Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Vị đắng cà phê Đông Timor

Một buổi tối ở Bali, ông chủ Agung tốt bụng của khách sạn Warapsari chở tôi đi vòng quanh phố ở vịnh Kuta để tìm mua thịt heo nướng babi guling nổi tiếng. Ông khá bất ngờ và tỏ vẻ không vui khi biết tôi sẽ rời Bali để đến Đông Timor vào chuyến bay sáng mai.
.

Những trái cà phê đầu mùa. Hầu hết những vườn cà phê ở Đông Timor đầu có tuổi từ 20 - 30 năm
Dường như ông và những người Bali khác không thích một phần của hòn đảo Timor của Indonesia được tách ra và mang tên Đông Timor. Tôi cố xoa dịu ông: "Tôi muốn biết quốc gia mới trên bản đồ Đông Nam Á có được những gì sau 11 năm độc lập với Indonesia".
Ông Agung dặn tôi nhớ mang theo ít thuốc men khi đến Dili, bởi quốc gia "mới" vẫn còn một số dịch bệnh nguy hiểm mà các cơ sở y tế vẫn chưa được trang bị thuốc men đầy đủ, như: thương hàn, viêm gan siêu vi A, B, thủy đậu...
Sân bay quốc tế Nicolau Lobato quá nhỏ và khá tối với vài ngọn đèn néon trắng, tôi có cảm giác nhân viên đang làm việc với hệ thống máy tính cũ hay bị lỗi kỹ thuật. Đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi vừa đặt chân đến Dili. Không có nhiều tòa nhà cao tầng như thủ đô của các quốc gia khác, nhưng tôi yêu các con phố ở Dili.
Chúng luôn tràn ngập bóng cây xanh và nhà nào trên phố cũng có một vườn hoa nho nhỏ, xinh xinh phía trước. Thành phố quá yên bình với những vòng quay bánh xe đạp thỉnh thoảng lướt qua phố. Buổi trưa Dili với cái nắng rát mặt, tôi đi dọc theo đại lộ De Portugal nằm dọc theo cung đường biển để hóng mát.
Những tòa đại sứ của một số quốc gia nằm sát bên nhau. Anh Timothy, người bán nước trên xe đẩy dọc đường, cho tôi biết: "Có rất ít đại sứ quán đặt văn phòng tại đây và chủ yếu thực hiện các chương trình hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia. Muốn biết Đông Timor còn lại những gì sau ngày độc lập, hãy đi dọc theo đại lộ Alves Aldeia. Khách du lịch đến đây chỉ đếm trên đầu ngón tay và tò mò muốn biết Đông Timor như thế nào".

Hình ảnh người bán cá dạo rất thường gặp ở Đông Timor
Hơn 37% người dân Đông Timor sống trong cảnh nghèo khổ với thu nhập bình quân 1,25 USD/ngày và hơn 50% dân số mù chữ. Rất nhiều tổ chức phi chính phủ đã đến đây để thực hiện công tác nhân đạo.
Cung đường dọc biển luôn là vị thế "đắc địa" của bất kỳ thành phố hải cảng nào, nhưng ở đại lộ Alves Aldeia chỉ thấy khung cảnh hoang tàn, đổ nát với những đống gạch đá nằm chơ vơ phía dưới những ngọn núi cao. Đó là dấu tích còn sót lại sau ngày độc lập 20/5/2002 khi một số phần tử quá khích đốt cháy hay đập nát những gì mà người Indonesia đã xây dựng trước đó.
Nó vẫn còn hoang sơ và chưa một nhà đầu tư nào đến đây khai thác. Trên biển rải rác vài chiếc tàu đánh cá nhỏ của tư nhân. Đánh bắt thủy hải sản ở Đông Timor chủ yếu phục vụ cho nhu cầu nội địa và hình ảnh những người vác cá trên vai đi bán dạo rất đặc trưng ở đại lộ Dos Direitos Humanos, như là một minh chứng cho sự giậm chân tại chỗ của ngành công nghiệp đánh bắt hải sản.
Đông Timor chỉ giữ lại hình ảnh của người Indonesia là tượng Chúa cứu thế (Cristo Rei) được đặt trên đỉnh núi Fatucama, mặt hướng về thủ đô Jakarta. Bức tượng được nhân dân Indonesia trao tặng vào năm 1988, cao 27m, tượng trưng cho 27 tỉnh, thành của Indonesia. Phía dưới chân núi Fatucama, bên bãi biển Watabo một vài khách sạn lớn và quán ăn mọc lên.

Xe buýt ở Đông Timor
Chỉ một ít du khách Tây thích những bãi biển vắng và hoang sơ tìm đến đây. Với những người bản địa, họ thích cuộc sống trong thời kỳ Đông Timor chưa là một quốc gia. Khi còn thuộc Indonesia, tiêu chuẩn cuộc sống ít nhất cũng dàn trải đều ở các tỉnh, thành.
Ánh mắt của anh Timothy hay những người bán cá dạo đều lộ vẻ luyến tiếc khi nhớ lại quá khứ, bởi Đông Timor chẳng phát triển gì sau ngày độc lập.
Anh Timothy bảo tôi nên đọc lại lịch sử của Đông Timor để thấy cuộc chiến giành "độc lập" dường như đã được dàn xếp sẵn để tách Đông Timor thành quốc gia riêng nhằm khai thác mỏ dầu và khí đốt trên biển. Những thành phần giàu có cứ phất lên, phần còn lại thì nghèo mãi.
Tôi làm quen anh Luke trên chuyến xe buýt từ thị trấn Maubisse đến thành phố Ainaro, một trong những thủ phủ về cây cà phê của Đông Timor. Gọi là xe buýt nhưng thực chất là một chiếc xe công nông thường đi nông trường với hai hàng ghế được bố trí hai bên dành cho hành khách, mui xe là một chiếc bạt lớn. Đường đi khá xấu với rất nhiều ổ gà.
"Ainaro luôn được người Bồ Đào Nha "ghi nhớ" bởi cuộc chiến với 10.000 người bản địa giành độc lập khi Timor còn là thuộc địa của họ. Với người Nhật, đây là con đường kết thúc Thế chiến thứ II bởi Ainaro là thành phố nằm gần nước Úc.
Với người Đông Timor, thành phố Ainaro cùng với Emera, Liquica và Manufahi là nơi đất nước tái sinh bởi cây cà phê đóng vai trò chủ lực trong việc thu về ngoại tệ thông qua xuất khẩu (90%) và giải quyết công ăn việc làm cho 1/4 dân số Đông Timor (300.000 người)", ông Kenny Lay, Giám đốc Công ty Xuất khẩu cà phê Timorcorp, chia sẻ với Tạp chí Time.
Tôi được anh Luke mời về nhà chơi để tìm hiểu thêm về cây cà phê. Không khí trên những triền núi cao trong veo, chưa bị ô nhiễm cùng những cơn gió lành lạnh thật dễ chịu. Những vườn cà phê Robusta và Arabica được người Bồ Đào Nha mang đến đây vào thế kỷ XVIII trải dài ngút ngàn trên đồi núi nhấp nhô ở Ainaro.

Đông Timor chỉ giữ lại tượng Chúa Jesus cao 27m do nhân dân Indonesia gửi tặng
Hương thơm của lứa hoa đầu mùa len lỏi vào không khí. Cụm từ "mùa vụ hối hả” dùng để diễn tả không khí nhộn nhịp trong các hộ gia đình khi mùa thu hoạch cà phê đến. Từ tháng 11, cà phê bắt đầu chín và kết thúc khoảng 4 tháng sau. Trong thời gian này, những hộ canh tác đi hái và phơi khô trái cà phê để bán cho công ty thu mua.
Do trong hạt có lượng cafein khá cao, nên các công ty thu mua thường bán lại cho Hãng Cà phê Starbucks thông qua những người môi giới Trung Quốc và Thái Lan để cho ra dòng cà phê thương hiệu Arabian Mocha Timor nổi tiếng.
Ông Kenny Lay cho biết: "Hằng năm, với khoảng 67.000 ha vườn cà phê, Đông Timor xuất khẩu khoảng 7.000 - 10.000 tấn cà phê, một con số khiêm tốn! Tất cả đều phụ thuộc vào thời tiết". Với người dân Đông Timor, cà phê là một loại cây mọc hoang dại và giúp họ có thêm lợi nhuận.
Trong canh tác cà phê, các hộ nông dân không đầu tư về phân bón hay các loại thuốc nông nghiệp. Còn rất nhiều những vườn cà phê đã hơn 20 - 30 năm tuổi nhưng vẫn được duy trì để thu hoạch. Sản lượng thu hoạch tùy thuộc vào thời tiết và tình hình dịch hại năm đó. Theo thống kê của Công ty Timorcorp, mỗi một cây cà phê chỉ được đầu tư khoảng 1 USD/năm.
Do còn quá nhiều người mù chữ, đặc biệt là những người trẻ, nên việc phổ cập kỹ thuật canh tác bằng các phương pháp hiện đại cũng trở nên khó khăn. Những năm qua, để cảm ơn những người Đông Timor đã tạo nên dòng cà phê nổi tiếng cho mình, Công ty Starbucks đã đầu tư khoảng 70 triệu USD để chuyển giao kỹ thuật mới cho những hộ canh tác cà phê.
Anh Luke mời tôi thử nhấm nháp hương vị cà phê Đông Timor. Cảm giác tim đập thình thịch và hơi bị choáng bởi chất cafein quá đậm đặc. Anh Luke chia sẻ thêm: "Ở Đông Timor không có việc đầu tư lại các vườn cà phê sau khi thu hoạch như bón phân, tỉa cành, phòng trừ dịch hại...".
Chắc hẳn việc để cây cà phê sống hoang dã đã giúp hạt cà phê có hàm lượng cafein cao và ngon, môi trường sống trong sạch, nhưng bù lại năng suất không đạt theo yêu cầu. 85 - 90% hạt cà phê khô được Công ty Timorcorp thu mua để xuất khẩu, số còn lại được bán qua Indonesia để chế biến.
Trong thời Đông Timor còn thuộc Indonesia, những công ty quân đội hỗ trợ việc xuất khẩu cà phê bằng cách thu mua lại. Khi đã độc lập, những hộ canh tác cà phê lại lao đao với tình trạng không ai thu mua và người Trung Quốc, Thái Lan đã tìm đến đây để nắm bắt cơ hội. Gần đây, chính phủ Indonesia bắt đầu nối lại thương mại thông qua những công ty môi giới.
Với 6 nhân khẩu làm việc "hối hả” khi mùa cà phê đến, gia đình anh Luke nhận được khoảng 180 USD/ha và con số này chiếm khoảng 90% thu nhập của gia đình anh. Mân mê những đồng đô la lẻ trên tay, Luke mơ ước những nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào cây cà phê để cuộc sống gia đình anh bớt khó khăn hơn. Mơ ước rất giản dị nhưng xem ra Luke không dễ với tay chạm tới được.

NGUYỄN CHÍ LINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét