là một ngày nắng vàng mật ong, trời mát lạnh vào buổi sáng và đêm; một đôi khi cả ngày dài mưa lắc rắc âm u làm những cánh đồng nhuốm vẻ hiu quạnh. 
Những chiếc xe tải được vẽ màu sặc sỡ, với người ngồi trên nóc xe là hình ảnh dễ thấy trên đường - Ảnh: Thu Giang
Một phiên chợ gia súc - Ảnh: Thu Giang
Đêm Sravasti
Bỏ qua những chuyến bay dài, bỏ qua New Delhi với những trung tâm mua sắm sầm uất và những con đường bụi bặm, bỏ qua Red Ford và Taj Maha lộng lẫy và đã trở nên xô bồ với người, người và người; cuộc hành hương với tôi thực sự bắt đầu khi mắt nhắm mắt mở bước lên tàu tới Lucknow vào một buổi sớm tinh mơ.
Từ Lucknow, chúng tôi xuôi về phía Bắc thêm gần 200km để tới Sravasti, còn được biết đến với tên gọi Savatthi (Pali), thành Xá Vệ.
Khi chúng tôi tới Sravasti, nơi mà người bạn Ấn Độ mô tả là “ngôi làng bị lãng quên”, đã chìm trong bóng đêm. Không gian quá tĩnh lặng khiến lòng người không khỏi bùi ngùi. Sravasti là đây sao, đô thành vương giả của xứ Kosala ngày nào giờ đã là làng quê vắng bóng đèn, đô thị phồn hoa đã lùi xa hàng trăm cây số.
Đã có một thời Sravasti là kinh đô của vương quốc Kosala (Kiều Tát La). Vào thời Đức Phật tại thế, Kosala được xếp hạng tư trong tổng số 16 tiểu quốc của Ấn Độ và Sravasti, một trong sáu thành phố lớn thời đó, một thành phố xinh đẹp, đông đúc và giàu có, với nền văn hóa đa dạng.
Vào thuở ấy, các tỳ kheo sống cuộc sống tu hành khổ hạnh, nay đây mai đó. Nhưng từ rằm tháng 6 đến rằm tháng 9, khi mùa mưa tới và thời tiết trở nên quá khắc nghiệt cho cuộc sống khất thực, họ cần một nơi an trú tạm thời. Những thí chủ thường cúng dường các tịnh xá cho tăng đoàn để các tỳ kheo có chỗ an cư tu tập trong thời gian này.
Mặt trời lên khi con tàu mải miết chạy về Lucknow - Ảnh: Thu Giang
Hơn 2.500 năm trước, sau khi được nghe pháp và trở thành đệ tử tại gia của Đức Phật, vị thí chủ Sudatta Anàthapindika, thường được biết đến dưới tên gọi Cấp Cô Độc, do ông hay trợ giúp những người cô độc, đã xin cúng dường một nơi an trú mùa mưa tại Sravasti cho Đức Phật cùng tăng đoàn và thỉnh cầu Đức Phật tới Sravasti để hoằng dương Phật pháp.
Đó là sự khởi đầu cho mối duyên của Sravasti với Đức Phật và tăng chúng. Sravasti đã trở thành mảnh đất lành, lưu chân Đức Phật suốt 25 mùa an cư kiết hạ.
Người ta vẫn tin rằng để mua được khu vườn Jetavana của vương tử Jeta (Kỳ Đà), con Đại vương Pasenadi (Ba Tư Nặc), vị thí chủ Sudatta đã phải nhờ đến sự phân giải của tòa án và phải trả số tiền vàng đủ để lát khắp bề mặt khu đất này.
Jetavana được miêu tả là một khu vườn xinh đẹp với nhiều cây cổ thụ, có giảng đường, trai đường, nhà bếp, ở giữa là hương thất dành riêng cho Ðức Phật, xung quanh là tịnh thất của các vị tỳ kheo. Sau nhiều thế kỷ bị quên lãng, đến năm 1863 phế tích của Jetavana lần đầu tiên được phát hiện bởi nhà khảo cổ học người Anh Alexander Cunningham (1814-1893).
Cây bồ đề 2.000 năm
Sau một đêm nghỉ ngơi, sáng sớm hôm sau chúng tôi lên đường tới Kỳ Viên. Ánh nắng ngày mới như rọi vào lòng người một niềm vui. Kỳ Viên tịnh xá nằm giữa vùng đồng bằng bằng phẳng thuộc làng Saheth. Sau chiếc cổng giản dị, khu tịnh xá trải dài, phế tích và cây cối xanh tươi nằm men theo những con đường nhỏ. Những cánh chim chao lượn trên bầu trời xanh. Không gian quá đỗi an bình khiến khách hành hương lòng tràn đầy hỉ lạc.
Ngay từ xa đã có thể nhìn thấy bóng cây bồ đề Ananda nổi bật trên nền trời, tán xòa rộng đến vài chục mét. Cây bồ đề hiện tại được cho là cây gốc từ hơn 2.000 năm trước, do Đại đức Ananda xin phép Đức Phật trồng để mọi người chiêm ngưỡng và kính lễ những khi Người không có mặt ở Sravasti.
Cây được Đại đức Moggallana (Mục Kiền Liên) dùng phép lấy về từ cây gốc ở Bodh Gaya, và Đức Phật đã ngồi thiền một đêm dưới gốc cây này. Người ta vẫn tin rằng ngồi thiền dưới gốc cây hoặc đi kinh hành quanh gốc cây sẽ nhận được nhiều phước báu.
Cây bồ đề Ananda - Ảnh: Thu Giang
Chuẩn bị hoa cúng Phật ở Gandhakuti - Ảnh: Thu Giang
Nằm ở vị trí trung tâm Jetavana là Gandhakuti, hương thất của Đức Phật. Hương thất nguyên thủy, đã bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn, được mô tả là một kiến trúc gỗ bảy tầng, có cất giữ pho tượng Đức Phật bằng gỗ đàn hương. Phần phế tích với những bức tường gạch và chân cột, mà chúng ta có thể chiêm bái ngày nay là kiến trúc được trùng tu về sau.
Tuy chỉ còn là một phế tích, Gandhakuti vẫn là trái tim của Kỳ Viên Tịnh xá, nơi khách hành hương thường hay đi kinh hành xung quanh. Gần đó vẫn còn dấu tích của ao sen, nơi Đức Phật xuống tắm.
Một trong những điểm quan trọng trong Jetavana là Kosambakuti, đánh dấu vị trí của một tịnh thất khác của Đức Phật, giờ đây cũng chỉ còn nền phế tích gần như hình vuông, với mỗi chiều dài hơn 5m và hành lang lát gạch ghi lại con đường Đức Phật đi thiền hành. Ngay gần đó là tịnh thất của Đại đức Ananda, xa hơn, rải rác trong tịnh xá là tịnh thất của các đệ tử lớn của Đức Phật.
Sravasti còn có nhiều phế tích nổi tiếng, như tháp Angulimala (Pakki Kuti) - nơi ghi dấu kỷ niệm về tên tướng cướp Anguilimala, kẻ đã giết chết 999 mạng người và còn định giết chính mẹ của mình cho đủ số 1.000, sau đó được Đức Phật hóa độ trở thành một vị tỳ kheo.
Phế tích Pakki Kuti - Ảnh: Thu Giang
Kề với Pakki Kuti là phế tích của tháp Kachchi Kuti, còn được mang tên vị trưởng giả Anathapindika. Nằm trên gò đất cao giữa một vùng đồng bằng bằng phẳng, từ trên nền phế tích của Kachchi Kuti, du khách có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn, bạt ngàn cây cối...

Lumbini hạnh phúc


TTO - Từ Sravasti, chúng tôi khởi hành đi Lumbini vào buổi trưa. Sravasti êm đềm dần lùi về phía sau. Chúng tôi đang đi trên những con đường xoài dài ngút tầm mắt, hai bên đường những ruộng lúa và mía trải dài.

Tháng mười, táo chín đỏ trên những quầy trái cây - Ảnh: Thu Giang
Tháng 10, mùa xoài đã hết. Bù lại, táo từ Kashmir đổ về các bazaar, bày đỏ các quầy trái cây. Và lựu, lựu khiến người ta mê mẩn, trái chỉ nhỏ bằng nắm tay em bé, vỏ đỏ thắm, hạt ngọt lịm và trong trẻo như những hạt ruby mọng nước. Chuối tiêu, thứ trái cây của người nghèo, chín vàng trên quầy.
Ngọt ngon miền cây trái
Không hổ danh là cây của đất nước, hai bên đường, những hàng xoài cổ thụ khiến con đường rợp bóng mát. Những tán xoài hàng trăm năm tuổi, xòe rộng, cao vài chục mét, phủ xanh những đoạn đường dài.
Xoài được tôn vinh là loại quả quốc gia của Ấn Độ. Cây xoài, loài cây bản xứ của Ấn Độ, là hình ảnh quen thuộc trong đời sống và văn hóa Ấn Độ. Có lẽ phải đến Ấn Độ vào mùa xoài rộ, vào khoảng tháng tư đến tháng sáu mới hiểu tại sao trái xoài được tôn xưng làm Vua của các loài trái cây ở xứ sở này.
Xoài chiếm vị trí độc tôn trên các quầy trái cây trên khắp mọi miền đất nước; đủ mọi kích cỡ, hình dáng, màu sắc và hương vị. Người ta ước chừng có đến hơn 100 loại xoài được biết đến ở Ấn Độ. Quốc gia này cũng đang dẫn đầu thế giới về sản lượng xoài xuất khẩu.
Chúng tôi theo đường tỉnh lộ SH26 tới Balrampur, Gorakhpur rồi qua cửa khẩu Sunauli để tới Lumbini. Lumbini, thuộc quận Rupandehi, Western Terai, nằm ở phía Tây Nam của Nepal.
Thời tiết Lumbini những ngày này cũng thật dễ chịu, một cơn mưa nhẹ vào buổi tối đã khiến không khí trở nên mát lạnh và từ những khung cửa sổ của khách sạn có thể thấy nước mưa lấp loáng trên những tán lá cây trong vườn.
Chúng tôi đã đặt chân lên Lumbini, mảnh đất nơi Đức Phật chào đời, từ đây, những nỗi trần ai của cuộc sống như dịu bớt, và lòng người thấm đượm cảm giác êm đềm.
Nơi đức Phật ra đời
Hồ Puskarni trong khuôn viên khu Di sản Văn hóa Thế giới Lumbini - Ảnh: Thu Giang
Khu vực được công nhận là di sản văn hóa thế giới có diện tích 1,95 ha, nằm ở khu vườn linh thiêng, nơi đức Phật ra đời.
Lumbini đã bị bỏ quên hàng thế kỷ cho đến tận năm 1896, khi nhà khảo cổ học Dr. Alois Anton Furher, người Đức phát hiện ra cây cột đá Asoka. Những cuộc khảo cổ sau đó đã khai quật lại khu di tích như hiện nay, với trung tâm là ngôi chùa Mayadevi và hồ Puskarni.
Năm 1997, Lumbini được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Mỗi năm ước tính có khoảng 400,000 người tới thăm thánh địa này.
Lumbini thuở ấy được mô tả như một khu vườn xinh đẹp, rộng khoảng 9km2 rợp bóng cây. Đức Phật đã ra đời dưới tán cây asoka (saraca asoca, vô ưu), loài cây thân gỗ cao lớn với vòm lá quanh năm xanh tươi và những chùm hoa màu đỏ cam rực rỡ nở vào mùa xuân.
Sau cổng vào là chùa Mayadevi, một kiến trúc xinh đẹp nhằm bảo vệ phế tích của ngôi chùa cổ khỏi mưa nắng. Nơi đây, người ta đã tìm thấy phiến đá tạc lại khung cảnh khi Đức Phật đản sanh.
Nổi bật trong khu trung tâm Lumbini là một thạch trụ cao 6,5m do hoàng đế Asoka dựng vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, trong chuyến hành hương tới Lumbini.
Trong ghi chép của nhà tu hành Huyền Trang, trên đầu trụ đá có tượng hình con ngựa, và trụ đá đã bị gãy ở giữa do sét đánh. Phía nam của cột đá Asoka là ao Puskarni, nơi hoàng hậu Mayadevi đã tắm trước khi sinh. Tỏa bóng xuống ao Puskarni là một cây bồ đề lớn.
Khu vực trung tâm Lumbini được bao bọc bởi một khu vùng đệm rộng 23 ha, một vùng không khách sạn, không nhà hàng, không cửa hàng, cửa hiệu. Chỉ chùa và tu viện được phép xây dựng trong vùng đệm này.
Chùa Mayadevi - Ảnh: Thu Giang
Hòn đá nhân chứng - Ảnh: Thu Giang
Bình yên
Quần thể chùa và tu viện đa phong cách, thể hiện bản sắc dân tộc của các quốc gia, nằm giữa những khu vườn rộng lớn và yên tịnh, men theo những con đường rải đá quanh co dưới tán cây, xen giữa những cánh đồng, những ao nước, nơi trú ẩn của các loài chim hoang dã... Tất làm nên một phần vẻ đẹp bình yên của Lumbini.
Những bộn bề của cuộc sống như biến mất, khi du khách thả bước nhàn du nơi đây, ngắm mặt trời mọc rồi lặn, chút bảng lảng như sương như khói lan tỏa trên mặt những gương nước vào sáng sớm và chiều tối, tiếng chuông chùa ngân nga.
Đi vòng vòng xa hơn chút nữa, du khách cũng chỉ thấy cảm giác yên bình trước những con đường nhỏ, những cánh đồng lúa, những đứa trẻ nghèo nhưng chỉn chu trong những bộ đồng phục.
Lumbini, giống như một ốc đảo, cách biệt với mọi sự náo nhiệt ồn ã của thế gian, khiến lòng người không khỏi lưu luyến khi từ giã.
Cổng chùa Việt Nam Phật Quốc Tự Lumbini - Ảnh: Thu Giang

Từ Kushinagar tới Vaishali


TTO - Từ Lumbini, đi ngược lại 170 km, theo đường quốc lộ NH29 và đường tỉnh lộ SH64 khoảng 4-5 giờ là tới Kushinagar. Kushinagar, còn được biết đến với tên gọi Kushinara, là nơi Đức Phật nhập Niết Bàn khi người 80 tuổi.

Phật tử đi kinh hành quanh tháp trà tỳ Đức Phật - Ảnh: Thu Giang
Đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi tại sao không khí êm đềm tươi sáng của Lumbini bỗng trở nên u tịch khi xe chúng tôi tới Kushinagar. Có lẽ bởi chúng tôi đã đến đây đúng vào buổi chiều, một buổi chiều trời chuyển mưa âm u; có lẽ bởi những rặng lau cứ xào xạc mãi bên con đường nhỏ dẫn vào ngôi làng.
Mưa Kushinagar
Mấy ngàn năm đã trôi qua, nhưng dường như Kushinagar vẫn lặng lẽ như những ngày xưa, khi còn được mô tả là một thành phố nhỏ bé, bao quanh bởi những khu rừng. Đa số khách hành hương đều tới từ Gorakhpur, cách đó chừng 53 km, từ đây có sân bay nội địa và ga tà̀u nối với hầu hết các thành phố lớn.
Kushinagar và những di tích của nó đã được ghi lại trong ghi chép của hai nhà tu hành Pháp Hiền và Huyền Trang. Trải qua nhiều cuộc bể dâu, toàn bộ những phế tích của Kushinagar đã chìm trong quên lãng cho đến tận giữa thế kỷ 19, nhà khảo cổ học Alexander Cunningham mới đưa ra những lập luận về nơi Đức Phật nhập Niết Bàn dựa trên các khảo cứu của mình.
Sân ga gần nhất với Kushinagar nằm ở Deoria, cách chừng 35 km. Khách hành hương cũng có thể đến Kushinagar dễ dàng bằng ôtô, theo đường 28.  
Công trình kiến trúc có tầm quan trọng nhất ở Kushinagar là tháp Nirvana Chaitya và chùa Mahaparinirvana (Nirvara Temple). Sau những khám phá của Cunningham, khu vực này được khai quật rộng rãi bởi Carlleyle vào năm 1876 và Viện Khảo cổ Ấn Độ (ASI) vào những năm 1904-1912.
Khi đó, người ta đã tìm thấy ngôi chùa Nirvara không còn mái, phần chân của tháp Nirvara và phế tích của các tu viện và tháp lớn nhỏ xung quanh khu vực chùa và tháp chính.
Chùa và tháp chính nổi bật trong ánh chiều tà. Đứng trên nền cao 2.74m, ngôi tháp hình trụ với mái vòm giản dị vươn lên 19,81m so với mặt đất. Ngôi tháp được dự đoán xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ III, và được phục chế lại vào năm 1927. Chiều cao nguyên thủy của tháp được ước lượng vào khoảng 45 m.
Bên cạnh tháp là chùa Mahaparinivana, được dựng mới trên nền ngôi chùa cũ vào năm 1956 để chuẩn bị cho đại lễ Phật Đản năm 2500. Trong chùa thờ pho tượng Đức Phật nhập Niết Bàn, nằm nghiêng về bên phải, đầu quay về phía Bắc, mắt nhìn về hướng Tây. Các nhà khảo cổ cho rằng bức tượng được đặt ở chính vị trí ngày xưa Đức Phật đã nhập Niết Bàn.
Đường vào tháp trà tỳ (nơi người ta làm lễ trà tỳ - hỏa táng) Đức Phật - Ảnh: Thu Giang
Tượng Đức Phật nhập Niết Bàn - Ảnh: Thu Giang
Bức tượng xuất hiện từ thế kỷ thứ 5, tạc từ một khối đá sa thạch dài hơn 6m, được đặt trên một bệ gạch dài khoảng 7m. Nét mặt từ bi của Đức Phật khiến nhiều lớp người xúc động, nhất là trong không khí u tịch của buổi chiều muộn tháng mười, thoắt nắng thoắt mưa.
Gần ngôi chùa là hai cây sala tỏa bóng xuống lối đi, những mắt lá dài xanh biếc. Cây sala là loài thân gỗ, với những chùm hoa dài mọc ra từ thân cây và có mùi hương dễ chịu. Trong kinh điển, Đức Phật nhập Niết Bàn dưới tán cây sala, và khi đó rừng sala đồng loạt trút lá.
Cách quần thể chùa và tháp khoảng hơn một cây số về phía đông là khu lăng mộ Ramabhar - được coi là nơi làm lễ trà tỳ cho Đức Phật. Tên gọi Ramabhar được đặt theo tên của một hồ nước gần đó, còn cư dân địa phương vẫn gọi tháp là Angara Stupa (tháp Di Cốt). Ramabhar là một ngôi tháp gạch có kiến trúc hình tròn giản dị, đường kính 34,14m, được dựng trên một bệ tròn nhiều tầng có đường kính chân nền 47,24m.
Chúng tôi đến thăm tháp vào buổi sáng sớm và lặng lẽ nhập vào đoàn các phật tử Sri Lanka đi kinh hành nhiều lần quanh tháp, trước khi đi Vaishali.
Vaishali - mùa xoài không ra trái
Ngày hôm nay, chúng tôi sẽ đi ngược lại con đường Đức Phật đã đi trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời thân báo của ngài để đến thăm Vaishali. Vaishali hoặc Vesali (Pali) là một trong tám điểm thánh tích quan trọng của Phật giáo, và cũng là điểm hành hương quan trọng của đạo Jain. Vào thời Đức Phật còn tại thế, nơi đây đã từng là một đô thành lớn, giàu có và đông đúc.
Thật dễ mủi lòng khi chứng kiến Vaishali, kinh đô một thời của Vương quốc Litchavi, giờ đã hóa thân thành đồng ruộng và những ngôi làng nhỏ. Không còn dấu tích gì của một trong những Vương quốc Cộng hòa đầu tiên trên thế giới; của ngựa xe, phồn hoa đô hội.
Chúng tôi băng qua một ngôi làng nghèo để tới Kolhua, quần thể di tích gồm có cột đá Asoka, tháp thờ xá lợi ngài Ananda, hồ Ramakunda và rất nhiều phế tích của các tháp và tịnh xá.
Ngôi làng bao quanh Kolhua với những ngôi nhà thấp bé - Ảnh: Thu Giang
Một trạm xăng cũ mèm gần Vaishali - Ảnh: Thu Giang
Ngôi làng phơi ra vẻ nghèo khó không giấu giếm trong những ngôi nhà đất lè tè, những ngôi nhà gạch không tô trát, nằm lẫn trong vườn xoài, mà bụi bặm đã khiến tán lá đổ sang màu xám. Chủ yếu là nhà đất, lợp lá, cạnh đó là nhà kho dựng kiểu nhà bhonga hình tròn nhỏ xíu và chuồng bò hầu như chỉ là vài cây cột dựng lên, bên trên có mái lá che mưa nắng.
Con đường đi quá chật hẹp, nước thải đổ thành rãnh trên đường làm thành nơi trú ẩn của muỗi. Ở đầu làng có một chiếc giếng khoan của UNICEF và bọn trẻ tưng bừng nghịch nước quanh giếng. Những người phụ nữ ngồi trước nhà nhìn ra ngoài đường, đôi mắt ánh lên vẻ hoài nghi.
Khu di tích được tách biệt với khu dân cư bởi một bức tường gạch, và không gian bên trong sạch sẽ, vắng lặng hoàn toàn khác với khung cảnh bên ngoài.
Cây cột đá Asoka, được dựng vào thế kỷ III trước Công nguyên, đứng ngạo nghễ trong nắng chiều. Biết bao thời gian, biết bao mưa nắng, biết bao sự kiện đã trôi qua nơi đây, dưới cây cột này! Cột hầu như còn nguyên vẹn, cao 11m, đường kính khoảng 1m, bằng đá sa thạch nguyên khối được đánh bóng, với một số ký tự của thời Gupta.
Trên đỉnh cột là hình sư tử nhìn về phía Bắc, hướng Đức Phật đã đi trong cuộc du hành cuối đời của người. Đây là cột đá duy nhất thời vua Asoka còn nguyên vẹn cho đến bây giờ.
Phía trước cột đá là phế tích của một tháp gạch, cao khoảng 3m, được cho là ngôi tháp thờ xá lợi của Đại đức Ananda, người thị giả trung thành của Đức Phật trong suốt 27 năm và cũng là người đã xin Đức Phật cho phép thành lập ni đoàn.
Toàn cảnh khu phế tích Kolhua - Vaishali
Hồ Ramakunda - Ảnh: Thu Giang
Phía sau cột đá là hồ Ramakunda hình chữ nhật, rộng 35m, dài 65m, ghi dấu sự tích về bầy khỉ thường cúng dường trái cây và mật ong cho Đức Phật.

Bodh Gaya


TTO - Được bao bọc bởi những dải núi đá thấp ở ba phía, phía đông là dòng Falgu huyền thoại, Bodh Gaya là một khu thuộc quận Gaya, cách thành phố Gaya - thủ phủ của quận, trung tâm tôn giáo của cả đạo Hindu, đạo Phật và đạo Jain - khoảng 16km.

Phong cảnh trên đường đến Bodh Gaya - Ảnh: Thu Giang
Bodh Gaya nửa bình yên như một ngôi làng, nửa bận rộn giống như một thị trấn, với dân số khoảng 40.000 người. Được thừa hưởng các tiện nghi giao thông của Gaya, hay nói cách khác, nhờ có Bodh Gaya mà các phương tiện giao thông của Gaya phát triển rất thuận lợi cho du khách.
Dấu ấn ngàn năm
Những ngày ở Bodh Gaya có lẽ là những ngày hân hoan nhất trong toàn bộ cuộc hành trình. Ở đây, chúng tôi có dịp thăm lại nơi Đức Phật thành đạo, thăm ngôi làng của nàng Sujata (Tu Xà Đề) và vô số chùa của các quốc gia khác nhau. Thiên nhiên nơi đây cũng gắn bó với những thánh tích.
Trải qua hàng ngàn năm, du khách vẫn còn cơ hội ngồi chiêm nghiệm dưới tán bồ đề. Vẫn còn đó dòng Niranjan huyền thoại, đồi Brahmayoni, thuở đó mang tên Gayasisa nơi đức Phật giảng Kinh Lửa Cháy (Aditta-pariyaya Sutta) cho các nhà tu khổ hạnh theo đạo thờ Thần Lửa, xa hơn nữa là Khổ Hạnh Lâm, nơi Đức Phật đã tu khổ hạnh sáu năm.
Sân bay Gaya, nằm giữa Gaya và Bodh Gaya, là sân bay lớn thứ 2 của Bihar, từ đây có các chuyến bay nội địa tới Delhi, Kolkata, Varanasi và các chuyến bay quốc tế tới Nhật Bản, Thái Lan, Myanmar và Sri Lanka. Ga Gaya (Gaya Junction) là ga lớn thứ hai của bang Bihar, sau ga Patna, mỗi ngày đón gần 100 chuyến tàu đến, đi.
Ga Gaya cách Bodh Gaya 16km, từ đây nếu không ngại chen chúc cùng với dân địa phương, du khách có thể dễ dàng bắt xe buýt hoặc autorickso tới Bodh Gaya. Hoặc cũng có thể theo quốc lộ 83 nối Gaya với Patna, với khoảng cách chừng 130km.
Niranjan, dòng sông thiêng của đạo Phật cũng như đạo Hindu, còn có tên gọi là Nilanjan, Lilajan - được biết đến với cái tên Việt “Ni Liên Thiền”.
Cùng với sông Mohana, Niranjan khởi nguồn từ cao nguyên Hazaribagh, bang Jharkhand, cách Gaya hơn 100km về phía nam. Sau khi chảy qua Bodh Gaya khoảng 4km, nó hợp lưu với dòng Mohana thành dòng Falgu, có bề rộng lên tới gần 1km. Dòng Falgu tiếp tục tiến về hướng bắc, hòa nhập vào dòng Punpun và cuối cùng chảy về sông Hằng.
Niranjan vào mùa này chỉ còn lại một dòng nhỏ mong manh. Ít ai ngờ vào mùa mưa, Niranjan rộng tới vài trăm mét. Dưới lòng sông nước đã cạn khô trơ ra đáy cát, có chỗ cỏ đã mọc lác đác, sư cô Tuệ Tâm chỉ cho chúng tôi dấu vết của những buổi đốt xác. Hai bên bờ sông còn mọc đầy giống cỏ xanh mượt, cao ngang người mà người dân gọi là cỏ kusha (cỏ kiết tường).
Thứ cỏ này phải chăng cũng chính là cỏ kusha mà người nông dân đã dâng lên Đức Phật hàng ngàn năm về trước để người ngồi? Hàng ngàn năm trôi qua với biết bao nhiêu dâu bể nhưng sông vẫn bền bỉ chảy, cỏ vẫn mọc, và người dân vẫn cắt cỏ để nuôi bò như người dân của hàng ngàn năm về trước.
Bên sông là ngôi chùa nhỏ khiêm tốn, đánh dấu nơi nàng Sujata cúng dường bát cháo sữa cho Đức Phật, trước khi Ngài đi về cội Bồ đề thiền định. Gần đó, bên bờ nam của dòng Niranjan là phế tích của ngôi tháp gạch cao khoảng 11m mang tên nàng Sujata.
Một đoạn sông Niranjan huyền thoại - Ảnh: Thu Giang
Chùa Sujata - Ảnh: Thu Giang
Cây bồ đề tỏa bóng lên chùa Mahabodhi - Ảnh: Thu Giang
Cách làng Sujata chừng 1,6km về phía đông bắc là ngọn đồi Dhongra. Trên đỉnh đồi có một hang đá nhỏ, tương truyền đây chính là vùng Khổ Hạnh Lâm, nơi Đức Phật trải qua sáu năm tu khổ hạnh.
Uruvela núi non trùng điệp, chiếc xe nhảy chồm chồm trên con đường làng nhỏ hẹp và nhiều ổ gà. Trước mắt chúng tôi lại bày ra cảnh trí của một ngôi làng nghèo với những đứa trẻ áo quần rách rưới. Phụ nữ Ấn Độ không biết việc khâu vá nên áo quần của con trẻ cứ mặc đến khi quá rách thì quăng đi.
Những ngôi nhà gạch, nhà đất ven đường đắp đầy bánh than giống than bùn rất phổ biến ở miền Bắc cách đây khoảng 20 năm. Có điều bánh than này làm bằng bùn trộn với rơm và phân bò. Dân ở đây vẫn phải đun nấu bằng thứ chất đốt tự nhiên này.
Biểu tượng của sự giác ngộ
Trung tâm của Bodh Gaya là cội bồ đề, nơi Đức Phật thành đạo. Dưới gốc bồ đề huyền thoại, hoàng đế Asoka đã dựng tòa kim cương Vajrasana bằng đá sa thạch để ghi nhớ địa điểm nơi Đức Phật thành đạo. Bên gốc bồ đề là chùa Mahabodhi, được xây dựng vào thế kỷ thứ VI.
Ngôi chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, trong đó có cuộc đại trùng tu vào năm 1883 và năm 1956, nhân dịp lễ kỷ niệm 2.500 ngày Phật đản. Tháng 8-2002, chùa Mahabodhi đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Tỏa bóng lên ngôi chùa lịch sử là một cây bồ đề lớn. Cây bồ đề là một phần không thể thiếu được của quần thể di tích ở Bodh Gaya, nó cũng đã trở thành một trong những vật biểu trưng của bang Bihar. Lá cây bồ đề ép khô trở thành vật lưu niệm được khách hành hương yêu thích, như là một biểu tượng của sự giác ngộ.
Cây bồ đề cũng có một lịch sử của riêng nó, với những thăng trầm theo năm tháng. Cây đã bị triệt hạ nhiều lần, và cũng được trồng lại nhiều lần từ cây cũ, hoặc từ nhánh của cây bồ đề ở Sri Lanka, vốn là một nhánh của cây bồ đề nguyên thủy. Cây bồ đề hiện tại được trồng lại vào năm 1876, sau khi cây trước đó bị bão làm bật gốc. Tháng 10, cây xanh tươi không một chiếc lá vàng.
Tháp Sujata - Kuti - Ảnh: Thu Giang
Mahabodhi trong nắng chiều - Ảnh: Thu Giang
Chùa Nhật Bản ở Bodh Gaya - Ảnh: Thu Giang
Tháp chùa Việt Nam Phật Quốc Tự - Bodh Gaya - Ảnh: Thu Giang
Chúng tôi cũng dành nhiều thời gian tham quan các ngôi chùa ở Bodh Gaya, mỗi ngôi chùa giống như một “Đại sứ quán” của các quốc gia. Buổi tối sau cùng ở Bodh Gaya, mọi người đến chùa Việt Nam Phật Quốc Tự.
Rốt cuộc, chuyến viếng thăm này đã trở thành một trong những điểm nhấn trong lịch trình khi tất cả ngồi trên sân thượng trong gió mát tháng 10, ngắm chiều lặng xuống và những ráng vàng, ráng đỏ mờ dần, nhường chỗ cho bóng đêm tịnh mặc, sao trời và gió mát... 

Sarnath huyền thoại


TTO - Chúng tôi rời Bodh Gaya vào sáng sớm, đi dọc theo quốc lộ 2 để tới Sarnath - nơi Đức Phật Chuyển Pháp Luân và an cư mùa mưa đầu tiên sau khi người thành đạo.

Sari trên mọi nẻo đường - Ảnh: Thu Giang
Cung đường Bodh Gaya - Sarnath là cung đường đầu tiên Đức Phật độc hành sau khi thành đạo, với mục tiêu tìm đến nhóm năm người bạn đồng tu khổ hạnh để truyền bá giáo pháp mà người vừa chứng ngộ. Nhà học giả người Ðức Schumann đã tính toán rằng để vượt qua khoảng cách này, Đức Phật cần ít nhất 14 ngày.
Cung đường xưa
Đường khá tốt, trời đẹp, và chúng tôi chỉ mất khoảng hơn 5 giờ để vượt qua khoảng cách gần 300km tới Sarnath. Sanath chỉ cách Varsanasi 8 km, nên điểm tham quan này được thừa hưởng hệ thống giao thông thuận lợi của thành phố này.
Varanasi là một trong những cửa ngõ giao thông của bang UP, từ đây có thể đi tới các thành phố lớn khác bằng đường hàng không, đường sắt và đường bộ. Sân bay Babatpur cách thành phố khoảng hơn 20km, cách Sarnath khoảng 30 km. Tại đây, các chuyến bay nội địa của Indian Airlines cất cánh hằng ngày, nối Varanasi với New Delhi, Delhi, Khajuraho, Mumbai, Lucknow.
Ga Varanasi là một trong những ga lớn nhất của Ấn Độ, từ đây có tàu đi hầu hết các thành phố lớn trong nước. Đường bộ cũng rất thuận lợi với quốc lộ 2 từ Calcutta to Delhi, quốc lộ 7 nối với Kanya Kumari và quốc lộ 29 nối với Gorakhpur.
Dù vậy, Sarnath dường như không bị ảnh hưởng bởi sự xô bồ, sầm uất của thành phố Varanasi. Sarnath thật thanh bình, với những con đường rộng rợp bóng cây.
Một góc Sarnath - Ảnh: Thu Giang
Sarnath, cũng như những thánh tích khác, đã từng chìm trong quên lãng. Năm 1794, người ta còn triệt hạ bảo tháp Dharmarajika để lấy vật liệu xây cất một ngôi chợ. Những cuộc khai quật đầu tiên ở Sarnath được thực hiện bởi Duncan và sau đó là Cole Mackenzie vào cuối thế kỷ XVIII.
Đầu thế kỷ XIX, Alexander Cunningham đã khảo sát tháp Chaukhandi và Dhamekh, ghi lại nơi Đức Phật thuyết pháp đầu tiên. Vào đầu thế kỷ XX, nhà khảo cổ F.C.Oertel khám phá ngôi chùa chính, trụ đá Asoka, tượng Phật Chuyển Pháp Luân bằng đá cùng rất nhiều cổ vật.
Nhiều cuộc khảo sát khác liên tục được tiến hành vào đầu thế kỷ XX, tuy vậy Sarnath vẫn chưa được chú ý tới như một thánh tích, cho đến tận khi Đại đức Anagarika Dharmapala mở công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Sarnath, dần đưa địa điểm này trở lại đúng vị trí quan trọng của nó.
Vùng đất huyền thoại
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi ở Sarnath là tháp Chaukhandi. Tháp được xây dựng để ghi dấu nơi đức Phật gặp lại năm người bạn đồng tu khổ hạnh. Tháp Chaukhandi nằm ngay bên con đường lớn dẫn tới Varanasi. Từ đỉnh tháp có thể nhìn thấy toàn cảnh Sarnath phía xa.
Chaukhandi rất dễ nhận ra bởi hình dáng đặc biệt. Vua Akbar đã xây trên đỉnh tháp một vọng lâu hai tầng, hình bát giác. Dù vọng lâu này không liên quan gì tới lịch sử của ngôi tháp cổ phía dưới, được dự đoán xây cất vào thời kỳ hậu Kushan (48 - 220) hoặc tiền Gupta (320 - 510), nhưng nó tạo cho phế tích vẻ ngoài đặc biệt dễ nhận biết.
Sau khi gặp năm người bạn đồng tu tại Chaukhandi, Đức Phật đã dẫn họ tới một nơi gần đó và thuyết pháp. Nơi Đức Phật thuyết pháp đã được ghi dấu lại bằng ngọn tháp Dhamekh. Tên của bảo tháp bắt nguồn từ chữ Phạn “Dharmachakra” (bánh xe Pháp).
Tháp Dhamekh là một ngôi tháp hình tròn, cao 44m, đường kính 27m nhỏ dần về đỉnh tháp. Tháp được xây dựng bởi vua Ashoka vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Ngôi tháp được dựng trên một bệ đá, phần thân tháp bằng gạch nung, còn giữ được nhiều hoa văn chạm trổ tinh tế.
Tháp Chaukhandi, với hình dáng dễ nhận biết - Ảnh: Thu Giang
Đại tháp Dhamek - Ảnh: Thu Giang
Những hoa văn tinh xảo trên tháp Dhamek - Ảnh: Thu Giang
Dhamekh là công trình còn nguyên vẹn nhất trong quần thể Sarnath. Gần đó, tháp Dharmarajika chỉ còn là một phế tích với nền tháp hình tròn, có đường kính khoảng 18m.
Tháp Dharmarajika, được vua Ashokan dựng để thờ xá lợi Phật, xưa cao 30m với một lan can bằng đá. Tháp đã bị phá hủy năm 1794 để lấy vật liệu xây dựng một ngôi chợ ở Jagatganj. Trong lúc triệt hạ ngôi tháp, người ta tìm được xá lợi Phật đựng trong một hộp thánh tích bằng cẩm thạch và phần xá lợi này đã được đem thả xuống sông Hằng.
Một trong những phế tích nổi bật trong khu di tích Sarnath là ngôi chùa cổ Mulagandhakuti, được cho là ngôi chùa đã dựng trên nền am thất nơi Đức Phật an trú mùa mưa đầu tiên khi người thành đạo. Ngôi chùa chỉ còn là một phế tích với những bức tường cao khoảng 5m, dày 2m, được trang trí với những hoa văn thời Gupta.
Tiếp tục cuộc hành trình, du khách sẽ thấy dưới một mái che nhỏ là phế tích của trụ đá mà vua Asoka đã dựng để ghi dấu nơi Đức Phật Chuyển Pháp Luân. Trụ đá đã bị gãy làm nhiều đoạn, các nhà khảo cổ cho rằng cột trụ nguyên thủy có chiều cao khoảng 16m, phần đỉnh cột được trang trí hình bốn con sư tử.
Tháng 1-1950, Chính phủ Ấn Độ đã chọn phần đỉnh cột này làm quốc huy. Phần đỉnh của trụ đá hiện tại đang được lưu giữ tại Viện bảo tàng Khảo cổ Sarnath, cách khu phế tích chỉ một con đường.
Viện bảo tàng Khảo cổ, được thiết lập vào năm 1910, là một điểm tham quan thú vị. Viện bảo tàng chia làm năm phòng trưng bày, với nhiều tác di vật quý như đỉnh cột đá Asoka, tượng Phật Chuyển Pháp Luân, và rất nhiều tượng Phật, Bồ Tát, các bức điêu khắc, chạm trổ trên đá, gạch, đất nung và gỗ.
Sari và nỗi nhớ
Sarnath là điểm cuối trong cuộc hành hương của chúng tôi. Từ Sarnath, chúng tôi tới Varanasi, dừng chân ở Varanasi một đôi ngày đủ để bị làm mê mẩn bởi sari và các mặt hàng tơ lụa đã có danh tiếng hàng ngàn năm.
Tà áo sari "đầy chất Ấn Độ" lưu lại trong ký ức một hành trình - Ảnh: Thu Giang
Có lang thang trên xứ này mới thấy sari không chỉ là trang phục truyền thống mà còn là trang phục phổ thông của phụ nữ Ấn Độ, được phụ nữ Ấn Độ diện ở mọi nơi, mọi lúc, để làm mọi việc. Sari có thể là lụa loại thượng hạng, thêu chỉ bằng vàng thật, lộng lẫy như huyền thoại, cũng có thể chỉ là một mảnh vải in hình sặc sỡ.
Sari có thể xuất hiện ở những nơi sang trọng nhất, nhưng cũng có thể tung bay trên những cánh đồng, những con đường cát bụi. Người ta có thể mặc sari để làm lễ cưới, cũng có thể mặc sari để làm ruộng, đi chợ, đi kiếm củi… Nhưng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, vẻ duyên dáng của những tà áo sari sặc sỡ cũng khiến khung cảnh có nét sống động và đầy chất Ấn Độ.
Từ Varanasi, chúng tôi bắt chuyến tàu đêm về Dehli, và chẳng mấy chốc đã thấy mình ở Hà Nội, với vali đầy đồ lưu niệm và trong đầu đầy những hình ảnh về đất Ấn.
Ấn Độ quá nhiều âm sắc và mùi vị để nhìn, nghe, nếm trải, ghi nhớ và viết lại một cách đầy đủ. Nhưng mỗi khi nhớ lại chuyến du hành, tôi thấy lòng như bình an hơn.
Tôi vẫn thầm mong được trở lại xứ sở này, ăn một miếng bánh chapati, uống một ly trà chai, phiêu du trên mảnh đất rất lạ lùng này, và lần này, biết đâu mình sẽ có dịp đến Sankassa?
THU GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét