Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Lourmarin, Albert Camus và hai con hạc giấy

Tác giả
.
(Phuot.vn) Lourmarin chỉ cách Marseille 52 km. Nhưng để tới được ngôi làng được coi là đẹp nhất nước Pháp ấy, chúng tôi đã phải đi tàu hết một tiếng rưỡi đến ga Pertuis rồi bắt xe bus thêm 20 phút nữa - lịch trình mà cô bạn tôi ngồi cả tối để tìm trên mạng vì văn phòng du lịch thành phố Marseille trả lời cả quyết rằng không có ô tô riêng thì tới đó rất khó khăn. Phản ứng đầu tiên của hai đứa khi chiếc mini bus chở đúng hai đứa đỗ lại trước lối vào làng là ồ à liên hồi và giơ máy ảnh lên bấm lia lịa. Đường làng nho nhỏ, vắng hoe, quanh co, nghiêng nghiêng bên triền núi, một bên là cây rợp bóng mát, một bên là nắng vàng ruộm và hai bên là những ngôi nhà gạch ngập trong hoa.


Mục đích của chúng tôi khi quyết định chọn Lourmarin làm điểm đến thay vì đảo If nổi tiếng của Marseille trong mấy ngày ngắn ngủi lưu lại thành phố này là được tận mắt nhìn thấy nhà và mộ của Albert Camus. Đến đây, cũng cần dừng lại để nói qua một chút về nhà văn này. Cùng với Jean-Paul Sartre, Albert Camus là đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện sinh. Ông là tác giả của các tiểu thuyết nổi tiếng L'Étranger (Người xa lạ), La Peste (Dịch hạch). Ông được trao tặng Giải Nobel Văn học năm 1957 vì các sáng tác văn học của ông đã "đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta". Người ta gọi ông là "nhà đạo đức học đã nâng những vấn đề luân lí lên thành vấn đề triết học". Còn với chúng tôi, những kẻ yêu văn chương, thì được ghé thăm nơi ông từng sinh sống và yên nghỉ, quả thực là ước mơ cả cuộc đời.




Nhà văn Albert Camus

Nhưng Lourmarin xinh xắn, ấm áp và nồng nhiệt tới nỗi khi bước chân xuống, chúng tôi quên bẵng mất mục đích đầu tiên ấy của mình. Hai đứa mải mê đi theo “Đường mòn du lịch” - một con đường đầy sỏi, đất, cứ đi một đoạn lại hiện ra một khoảng không bao la, xanh mướt, thơm lừng cây cỏ; mải mê ngắm nghía lâu đài Lourmarin nằm chênh chếch trên cao, xung quanh là vườn cây ô liu mát lịm và cả một bầu trời ngăn ngắt; mải mê dõi theo một đám cưới Công giáo trong một nhà thờ nhỏ, những người thân lâu ngày có dịp gặp nhau hôn má nhau chíu chít, khen nhau đẹp xinh hết lời và tươi cười rạng rỡ trên nền nhạc không thể êm dịu hơn phát ra từ tít tận phía trong cùng nhà thờ. Lúc cô dâu khoác tay bố đi vào với đằng trước là năm cô bé cậu bé nhỏ xiu xíu mặc váy trắng (trong đó có một cô bé nhỏ xiu xíu nhất nhất định không chịu cầm tay một cậu bé nhỏ xiu xíu lớn hơn mình), thì chúng tôi mới nhớ ra mục đích đầu tiên, mục đích tiên quyết dẫn mình tới đây.


Đám cưới ở Lourmarin

Chúng tôi hỏi đường, người bán đồ ăn chỉ vào phố Albert Camus, chúng tôi hỏi tiếp đường, một bác trung tuổi trả lời rằng ngôi nhà nằm bên tay trái chúng tôi nhưng không thăm quan được đâu vì hiện con gái nhà văn đang sống tại đó. Vậy là chúng tôi đi tìm ngôi nhà nằm bên tay trái. Có tới bốn, năm ngôi nhà nằm bên tay trái, ngôi nhà nào cũng khó đoán như ngôi nhà nào vì chúng cùng thuộc một khối đấy, cùng thuộc một con đường ngoằn ngoèo dốc đứng đấy, nhưng vẫn có vẻ gì đó thật tách biệt, độc lập, điềm tĩnh như buổi chiều ngợp nắng này và đặc biệt là chẳng có biển báo, biển đề hay bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ đó là nhà của một tác giả lớn.

Chúng tôi đi tới rồi đi lui, cuối cùng quyết định ngồi bệt xuống cầu thang một ngôi nhà để gấp hạc, với lời an ủi nhau rằng, thôi, không thấy nhà Albert Camus thì mình gấp hạc rồi mang ra mộ nhà văn đặt lên đó vậy. Gấp đến con hạc thứ hai thì có một đoàn các cụ phải 60, 70 tuổi đi qua, tất cả cùng ngó vào nhìn xem chúng tôi làm gì, rồi tất cả cùng ồ lên ôi dễ thương quá, và tranh cãi xem con chim chúng tôi đang gấp là loại chim gì, có cụ còn đứng hẳn lại một lúc lâu nhìn cách gấp, để rồi kết luận “phức tạp quá” và cười rất tươi bỏ đi. Có hai cụ trong đoàn đó dừng lại trước ngôi nhà ngay sát cạnh ngôi nhà chúng tôi ngồi. Từ trong ngôi nhà đó, một bác gái người nhỏ nhắn, tóc vàng cắt ngắn, nét mặt thanh tú, áo len khoác ngoài mỏng và chân váy xanh đen hai lớp nồng nhiệt chạy ra đón hai cụ. Khi cả ba đang chuẩn bị đi vào, cô bạn tôi hớt hải gọi với theo, bác ơi, làm tôi cũng hùa theo như một thói quen. Chúng tôi hỏi bác bác có biết nhà Albert Camus ở đâu không, bác trả lời nhẹ bẫng: đây này, rồi đứng lại một lúc chờ chúng tôi. Giờ thì tôi không biết phải tả lại tâm trạng, suy nghĩ, phản ứng của hai đứa thế nào nữa, chỉ biết là bác đứng lại một lúc rồi bỏ vào nhà với hai cụ chắc vì thấy hai đứa tôi lại chúi mũi vào với mấy tờ giấy và những động tác xé xé gấp gấp. Khi bác và hai cụ vào nhà được khoảng mười phút rồi, hai đứa mới ngẩng lên tự hỏi mình vừa làm gì ấy nhỉ, và phân tích tâm lý, và phân tích tình hình, và kết luận mình vừa bỏ qua cơ hội có khả năng biến mục đích của mình thành hiện thực. Và đổ lỗi cho nhau ngờ ngơ hết sức, đờ đẫn hết sức, thiểu năng hết sức. Và hối tiếc đứng vào chụp ảnh với căn nhà cửa gỗ sơn nâu đỏ đóng kín mít, và tự nhận mình như người ngoài cuộc, và quyết định chờ đợi, và chờ đợi, và quyết định gấp hai con hạc thật đẹp lén đặt lên cửa sổ ngôi nhà cũng bằng gỗ sơn nâu đỏ rồi mới chịu bỏ đi, và chưa kịp thực hiện ý đồ lén lút đó thì gần một tiếng đồng hồ sau, cánh cửa gỗ sơn nâu đỏ đóng kín mít kia mở ra. Bác gái lúc nãy thốt lên, ôi hai cô gái bé nhỏ vẫn còn ở đây à, các cháu cần gì nào? Chúng cháu muốn tặng hai con hạc giấy này cho nhà văn Albert Camus ạ. Ôi, chúng xinh quá, bác sẽ giữ chúng, các cháu từ đâu đến? Việt Nam ạ. Thật vui vì Việt Nam cũng biết đến “papa”. Các cháu có muốn xem qua căn nhà và sân thượng không? Chúng cháu được phép ạ? Ừ, nếu thích thì chụp ảnh nữa. Sân thượng nhìn ra một khoảng không mênh mông, mênh mông, xanh mướt những cây, những mây, những bầu trời và thơm ngát hương hoa, hương không khí, hương cỏ, hương cây, xanh khôn tả, thơm khôn tả, thoáng đãng và ngất ngây khôn tả.


Phía trước ngôi nhà của nhà văn Albert Camus, nơi bọn tôi ngồi lúi húi gấp hạc.


Và quang cảnh nhìn từ ban công nhà ông.

Bên trong ngôi nhà rất ấm cúng, bác Catherine, con gái nhà văn Albert Camus, sống với ba chú cún và một chú mèo lông xù màu xám mặt mũi rất hằm hè mà yêu không chịu được, và chẳng có vẻ gì là được mở cửa cho khách du lịch cả. Ngay cả chúng tôi khi bước vào cũng chỉ được bác dẫn lên sân thượng và nhà bếp để xem, để chụp ảnh và để trò chuyện. Bác cũng nói là bác không thích mọi người vào nhà, không thích mọi người chụp ảnh trong nhà (bác chỉ cho chúng tôi chụp trên sân thượng), nên ngôi nhà ấy, có vẻ được chăm sóc và bảo vệ thật cẩn thận và đầy tình yêu thương. Đứng trong đó, trên sân thượng rồi đến gian bếp, rồi khi bước ra, cả hai chúng tôi đều thừa nhận là cứ cảm động thế nào ấy. Có lẽ toàn bộ luận văn của cô bạn tôi về Albert Camus cũng không sánh được với giây phút ấy, và toàn bộ 15 năm học tiếng Pháp của tôi hẳn cũng chỉ phát huy ý nghĩa nhất trong những giây phút như thế mà thôi.

Chúng tôi kịp qua nghĩa địa của làng để đặt nốt mấy con hạc giấy gấp lúc đầu lên mộ nhà văn và vợ ông, hai ngôi mộ được đặt cạnh nhau, phủ kín hoa oải hương và một loại hoa gì đó màu hồng rực, hai ngôi mộ đơn giản, không bia đá, không câu chữ dài dòng, chỉ một dòng chỉ tên và năm sinh năm mất khắc thô lên tấm đan che ngôi mộ đã bị hoa phủ kín, chừa đúng cái tên để mọi người biết đó là mộ nhà văn, hay đúng hơn, để những người lần đầu như chúng tôi đến biết đó là mộ nhà văn, còn nếu có lần sau, thì hẳn là chỉ việc đi theo con đường ấy, hay đi theo mùi hương ấy, đi theo những màu sắc hoa sặc sỡ và thật tươi vui ấy, là đủ.


Một ngôi nhà trên đường ra nghĩa địa.

Suốt chuyến đi này, chúng tôi đã đi sượt qua không ít địa điểm, không ít con người, nhưng chưa có lần nào, mặt mũi hai đứa lại hớn hở lộ rõ niềm vui, sự xúc động và cả sự ngây thơ thật như hôm nay, khi đi sượt qua Lourmarin và Albert Camus.

Tác giả: Phùng Hồng Minh
Biên tập bởi laihongvan, ngày 06-04-2013
Ghi rõ nguồn Phuot.vn và tên tác giả khi phát hành lại thông tin này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét