Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Bamiyan - Afghanistan: Điểm dừng chân trên con đường tơ lụa

Với nhiều người nước ngoài, Afghanistan là một vùng đất nguy hiểm. Còn khu vực Bamiyan luôn khiến người ta nghĩ đến những bức tượng Phật khổng lồ.

Bamiyan - Afganistan: Điểm dừng chân trên con đường tơ lụa
 Vết tích của khu vực tượng Phật bị phá hủy - Ảnh: AFP
Được điêu khắc từ đá núi khoảng từ năm 507 - 551 sau Công nguyên, khi Phật giáo cực thịnh, bức tượng này là cao nhất (53 m) và từng là tượng Phật lớn nhất trên hành tinh vào thời điểm đó.
Từ Bamiyan (còn được phát âm là Bamyan hay Bamian) có nghĩa là “Nơi ánh sáng chói lọi”. Con đường tơ lụa huyền thoại từng đi ngang thị trấn nhỏ này. Nơi đây trở thành điểm dừng chân quan trọng giữa những rặng núi và thung lũng Hindu Kush.
Suốt chiều dài lịch sử 1.000 năm, bộ mặt Bamiyan đã thay đổi, từ một điểm đến thanh bình của những tín đồ Phật giáo và các nghệ sĩ trở thành vùng đất của sự tàn sát.
Bamiyan - Afganistan: Điểm dừng chân trên con đường tơ lụa 2
Tượng Phật trước khi bị phá hủy - Ảnh: AFP
Ngày nay, người ta vẫn có thể nhìn rõ những dấu vết của sự đổ nát quanh khu vực này. Thị trấn Bamiyan hiện tại có vẻ vẫn đang sống trong quá khứ. Không có điện hay nước máy. Có gì ở đây nhỉ? Chỉ là một thung lũng bao quanh bởi hai rặng núi hùng vĩ Hindu Kush và Koh-i-Baba.
Rặng Hindu Kush, được mô tả như là xương sống của Afghanistan trải dài đến 800 km sang phía bắc Pakistan, nơi nó kết nối với dãy Himalaya. Đỉnh núi cao nhất lên đến 7.708 m, và tại những nơi giao nhau giữa các hẻm núi từng là cung đường qua lại của con người từ Đông sang Tây và ngược lại.
Cái tên Hindu Kish mang đến nhiều điềm gở cho việc giao thương Đông và Tây, dịch ra có nghĩa là Hindu Killer (tiêu diệt những người Hindu). Nó nhắc đến giai đoạn những nô lệ Ấn Độ được đưa từ vùng ven lục địa qua ngọn núi gồ ghề lởm chởm đá (qua cả Bamiyan) đến Trung Á. Điều kiện khắc nghiệt đã làm cho rất nhiều người trong số đó không thể đến được điểm cuối cùng của hành trình.
Chịu đựng thời tiết cực kỳ gay gắt vẫn là một phần của cuộc sống ở Bamiyan ngày nay. Không khí khô khốc và gió lạnh thấu xương, và mùa đông thì kéo dài đến gần nửa năm. Trong những tháng mùa xuân, cư dân trồng các loại ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì và lúa mạch, nhưng họ cũng thường xuyên phải bán đi gia súc để đổi lấy thức ăn khi thời tiết xấu ảnh hưởng đến mùa màng.
Bamiyan - Afganistan: Điểm dừng chân trên con đường tơ lụa 3
Chân dung người đàn ông Hồi giáo ở Bamiyan - Ảnh: AFP
Dân tộc ở Bamiyan ngày nay đều thuộc nhóm Hazara. Đây cũng là cư dân đông nhất ở Hazarajat – tên một dãy núi thuộc rặng Hindu Kush.
Nguồn gốc thật sự của người Hazara không được chứng minh một cách rõ ràng, người ta chỉ tin rằng họ có tổ tiên là người Mông Cổ từng đi qua vùng đất này và lưu lại.
Mặc dù bắt đầu được biết đến nhiều hơn từ sau khi chính phủ Taliban tan vỡ, người Hazara đã được “Tổ chức nhân quyền các dân tộc thiểu số” (MRG) ở London ghi nhận là “dân tộc thiểu số đang bị đe dọa” ở Afghanistan.
Bất chấp sự tàn phá cực đoan về tôn giáo, nghệ thuật nơi đây vẫn tồn tại âm thầm. Năm 2008, một khám phá bất ngờ đã mang ra ánh sáng những bích họa trong hang động. Các nhà khoa học xác định những tác phẩm này có niên đại khoảng giữa thế kỷ thứ VII và được xem là ví dụ điển hình cho tranh sơn dầu ra đời sớm nhất trên thế giới, một lối vẽ tranh mà thế kỷ XII ở châu Âu mới hình thành.
Và còn nhiều hơn nữa, khoảng 70 km về phía tây của Bamiyan là hồ Band-e-Amir nằm giữa công viên quốc gia cùng tên đầu tiên của Afghanistan. Mặt hồ xanh biếc nổi bật giữa những vách đá núi ngoạn mục. Màu xanh pha lê của hồ nước được cấu thành bởi những con đập tự nhiên.
Bamiyan - Afganistan: Điểm dừng chân trên con đường tơ lụa 4
Hồ Band-e-Amir - Ảnh: AFP
Thay vì chảy ra từ dòng sông hay con suối, nước hồ nơi đây lại do các vết nứt và khe nước hẹp từ dưới đáy trào lên. Khoáng chất phong phú trong nước hồ đã tích tụ và tạo nên những bức tường bao quanh hồ.
Band-e-Amir là hình mẫu tiêu biểu cho loại hồ nước trên cao nguyên. Nếu bạn còn muốn nhìn thấy những hình ảnh ngạc nhiên hơn thì hãy trở lại vào mùa đông, khi mặt nước bị đóng băng phủ kín một màu trắng tuyết.
Những người dân địa phương có nhiều câu chuyện hay truyền thuyết nói về sự hình thành của hồ nước này. Họ kể rằng những con đập tự nhiên được con rể của Prophet Mohammed (thánh Mohammed trong Hồi giáo - sứ giả của đấng Allah) là Hazrat Ali tạo nên. Những người hành hương Afghanistan bắt đầu viếng thăm nơi đây qua hàng ngàn năm, làm lễ trong ngôi đền bên hồ, nơi Hazrat Ali đã từng cầu nguyện sau khi ông tạo nên mặt hồ.
Từ khi Taliban bị đánh tan, có khá nhiều hoạt động để khôi phục lại những gì quân đội này đã gây ra. Trong đó có lời kêu gọi tái tạo lại tượng Phật Bamiyan của UNESCO và ít nhất một hốc tường đá sẽ được giữ trống để làm minh chứng cho lịch sử.
Tương lai tươi sáng hơn có thể sẽ đến với Bamiyan khi Di sản thế giới này đang thu hút ngày càng nhiều du khách đến thăm viếng cùng với công viên quốc gia lân cận. Và còn nhiều tin tức tốt lành hơn. Lần đầu tiên sau hàng trăm năm, người Bamiyan đang bắt đầu học lại cách điêu khắc đá. Hy vọng là trong một ngày không xa, Bamiyan sẽ được biết đến như một thị trấn "sống" hơn là những thông tin về sự tàn phá.
Bamiyan - Afganistan: Điểm dừng chân trên con đường tơ lụa 5
Hy vọng Bamiyan sẽ được biết đến như một thị trấn "sống" - Ảnh: AFP
Nam Trần
(Theo environmentalgraffiti)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét