Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Papua New Guinea không còn là đảo vắng

Papua New Guinea là một quốc đảo với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ và có hơn 5 triệu người sinh sống. Cách đây không lâu, Papua New Guinea còn là vùng đất “khỉ ho cò gáy”, nhưng giờ đây, hòn đảo này đã thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới và phần lớn trong số đó là những người yêu thiên nhiên hoang dã và văn hóa phiêu lưu.
VTCN 26.zip
Thành phố Port Moresby nhìn rất giống Vũng Tàu về cảnh quan thiên nhiên.
Cái tên dễ khiến người ta tưởng Papua New Guinea ở tận Tây Phi xa xôi, nhưng kỳ thực quốc đảo này ở phía bắc Australia, xa xa phía đông của Singapore, và là nước “láng giềng” của Indonesia. Từ sân bay Changi, tôi mua vé máy bay của Air France - hãng duy nhất mở đường bay độc quyền Singapore - Papua New Guinea để đến thành phố Port Moresby. Không như tôi nghĩ, thủ đô của Papua New Guinea khá sôi động với những đường phố hiện đại, nhà cao tầng, cảng biển. Càng nhìn lâu, thấy đường sá, nhà cửa xây cất bên biển rất giống Vũng Tàu.
Từ thế kỷ XVI, các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh… chia nhau thống trị quần đảo xanh tươi và nhiều tài nguyên này. Đến năm 1969, có cả Indonesia đến chiếm một số đảo phía đông Papua New Guinea. Tuy nhiên, đến năm 1975, tất cả các nước có mặt ở Papua New Guinea buộc phải trao trả chủ quyền cho thổ dân đảo quốc này sau khi không ai chịu nhường ai và giải pháp cuối cùng là không một nước nào được ở lại Papua New Guinea nữa.
VTCN 26.zip
Du khách phương Tây cùng thổ dân trong lễ hội Goraka - một trong những lễ hội lớn nhất ở Papua New Guinea.
Từ Port Moresby, chúng tôi đến các tỉnh đông Tây Nguyên, Simbu, Madang, lên ngọn núi Hagen nằm trong thung lũng Wahgi rồi đi ngược lên sông Sepik ở phía bắc. Ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp nhiều bộ lạc thổ dân với các tập tục, sinh hoạt truyền thống, dù họ đã có dịp tiếp xúc với văn minh châu Âu từ thế kỷ XVI. Tại nhiều vùng, thổ dân vẫn duy trì tục săn bắn và hái lượm các loại thực vật hoang dã để phụ thêm vào bữa ăn. Hàng ngày, họ chỉ mang một chiếc khố nhỏ xíu, trên mình thì bôi một thứ bột màu, nửa bên trắng nửa bên xám, coi như đó là… áo quần và đi làm việc dưới nắng, mưa, chẳng sợ gì cả. Hướng dẫn viên địa phương cho biết, vào dịp lễ Độc lập (16-9) hàng năm, người Papua New Guinea trang điểm đặc biệt hơn. Đàn ông thì đội mái tóc giả sặc sỡ trên đầu, kết bằng đủ các loại lông chim và hoa lá hái trong rừng, còn phụ nữ thì đeo một mái tóc giả thật lớn gọi là “Kaukau”, tựa như một chiếc túi lưới. Khi cần, họ lấy mái tóc này ra để… đựng đồ.
Điều kỳ lạ là dân số Papua New Guinea chỉ hơn 5 triệu người, song lại là một trong những quốc gia có nhiều dân tộc nhất trên thế giới, với hơn 850 ngôn ngữ thổ dân. Truyền thuyết của Papua New Guinea kể rằng, ban đầu mọi người cùng nói một thứ tiếng và đất nước họ không có núi đồi ngăn cách, chỉ có con sông Keram hiền hòa. Nhưng các bộ tộc muốn con sông ấy chảy về phía buôn làng mình, nên ra sức đào bới, nắn dòng. Ngờ đâu, vì đào bới lung tung nên đất nứt ra, chim chóc bay lên cướp hết tiếng nói líu lo của mọi người, khiến mọi người nói lung tung, mạnh ai nấy hiểu. Đồi núi cũng từ đất trồi lên, chia mọi người ra nhiều vùng, người vùng nào chỉ nói và hiểu nhau trong vùng đó. Ngày nay, người Papua New Guinea đang đoàn kết, phục hồi lại tiếng nói chung đã bị các loài chim cướp đi. Hướng dẫn viên địa phương nói, chính truyền thuyết ấy đang giúp các bộ tộc Papua New Guinea chung tay xây dựng đất nước rộng đến 772 ngàn km2 này. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch của Papua New Guinea chẳng có gì đáng kể, nhưng bù lại, người dân đảo quốc rất thân thiện với du khách. Họ có thể mời bạn vào ở trong ngôi nhà của mình, trải nghiệm đời sống thổ dân mà không mặc cả, đòi hỏi tiền bạc sỗ sàng như bao nơi khác.
Bài, ảnh: VIỆT HIỀN
;

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét