Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Khám phá những phiên chợ đêm khắp Đông Dương

(iHay) Việt Nam có lẽ là một trong những nước có nhiều chợ và nhiều chợ độc đáo nhất. Chợ phiên là đặc sản văn hóa của vùng Tây Bắc, Việt Bắc. Mỗi chợ có nét riêng, không lẫn vào đâu được.


Chấm điểm chợ đêm Việt
Tôi thích chợ Ú, còn gọi là chợ trâu ở Đại Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Ngoài trâu, chợ còn bán bò, ngựa; mỗi tháng họp 6 phiên, mỗi phiên mấy ngàn con. Người và gia súc về chợ vui như trẩy hội. Tôi đặc biệt ấn tượng với chợ đêm Đồng Bằng ở An Lễ, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Chợ chỉ bán duy nhất mặt hàng chiếu dệt bằng tay, đủ kiểu dáng và kích cỡ.
Chợ họp từ nửa đêm vào các ngày 4, 14, 24, 9,19, 29 hằng tháng. Người bán, người mua đều đứng trong ánh sáng lung linh chỉ vừa đủ nhìn mặt nhau nên còn được gọi là chợ chiếu “âm phủ”, chợ “ma”. Có người thắc mắc “Chợ chiếu có gì bí mật đâu? Sao chợ không họp ban ngày hoặc mắc điện cho sáng?”. Chẳng ai trả lời được, bởi vậy chợ càng hấp dẫn nhưng du khách ít ai biết chợ này.

Chợ đêm Hội An  
Nước nào cũng có chợ đêm và chủ yếu phục vụ du khách. Ban ngày khách tham quan thắng cảnh, tối về tranh thủ dạo chợ mua sắm. Một công đôi việc.
Chợ khác với siêu thị là có thể trả giá thoải mái, thuận mua vừa bán, vui vẻ đôi bên. Cứ nói giá cao một chút cho khách trả giá rồi bớt lại để khách tự mừng như mua được giá rẻ, đó là cả một nghệ thuật. “Bán không thêm, nằm đêm không ngủ”.
Người Việt rất thích shopping, nhất là phụ nữ. Hễ vào chợ là mua dù nhiều khi không dùng. Mua cho đỡ buồn tay ? Mua theo phong trào, thấy thiên hạ mua thì mua theo. Nhưng chợ Việt cũng tồn tại nhiều vấn nạn. “Chợ búa” mà. Đi chợ Việt, khách sợ nhất việc “mở hàng”, bị “đốt phong long” rồi lườm nguýt, mắng chửi, chặt chém, trấn lột, móc túi, giật dọc...
Tốt nhất là đi chợ trễ, đi theo nhóm và mua theo người trước. Đi chợ mà cứ phập phồng đủ thứ thì mất hứng. Ra nước ngoài, thấy chợ thiên hạ lúc nào cũng nhộn nhịp, du khách - trong đó có nhiều người Việt, thỏa sức mua sắm, vét đến đồng tiền cuối cùng mà buồn cho chợ đêm ở mình.
Thử đảo một vòng chợ đêm Đà Lạt là cảm thấy bất an. Khách Việt còn sợ huống chi nước ngoài. Hầu như đêm nào cũng có chuyện chặt chém, hăm dọa, hành hung du khách. Chính quyền bất lực.
Du khách thất vọng nhưng lên Đà Lạt buổi tối không đi chợ thì làm gì? Đâu phải ai cũng thích vào quán cà phê hay bar. Chợ đêm Hạ Long hình như chỉ dành cho khách Trung Quốc? Toàn chữ Tàu, giá trên trời, khách Việt vào là gặp “những ánh mắt mang hình viên đạn”.
Ngay cả chợ đêm Sapa mà nhiều người cứ gọi bừa là chợ tình cũng chưa hấp dẫn. Trời lạnh mà thiếu các món chè ngọt “nóng hổi, vừa thổi vừa ăn”, cũng như cô gái xinh mà không biết cách trang điểm. Các chợ đêm Phú Quốc, Nha Trang, Sài Gòn, Hà Nội... đều chưa xứng tầm với những trung tâm du lịch của cả nước.
Tiếc cho một Sài Gòn năng động, tiên phong, cầu thị mà loay hoay hơn chục năm chưa có chợ đêm ra hồn. Ngoài các vấn nạn về an ninh trật tự xã hội thì nội dung chợ đêm cũng nghèo nàn đến kinh ngạc, nhất là những mặt hàng lưu niệm. Cứ na ná giống nhau và hàng Trung Quốc luôn áp đảo. Sapa gần Trung Quốc thì còn chống chế. Còn Phú Quốc, tận cùng đất nước mà cũng toàn hàng Tàu thì cực kỳ khó hiểu.
May mà còn có chợ đêm Hội An. Dù sinh sau đẻ muộn, quy mô khiêm tốn nhưng đậm chất phố cổ. Chợ đêm như một góc Hội An thu nhỏ, ấm cúng, thân tình, chân quê như tính cách vốn có của người dân Quảng Nam.
Nhìn qua “hàng xóm” mà mắc cỡ
Cố đô Luang Prabang (Lào) rộng gấp 8 lần TP.HCM, dân số chỉ bằng 1/17 nhưng cấm các xe trên 25 chỗ vào thành phố. Chợ đêm họp bên hông chùa Xieng Thoong, đối diện Hoàng cung cố đô, dưới chân núi Phousi, với 2 khu là ẩm thực và hàng thủ công mỹ nghệ, đậm chất Lào, không thấy hàng Tàu, dù biên giới Trung Quốc cách đấy không xa.
 
Chợ đêm Luang Prabang

Vừa ngắm hoàng hôn trên đỉnh Phousi, xuống núi, nhập nhoạng tối. Cả con đường Sisavang Vong như có phép lạ, lung linh ánh điện và tràn ngập hàng hóa. Chỉ cần câu bóng đèn, bày hàng là thành sạp, kê thêm bàn ghế là thành quán.
Trời mưa thì căng thêm mái che dã chiến. Mưa quá thì nghỉ. Người bán có khi còn địu theo con nhỏ, vừa bán hàng, vừa cho con bú. Khuya, tan chợ, đường phố lại tinh tươm, sạch sẽ. Đến Luang Prabang mà chưa ghé chợ xem như chưa hiểu trọn vẹn về cố đô Lào. Năm 2012, hơn 3 triệu khách quốc tế đến Lào, bình quân cứ 2 người dân đón 1 khách.
Chợ đêm ở Siem Reap, Campuchia gồm nhiều khu vực, bán kính hơn cây số, đi bộ mệt nghỉ. Chợ Cũ, chuyên phục vụ du khách, trước chỉ bán ngày, nay mở tới 21 giờ. Chợ Trung tâm 22 giờ mới đóng cửa. Còn chợ đêm chỉ họp từ nhập nhoạng tối đến khuya thì ngày càng mở rộng ra khu vực phụ cận, tận bên kia sông, đến hàng ngàn gian hàng, quán xá. Có khu hàng lưu niệm, hàng tiêu dùng, thực phẩm, ăn uống, massage...
Có cả Pub Street toàn quán bar ồn ào, tấp nập mà không xô bồ. Cả khu chợ đêm và Pub Street đều cấm xe, lũ lượt người dạo chơi, mua sắm, thư giãn.
Chợ đêm Siem Reap được chính quyền quy hoạch, giao tư nhân tổ chức. Nhà dân trong khu chợ đêm và Pub Street đều cho thuê lại và ra ngoài ở vì quá ồn. Không thấy ai thắc mắc kiện cáo. Điện lưới quá yếu, không đủ, nên từng khu vực phải chạy máy phát riêng.
Hàng hóa và ẩm thực đều phong phú, đặc trưng Khmer, thứ gì cũng có. Đặc biệt là an ninh trật tự rất tốt. Khách yên tâm và thoải mái đi chợ, chẳng lo sợ gì. Ra khỏi khách sạn, vẫy xe ôm hay tuk tuk tới chợ đêm, xe sẵn sàng chờ khách và không cần trả tiền trước.
Họ thật thà quá nên ai muốn gian cũng không nỡ. Đố ai đến Siem Reap mà không đi chợ đêm. Toàn bộ ngành du lịch Campuchia là của tư nhân, nhà nước chỉ làm nhiệm vụ quản lý, chẳng mất sức ôm đồm, vừa không hiệu quả, vừa dễ bị “ném đá”.
Cả thành cổ Lệ Giang (Vân Nam, Trung Quốc) là chợ đêm tráng lệ, đẹp như cổ tích. Thành cổ lên đèn, lột xác, rực rỡ xiêm y, kiêu sa quyến rũ, dạo chơi không biết chán.
Trời lạnh, thiên hạ cứ từng đôi dập dìu, quấn quít. Một mình đơn lẻ dễ chạnh lòng, tủi thân. Có điều hơi khó chịu là nạn nói thách kinh hồn, lơ mơ là mua hớ. Hình như chỗ nào có cộng đồng người Hoa là ở đó có chợ đêm. Từ Việt Nam, qua Singapore đến tận nước Mỹ, Canada và châu Âu.
Hiện đại như Hồng Kông vẫn có chợ đêm Temple, nườm nượp du khách. Các chợ đêm Tây Môn Đinh, Sĩ Lâm (Đài Bắc), Phụng Giáp (Đài Trung), Lục Hợp (Cao Hùng)... ở Đài Loan như cố kéo du khách và cả dân bản địa ra khỏi nhà, hòa vào dòng người trẩy chợ, mua sắm, ăn uống, dạo chơi, giải trí...
Các nước theo đạo Hồi đều có những chợ đêm Ramadan độc đáo. Riêng Kuala Lumpur, Malaysia có 66 chợ. Mùa chay Ramadan, dân đạo Hồi nhịn cả ngày, chỉ  được ăn lúc mặt trời đã đi ngủ. Khi màn đêm buông xuống là các chợ Ramadan mở cửa.
Chợ bán trang phục Hồi giáo, đồ nghi lễ, đồ dùng gia đình và thực phẩm. Du khách được dùng miễn phí các món ăn Hồi giáo, thích nhất là cháo cổ truyền Bubur Lambuk, rất lạ miệng. Cả ngày nhịn, nên bữa ăn tối của người theo đạo Hồi càng ngon và hấp dẫn.
Chợ đêm Thái Lan càng đa dạng. Bangkok có gần chục chợ đêm nổi tiếng. Tôi thích nhất là chợ đêm Chiangmai. Ngoài các khu đất trống, chợ họp trên những đường phố chính nhưng xe cộ vẫn lưu thông qua lại. Đường thoáng, lề rộng, chợ chỉ họp trên lề.
Sau giờ làm việc, lề đường thành chợ. Sạp quay lưng ra đường và nhà, chính giữa lề là lối đi nên ai đi chợ cứ đi, ai chạy xe cứ chạy. Chợ có đủ món ăn chơi giải trí, đủ loại hàng lưu niệm, tiêu dùng của người Thái. Thích nhất là các nhóm nhạc đồng quê, các nghệ sĩ đường phố “cháy” hết mình với du khách...
Ở các nước, chợ đêm đã trở thành điểm hẹn kỳ thú của du khách và cả người dân bản địa, là điểm nhấn không thể thiếu của ngành văn hóa và du lịch. Trông người lại ngẫm đến ta. Chẳng biết bao giờ, Việt Nam mới có những chợ đêm xứng tầm và đúng nghĩa.
Nguyễn Văn Mỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét