Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Thăm chùa Từ Tế ở Bangkok


 
 

Mặt trước chùa Từ Tế tại Bangkok năm 2005
Hạ tuần tháng 8 năm 2012, bà Nguyễn Thị Phương - nguyên là Việt kiều yêu nước ở Thái Lan, hiện thường trú tại quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, trong Ban Từ thiện chùa Vĩnh Nghiêm thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cùng một số tăng ni do Thượng tọa Thích Thanh Phong trụ trì chùa dẫn đầu sang Bangkok gặp gỡ, trao đổi, tham khảo với tăng ni và Việt kiều Thái về việc xây dựng một công trình giáo dục Phật học có tầm cỡ quốc gia và khu vực ở thành phố Hồ Chí Minh (công trình này đã làm lễ khởi công đầu tháng 11-2012).
Nhân dịp này, bà Phương thăm lại chùa Từ Tế (gọi theo tiếng Thái là Vát Locanụknọ) ở xã Chặc-ca Văn, huyện Xẳm-phăn Tha-vông, thủ đô Bangkok. Cách đây hơn nửa thế kỷ, ngôi chùa này do Hòa thượng Thích Bình Lương, còn gọi là Sư Ba, trụ trì. Cụ Sư Ba tên thế tục là Phạm Ngọc Đạt, sinh năm 1882 ở xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình nông dân giàu lòng yêu nước. Ông đã tham gia phong trào chống Pháp của Phan Đình Phùng và khi cuộc khởi nghĩa này thất bại, ông vượt sang Lào rồi sang Xiêm (tên nước Thái Lan lúc đó) năm 1914, ông Đạt quy y tại chùa Khánh Thọ, do Hòa thượng Hạnh Nhơn trụ trì. Vị sư này đã đặt pháp danh và cử ông trông nom chùa Phổ Phúc Phong (tức chùa Từ Tế sau này). Với lòng yêu nước nồng nàn, Hòa thượng Bình Lương tiếp tục tham gia phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và liên kết với phong trào Đặng Thúc Hứa, nhưng không có tổ chức nào giành được thắng lợi. Năm 1928, ông tìm cách liên lạc với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi biết Người sang Thái hoạt động, một năm sau đó ông được giao nhiệm vụ tổ chức tập hợp kiều bào ta ở Thái và đỡ đầu tờ báo "Nhân Ái" nhằm kêu gọi đoàn kết trong các tổ chức Việt kiều yêu nước chống Pháp. Sự hỗ trợ của cụ Sư Ba dành cho các phong trào yêu nước dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được tập hợp và ghi chép trong một số tài liệu ở Thái Lan cũng như ở Việt Nam.
Hòa thượng Bình Lương là một trong những niềm tự hào của người Việt ở Thái Lan khi vua Rama VII và IX phong sắc hai lần vào năm 1937 và 1948. Ông cũng có công chữa bệnh cho công chúa Thái Lan và được ban tặng quyền trượng như món quà danh giá của hoàng gia. Chính những uy tín lớn lao đó trên đất Thái đã giúp cụ Sư Ba trở thành chỗ dựa vững chắc cho các hoạt động của Việt kiều ở Thái Lan, đồng thời nuôi giấu, che chở cho những cán bộ cách mạng cao cấp như Chủ tịch Hồ Chí Minh hay những nhà lãnh đạo khác như Ung Văn Khiêm, Hoàng Quốc Việt... khi họ có thời gian hoạt động bí mật trên đất Thái.
Việc Bác Hồ có mặt ở chùa Từ Tế đã được tác giả Trần Dân Tiên ghi lại trong quyển "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" do NXB Sự Thật in năm 1975, trang 71: "...Gặp nguy hiểm quá, bị theo dõi riết, ông Nguyễn đã lánh nạn vào một ngôi chùa, tạm cắt tóc đi tu để tiếp tục hoạt động". Ngôi chùa Việt mà ông Nguyễn cạo đầu giả làm sư, không nói là chùa nào, có lẽ để giữ bí mật cho hoạt động của chùa, và giờ đây chúng ta biết rõ là chùa Từ Tế ở Bangkok. Sự việc trên được minh chứng bởi hình ảnh Bác mặc áo cà sa vàng được Hội Việt kiều Thái Lan ở Uông Bí (Quảng Ninh) tặng cho Hội Việt kiều Hà Nội. Tại khu lưu niệm về Bác Hồ tại Uđon Thani ở Thái Lan cũng có treo bức ảnh Bác Hồ trong trang phục áo cà sa tương tự. Sự việc trên cũng được khẳng định trong quyển sách Président Ho Chi Minh của tác giả ViNay Khum uđôm (Thái Lan). Trang 53 sách này viết: "Để che mắt cảnh sát và mật thám Pháp, ông Hồ Chí Minh đã dùng áo cà sa làm vật che thân bằng cách đi tu trong một ngôi chùa người Việt ở thủ đô Bangkok".
Hòa thượng Bình Lương là người từng cứu mạng Bác Hồ, theo ông Ngô Vĩnh Bảo - một cán bộ ngoại giao đã về hưu, từng có hơn 40 năm tìm hiểu các thông tin về Bác Hồ ở Thái Lan thì thời gian Bác ở chùa Từ Tế, nhà sư Bình Lương cũng đang trụ trì tại đó, và nhà sư chính là người đã cưu mang Bác suốt thời gian từ tháng 7 đến tháng 11 năm 1929. Trong một số tài liệu viết về Hồ Chí Minh của Thái Lan có nhiều đoạn nhắc đến vị sư này.
Tháng 3 năm 1964 Hòa thượng Bình Lương bị bệnh nặng. Thể theo nguyện vọng của hòa thượng được về nước để sống những ngày cuối đời và được gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước ta thông qua Hội hồng thập tự có sự thỏa thuận của Hội hồng thập tự Thái Lan đã tổ chức một chuyến bay đặc biệt sang Bangkok đưa Hòa thượng Bình Lương về Hà Nội. Bệnh viện Việt - Xô cũng cử hai bác sĩ theo chuyến bay này đón hòa thượng về nước. Cũng từ đó, Bác Hồ nhiều lần vào Bệnh viện Việt - Xô thăm nhà sư. Hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ bức thư Hòa thượng Bình Lương gởi Bác Hồ tỏ ý tiếc khi Bác vào thăm, nhà sư mê man không nói chuyện với Bác được. Ngày 20-4-1966 Hòa thượng Bình Lương viên tịch, hưởng thọ 84 tuổi. Tang lễ hòa thượng được tổ chức trọng thể tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Hồ Chủ tịch đến đặt vòng hoa kính viếng hòa thượng. Có một điều đặc biệt là vòng hoa của Bác không ghi chức vụ Chủ tịch nước mà chỉ ghi "Đồng chí Hồ Chí Minh kính viếng". Không biết có ẩn ý gì không mà cho đến nay chưa thấy ai giải thích.
Sau khi hỏa táng, tro cốt Hòa thượng Bình Lương được đặt tại bảo tháp chùa Long Ân (Quảng Bá, Hà Nội) cùng tro cốt của Hòa thượng Thích Trí Độ. Trong chùa Long Ân cũng có một bảng ghi công Hòa thượng Bình Lương. Bảng ghi công nêu rõ hòa thượng từng trụ trì chùa Từ Tế (Bangkok - Thái Lan), ngôi chùa có công cưu mang Bác Hồ và nhiều thế hệ cán bộ cách mạng qua lại đất Thái.
Nhân dịp bà Phương trở lại thăm chùa Từ Tế, cũng xin nói thêm bà Phương chính là cháu ruột của cụ Sư Ba, gọi cụ là ông cậu em bà ngoại. Gia đình bà Phương cũng sang Thái Lan gần như cùng thời gian với cụ Sư Ba, nhưng ở đông bắc Thái, có tham gia các tổ chức yêu nước Việt kiều. Sau Hiệp định Genève 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, gia đình bà Phương về nước năm 1960. Thăm lại chùa Từ Tế, bà Phương càng tự hào hơn về ông cậu của mình - cụ Sư Ba - đã đóng góp nhiều cho cách mạng Việt Nam và ngôi chùa này từng in dấu chân lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, từng được cụ Sư Ba cưu mang, che chở trong lúc Người hoạt động trên đất Thái năm 1928 - 1929.
Ngôi chùa này ngày nay lọt thỏm giữa khu phố Tàu Rachavong sầm uất, bị các hộ dân xung quanh lấn chiếm đã thu hẹp không còn được như xưa. Âu cũng là vật đổi sao dời theo quy luật khắc nghiệt của thời gian. Nhưng có một điều là chùa Từ Tế đã đi vào lịch sử cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do của bà con Việt kiều ta ở hải ngoại, một địa chỉ tin cậy ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng các thế hệ người Việt trên đất Thái.
Tháng 11-2012 (Tư liệu do gia đình bà Phương cung cấp)
 
  Dương Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét