Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Sumo – Môn võ dân tộc của Nhật Bản

Sumo không đơn thuần là môn võ dùng để tranh tài, ở đó còn thể hiện những nét văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của người Nhật.
Sumo ra đời cách nay 1.500 năm trên tinh thần là một môn đấu vật thể hiện sức mạnh. Sau đó, người ta dùng nó trong nghi lễ bói toán để dự đoán xem vụ mùa có bội thu hay không. Đến thế kỷ 18, sumo phát triển thành một hình thức giải trí quần chúng rất được yêu thích. Ngày nay, sumo không chỉ gói gọn trong các cuộc tranh tài dành cho những võ sĩ chuyên nghiệp mà còn được xem như môn thể thao rèn luyện tinh thần và sức khỏe cho các em nhỏ.
Những năm gần đây, người nước ngoài cũng rất quan tâm đến sumo. Số lượng võ sĩ sumo chuyên nghiệp người ngoại quốc không ngừng gia tăng.
Hai võ sĩ có thân hình đồ sộ, mỗi người khoảng hơn 100 kg, đang lao vào nhau và cố sức quật ngã đối phương là hình ảnh nổi tiếng trong môn võ Sumo của Nhật Bản. Theo qui định, hai võ sĩ sumo thi đấu trong một vòng tròn, ai đẩy được đối thủ ra khỏi vòng hoặc làm cho bất kỳ một bộ phận trên người đối thủ, trừ lòng bàn chân, chạm đất sẽ giành chiến thắng. Trên khán đài, khán giả đủ mọi thành phần, lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến các bậc cao niên, từ đàn ông cho đến phụ nữ … cuồng nhiệt cổ vũ cho cuộc đấu.
Võ đài thi đấu của các võ sĩ sumo được gọi là Dohyo với đường kính 4,55 mét. Vòng tròn được bện bằng rơm khô nằm lọt thỏm bên trong cái bệ cao hình vuông làm từ đất sét trộn với cát. Bên trên võ đài dohyo là mái che treo Tsuriyane được thiết kế cầu kỳ. Mái che mô phỏng theo kiến trúc của mái đền Thần Đạo. Điều này thể hiện sức ảnh hưởng mạnh mẽ của tín ngưỡng Thần Đạo trong sumo.
Võ đài đúng qui tắc phải được thiết kế dựa trên 3 yếu tố cơ bản mang tính biểu tượng như sau: mái che treo tsuriyane hình tam giác, võ đài dohyo có hình tròn và phần bệ của võ đài hình vuông Võ đài sumo là không gian linh thiêng tượng trưng cho một ngôi đền Thần đạo.
Trong 1 trận đấu, sự thắng bại của mỗi võ sĩ được định đoạt rất nhanh. Mỗi trận đấu sumo thường chỉ kéo dài vài giây đến 1 phút. Võ sĩ được xem là chiến thắng khi đẩy đối phương ra khỏi vòng tròn dohyo hoặc quật ngã đối phương xuống sàn đấu.
Trọng tài trong trận đấu sumo được gọi là Gyoji. Ngoài nhiệm vụ phân định thắng thua, trọng tài còn chủ trì các nghi thức Thần đạo liên quan đến trận đấu.
Cũng như các đấu sỹ, trọng tài cũng có nhiều cấp bậc, cấp cao nhất gọi là Tate-gyoji. Những trọng tài ở cấp bậc này mặc trang phục truyền thống giống như các vị thầy tu trong Thần Đạo. Khi điều khiển một trận đấu, tay phải trọng tài cầm 1 cây quạt gỗ, trên thắt lưng giắt 1 chiếc dao găm.
Võ sĩ sumo chuyên nghiệp được gọi là Ozumo. Danh sách thể hiện đầy đủ tên của từng võ sĩ và cấp bậc của họ được gọi là Banzuke. Banzuke được trình bày theo quy tắc rõ ràng, tên của những võ sĩ có cấp bậc cao nhất – tức những Yokozuna – nằm ở hàng trên, viết bằng chữ to, in đậm trong khi tên của những võ sĩ cấp bậc thấp nhất – những Jonokuchi – nằm ở hàng dưới, viết bằng chữ nhỏ, nét mảnh. Bảng danh sách banzuke được công bố trước khi giải đấu bắt đầu khoảng 2 tuần.
Mỗi năm, tại Nhật Bản, người ta tổ chức 6 giải đấu sumo chuyên nghiệp. Mỗi giải đấu kéo dài trong khoảng 15 ngày. Đối với các võ sĩ sumo, các giải đấu này rất quan trọng, nếu võ sĩ nào giành chiến thắng trong nhiều vòng đấu của mỗi giải, cấp bậc của họ sẽ được nâng lên, ngược lại nếu không giữ được phong độ họ sẽ bị hạ bậc.
Trước khi trận đấu bắt đầu, trọng tài cầm một chiếc quạt giấy đưa ra trước mặt và xướng to tên của hai võ sĩ bằng giọng ngâm đặc biệt. Hai võ sĩ được xướng tên bước lên võ đài, tiến vào vòng tròn dohyo, họ cùng thực hiện một số nghi thức bắt buộc. Trước tiên, cả hai thực hiện tư thế ngồi xổm, họ dang rộng hai cánh tay và bàn tay mở ra chứng tỏ không có mang vũ khí. Kế đến là nghi thức Shikiri, tức chuẩn bị giao chiến. Hai võ sĩ đứng đối diện nhau rồi khom lưng thấp xuống, dùng nắm tay cung lại thành quyền chống xuống mặt đất tại vạch trắng phân chia ranh giới của 2 võ sĩ trên sàn đấu. Mắt họ nhìn thẳng về phía đối phương.
Sau nghi thức Shikiri, hai võ sĩ đứng lên bước ra khỏi vòng tròn dohyo. Họ dùng muối rải khắp sàn đấu với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ và chứng minh mình trong sạch.
Tiếp theo là nghi thức Tachi Ai, tức chạm mặt. Đó là lúc hai võ sĩ ngồi xổm, tay cung lại, mắt nhìn thẳng vào mặt nhau. Trong tích tắc, cả hai chợt đứng lên và lao vào nhau giao chiến. Ðây là hình thức mở màn cho trận đấu mang tính đặc trưng của môn Sumo. Bởi lẽ, hai võ sĩ không cần đợi hiệu lệnh từ trọng tài mà họ tự quyết định giao chiến sau khi đã chuẩn bị tinh thần và tư thế qua nghi thức Shikiri.
Để chiến thắng, các võ sĩ cần phải vật ngã đối thủ xuống đất hay đẩy đối thủ ra khỏi vòng tròn trên võ đài. Khi thi đấu, võ sĩ chỉ được phép kéo dây đai mawashi quanh bụng của đối phương, không được phép kéo dây đeo quanh háng. Đối với những võ sĩ có thành tích đặc biệt trong trận đấu, sau khi giành chiến thắng họ sẽ nhận tiền thưởng từ tay trọng tài ngay trên sàn đấu.


Đặc thù của sumo là những võ sĩ nặng cân và cao to thường được đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp, võ sĩ có ngoại hình khiêm tốn lại hạ gục đối thủ nặng ký hơn mình nhiều. Đó là nhờ vào kỹ năng và sự nhanh nhẹn của họ.
Shiko là bài tập quan trọng nhất đối với tất cả các võ sĩ sumo. Shiko có nghĩa là đứng tấn, bài tập này dùng để rèn luyện sự thăng bằng, sức mạnh và sự khéo léo của đôi chân. Tại võ đường, mỗi võ sĩ sumo hàng ngày phải thực hiện trên 500 lần các động tác trong shiko. Bài tập này được cho là tối cần thiết đối với những môn thể thao có tư thế ngồi xổm.
Các võ sĩ sumo thực hiện bài tập Shiko
Suriashi là bài tập khác dành cho các võ sĩ sumo. Suriashi nhằm rèn luyện kỹ năng di chuyển của võ sĩ trên sàn đấu. Theo đó, võ sĩ tiến lên phía trước trong tư thế hông hạ thấp và chân chùng xuống. Đặc biệt, võ sĩ không được nhấc cả bàn chân khỏi mặt đất trong lúc di chuyển, mà phải kéo lê mũi chân trên nền đất khi đi tới. Động tác Suriashi giúp những bước chân của võ sĩ sải dài, đồng thời giữ cho cơ thể họ thăng bằng. Bên cạnh đó, 2 đường dấu chân lê trên cát của họ in trên nền đất tạo thành 2 đường thẳng song song, thể hiện tính cương trực.
Sẽ là thiếu sót nếu nói đến sumo mà không đề cập đến chế độ dinh dưỡng của các võ sỹ. Đối với các sumo, bữa ăn rất quan trọng vì nó giúp võ sĩ tăng trọng lượng cơ thể.
Món lẩu Chanko-nabe là món ăn đặc thù của giới sumo. Chanko-nabe được nấu từ nước dùng dashi làm từ hải sản, rong biển hoặc nước súp gà, gia vị gồm có rượu sake, nước tương cùng với một số lượng lớn nguyên liệu như thịt gà, cá, đậu hủ và vô số loại rau củ quả…nên rất giàu protein. Các võ sĩ sumo nạp vào cơ thể một lượng lớn thức ăn này mỗi ngày cùng với tinh bột là cơm và bia dùng làm thức uống do vậy họ rất mau tăng cân.
Món lẩu Chanko-nabe là món ăn đặc thù của giới sumo
Lẩu chanko-nabe phục vụ trong các giải đấu luôn được nấu bằng nguyên liệu chính là thịt gà. Người Nhật quan niệm rằng, dùng món lẩu này các võ sĩ sẽ bước vào trận đấu trên đôi chân vững chắc và khỏe mạnh như những chú gà chọi.
Sumo là môn võ có lịch sử phát triển lâu đời. Nó thể hiện sự cứng cỏi và dũng khí của người dân Nhật Bản. Trong quyển sách lịch sử Nihon Shoki vào thời Nara, thế kỷ thứ 8, người ta có thuật lại trận đấu được cho là xưa nhất trong lịch sử sumo giữa hai lực sĩ Nomi no Sukune và Taima no Sukehaya. Trong trận đấu này lực sĩ Nomi no Sukune giành chiến thắng, ông được xem là ông tổ của môn sumo ngày nay.
Sau thế kỷ thứ 8, môn sumo càng được các Nhật hoàng chú trọng phát triển. Họ đã ban chiếu lệnh chiêu mộ những lực sĩ khoẻ mạnh từ vùng nông thôn xa xôi để thành lập đội sumo thi đấu biểu diễn tại Hoàng cung. Không chỉ trình diễn giúp vui cho giới quý tộc, các võ sĩ sumo còn đảm trách việc cử hành những nghi thức tế lễ. Điển hình là nghi thức bái tế cầu nguyện Thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sung túc.
Ðến thời Kamakura, thế kỷ 12, sumo được ủng hộ mạnh mẽ bởi các võ tướng có thế lực. Đây là thời điểm xuất hiện nhiều võ sĩ sumo tài giỏi.
Giai đoạn Chiến Quốc Sengoku, thế kỷ 15, lãnh chúa của các địa phương nổi lên. Họ tranh giành quyền lực dẫn đến chiến tranh liên miên. Võ sĩ sumo lúc bấy giờ là đại diện cho sức mạnh của mỗi vị lãnh chúa.
Bước sang thời Edo, thế kỷ 17, đây là lúc nước Nhật thái bình, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa phát triển mạnh mẽ. Sumo trở thành hình thức giải trí được công chúng yêu thích.
Đến thế kỷ 18, các trận đấu sumo trở nên chuyên nghiệp và được diễn ra trên võ đài vòng tròn dohyo. Lúc này, các quy định về thắng thua của võ sĩ cũng một phần dựa trên vòng tròn dohyo, tức võ sĩ nào bị đối phương đẩy ra khỏi vòng tròn trước sẽ là người bại trận.
Các võ sĩ sumo tài ba và có cấp bậc cao được công chúng yêu thích, họ trở nên nổi tiếng. Tranh vẽ của những võ sĩ này được người dân sưu tầm và treo trang trọng trong nhà.
Các võ sĩ sumo thực hiện nghi lễ Dohyo-iri
Sumo không đơn thuần là thi đấu, ở đó các võ sĩ thường xuyên thực hiện những nghi lễ truyền thống trang nghiêm, đầy màu sắc văn hóa mà không bất kỳ môn thể thao nào khác có được. Một trong số đó là nghi lễ Dohyo-iri được thực hiện vào đầu ngày thi đấu.
Các võ sĩ mặc Kesho-mawashi, một chiếc tạp dề trang trí hoa văn cầu kỳ với đường viền màu vàng. Họ đứng thành vòng tròn quanh sàn đấu dohyo và thực hiện một số động tác.
Tuy nhiên, đây chỉ là phần phụ, nhân vật chính tiến hành nghi lễ dohyo-iri là một Yokozuna võ sĩ sumo cấp cao nhất. Hỗ trợ Yokozuna là 2 võ sĩ khác, trong đó một người cầm gươm còn người kia giữ vai trò là người quét tan sương mù. Yokozuna trình diễn động tác truyền thống với ý nghĩa hướng tới thần linh.
Trong khi đó, nghi lễ Yumitori-shiki diễn ra vào cuối ngày thi đấu sau trận cuối cùng. Một võ sĩ cấp bậc cao được chọn sẽ lên sàn đấu và nhận chiếc cung từ trọng tài. Anh ta thực hiện điệu múa với chiếc cung nhằm diễn đạt niềm vui chiến thắng.
Nghi lễ Yumitori-shiki 
Thập niên 1960, sumo Nhật Bản bắt đầu chứng kiến sự gia nhập của những võ sĩ đến từ nước ngoài. Tuy là người ngoại quốc nhưng họ gặt hái rất nhiều thành công trên đấu trường sumo ở đất Nhật. Trường hợp điển hình là võ sĩ người Mỹ Takamiyama, đến từ Hawaii. Takamiyama, nặng 204 kg, là võ sĩ nước ngoài đầu tiên đoạt cúp vàng trong giải đấu sumo chuyên nghiệp năm 1968.
Năm 1987, một người đồng hương của Takamiyama là võ sĩ Konishiki, nặng 287 kg trở thành võ sĩ sumo người nước ngoài đầu tiên được nâng lên cấp Ozeki – cấp bậc cao thứ 2 trong sumo. Đến năm 1993, một võ sĩ gốc Hawaii khác là Akebono đạt cấp Yokuzuna – cấp bậc cao nhất.
Những năm gần đây, các võ sĩ sumo đến từ Mông Cổ và một số nước châu Âu liên tục đạt được thành tích cao trong làng sumo. Hiện nay, trong số 42 võ sĩ được xếp vào đẳng cấp cao của môn võ này đã có 15 võ sĩ là người nước ngoài.
Từ môn đấu vật để tranh tài cách đây 1.500 năm, sumo trở thành biểu tượng của nghi thức tín ngưỡng, rồi dần phát triển thành môn thể thao đại chúng. Và giờ đây, nó là biểu tượng văn hóa không thể nhầm lẫn của đất nước Mặt trời mọc.
Thanh Tâm
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét