Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Những di sản văn hóa và thiên nhiên nổi tiếng của Ethiopia



Bản đồ đất nước Ethiopia
Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia là một quốc gia nằm ở Đông Phi, phía bắc giáp với Eritrea, phía đông bắc giáp Djibouti, phía đông giáp Somalia, phía tây giáp Sudan và phía nam giáp Kenya. Ethiopia có diện tích 1.127 nghìn km2, dân số hơn 60 triệu người thuộc 200 sắc tộc, nói 83 thứ tiếng, thủ đô là Addis Ababa. Đây đã từng là vùng đất của vua chúa và từ xưa đã nổi tiếng với những vườn cây xanh tươi cùng các lâu đài, nhà thờ tráng lệ.
Theo tiếng Hy Lạp, Ethiopia có nghĩa là khuôn mặt bỏng cháy do phần lớn lãnh thổ nước này là sa mạc. Chính trên sa mạc Danakil - một đại sa mạc lớn nhất Ethiopia cách thị trấn Lalibela tỉnh Wollo 200 km, người ta đã phát hiện được bộ xương người Boza cũng là bộ xương người hóa thạch đầu tiên của thế giới, cho thấy Ethiopia chính là một cái nôi của loài người cách đây 5,15 triệu năm.
Người Ethiopia rất tự hào là dân tộc có những sự tích quan trọng của thế giới. Một ví dụ theo kinh thánh, Chúa đã xây dựng khu vườn Địa đàng Eden nằm đâu đó gần con sông Ghion, tức là sông Nile Xanh của Ethiopia bây giờ. Hoặc như theo kinh Cựu Ước, nữ hoàng Sheba của Ethiopia đã từng lập nên một tuyến đường lớn nối nước này với thánh địa Jerusalem, và bằng đoàn lạc đà chở gia vị, vàng bạc đến Jerusalem biếu tặng đức vua Salomon. Nhà văn Ba Tư thế kỷ thứ III đã ghi lại: trên mảnh đất nay là Ethiopia, có một đế chế cực kỳ hùng mạnh, đó là Abyssinia - một trong bốn vương quốc cổ đại lớn nhất thế giới gồm Ba Tư, Abyssinia, La Mã và Trung Quốc. Abyssinia cũng là nhà nước lâu đời nhất ở châu Phi cận Xahara. Đế chế này nổi tiếng về lụa là, gấm vóc, hồ tiêu, trầm hương và những điệu múa bụng hấp dẫn. Nhiều chuyện kể rằng, giáo hoàng Alexandre III đã từng viết thư trò chuyện với đức vua xứ Abyssinia là Prestor John; bức thư này sau đó gần 250 năm đã được người Bồ Đào Nha tìm thấy khi họ tới du lịch tại Ethiopia. Năm 615, phu nhân giáo chủ Hồi giáo Mohammed đã đến chơi và nghỉ ngơi ở Ethiopia... Người Ethiopia còn tin rằng chiếc hòm đựng Pháp điển của người Do thái xưa mà hoàng tử Moses Ai Cập làm để chứa 10 điều răn của Chúa cũng đang được cất giữ tại một nhà thờ bí ẩn ở thị trấn Aksum phía bắc đất nước và do những người hộ pháp trông coi.
Hiện nay, Ethiopia là cao nguyên đá lớn nhất châu lục. Từ cao nguyên này, các dòng sông tuôn chảy xuống phía dưới và là nguồn sống của nhiều quốc gia lân cận bao gồm Ai Cập, Kenya và Sudan. Đặc biệt, hồ Tana là khởi thủy của con sông Nile Xanh hùng vĩ tự ngàn xưa đã là nơi diễn ra các bản tình ca lịch sử ở các vương triều ven sông.
Vì truyền thống lịch sử, vì phong cảnh thiên nhiên diễm lệ và nhiều điều kỳ thú, hàng năm có rất nhiều du khách đến Ethiopia. Cửa ngõ bước vào huyền thoại Ethiopia là thị trấn Lalibela nằm phía bắc đất nước, trên độ cao 2.500m so với mặt biển, cách thủ đô Addis Ababa 640km. Đây là một trung tâm tôn giáo tín ngưỡng linh thiêng nhất nước này, có gần 15 nghìn dân, chủ yếu theo đạo Cơ đốc chính thống. Thị trấn được thế giới biết tới lần đầu tiên bởi cái tên là Roha vào thế kỷ XII-XIII dưới thời vua đồng thời là thánh Gebre Mesqel Lalibela, một hoàng đế cuối cùng của triều đại Zagwe cai trị miền bắc Ethiopia suốt 200 năm. Chuyện kể rằng, khi đức vua sinh ra, có một bầy ong từ đâu kéo tới bao quanh ông, người dân cho rằng đó là điềm báo ông sau này sẽ trở thành vua của Ethiopia. Khi lên ngôi và sau lần thăm viếng thành phố Jerusalem (nay thuộc đất nước Israel), nơi được mệnh danh là mảnh đất thánh của người Hồi giáo, đức vua đã quyết định xây dựng Roha trở thành một Jerusalem thứ hai, ông cũng đặt tên cho nhiều lâu đài, công trình, cầu cống theo những cái tên trong kinh thánh và ở Jerusalem. Một công trình đồ sộ mà đức vua cho xây dựng còn tồn tại đến nay là quần thể nhà thờ đạo Cơ đốc bằng đá đỏ và là tổng hòa của nhiều trường phái bấy giờ. Roha và sau này là Lalibela đã trở thành thủ đô của Ethiopia suốt hai thế kỷ và nay là một điểm du lịch văn hóa đông khách nhất cả nước.
Ở Lalibela, trời nhiều nắng, do đó mọi người thường phải mang theo ô che nắng. Người dân ăn vận rất đẹp, trang phục cổ truyền là khăn quấn, khăn đóng và khăn che mặt. Nhiều người sống bằng nghề buôn bán hàng hoá. Nổi bật là trầm hương - chất nhựa của một loài gỗ quý hoặc như rượu tej, một loại nước giải khát làm từ mật ong và nước hoa quả đựng trong những cái bình nhỏ bằng bùn khô. Kế đó là rau quả, rễ củ, thảo dược lấy từ trên rừng.
Ethiopia có đến 8 khu di sản thế giới, trong đó được yêu thích nhất là 6 khu di sản văn hóa và thiên nhiên sau đây:
Thành phố Lalibela nhìn từ trên cao
1. 11 nhà thờ bằng đá khối dưới triều vua Lalibela (1167 - 1207) ở Lalibela, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1978. Vào năm 1187, đức vua Lalibela quyết định kiến thiết thủ đô thành một thành phố giống hệt Jerusalem và cho xây dựng tại đây 11 nhà thờ bằng đá, kiến trúc kiểu Ai Cập, với cột kèo Hy Lạp, cửa sổ Arab, các điêu khắc hình chữ vạn và ngôi sao David... Các công trình cần tới 4.000 thợ và phải làm từ thời vua Lalibela đến hết 100 năm. Chúng đều nằm dưới lòng đất, phía trên là rừng keo; nhiều giáo đường được đẽo gọt từ đá núi lửa có những hàng cột màu đỏ, và thông nhau bằng những hành lang dài rộng.
Giáo đường Saint Georges
Quần thể nhà thờ đá gồm bốn nhóm: Nhóm phía bắc có nhà thờ Chúa cứu thế Bete Medhane Alem, là trung tâm của đạo Cơ đốc Lalibela cũng là nhà thờ lớn nhất trái đất, công trình được dựng trên 36 trụ đá mô phỏng theo số lượng những tín đồ đầu tiên đi theo Chúa; nhà thờ Bete Maryam là công trình cổ nhất thế giới; nhà thờ Bete Golgotha là nơi đặt lăng mộ vua Lalibela và nhà thờ Selassie đặt lăng mộ Adam. Nhóm phía tây gồm nhà thờ Bete Giyorgis, còn gọi là nhà thờ thánh George và là nhà thờ còn bảo tồn nguyên vẹn. Nhóm phía đông có nhà thờ Bete Amanuel xưa là nhà thờ hoàng gia; nhà thờ Bete Merkorios khả năng trước đó là một trại tù; nhà thờ Bete Abba Libanos và Bete Gabriel-Rufael là các cung điện liền kề một lò nướng bánh. Cuối cùng là tu viện Ashetan Maryam và nhà thờ Yimrehane Kristos có thể đã được xây dựng vào thế kỷ XI theo kiểu Aksumite và trong động. Người châu Âu đầu tiên chiêm ngưỡng nơi này là nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Pero de Covilha (1460-1526) và nhà truyền giáo đồng thời cũng là đại sứ Bồ Đào Nha Francisco Alvares (1465-1540). Hơn 800 năm qua, nơi đây là nơi nhân dân cầu nguyện hàng ngày. Trong giáo đường luôn thắp nến sáng, linh mục quấn khăn xếp, thắt lưng in hình hoa; các tín đồ chân trần, áo trắng đai vàng hàng ngày tụng niệm trong khói hương mơ hồ trầm mặc.
Quần thể lâu đài Fasil Ghebbi
2. Quần thể lâu đài Fasil Ghebbi tại tỉnh Gonder tây bắc Ethiopia, cách thủ đô Addis Ababa 760 km được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1979. Đây là một thành phố - pháo đài bao bọc các cung điện và nhà thờ với một bức tường thành dài khoảng 900m và là nơi thiết triều, nơi ở của đức vua Fasiladas và người kế vị trong thế kỷ XVII - XVIII. Do đã chán kiểu dời đô liên tục của tiên hoàng, năm 1636 hoàng đế Fasiladas đã quyết định chọn Gonder là thủ đô hành chính. Năm 1650 ông đã cho xây dựng một lâu đài khổng lồ mà nay gọi là lâu đài Fasiladas hòa trộn nhiều phong cách kiến trúc như Hindu Ấn Độ, Nubia, Arap, Baroque Bồ Đào Nha vừa huyền bí vừa hiện đại, trong đó có những tòa tháp cao, những lỗ châu mai rộng để những khẩu thần công và có tới 12 cổng. Tiếp tục sau đó là 7 nhà thờ và 7 cây cầu. Các vị vua sau này lần lượt xây dựng thêm 5 lâu đài, cung điện cùng hàng chục nhà thờ và tu viện lớn nhỏ khác. Tất cả đều được xây bằng đá vôi trộn với lòng trứng. Tuy không có máy điều hòa nhiệt độ song nhờ quanh năm mở cửa sổ và lại nằm dưới bóng bạch đàn nên luôn mát dịu, thơm tho.
Cánh đồng bia đá ở thành phố cổ Aksum
3. Thành phố cổ Aksum tỉnh Tigray cực bắc Ethiopia, sát biên giới phía bắc nước này với cánh đồng bia (đài tưởng niệm) bằng đá, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1980. Aksum vốn là một vương quốc cực thịnh, đối trọng giữa đế chế La Mã phương Đông và Ba Tư. Đây được tin là nơi sinh nữ hoàng Sheba và cất giữ hòm Pháp điển của hoàng tử Moses Ai Cập nhiều thế kỷ trước Công nguyên, và ngay từ thế kỷ thứ nhất đã là trung tâm buôn bán vàng bạc và ngà voi của châu Phi vượt biển Hồng Hải tới La Mã. Vào thế kỷ IV, hoàng đế Ezana của Aksum đã chinh phục thung lũng sông Nile, trị vì cả châu Á lẫn châu Phi. Ông đã cho xây dựng nhiều công trình vĩ đại đến nay vẫn có vẻ đẹp độc đáo bao gồm những lăng mộ và đài tưởng niệm (là những tấm bia lớn đặt trước lăng mộ). Kế tục ông, các vị vua đã xây dựng được những cánh đồng bia đá gồm 176 tấm bia lớn quay mặt về hướng nam cao gần 25m, nặng 16 tấn (tấm bia lớn nhất cao 32,9m nặng 517 tấn), chóp đỉnh tròn, trên mặt trước và sau và cạnh có khắc năm quả cầu, đính đĩa đồng và những dòng chữ được tin là những bài thánh kinh của đạo Cơ đốc buổi đầu du nhập Ethiophia dưới thời vua Aksum cách đây khoảng 1.600 năm. Các khai quật ở Aksum bắt đầu từ năm 1906 do tiến sĩ Enno Littman thực hiện. Sau đó đến thập niên 80, viện nghiên cứu Đông Phi của Anh cũng bắt đầu khai quật nơi này. Về cánh đồng bia đá, có ba phần: đồng bia ở phía bắc là nơi có tấm bia lớn nhất, đồng bia trung tâm và  đồng bia Gudit ở phía tây lấy tên một hoàng hậu cổ đại với chủ yếu là các ngôi mộ thế kỷ thứ IV. Về các công trình văn hóa khác có nhà thờ Đức mẹ Mary of Zion xây dựng năm 1665 được tin đang cất giữ hòm Pháp điển, các bảo tàng khảo cổ và dân tộc, hòn đá Ezana trên có viết chữ Sabaean, Ge ez và Hy Lạp cổ đại với ý nghĩa tương tự như hòn đá Rosetta, lăng mộ vua Bazen, nhà tắm của nữ hoàng Sheba, cung điện Taakha xây dựng thế kỷ IV và cung điện Dungur thế kỷ VI, tu viện Abba Pentalewon và Abba Liqanos cùng những bức tranh đá Lioness Gobedra…
Thung lũng sông Awash
4. Công viên quốc gia Thung lũng sông Awash, tỉnh Shewa, đông Ethiopia, cách thủ đô Addis Ababa 200 km, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1980. Ngoài phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nhiều thác nước, sông suối dài 100 km, động thực vật phong phú trong hơn 30 năm qua tại đây đã phát hiện được nhiều cổ vật của người tiền sử như dụng cụ cắt gọt bằng đá cuội và nhà bếp cổ nhất thế giới cùng nhiều hóa thạch xương động vật bị ghè vỡ có tuổi đời 2,5 triệu năm. Tuyệt vời hơn cả là vào ngày 24 tháng 11 năm 1974, hai nhà khoa học Donald Johanson và Tom Gray đã phát hiện được những mẩu hóa thạch đầu tiên của loài người, mà lúc đầu là một xương cẳng tay phải, xương sọ, xương đùi, xương sườn, xương chậu và xương hàm dưới. Sau đó hai tuần là những mảnh xương quan trọng khác giúp tái tạo đến 40% bộ xương của người nguyên thủy.
Thung lũng sông Omo
5. Công viên quốc gia Thung lũng sông Omo tây nam Ethiopia, cách thủ đô Addis Ababa 870 km, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1980. Đây là một vùng thiên nhiên cực kỳ hoang dã, cách biệt với bên ngoài nhờ một dãy núi của Ethiopia cao tới 4.500 m, hệ đầm lầy sông Nile phức tạp và sa mạc bắc Kenya. Nơi này cũng tìm thấy nhiều hóa thạch hơn bốn triệu tuổi của người tiền sử Homo Gracilis. Thung lũng cũng là nơi duy nhất ở Ethiopia và cả châu Phi tập trung đa sắc tộc. Trong diện tích chừng 15 nghìn km2 có tới hơn 10 dân tộc nói 10 ngôn ngữ khác nhau phân chia thành hai nhóm ngôn ngữ là Nilo-Sahara (Sahara sông Nile) và Afro-Asiatic (Á Phi), trong đó nhóm Sahara sông Nile gồm các dân tộc Bume, Mursi, Surma. Nhóm Á Phi gồm người Karo, Banna, Bashada, Hamar và Dizi… Mỗi dân tộc có bản sắc riêng song đặc điểm chung là đều sống du mục, thích vẽ mặt, xăm mình, làm các kiểu tóc, mặt nạ, nhảy múa…. Họ cũng tuân theo tập tục đánh dấu độ tuổi gắn liền với những lễ nghi phức tạp.
Công viên quốc gia Simien
6. Công viên quốc gia Simien tỉnh Gonder, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1978. Là một quần thể phong cảnh tự nhiên hoành tráng, nằm bên mạn đông của cao nguyên Geech thuộc bìa tây Đại sơn Simien (Massif) - một khối đá basalt 75 triệu tuổi. Trong công viên có nhiều đỉnh núi, đèo và vực sâu lởm chởm, kết quả của những trận núi lửa phun cách đây 40 triệu năm và sự xói mòn đất kéo dài hàng nghìn năm. Đặc biệt là ngọn núi Ras Deshen cao nhất Ethiopia và cao thứ thứ tư ở châu Phi ( 4.620m), cùng một rãnh sâu - Kẽ nứt Lớn xẻ dọc đất nước. Hàng năm nơi này có hai mùa nắng và hai mùa mưa. Trong hai mùa mưa từ tháng hai đến tháng ba và từ tháng bảy đến tháng chín, lượng mưa trung bình là 1.550 mm. Nhiệt độ thấp nhất từ - 2,50C đến 40 C và cao nhất từ 110C đến 180C. Do chênh lệch độ cao nên mặc dù ở gần đường xích đạo, trên núi vẫn có sương khói và tuyết. 
Trong công viên có ba vùng cây cối khác nhau. Sườn núi thâm thấp là nơi người dân trồng trọt. Lên tới 3.600m là các rừng thông, bạch đàn và keo. Trên nữa là đồng cỏ với loài cỏ đuôi trâu, thạch lam, cỏ lửa và cây lobelia… Rải rác khắp núi cũng có nhiều hoa thơm như tầm xuân, hương thảo, bách xù, ngũ sắc... Tháng 9 mùa mưa, hoa dại nở thắm sườn núi, thu hút nhiều tay chụp ảnh. Có 21 loài thú gồm 7 loài đặc hữu, quý hiếm nhất là loài dê rừng walia, khỉ đầu chó gelada và sói Simien. Ngoài ra là các loài khỉ colobus, linh cẩu, linh miêu, linh dương, chó rừng, báo, lợn cỏ, sơn dương vằn,… Có 137 loài chim gồm 16 loài đặc hữu như cò quăm, sếu Maribou, quạ đen mỏ dày, vẹt xanh, sẻ vàng, sáo đá, chim hét, gà gô, kền kền, đại bàng – loài chim lớn thứ hai châu Phi cũng là loài chim bay cao nhất châu lục cùng nhiều loài côn trùng, thằn lằn và lưỡng cư.
Quanh núi ngụ cư nhiều dân tộc, mà đông nhất là 2.500 người dân Amhara, và họ dùng tới 50 - 80% diện tích công viên để sinh sống, canh tác. Dưới chân núi là một ngôi làng nhỏ song rất nổi tiếng, là nơi đức vua Haile Selassie và nữ hoàng Elizabeth II đã từng đến tham quan và nghỉ mát vào năm 1960. Trong làng có nhiều quán phục vụ cà phê đắng và lạnh, bánh injera làm từ kê núi chấm với nước sốt hương địa lan...  Nhờ không khí mát mẻ, cây cối xanh tươi, động vật phong phú, hàng ngày đều có hàng trăm người tới tham quan, thả diều, đi khinh khí cầu bay qua núi cao thi đua cùng những cánh chim ngợp trời.
Nguồn Tạp chí nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông
Chu Mạnh Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét