Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Arirang - điệu dân ca tiêu biểu nhất của Hàn Quốc


Arirang là điệu dân ca mà bất cứ người Hàn nào cũng thuộc ít nhất là một bài. Arirang được con người nơi đây hát lên để an ủi, để xoa dịu đi nỗi vất vả của cuộc sống khó khăn, cực nhọc.
Arirang được chia thành 3 loại chính. Arirang tại khu vực tỉnh Nam Gyeongsang được gọi là Milyang Arirang, ở vùng Honam - phía tây nam của bán đảo là Jindo Arirang, và Jeongseon Arirang được phổ biến rộng rãi ở khu vực tỉnh Kangwon.Trong đó, Jeongseon Arirang được đánh giá là điệu dân ca được yêu thích nhất với ca từ đẹp, nhạc điệu khoan thai.
Phong cảnh Jeongseon
Phong cảnh miền sơn cước Jeongseon.
Nằm ở phía đông nam của tỉnh Kangwon, Jeongseon là một khu vực hẻo lánh ở về phía nam của dãy Baekdoo Daegan - xương sống của bán đảo Triều Tiên, bốn bề là núi cao và rừng rậm. Lee Joong Hwan, nhà địa lý học sống vào Trung kỳ triều đại Joseon, đã viết về vị trí của Jeongseon trong sách Taekriji như sau: “Dù đã đi bộ 4 ngày trong rừng mà vẫn không trông thấy trời và biển đâu cả”.
Với người sống ở vùng Jeongseon, những người đã phải vất vả vỡ hoang những dốc núi hiểm trở, và sống một cuộc đời nghèo khó, thì Arirang chính là thú tiêu khiển tốt nhất giúp họ quên đi những lo lắng, mệt mỏi hàng ngày.
Giai điệu của Jeongseon Arirang giống với con người và cách sống của họ ở vùng sơn cước. Ông Jin Yong Seon, Viện trưởng Viện nghiên cứu Jeongseon Arirang, nói về những đặc trưng trong nhịp điệu của làn điệu dân ca này: “Những câu hát bắt nguồn từ tỉnh Gangwon chủ yếu là những giai điệu thuộc gam nguyên. Những giai điệu đó bắt nguồn từ vùng đất này, gắn bó và hòa hợp với môi trường nơi đây. Hiện nay, khi dạy Jeongseon Arirang cho học viên, chúng tôi thường nói với họ rằng: “Hãy vừa hát vừa giơ tay, như đang vẽ hình gập ghềnh của núi. Như vậy bạn sẽ cảm nhận được rằng âm thanh và nhạc điệu của bài hát rất phù hợp với địa hình núi non của khu vực này”. Vì vậy, người ta nói rằng: “Nước, núi và những con người của Jeongseon đều rất giống với những âm điệu chậm rãi của Arirang”.

Từ xa xưa, những người ở vùng núi sâu hẻo lánh Jeongseon đã giải tỏa những nỗi vất vả trong cuộc sống hàng ngày bằng việc hát lên những câu hát Jeongseon Arirang. Cuộc sống vất vả nơi núi cao rừng sâu, gánh nặng gia đình của người phụ nữ, sự oán trách và niềm hy vọng của họ… đều được gửi gắm trong Jeongseon Arirang.
Arirang Arirang Arariyo…Hãy cho tôi vượt đèo Arirang…Thay vì Tôi vượt qua đèo Arirang như phần lớn những bài Arirang của các vùng khác, lời bài hát trong Jeongseon Arirang lại là Hãy cho tôi vượt đèo Arirang. Thể bị động của câu hát thể hiện nỗi buồn và tình cảm của những con người sống nơi rừng sâu, phải chịu đựng nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống.
Trong những điệu Arirang khác, câu chữ đều ở thể chủ động, họ hát Tôi vượt đèo Arirang vì những dốc núi nơi họ sống hoàn toàn có thể vượt qua nếu cố gắng và tập trung sức lực. Nhưng trong Jeongseon Arirang, câu hát lại ở thể bị động, Hãy cho tôi vượt đèo Arirang. Có nghĩa là, dù họ đã cố gắng để vượt qua nhưng cuộc sống đầy khó khăn và ngăn cách với thế giới bên ngoài đã không cho phép họ mơ tưởng quá nhiều. Vì vậy, bây giờ, Arirang đối với người Jeongseon là âm nhạc, điệu hát, nhưng trước đây nó chính là tiếng nói của họ. Arirang đã là một phần cuộc sống của những con người thời xưa.

Mọi vui buồn của cuộc sống đều được gửi gắm vào những giai điệu, vì thế mà trong Jeongseon Arirang có tới hàng nghìn cách đặt lời hát. Giống với con người, giống với thế núi… những bài hát đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống.

Nếu tìm hiểu sâu về ca từ của Jeongseon Arirang, ta thấy có rất nhiều câu hát có nội dung nói về tình yêu và nỗi nhớ. Trong đó nổi tiếng nhất là Arirang của vùng Awooraji. Awooraji thuộc Bookmyun, huyện Jeongseong. Từ xưa, nơi đây đã nổi tiếng là quê hương của Jeongseon Arirang, nơi tình yêu và khát vọng xuôi về với dòng sông. Tại Aworaji, nơi người xưa từng qua sông trên những con thuyền nhỏ, giờ đây những chiếc thuyền cổ lại phơi mình chờ đón khách sang sông. Người lái đò ở Awooraji giới thiệu về nơi này: “Đây là nơi gặp gỡ của hai dòng sông. Một dòng chảy từ phía bắc xuống và nó giống như một người đàn ông hay gắt gỏng và ồn ào. Dòng sông hung dữ với tên gọi là Songcheon. ‘Song’ có nghĩa là ‘cây thông’ và ‘Cheon’ có nghĩa là ‘dòng suối’. Một dòng khác chảy xuống từ phía đông. Dòng sông rất hiền hòa và lặng lẽ như một cô dâu hay một nàng công chúa. Tên của nó là Golji. ‘Gol’ có nghĩa là ‘tuyệt vời’, ‘Ji’ nghĩa là ‘cái ao’. Sông Golji và Songcheong gặp nhau thì gọi là Awooraji”.

Awooraji là nơi hai con sông Golji và Songcheong hợp lưu. Từ xưa, sông Songcheong được coi như là người đàn ông bởi dòng nước chảy xiết. Sông Golji được coi như người phụ nữ bởi dòng chảy hiền hòa. Nói một cách khác, thì tên địa danh nơi đây - Awooraji đã được đặt dựa trên trí tưởng tượng về sự hòa hợp giữa âm và dương của dòng nước. Ở Awooraji, nơi hai dòng sông gặp gỡ, câu chuyện của những con người nơi đây cứ thấm vào những câu ca.
Trong những lời ca của Jeongseon Arirang, có một cô gái sống ở Yoocheon, bên sông Songcheon và một chàng trai ở Yeoryang yêu nhau. Hàng ngày họ đều đến gặp nhau. Bỗng một ngày kia sông Golji dâng nước lên và hai người không thể đến gặp nhau được. Họ đứng ở hai bên bờ và hát. Người con trai hát: “Hỡi người lái đò Awooraji, xin hãy đưa tôi qua sông. Bầu ở làng Ssarigil đã rụng hết cả rồi”. Người con gái hát đáp lại: “Bầu rụng còn có lá rơi theo cùng, em sẽ không thể sống nếu thiếu anh chỉ trong chốc lát”. Vì vậy, câu hát đã trở thành giai điệu tiêu biểu cho sự sum họp. Và cội nguồn của câu hát, Awooraji cũng đã trở thành biểu tượng cho khát vọng, và là quê hương trong trái tim của những đôi lứa không thành”.

Tượng một người con gái đã được dựng bên bờ sông Awooraji để biểu tượng tấm lòng hướng tới người thương. Vào mùa hè, khi hoa bầu nở vàng, những chàng trai, cô gái lại hẹn hò trong khung cảnh hoa nở rực rỡ. Tình yêu của những chàng trai, cô gái ở Awooraji vẫn chảy mãi như dòng sông trong lời ca của Jeongseon Arirang. Awooraji - bối cảnh cho những câu chuyện tình thơ mộng, dưới thời Joseon còn nổi tiếng là nơi thả bè gỗ xuôi về Seoul, dọc theo sông Namhan.
Vào giai đoạn cuối của triều đại Joseon, Awooraji là điểm xuất phát của một tuyến đường kinh tế trên sông. Khi ấy, gỗ đốn trên núi Taebaek và núi Hwangbyeon được vận chuyển trên những bè gỗ, theo dòng về Seoul. Những súc gỗ được buộc chặt vào bè bằng dây thừng và hai người lái bè, một ngồi đằng trước và một ngồi đằng sau để điều khiển bè. Điểm xuất phát của những bè gỗ đó chính là Awooraji. Những người lái bè thường hát lên điệu Jeongseon Arirang trong suốt cuộc hành trình của của họ. Và làn điệu dân ca còn được lưu lại nhiều nhất ở khu vực dọc theo sông Namhan chính là Jeongseon Arirang.

Rời Awooraji, nơi những câu chuyện xưa còn đọng lại trong kí ức của Jeongseon Arirang, cùng tìm đến nhà của cụ Kim Nam Ki - nghệ nhân hát dân ca vùng Jeongseon nổi tiếng ở cách đó không xa. Ông đang cùng những người hàng xóm biểu diễn một trích đoạn
Cụ Kim Nam Ki năm nay đã 68 tuổi. Suốt cả cuộc đời, cụ chưa từng bỏ việc đồng áng. Đối với cụ, Arirang đã trở thành cách duy nhất làm tiêu tan những nỗi ưu phiền và khó nhọc của cuộc sống lao động nặng nhọc ngoài đồng ruộng. “Tôi sinh ra ở nơi đây. Từ nhiều đời nay, gia đình tôi đã làm nghề cày cấy. Công việc nhà nông vất vả chính là nơi nảy sinh những niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống của tôi. Hát lên những lời ca là cách tôi giải tỏa những nỗi vất vả. Tôi thường hát Arirang trong khi làm việc. Từ khi 12 tuổi, tôi đã được nghe và thấy bố mẹ tôi hát Arirang, vì thế tôi cũng hát Arirang”.
Cụ Kim tiếp: “Ngày trước, chúng tôi làm việc trên những mảnh nương nhỏ bé phát quang được trên núi. Chúng tôi dùng cuốc đào những lỗ nhỏ và gieo hạt giống. Khi hạt giống nảy mầm, chúng tôi làm cỏ bằng tay. Trong khi làm việc vất vả như vậy, chúng tôi đối đáp nhau bằng những lời ca Jeongseon Arirang. Nếu tôi bắt đầu hát bên này, thì một người khác sẽ hát đáp lời ở đằng kia. Chúng tôi có thể làm những công việc nặng nhọc và không thấy lẻ loi bởi những câu hát qua lại đó. Sau khi kết thúc công việc trên núi, chúng tôi trở về với những bó cỏ cho bò, và cho chúng ăn. Ngày hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục làm như vậy”.
Arirang Arirang Arariyo… Hãy cho tôi vượt đèo Arirang…
Vất vả vượt qua đường đèo quanh co, hiểm trở, tìm đến với Jeongseon, chúng ta có thể hình dung ra được cuộc sống khó khăn, vất vả của những con người nơi đây. Người Jeongseon đã vượt qua tất cả những khó khăn đó bằng cách hát lên những giai điệu Arirang.
(Theo KBS Vietnamese)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét