Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Bí mật ngôi mộ cổ ở Ả-Rập Xê-Út

Ngôi mộ cổ lớn nhất là địa điểm khảo cổ tiền Hồi giáo của vương quốc Ả Rập xa xưa.

Abu Lawha là ngôi mộ Nabataean lớn nhất tại địa điểm khảo cổ tiền Hồi giáo Madain Saleh, ở thành phố Al Ula, nằm cách thủ đô Riyadh, Ả-rập Xê-út 1.043 km về phía Tây Bắc.



Mada'in Saleh, điểm bảo tồn lớn nhất của nền văn minh Nabataeans, nằm ở phía Nam Petra, Jordan. Nơi đây có 131 ngôi mộ bằng đá, phía trước mặt tiền được cắt và trang trí tinh xảo theo phong cách truyền thống của Nabataeans, trải dài hơn 13,4 km và có niên đại từ thế kỷ thứ 1 trước công nguyên đến thế kỷ thứ 1 sau công nguyên.



Madain Saleh, còn gọi là Al-Hijr, được UNESCO công nhận di sản thế giới vào ngày 6.7.2008. Mada'in Saleh trong tiếng Ả Rập là "thành phố Saleh", do một du khách Andalucia đặt tên vào năm 1336 sau công nguyên. Tên "Al-Hijr", tiếng Ả Rập có nghĩa là "địa danh đá", cũng đã được sử dụng để ám chỉ đến địa hình của nó. Cả hai cái tên này đã được đề cập trong kinh Koran khi nhắc đến các khu định cư được tìm thấy ở khu vực. Những cư dân cổ xưa của khu vực, Thamudis và Nabateans, gọi nơi này là "Hegra".



Vào thời kỳ đỉnh cao phát triển, vương quốc Nabataean trải dài từ đây đến tận Petra, vào sâu tận bên trong bán đảo Ả Rập. Nabataean kiểm soát một vùng rộng lớn và thu hút những thương nhân giàu có buôn bán các loại gia vị và hương thơm (trầm hương…). Đỉnh cao nhất là Madain Saleh trở thành địa điểm chính trên các tuyến đường thương mại Bắc Nam.



Sau khi người La Mã tiếp quản vương quốc Nabataean, họ chuyển tuyến đường thương mại từ trục đường bộ Bắc Nam sang đường biển ở biển Đỏ. Như vậy, Hegra từng là một trung tâm thương mại sầm uất, sự giao thương tại đây bắt đầu giảm dần đến khi bị rơi vào quên lãng.





Lịch sử Hegra và sự suy tàn của đế chế La Mã cho đến khi Hồi giáo xuất hiện vẫn còn là một ẩn số. Nơi đây được biết đến bởi các du khách hành hương đến Thánh địa Mecca. Tuy nhiên, Hegra được xem như một trạm dừng chân trên tuyến đường hành hương của Hồi giáo về thánh địa Mecca, du khách được phục vụ thức ăn, nước uống và các nhu cầu cần thiết.




Một chi tiết từ thế kỷ 14, miêu tả rõ vẻ đẹp của những ngôi mộ đá màu đỏ của Hegra, nhưng không đề cập đến những hoạt động của con người ở đó. Vương quốc Nabataean không chỉ nằm ở ngã tư thương mại, đó còn là điểm hội tụ văn hóa. Điều này được phản ánh trong các họa tiết trang trí ở bên ngoài, các chi tiết mang phong cách từ Assyria, Phoenicia, Ai Cập, và Hy Lạp, đồng thời kết hợp phong cách nghệ thuật bản địa. Trang trí theo kiểu Roma và Latin cũng được tìm thấy trên các ngôi mộ khi được sáp nhập vào Đế chế La Mã. Các chi tiết bên trong đa phần là nghiêm trang và giản dị.





Năm 2008, nơi đây vẫn còn bảo tồn những di chỉ cổ, đặc biệt là 131 ngôi mộ bằng đá hoành tráng với mặt tiền được trang trí công phu của vương quốc Nabataean.




Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét