Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Xác ướp ngồi 500 tuổi giữa thung lũng huyền bí

Tu viện lâu đời không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp mà còn bởi một xác ướp được cho là rất linh thiêng.

Không khí lạnh khô với phong cảnh ngoạn mục - đó là đặc điểm miêu tả rõ nét nhất về thung lũng Spiti của bang Himachal Pradesh, phía Bắc Ấn Độ. 

Màu xanh của bầu trời nổi bật trên nền nâu vàng của đất, núi cùng màu trắng tinh khiết của tuyết phủ và đám mây trôi khiến bất kỳ ai tới đây cũng phải trầm trồ trước vẻ đẹp có một không hai này. Tuy nhiên, nơi đây còn "cất giấu" một bí ẩn về xác ướp hơn 500 năm tuổi. 



Nằm trên một đỉnh đồi đẹp như tranh vẽ ở độ cao 4.166m trên mực nước biển, trong thung lũng Spiti, tu viện Key Gompa (hay Ki, Kye, Kee) hiện ra rõ nét. 

Đây được coi là tu viện lâu đời và lớn nhất ở thung lũng Spiti của Himachal Pradesh và là một trung tâm đào tạo tôn giáo. Có khoảng 300 vị Lạt Ma cư trú ở đây, họ được tìm hiểu và giáo dục về tôn giáo mỗi ngày.



Theo một số tài liệu ghi lại, Key Gompa được thành lập bởi Dromton - người khởi xướng đạo Mật Tông của Tây Tạng trong thế kỷ 11. Từ ngày được thành lập, tu viện đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử. 

Vào thế kỷ 14, do xung đột với Mông Cổ nên tu viện đã bị phá hủy. Đến thế kỷ 17, dưới sự trị vì của vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, tu viện lại bị người Mông Cổ tấn công. 



Trong thế kỷ 19, Key Gompa lại bị tấn công bởi các quân đội khác nhau tham gia trên chiến trường khu vực, không dừng lại ở đó, một ngọn lửa đã tàn phá tu viện trong thập niên 1840. Gần đây nhất, một trận động đất dữ dội năm 1975 đã gây thêm thiệt hại cho tu viện cổ kính này. 

Các cuộc tấn công khiến cho tu viện phải tu sửa khá nhiều. Hiện, tu viện có những phòng thấp và hành lang hẹp, không tuân theo một thiết kế thuần nhất nên khiến nhiều người không quen rất dễ đi lạc. 




Bên cạnh đó, tường của tu viện được trang trí bằng các bức tranh tường đẹp gọi là "thangkar". Đó là những bản thảo viết tay có giá trị cao hay hình nổi trên tường vô cùng độc đáo. 



Một trong những hiện vật Phật giáo nổi tiếng ở khu vực này là xác ướp của thiền sư Sangha Tenzin. Đây là một xác chết của tu sĩ đã trải qua quá trình hiếm hoi là ướp xác tự nhiên hay tự ướp xác. Qua nghiên cứu của các nhà phương Tây, có thể vị thiền sư này đã uống một loại độc tố đặc biệt, để vi trùng không sinh sôi được, xác khô quắt lại và biến thành xác ướp. 



Xác ướp này được người dân địa phương phát hiện vào năm 1975. Thời gian đó, khu vực này bị động đất mạnh tàn phá nên khiến nhiều nơi sụt lún, một phần ngôi mộ nứt, vỡ làm lộ ra xác ướp. Tuy nhiên, khu vực ngôi mộ nằm gần biên giới Trung Quốc và Ấn Độ nên cũng khá ít người qua lại do bị kiểm soát chặt chẽ. 

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học xác định xác ướp này đã hơn 500 tuổi. Tuy nhiều tuổi vậy nhưng xác ướp nhà sư Sangha Tenzin vẫn ở trong tình trạng tốt. Da khô lại, nhưng vẫn giữ màu sắc tự nhiên. Xương cốt còn khá chắc, cứng. Thậm chí, tóc vẫn còn nguyên trên đầu. Răng, móng tay vẫn còn đủ. 



Tiến hành nghiên cứu sâu thêm, họ đưa ra một vài giả thuyết lý giải cho sự tự ướp xác của vị thiền sư này. Vào những tháng cuối của cuộc đời, nhà sư không hề ăn uống. Điều này sẽ làm giảm lượng mỡ, thịt trong cơ thể - nguyên nhân chính gây ra tình trạng thối rữa và phân hủy ở những xác ướp. 

Dần dần, các bộ phận trong cơ thể thiền sư sẽ teo dần đi và khô quắt lại. Trước khi chết, vị thiền sư đã tự quấn dây vào cổ, nối với đùi, tay của mình. Khi chết, sợi dây đã giữ cho cơ thể trong tư thế ngồi bó gối.



Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu lại cho rằng, đây được coi là một phương pháp ngồi thiền mà ít người biết. Vị thiền sư sẽ buộc chiếc dây từ sớm, chiếc dây sẽ giữ cho nhà sư ngồi thẳng và giúp cho việc ngồi thiền một cách tập trung nhất. Nếu thả lỏng người, nút dây vòng qua cổ sẽ xiết chặt lại, khiến vị thiền sư khó thở.  

Ngoài ra, với sự góp sức của môi trường khô ráo, vi khuẩn ít có cơ hội phát triển nên xác ướp được bảo quản một cách hoàn toàn tự nhiên.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng khám phá ra một điều khá thú vị. Theo lời kể của những người dân địa phương thì khoảng 600 năm trước, tại ngôi làng Ghuen - nơi vị thiền sư được tìm thấy xuất hiện rất nhiều bọ cạp. Chúng sinh sản rất nhanh và phá hoại cũng như đe dọa sự sống của rất nhiều người dân trong làng. 



Nhận thấy sự tàn phá ghê gớm của loài bọ cạp, nhà sư Sangha Tenzin ngay lập tức ngồi xuống để thiền theo tư thế đã định trước. Người ta nói rằng, khi linh hồn của ông rời thể xác, bầu trời bỗng nhiên xuất hiện một chiếc cầu vồng rực rỡ sắc màu. Cùng với đó, loài bọ cạp đã biến mất một cách bí ẩn khỏi ngôi làng.

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về thi hài của vị thiền sư này. Hiện, xác ướp của vị thiền sư Sangha Tenzin này đang được trưng bày ở ngôi chùa Gue thuộc vùng Himachal Pradesh. 
Theo Màn Ảnh Sân Khấu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét