Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Chợ Việt Nam trên xứ Mỹ


Mở chợ Việt trước phục vụ đồng hương…
.
Thomas Trương/Viễn Đông
 
Chưa có lúc nào mà người Việt tị nạn sinh sống trên xứ Mỹ lại cảm thấy tiện lợi như ngày nay. Nhất là các chợ Việt Nam nở rộ khắp nơi. Hễ ở đâu có cộng đồng Việt Nam thì ở đó hình thành chợ búa. Biết được tâm tư nguyện vọng tình cảm và khẩu vị của người Việt Nam nên hầu hết các món ăn thuần Việt đều có mặt ở các chợ, cho đến các loại hàng hóa phẩm chất cao. Nhớ lại những năm đầu mới đặt chân lên đất Mỹ, đâu có chợ Việt Nam, nên cũng đâu có món ăn Việt, người Việt Nam mong đủ thứ món ăn quê hương… nhưng cũng đành chịu, nhờ vậy mà cũng dần quen nhiều món ăn kiểu Mỹ, Mễ hay các món ăn của các sắc tộc khác. Còn thời nay, ngay các chợ Việt không những bán thức ăn cho đồng hương Việt Nam mà còn cho nhiều nhóm sắc tộc khác sinh sống trên xứ Mỹ, họ cũng thích đi chợ Việt và ưa chuộng những loại thực phẩm giống người Việt. Để hiểu thêm về nghề làm chợ Việt trên xứ Mỹ, phóng viên Thomas Trương của nhật báo Viễn Đông sẽ lần lượt giới thiệu đến quý bạn đọc loạt phóng sự đặc biệt “Chợ Việt Nam trên xứ Mỹ”.


Chợ Việt ở Mỹ đầy đủ các loại gia vị - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Nhà tôi gần chợ Đất Mới trên đường Crenshaw và Rosecrans, thành phố Gardena, nơi có đông người Việt sinh sống. Gia đình gần 20 năm đi chợ Đất Mới quen như người nhà. Đến chợ giống như lấy thực phẩm ngon trong kho của nhà mình về làm món ăn, chỉ có khác là phải tính tiền. Nhưng theo cô Phượng, người có hơn 23 năm trong nghề làm chợ ở xứ Mỹ, cho biết: “Làm chợ không chỉ phục vụ thức ăn tươi sống, ngon về phẩm chất, giá cả vừa phải. Quan trọng là cách phục vụ, phải tâm lý vui vẻ tốt bụng với khách hàng… Mỗi lần tính tiền là mỗi lần hiểu thêm sở thích của từng khách hàng. Như vậy khách hàng sẽ rất hài lòng. Tâm lý mà, khi họ biết mình có quan tâm đến họ tự nhiên họ thích đến với mình hoài. Cứ như thế mà khách hàng không chỉ có số đông đồng hương Việt Nam mà còn nhiều sắc dân khác. Nhiều nhất là người gốc Phi Châu, người Mễ…”. 


Dao làm cá cũng rất đa dạng và tiện lợi - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Chợ mở cửa từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Ngày nào chợ cũng đông đúc người mua hàng. Nhưng vào các ngày cuối tuần Thứ Sáu, Thứ Bảy, Chủ Nhật, khách hàng xếp hàng dài để mua thịt cá, hải sản… Chính vì hàng bán ra liên tục nên nguồn hàng bổ về lúc nào cũng mới và tươi sống. 
Vì là chợ Việt Nam, nên hầu hết nhân viên phục vụ trong chợ cũng là người Việt Nam. Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, nghề làm chợ tuy có vất vả nhưng cũng dễ làm và có tiền. 


 Một nhân viên đưa sả lên quầy bán - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Cô Hà, chủ chợ Đất Mới, tâm sự: “Mình là chợ Việt Nam nên phải tuyển nhân viên cũng là người Việt Nam, vừa tạo công ăn việc làm cho người đồng hương vừa tạo sắc thái riêng của chợ Việt Nam. Cung cách người Việt Nam mình làm việc cần mẫn, có tình cảm, có trách nhiệm, nhanh nhẹn và hiếu khách. Đó cũng là thế mạnh của chợ Việt Nam. Vào những ngày lễ hay Tết Việt Nam, chợ cũng nghỉ bán 3, 4 ngày Tết để anh em vui Xuân như ở quê nhà”. 


“Con này được không?” - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Phần đông người dân sống quanh vùng chợ Đất Mới là khách hàng thường xuyên. Ngoài những người đồng hương Việt Nam thì còn rất đông người gốc Phi Châu, người gốc Latino, họ cũng chuộng các món ăn theo kiểu Việt Nam. Có những ngày số lượng khách hàng là các sắc dân khác còn nhiều hơn người Việt Nam nữa. 


Nhân viên chợ Đất Mới làm cá cho khách hàng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Cũng theo cô Phượng, một nhân viên bán hàng lâu năm ở chợ Đất Mới, cho biết: “Mình làm nghề chợ mà được khách hàng hài lòng thì cảm thấy cuộc sống hạnh phúc hơn. Phục vụ nhu cầu ăn uống với phẩm chất tốt, hiểu được ý thích khách hàng và sự quan tâm chăm sóc. Điều ấy làm cho nhiều khách hàng đủ mọi sắc dân về với chợ Việt. Đây cũng là niềm tự hào nho nhỏ của người Việt Nam trên xứ Mỹ”. 


Hiện nay, cô Phượng làm nhân viên thu ngân ở chợ Đất Mới, Gardena - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


 Hàng mới, tươi, ngon là yếu tố thu hút người ta đến với ngôi chợ - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
Chợ Việt khách hàng Tây


Thomas Trương/Viễn Đông
 


Khách hàng thường xuyên của chợ Đất Mới là người Mỹ gốc Phi Châu 
ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
Chợ Việt Nam đương nhiên khách hàng chủ lực là người Việt Nam. Không những “đồng hương phục vụ đồng hương” mà chợ Việt Nam còn có đủ các món ăn, từ đóng gói, đông lạnh, gia vị, cho tới hàng thủy hải sản, rau củ quả phong phú. Sản phẩm người Việt Nam làm ra, trồng nên nhưng với phẩm chất của Hoa Kỳ. Đi chợ Việt, người ta cảm thấy gần gũi, trò chuyện, thăm hỏi và chia sẻ chuyện Việt Nam một cách thoải mái. Vì vậy người Việt khi cần mới đi chợ Mỹ. Chị Thu ở chợ Đất Mới, thành phố Gardena, cho biết: “Mặc dù khách hàng quen thuộc đa phần là người Việt mình, nhưng gần đây người Mễ, người gốc Phi Châu… đến chợ mua hàng rất đông. Có những lúc cao điểm như 3 giờ chiều, hay vào các ngày Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chủ Nhựt, nhìn đi ngó lại khách hàng người da màu, người Mễ rất đông, họ xếp hàng dài chờ mua hàng”.


Khách Mỹ ưa chuộng cá tai tượng chiên - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Nhiều hôm đi chợ, người Việt Nam len vào dòng người cao to hơn mình, đa số là người Mỹ gốc Phi Châu, gốc Latino. Họ cũng chọn những loại thức ăn có khác gì mình đâu. Họ mua còn nhiều hơn mình gấp bội. 
Trong số những khách hàng “Tây” ấy, có cả khách hàng tay cầm một con cá rô phi mới vừa được chiên vàng tại chợ đứng ăn ngon lành. Nhiều loại cá da trơn to tướng, hay cá rô phi to tròn, họ mua một lần 5, 10 con, rồi có khi họ nhờ chiên toàn bộ số cá ấy, chờ lấy về nhà là ăn ngay. Đây cũng là ưu điểm của chợ Việt. Chị Hoa, một nhân viên có nhiều năm sinh sống ở Mỹ, cho biết: “Người Mễ, hay người gốc Phi Châu họ không biết cách chế biến thức ăn như người Việt mình đâu. Thường họ chọn những loại thực phẩm dễ làm như thịt cá loại nào ít xương. Nếu chợ có chế biến như chiên giùm luôn thì họ rất thích. Chỉ cần mang về là cả nhà có thể dùng bữa ngay mà không cần phải chế biến gì nhiều. Vả lại, họ cũng là những khách hàng rất dễ chịu. Không cầu kỳ kiểu cách, hầu hết họ có cảm tình với chợ Việt. Các nhân viên ở chợ cũng có thiện cảm, lịch sự và hiểu được nhu cầu của khách hàng không phải là người Việt Nam. Kinh nghiệm là phải hiểu ý từng khách hàng. Ngay cách làm cá cho họ cũng phải hiểu ý mà làm đúng yêu cầu, làm sạch sẽ, kỹ càng. Còn ngay ở quầy tính tiền cũng vậy, phải biết nói chuyện qua lại với họ. Chúc mừng, cám ơn là những câu không thể thiếu”. 


Khu vực bán thịt cá ở chợ Đất Mới - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Khi chúng tôi nhiều lần gặp cô chủ chợ Đất Mới, thì thấy cô lúc nào cũng hòa nhã, từ tốn và làm những công việc ở phía sau. Cô coi sóc, quan tâm đến từng nhân viên và lắng nghe sự góp ý của từng nhân viên để ngày càng phục vụ tốt cho khách hàng, trong đó có nhiều khách hàng các sắc dân khác. 


Khách hàng nhận cá chiên tại chợ - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Đa số nhân viên ở chợ Đất Mới là người Việt Nam. Có người sinh sống ở Mỹ lâu năm, cũng có người mới sang Mỹ định cư chưa đầy một năm. Chợ Việt nên nhân viên cũng phải là người Việt mới có nét riêng của chợ Việt Nam. Có ngôi chợ thì tạo được công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người cùng xứ trong thời buổi khó khăn trên đất Mỹ ngày nay. Cô chủ cho biết, đặc điểm của người Việt mình làm việc chăm chỉ, có ý thức phục vụ tốt cho khách hàng. Lúc nào cũng có một hai nhân viên giới thiệu hàng hay mang hàng ra xe cho khách khi có yêu cầu. 


Một khách hàng chờ làm cá - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Ngay trước chợ Đất Mới có một ông cụ lớn tuổi người Jamaica. Ông hay đến đây xin tiền lẻ và hướng dẫn cho xe ra vào bãi đậu xe an toàn. Có điều, tại đây cũng thường xuyên xuất hiện một vài người từ Trung Hoa lục địa biết người Việt hay “trúng bẫy” nhân từ nghĩa hiệp giúp người gặp nạn. Như trường hợp một người đàn ông trung niên người Hoa nói là bác sĩ ở Los Angeles, có danh thiếp đưa ra đàng hoàng, và xin xỏ: “Sáng nay quên mang theo ví nên hết xăng mà không có tiền đổ xăng, xin tiền đổ xăng”. Có nhiều người tưởng thật. Chuyện hết xăng kiểu như vậy xảy ra thường xuyên một cách không bình thường, và danh thiếp trên cũng là lượm của bác sĩ thiệt. 


Một vị khách đang chờ chiên cá - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Cô Phượng hơn 23 năm làm nghề bán chợ ở Mỹ - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Khách hàng người Mễ đang chờ mua hàng ở chợ Đất Mới - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
Chợ Việt Nam dồi dào hàng Việt
.

Thomas Trương/Viễn Đông



Dưa cà pháo - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
Lẽ đương nhiên, vì chợ Việt Nam chính yếu là phục vụ đồng hương. Trên xứ Mỹ, hầu hết các sản phẩm có thể nói là thuộc loại thượng hạng đến từ Việt Nam, các nước Châu Á và thế giới… và ở một mức độ nào đó, đều đạt tiêu chuẩn Mỹ. Ông bà Bội ở thành phố Riverside là những người thường xuyên xuống đi các chợ Việt Nam trong khu Little Sài Gòn. Ông bà mua thức ăn Việt Nam về nấu cho nhà thờ nhân các dịp lễ quan trọng, cho biết: “Thời buổi ngày nay ở Mỹ, người Việt Nam không thiếu món ăn hương vị quê hương. Muốn loại nào mua cũng có, đầy đủ mặt hàng. Loại nào cũng phẩm chất cao và tốt cho sức khỏe. Giá cả cũng rẻ hơn các chợ Mỹ. Vả lại rất thuận tiện trao đổi mua bán. Đi chợ Việt trên xứ Mỹ ngày nay cũng giống như đi chợ ở Việt Nam. Có điều đường sá an toàn hơn Việt Nam, thức ăn mua về không sợ bị tẩm phụ gia hay là thuốc hóa học. Ăn không sợ bị ngộ độc hay là các thức bệnh lạ như ở Việt Nam thường thấy”.


 Rau Việt Nam do người Việt ở Mỹ trồng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Anh Quới Phạm, giám đốc Công ty Panda Rice USA trực thuộc Công ty Thực Phẩm Tây Hồ trên đường Brookhuurst cho biết: “Nghề làm chợ ở Mỹ cạnh tranh nhiều, giá rẻ nhưng phẩm chất lại tốt nhất và bảo đảm được sức khỏe của người tiêu thụ. Đặc biệt chợ Việt Nam nên cách buôn bán, sản phẩm trưng bày và chủng loại thì vô cùng đa dạng phong phú. Tâm lý người Việt sinh sống trên đất Mỹ thích đi chợ Việt Nam hơn các chợ Mỹ, Mễ hay các sắc dân khác. Cần thiết lắm thì mới đi mua những loại thực phẩm thương hiệu không phải là chợ Việt Nam. Để bảo đảm được nguồn sản phẩm tươi sống, công ty mua những rau cải do người Việt trồng ở Riverside, mua các loại rau quả, củ bảo đảm tươi mới, cá sống… Các loại thủy sản đông lạnh, tươi sống được nhập cảng trực tiếp từ Thái Lan, Việt Nam và khắp các tiểu bang”. 
Chợ cũng là nơi tạo công ăn việc làm cho nhiều người Việt Nam, nhất là khi họ mới sang Mỹ định cư. Khi nói về chuyện mở chợ, anh Quới còn cho biết thêm: “Khởi nguồn nghề làm chợ cũng vì lúc đầu qua Mỹ, đại gia đình Tây Hồ lập nghiệp từ một cửa tiệm chuyên bán bánh cuốn. Từ một tiệm ra 2, 3 tiệm khác và đại gia đình ngày càng dấn thân sâu vào nghề kinh doanh ăn uống. Sau đó đến lập chợ, lúc đầu cũng chỉ là những loại thực phẩm như chả giò, chả lụa, sau mở rộng ra nhiều mặt hàng từ các sản phẩm tươi sống, đông lạnh, hàng khô, rau quả, nước cốt gà, nước cốt bò và gần đây là gạo Panda Rice. Đây là sản phẩm mới do công ty hợp tác với một nông trại của Mỹ sản xuất loại gạo này với tiêu chuẩn cao về chất dinh dưỡng. Hiện nay, gạo đã có bán trên thị trường Hoa Kỳ hơn 4 tháng qua”. 


Ớt chỉ thiên... - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông 

Để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người tiêu thụ, những ngôi chợ Việt Nam ngày nay thường có đầy đủ các dịch vụ, thức ăn thức uống, để người ta không cần phải đi một nơi khác. Như ở Sài Gòn City Marketplace thì có quầy bán thức ăn nhanh “to-go”, các món bánh mì, phối hợp mở các dịch vụ tiện ích như chuyển tiền, sửa quần áo, đồng hồ, đổ nước lọc, làm tóc, dịch vụ di trú, bán điện thoại, thẻ gọi. 
Những ngôi chợ Việt Nam ở Mỹ đã trở nên gần gũi không chỉ đối với người Việt Nam mà còn cho cả các sắc dân khác. Chỉ tính riêng ở Quận Cam đã có cả chục ngôi chợ Việt, bán không thiếu thứ gì. Cho nên, ngôi chợ Việt Nam dường như đã trở thành một nếp văn hóa trong cộng đồng Việt. Không chỉ ở Mỹ mà khắp nơi trên thế giới, hễ ở đâu có cộng đồng Việt Nam là ở đó có chợ Việt Nam.


Mặt trước Chợ Saigon City - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Quầy thịt tươi - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Khu bán thủy sản đông lạnh và tươi sống - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Hàng rau quả - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
Nghề làm cá tại chợ Việt


Thomas Trương/Viễn Đông
 


Cân cá cho khách - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Trước khi chợ mở cửa thì các nhân viên đã có mặt. Thịt đông lạnh mang ra ướp đá cho tươi, các loại hải sản tươi sống như cua ghẹ, nghêu cũng được thay nước mới. Thịt heo, thịt bò, thịt gà… được cắt sẵn để thành từng dãy đều tăm tắp. Tất cả được chuẩn bị chu đáo để đến giờ mở cửa, mọi thứ đã sẵn sàng để phục vụ khách. Mặc dù mùa Đông giá lạnh, phải thường xuyên tiếp xúc với nước, ra vào kho hàng đông lạnh để lấy hàng, nhân viên cũng phải chấp nhận vì công việc đòi hỏi như vậy. 


Rửa cá thật sạch - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Anh T. làm việc trong chợ Đất Mới tâm sự: “Tôi mới qua Mỹ được hơn một năm, trong lúc kinh tế Mỹ bị khủng hoảng, thất nghiệp tràn lan. Tuổi cũng đã lớn, Anh ngữ muốn học cũng đâu phải dễ. Chịu đựng thất nghiệp cho tới giờ này mới kiếm được việc làm là vui lắm rồi. Xin được vào chợ của người Việt Nam mình làm thì còn gì bằng. Dù có cực cũng không sao, miễn có việc làm là có thể sống được”. 
Anh kể: “Những tháng đầu vào làm chưa quen, tay chân vụng về. Chưa biết ăn mặc sao cho ấm, nên cũng dễ bị cảm cúm. Sau đó quen dần và ngày càng kinh nghiệm và từ từ lành nghề. Trong một nhóm làm cá cũng có vài người nói được tiếng Anh, nên có thể hiểu được ý khách hàng muốn gì. Các anh em khác đứng bán riết cũng nghe được yêu cầu khách muốn, khi nào không hiểu thì ra dấu. Làm một thời gian, khách hàng trở nên quen thuộc nên chúng tôi hiểu được ý”. 


Mổ bụng cá làm sao cho không tanh - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Sau quầy hàng, các anh em nhân viên luôn tay lấy cá từ tủ ra cho khách, rồi bỏ lên cân, có khi bỏ bớt hoặc lấy thêm, rồi mang tới khu vực làm cá: đánh vẩy, mỗ bụng cá, cắt khúc và rửa sạch trước khi cho vào bọc nylon để vào khay đưa ra cho khách. 
Vào những ngày cuối tuần, số lượng cá khách hàng mua nhiều, nên họ làm liên tục. Những lúc cao điểm trong ngày, hầu như người nào cũng làm việc liền tay. 


Cắt vi cá… bên túi tiền khách cho thêm - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Xung quanh nơi này lúc nào cũng có sẵn đầy đủ đồ nghề để làm cá như bàn bào để đánh vẩy cá cho nhanh, dao lớn, dao nhỏ, búa nhựa, cây mài… Các anh em còn phải cắt từng khứa cá ra, làm sao cho đều, đứt ngọt và thẳng để khách hài lòng. 


Bàn bào vẩy cá - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Lúc nào cũng tiếp xúc với cá, nước nóng, nước lạnh nên hai bàn tay họ chai cứng. Cả người họ dính đầy vẩy, máu và nhớt cá rất tanh hôi. 
Theo các anh em làm ở khu vực này, chỉ khi nào tới giờ ăn, họ mới đến xe vận tải đậu sau chợ để ăn uống, nghỉ ngơi. Khoảng 1 giờ sau, họ trở lại nơi làm việc. 


Khứa cá thật khéo - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Không thể mang bộ dạng như vậy đến một nơi nào khác, vì sẽ bị người khác nhìn ngó do cái mùi tanh hôi khủng khiếp, nên cứ sáng đi làm, chiều họ đi một mạch về nhà. Phải để quần áo treo bên ngoài nhà hoặc phải bỏ ngay vô máy để giặt. Sau khi tắm rửa thật kỹ, họ mới có thể sinh hoạt bình thường với gia đình. 
Anh L. C., một người làm cá lâu năm ở vùng Little Sài Gòn, cho biết: “Đa số là những anh em mới qua chưa tìm được việc làm tốt, thường xin vào làm ở các chợ Việt Nam. Vì công việc cũng không cần tiêu chuẩn gì cao. Miễn có sức khỏe và chịu cực một chút là làm được thôi. Làm cá thì có gì đâu mà học. Làm một vài tháng tự nhiên có kinh nghiệm, trở nên giỏi thôi. Có điều làm nghề này thường hay tiếp xúc với nước, với mùi tanh hôi của cá nên mình lúc nào cũng có mùi tanh. Chân lúc nào cũng mang ủng nhựa. Còn tay thường xuyên tiếp xúc với nước và nhớt cá nên cũng bị te tua hết”. 


Mang cá từ tủ đông ra cho khách - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Nghề cực nhưng cũng có lợi tức ổn định để lo cho cuộc sống gia đình, nhất là trong thời buổi kinh tế Mỹ bị khủng hoảng. Đối với nhiều người, có việc để làm ở chợ cũng là tốt lắm rồi, còn được tiếp xúc nhiều với người Việt mình trên xứ người cũng vui. Đặc biệt, nghề làm cá ở chợ được tiền hoa hồng. Tất cả đều được để chung trong một cái bọc, cuối ngày chia đều ra cho mỗi anh em có thêm ít tiền để tiêu vặt…


Khu vực làm cá - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
Chợ Hòa Bình đủ loại mắm
.

Khu vực bán hoa tươi - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
Cộng đồng Việt Nam tại Quận Cam và các thành phố khác trên nước Mỹ ngày càng lớn mạnh, kéo theo sự ra đời nhiều chợ thuần túy Việt Nam. Không chỉ bán các món ăn quê nhà, còn có sẵn cho khách hàng hầu hết các sản phẩm đến từ Á, Âu, Mỹ với phẩm chất cao. Trong khi làm loạt phóng sự này, phóng viên Thomas của báo Viễn Đông muốn lần lượt giới thiệu những nét riêng, những thế mạnh của từng ngôi chợ Việt ngay tại Nam California. Chẳng hạn, chợ Hòa Bình ở Garden Grove có gì đặc biệt?


Khu vực bán mắm ba miền - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
 
Nói chuyện với chúng tôi, cô Vicky, chủ chợ Hòa Bình, cho biết: “Ở đây hàng hóa phong phú, đa dạng và đầy đủ giống như hầu hết các chợ khác. Nhưng độc chiêu ở chỗ là chợ có nguồn trái cây tươi xôm tụ nhất vùng. Loại trái cây của miền nhiệt đới rất đa dạng, phong phú, nào là nhãn, chôm chôm, mít, xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, đu đủ, dưa hấu… và còn bán đủ các loại hoa tươi. Đặc biệt chợ có quầy hàng bán đặc sản mắm 3 miền, món này nhiều người Việt mình rất thích, nhưng từ xưa tới giờ có thèm cũng chỉ biết đợi có dịp về Việt Nam ăn. Giờ thì không cần, mua ngay trên xứ Mỹ về nấu lẩu mắm đãi cả gia đình. Tại đây cũng có bán các loại rau chuyên cho món lẩu mắm”. 


Mua hàng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Vào những ngày cuối tuần, bãi đậu xe của chợ Hòa Bình rất đông đúc. Thế mạnh của khu chợ này là có nhiều “hàng xóm” tên tuổi: nào là cửa tiệm thuốc tây, quán phở, cửa hàng bán bánh mì, chè, khô bò, sản phẩm cho ngành nail, ngân hàng, nhà hàng, quán cà phê, điện thoại, tiệm làm tóc, tiệm nail, bán quần áo, bán cây giống, tạp chí, sách báo… không thiếu thứ gì. Chỉ cần đậu xe một chỗ cũng có thể đi chợ Hòa Bình và mua thêm những thứ cần thiết tại cùng một khu vực. Chính vì thế mà lúc nào ở Hòa Bình Garden Grove Supermarket cũng đông người mua sắm. 


Măng tây và khu bán thịt cá - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Theo chị Vicky cho biết, 90% khách hàng mua sắm ở chợ là đồng hương Việt Nam. Vào chợ, hàng hóa chất đầy đủ các loại rau cải, củ quả tươi rói được lấy trực tiếp từ các nông trại. Trong đó có nhiều nông trại của người Việt. Các loại thịt tươi như bò, heo, gà vịt… cho đến các mặt hàng gia vị của hầu hết các quốc gia… tất cả theo tiêu chuẩn Mỹ. Hệ thống kho lạnh bảo vệ thực phẩm luôn tươi mới. Chợ mở cửa từ 8 giờ sáng cho đến 9 giờ tối. 


Mít nguyên trái - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Được biết, chợ Hòa Bình đã hình thành tại Quận Cam từ năm 2008, khánh hàng quen thuộc đã ổn định và ngày càng có nhiều người biết đến. Nhưng trên thực tế, theo chị Vicky, gia đình mở chợ từ năm 1980 tại Pomona, sau 32 năm chợ ngày càng lớn mạnh không những trong cộng đồng người Việt mà cho cả những sắc dân khác. 


Ốc kèn - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Ông Võ Dũng, một người Việt ở thành phố Riverside, cho biết: “Có dịp xuống khu Little Sài Gòn ăn uống là có dịp đến chợ Hòa Bình để đi chợ. Đi đến nỗi quen thuộc chỗ nào để loại thức ăn gì đến khi mua thì chỉ cần đến là bỏ thức ăn vào xe đẩy. Trong khu này còn có nhiều dịch vụ khác như mua thẻ điện thoại về Việt Nam, ăn phở, mua bánh mì, chè Cali, mua sách báo… cũng tiện lợi”.


Bên trong chợ Hòa Bình - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Chị Hoa ở thành phố Long Beach nói: “Tôi rất mê mắm ở chợ Hòa Bình vì ở đây có bán rất nhiều loại mắm khác nhau (mắm ba miền). Phẩm chất cao, rất ngon và sạch sẽ. Tôi không ngờ sau nhiều năm xa quê hương, giờ đây ở Mỹ mà ngỡ như ở giữa quê nhà. Mắm mua về nấu lẩu mắm còn gì tuyệt cho bằng. Nếu biết chỗ thì đi mua thêm các loại rau đồng như: rau đắng, rau ngò ôm, rau má, bắp chuối làm gỏi, cà tím, và ngày nay còn mua được cả bông súng nữa…”. 
Vậy có thể coi những ngôi chợ Việt Nam là nét văn hóa đặc thù Việt Nam trên xứ người.


Cải làm dưa - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Chị Vicky, chủ chợ Hòa Bình đang đọc phóng sự chợ Việt ở Mỹ 
ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Khu vực trái cây nhiệt đới - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
Chợ Á Đông ra đời vì tự ái dân tộc
.

Thomas Trương/Viễn Đông
 


Trước chợ có bán cây giống Việt Nam, sửa quần áo giá rẻ - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Chợ Á Đông hình thành từ năm 2001 ngay trung tâm Little Sài Gòn đối diện khu Phước Lộc Thọ trên phố Bolsa, nơi có đông người Việt sinh sống, mua bán nhất ở xứ Mỹ. Chợ Á Đông còn được xem như một điểm hẹn mua sắm, dạo phố về đêm cho nhiều khách hàng. Đa số người Việt đến từ những tiểu bang khác trên nước Mỹ hay các nước trên thế giới, thậm chí là người Việt Nam qua Mỹ du lịch, thường không thể bỏ qua khu Little Sài Gòn, thủ đô người Việt tị nạn trên xứ Mỹ, để chụp ảnh lưu niệm, thăm viếng, và mua sắm tại các khu thương xá dọc theo đường Bolsa. Nơi đây có nhiều cửa tiệm, hàng quán, dịch vụ tiện ích cho người Việt Nam, bán với giá rẻ so với các tiểu bang khác. 


Tha hồ lựa - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Anh Bùi Thọ Khang một trong hai thành viên sáng lập chợ cùng anh Huỳnh Thanh Thọ, cho biết: “Trước đây tôi từng làm nhân viên trong một chợ của Mỹ. Nơi đó có nhiều người làm việc và họ đều là những người giỏi trong những bộ phận kiểm soát vận hành máy móc văn phòng… Thế rồi cũng bị ăn hiếp nên năm 2001 tôi cùng với anh bạn Huỳnh Thanh Thọ quyết định mua lại ngôi chợ. Chúng tôi dựng bảng Chợ Á Đông với cờ vàng ba sọc và cờ Mỹ thật lớn ngay phía trước chợ như một biểu tượng của người Việt Nam trên đất nước tự do. Cũng là để cho mọi người Việt Nam và những sắc dân khác luôn nhìn thấy lá cờ vàng tiêu biểu Quốc Gia Việt Nam sánh vai cùng cờ Hoa Kỳ. 


Khu vực bán rau củ - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông 

Anh nói thêm: “Một điều đáng ghi nhận đó là anh em chúng tôi làm việc sát cánh với nhau hơn 10 năm rất hợp gu, anh Thọ trước đây cũng từng là giáo sư đại học tại Việt Nam”. 
Khi cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh thì chợ Việt cũng chiếm một vị thế quan trọng trên đất Mỹ. Trước đây, chợ Á Đông là một trong những ngôi chợ 99 Ranch Market của người Đài Loan và được một chủ người Việt mua lại. Nơi này bây giờ đã trở thành quen thuộc của cộng đồng người Việt Nam. Chợ còn có điều đặc biệt nữa là mở cửa đến 11 giờ đêm, rất thuận lợi cho đồng hương, nhất là những ai đi làm về trễ, những những người làm nail, văn phòng luật sư, giới văn nghệ sĩ… 


Nhân viên cắt thịt cho khách mua hàng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông 

Nhiều người ở những thành phố lân cận có dịp đi đám tiệc ở Quận Cam sau khi ra về, đến chợ để mua sắm thức ăn thuần túy Việt Nam mình. Chợ Á Đông là một trong 5 chợ nằm trong chuỗi hệ thống chợ Á Đông với các tên gọi khác nhau như Chợ Á Đông đối diện thương xá Phước Lộc Thọ; chợ Sài Gòn Supermarket (còn gọi là Thương Xá Sài Gòn) nằm ở góc Westminster và Brookhurst; chợ Đà Lạt ở góc Euclid-Garden Grove; chợ Green Farm Market (chợ Á Châu cũ) ở góc Magnolia-Edinger và Mom Supermarket tọa lạc tại góc đường Euclid-Edinger, đối diện công viên Mile Square. 


Làm cá cho khách hàng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông 

Anh Kevin Nguyễn quản lý chợ Á Đông, cho biết: “Chúng tôi có nhiều lợi thế vì là chuỗi hệ thống, chợ Á Đông có thể mua được số lượng hàng lớn, tự nhiên là giá sẽ rẻ hơn. Vì thế, khách hàng cũng được hưởng lợi với hàng bán giảm giá. Hiện nay với lượng hàng hóa khá lớn, đa dạng nhiều chủng loại. Những mặt hàng sale off tại chợ Á Đông thường diễn ra thường xuyên, chứ không phải chờ gần hết hạn mới giảm. Bên cạnh giá cả hợp lý, các yếu tố khác như an toàn vệ sinh, sạch sẽ, sáng sủa và thoáng đãng cũng thu hút khách hàng”. 


Một phụ nữ gốc Phi Châu mua cá tại chợ - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông 

Chợ tọa lạc trong một khu vực có rất nhiều dịch vụ đi kèm, nào là quán cơm phở, bánh cuốn, chả bì, xôi vò, cháo lòng, tiết canh… ngon giống như ở ngay Việt Nam. Quán cà phê, tiệm bán các sảm phẩm cho ngành nail, bán vé máy bay du lịch, thậm chí là bán cả cây giống Việt Nam ngay trước cửa chợ…


Quầy thu ngân - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông 

Đặc điểm của chợ cũng dễ nhận thấy, quanh chợ trên bức tường hàng rào là những bức chạm khắc, tô vẽ công phu kể lại truyền thuyết An Dương Vương, về Hai Bà Trưng, về Vua Hùng dựng nước. Ngoài ra còn có hàng trăm tượng Phật lớn nhỏ ở khu vực bên hông chợ, phía sau bãi đậu xe, tiện lợi cho những ai muốn đến thắp nhang khấn vái…


Khách hàng người Mễ - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông 


Nhân viên mang gạo ra xe cho khách hàng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông 


Nơi đặt nhiều tượng Phật sau chợ - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông 
Chợ Người Việt của người Việt
.

Thomas Trương/Viễn Đông
 


Cá chạch Việt Nam đông lạnh - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Khi được hỏi tại sao đặt tên là chợ Người Việt, chị Hoa chủ chợ trả lời đơn giản: “Vì mình là người Việt mà, mục tiêu chính cũng vẫn là phục vụ người Việt Nam trên xứ người”. Chợ Người Việt tọa lạc ngay góc đường Westminster và Euclid hơn 10 năm qua. Cũng giống như các chợ khác của người Việt tại Quận Cam, chợ bán đầy đủ các loại sản phẩm từ thịt cá các loại, đồ khô, đồ gia vị, hàng rau quả, củ của nhiều quốc gia, trong đó có nhiều loại rau và trái cây do người Việt Nam trồng ở Mỹ.


Cam, quýt - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông 

Cũng theo chị Hoa cho biết: “Thời buổi kinh tế Mỹ còn trong tình trạng khủng hoảng, việc mua bán cũng gặp không ít khó khăn. Phần thị trường chợ mở rộng thì cung vượt cầu. Thị trường bị xé lẻ nên chủ trương của chợ là lấy công làm lời. Nhân viên phải phục vụ tận tình, tiếp khách hàng lịch thiệp, chân thật. Làm chợ cũng như làm dâu trăm họ. Hàng hóa lúc nào cũng luôn tươi mới, phẩm chất cao”. 


Cá kèo đông lạnh - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Trong khu chợ Người Việt cũng có rất nhiều dịch vụ khác như văn phòng luật sư, văn phòng bác sĩ, nha sĩ, dịch vụ du lịch, bán quán ăn, quán cà phê, làm chìa khóa, bán điện thoại di động, tạp chí sách báo, quần áo, văn phòng địa ốc... Đặc biệt còn có Thư Viện Việt Nam, nơi thường tổ chức những buổi họp mặt đồng hương, cộng đồng, giới thiệu sách báo, tranh ảnh, thu hút nhiều người đến sinh hoạt. 
Trong chợ, quầy rau, củ, quả, bông lúc nào cũng đầy kệ, rất nhiều loại rau như hành ngò, rau răm, rau cần ô, quế, bạc hà, rau thơm, rau đắng, bắp chuối… thứ gì cũng có, chẳng khác gì đi chợ ở Việt Nam đâu. Có điều là thức ăn ở Mỹ có tiêu chuẩn an toàn, ăn không sợ bị nhiễm các loại chất độc hóa học. Nói đến trái cây thì ngoài các loại trái cây trồng tại Mỹ, hay ở Mễ, còn có rất nhiều loại trái cây xứ nhiệt đới như nhãn, bưởi, mãng cầu Mễ, táo tàu, hồng, chuối, mận, ổi, chôm chôm có quanh năm. 


Một khách hàng nhận bịch cá làm sẵn - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Bà Hải Hà ở Garden Grove cho biết: “Nhà cũng gần chợ nên đại gia đình hầu như là khách hàng quen thuộc của chợ. Đi chợ này thích nhất là cá tươi sống, có loại còn giãy đành đạch. Mực ống tươi. Ốc hương. Muốn ăn những loại cá đồng theo kiểu Việt Nam có cá đông lạnh, nào là cá rô đồng, cá bống, cá lòng ròng, ốc bươu, tôm càng, cá chạch, cá cơm than, con nhộng, con hến… Nếu biết cách chế biến thì ngon cực kỳ như cá tươi ở Việt Nam vậy”. 



Cá chép tươi trong hồ nước - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Anh Hoàng, nhân viên quản lý lâu năm gian hàng cá ở chợ Người Việt, cho biết: “Chẳng những quen biết khách hàng mà còn biết họ cần mình làm như thế nào cho từng loại cá mà họ mua. Ngoài ra còn cố vấn cho khách là loại cá nào nấu món ăn gì ngon. Ở chợ, những anh em trong phần hành bán cá làm cá rất kỹ, rất sạch cho khách hàng. Có người cần chiên thì cũng chiên thật tới để khách hàng hài lòng, chỉ mang về nhà là ăn thôi”. 


Hai anh cùng tên Quang làm cá tại chợ Người Việt - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Anh cho biết, trung bình mỗi tuần chợ bán hơn 4.000 pound cá tươi các loại. Nhiều nhà hàng là khách hàng quen mua cá tươi tại chợ. Có lúc phải giao hai, ba người làm cá sẵn với số lượng lớn để giao cho các nhà hàng. Anh cũng giới thiệu thêm: “Chợ chuyên bán cá tai tượng còn sống bơi trong hồ, không phải loại cá tai tượng thật to như ở các chợ khác mà là loại cá tai tượng loại 2, 3 con/pound, loại này mua về nướng, gói bánh tráng với rau sống ăn rất ngon. Loại cá này bán rất chạy tại chợ Người Việt”. 


Cá tai tượng sống - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Chị Hoa chủ chợ Người Việt tâm sự: “Làm chợ ở Mỹ là cái nghiệp của gia đình chúng tôi. Sau năm 1975 sang đến Mỹ một thời gian thì chúng tôi hình thành ngôi chợ Việt có tên Kinh Đô tại Salt Lake City, tiểu bang Utah. Làm ăn được 10 năm, có rất nhiều khách hàng là người Việt biết đến. Sau đó 3 đứa con chúng tôi tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm. Tôi trở về Nam Cali cùng với người anh bà con hợp tác làm chợ Người Việt. Hơn 10 năm qua chợ đã trở nên quen thuộc trong cộng đồng Việt Nam tại miền Nam Cali này. Ngày nay trong lúc thời buổi kinh tế khó khăn, thương trường giờ không chỉ có người Việt, mà ngay cả những chợ Mỹ, Mễ, Đại Hàn, Trung Đông họ cũng nhắm tới thị trường cho người Châu Á. Nhiều mặt hàng mà trước đây chỉ có bán ở các chợ Việt Nam, giờ các chợ lớn của Mỹ, Mễ, Đại Hàn… đều có bán. Rồi các cửa hàng bách hóa lớn như Walmart, Target… trước đây đâu có bán các loại thực phẩm tươi sống… giờ cũng bán đầy. Sản phẩm và phẩm chất gần giống nhau. Nhưng cái chính là cung cách phục vụ khách hàng, đồng hương của chợ Việt là yếu tố quyết định”. 


Ốc bươu, cá cơm Việt Nam - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Cá rô đồng đông lạnh - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Hến Việt Nam - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
Sung túc nơi siêu thị Thuận Phát
.
Thomas Trương/Viễn Đông


Mặt tiền siêu thị Thuận Phát - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Siêu thị Thuận Phát Westminster khai trương vào năm 2005 và nhanh chóng được cộng đồng người Việt ở Quận Cam và nhiều nơi khác biết đến. Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng người đi chợ tăng lên rất nhiều. Phần lớn, chợ nhắm vào số dân cư người Việt Nam trong khu vực, với vị trí khá thuận lợi ở góc Beach - McFadden gần xa lộ I-405. Đây là nơi dễ tập trung nhiều người Việt Nam đến mua sắm. Đây cũng là địa điểm đặt thùng phiếu số 23 trong kỳ bầu cử cộng đồng vừa qua. 


Quầy bán gia vị ướp thịt - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Ông Dương, ở thành phố Gardena, là một khách hàng thường xuyên của siêu thị Thuận Phát cho biết: “Gia đình rất thích ăn vịt, gà, heo quay, bánh bao, bánh bò, bánh hỏi… tại tiệm Vĩnh Ký gần bên chợ Thuận Phát, bởi khẩu vị ngon nên ít khi mua loại này mà ở nơi khác. Rồi sẵn dịp vào chợ Thuận Phát mua thức ăn cho gia đình. Ở đây chợ bán không thiếu loại thực phẩm nào, dễ chọn lựa, dễ đậu xe và gần xa lộ”. Những văn phòng, cơ sở thương mại láng giềng của Thuận Phát cũng rất hùng hậu, nào là các văn phòng bác sĩ, nha sĩ, luật sư, kế toán, bảo hiểm, du lịch, di trú, ngân hàng, cùng với những tiệm sửa xe hơi, tiệm cắt tóc, mỹ viện, cửa tiệm bán sách báo, bán băng và đĩa nhạc... tất cả đều nói tiếng Việt Nam. Ông Lê Công Giáo ở thành phố San Jose, mỗi lần có dịp về miền Nam California, thăm người thân ở Little Sài Gòn, thì thường hay mời chúng tôi đi ăn phở đuôi bò Vie cạnh chợ Thuận Phát. Với món phở xương khá độc đáo ở vùng Little Sài Gòn, nhiều lúc phải ngồi chờ ít lâu mới có bàn trống để vào ăn. Ăn tại tiệm phở xong có thể ra cửa bên đi thẳng vào chợ Thuận Phát mua báo, mua thẻ điện thoại và dạo một vòng chợ để xem hàng hóa với rất nhiều món ăn thuần túy Việt Nam. 


Mua hàng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Mặc dù cạnh cửa chợ có bánh mì Lees Sanwiches bán rất chạy, nhưng mới đây tiệm bánh mì Lynda Sanwiches do chính ca sĩ Lynda Trang Đài và Tommy Ngô làm chủ mới vừa khai trương. Nơi đây không chỉ thu hút đông đảo giới nghệ sĩ thường xuyên đến uống cà phê như là một điểm hẹn hò, còn có một bức tường trang trí bằng hầu hết chân dung các ca sĩ nghệ sĩ nổi tiếng hải ngoại có kèm chữ ký. 
Ngoài ra, cạnh đó còn có Làng Ngon chuyên bán những món ăn nướng kiểu Việt Nam. 


Quầy trái cây tươi - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Bà chủ chợ Thuận Phát nói tiếng Việt không rành lắm, nhưng sau khi nghe tôi nói chuyện về việc tìm hiểu chợ để viết phóng sự, bà đồng ý ngay. Bà nhờ một nhân viên giữ an ninh trong chợ dẫn tôi đi một vòng quanh chợ và chụp hình. Chợ có một không gian rộng lớn từ bãi đậu xe cho tới bên trong chợ. Từ cửa bước vào chợ là một tiền sảnh rộng rãi, có đèn chùm lớn giống như ở khách sạn, bên trong hàng ngàn bóng đèn thẳng tắp và có treo những lồng đèn đỏ hình quả bí. Những gian hàng ngay phía trước gồm có Amore sang trọng, kế tiếp là tiệm bán điện thoại di động lớn, tiệm vàng, tiệm đồng hồ, quần áo may sẵn… phía bên trái là “Vua Khô Bò” với nhiều món ăn chơi, nhiều loại khô, cá, mực khác nhau, và “Vua Trà” với đủ các loại trà hảo hạng trên thế giới. 


Quầy cá - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Một người đàn ông tên Thân đang đẩy xe từ trong chợ ra, chở đủ thứ nào là gạo, nước mắm, rau tươi, trái cây, thịt cá… nói với tôi: “Đi chợ ở đây tiện lợi nhiều thứ, có cả dịch vụ bưu điện trong chợ nữa… Gần chợ có thể mua bánh mì, chè, vịt, gà, heo quay, và có thể cắt tóc, mát xa, đổ nước xe…”.


Quầy bán vàng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Thế mạnh của chợ Thuận Phát là nằm trong một hệ thống siêu thị được phân bố rộng rãi nhiều nơi ở miền Nam California, nên có nguồn hàng dồi dào, giá cũng khá rẻ nhưng phẩm chất lượng thì vẫn bảo đảm. Ngày nay chợ phục vụ cho cộng đồng Việt Nam này càng lớn mạnh. Nhiều người từ các tiểu bang khác về California đều phải ngưỡng mộ về sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sự cường thịnh của người Việt xa xứ sau hơn 37 năm. Chợ của người Việt nên thức ăn phong phú và rất nhiều món đặc thù Việt Nam, giá lại rẻ hơn so với các chợ Việt ở nhiều tiểu bang khác.



Tiền sảnh khi bước vào cửa chợ - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Quầy bán điện thoại di động


Dãy tính tiền - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Quầy bán thực phẩm rau quả sấy khô - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Những ngôi chợ gìn giữ hồn Việt
.

Thomas Trương/Viễn Đông

Sau 37 năm tha hương tìm bến bờ tự do trên xứ Mỹ, người Việt tị nạn đã tạo dựng một vùng, một khu riêng biệt mà phần lớn người Việt sinh sống như ở Quận Cam hay còn gọi là thủ đô của người Việt tị nạn. Nơi đó, chợ được hình thành rất sớm và từ một, hai cái chợ bán các món ăn theo kiểu Việt Nam thì cho đến ngày nay, chỉ riêng ở Quận Cam có đến hàng chục cái, ở tiểu bang California có đến hàng trăm cái, và hàng ngàn cái ở khắp nơi trên xứ Mỹ. Hễ ở đâu có một cộng đồng người Việt sinh sống thì ở đó có chợ Việt Nam mang tên Việt Nam ngay trên đất Mỹ. 
Những chủ chợ cũng là những người từng vượt trùng dương bất chấp sự nguy hiểm, sự chia ly và cả sinh mạng phó thác vào vận may rủi. Nhưng khi họ đã đến được bến bờ tự do, đã an cư lập nghiệp thì nhu cầu được nhiều người quan tâm hơn hết là chợ. 


Cuối tuần ở chợ Sài Gòn City - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Ông Phước Trương, một người cư ngụ tại Los Angeles, cho biết: “Vào những năm 79 cho đến năm 85, lúc ấy thèm được ăn món ăn kiểu Việt Nam quá nhưng biết mua ở đâu vì chợ Mỹ bán toàn là những món kiểu Mỹ, kiểu Tây. Nhiều lúc ước gì có được một chai nước mắm… Rồi sau đó tìm ra một số chợ Tàu họ có bán nước tương, đậu hủ… Sau nữa, khi cộng đồng Việt Nam ngày càng lớn mạnh, giao thương hàng hóa giữa các nước mở rộng, hàng hóa Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc vào thị trường Mỹ, rồi đến những thập niên 90, hàng hóa Việt Nam cũng đã có mặt ở thị trường Mỹ nhưng số lượng không nhiều như ngày nay. Bây giờ thì quá tốt rồi! Món ăn gì ở Việt Nam mà mình ở đây không ăn được đâu. Thậm chí còn ngon hơn, phẩm chất bảo đảm hơn là cái chắc”. 


Bưởi, dưa hấu, bắp… - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Hằng ngày, những ai có dịp theo dõi báo chí đài truyền hình ở hải ngoại, có thể đọc thấy nhan nhản những tin tức về thịt thúi, thịt mang đi hủy được vớt về tẩy rồi mang đi bán tiếp. Hay những màn xảo thuật “hô biến” từ thị thúi ra thị tươi, phần lớn nhờ sử dụng những loại hóa chất có độc tính của Trung Cộng. Ngay cả những đám cưới khi thức ăn được mang lên bàn, thực khách phàn nàn thịt bị hư, bị thúi tưởng một món, ai ngờ vài món đều như vậy. Khi gia đình chú rể kêu chủ nhà hàng hỏi thì chủ nhà hàng trốn mất. Cuối cùng tiệc tàn giữa chừng vì nhiều người bỏ về và nhân viên thu lại hết các món ăn. 


Bưởi năm roi!? - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Ngày nay, chỉ riêng ở Quận Cam đã có hàng chục ngôi chợ Việt bán đầy đủ những loại thực phẩm trên thế giới. Nhưng các mặt hàng mà người Việt Nam nói riêng, người Châu Á nói chung ưa chuộng thì rất nhiều và phong phú. Có những loại nhập cảng từ Thái Lan, Việt Nam. Có những loại như rau quả Việt Nam được trồng ngay trên đất Mỹ này. 


Cam, quýt - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Vào những ngày cuối tuần, phần lớn những gia đình Việt Nam ở miền Nam Cali hay xuống phố Bolsa để đi ăn uống, đi dự tiệc tùng, họp mặt hội đoàn và đi mua sắm ở các ngôi chợ Việt Nam. Những ngày cuối tuần, phố Bolsa nhộn nhịp hẳn lên, người xe tấp nập, những bãi đậu xe rộng lớn ở các chợ chật kín xe, người. Có thể nói, đó là nét văn hóa sinh hoạt giữ được cái hồn của người Việt ở đất Mỹ. Người Việt dẫu cho xa xứ nhưng vẫn còn giữ nếp sinh hoạt, ăn uống và nấu nướng thức ăn theo truyền thống của ông bà để lại. Chợ Việt được hình thành để cung cấp các thức ăn Việt, như riêng trong Quận Cam mà trên dưới đã có hơn 20 ngôi chợ Việt lớn nhỏ. 


Khoai lang, khoai mì, khoai cao - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Chợ Việt Nam mở cửa suốt 7 ngày trong tuần, từ 8 hoặc 9 giờ sáng đến 8 hay 11 giờ tối tùy theo từng chợ. Trong chợ có bán đủ các loại từ rau tươi, trái cây, thịt cá, các loại gia vị mà những gia đình người Việt hay dùng cho đến các món ăn làm sẵn có thể ăn ngay. Vào một ngôi chợ Việt Nam, khách hàng có thể tìm thấy hay mua đủ mọi thứ từ thực phẩm, đồ gia dụng, nước uống cho đến vàng, bạc, nhang, đèn, hoa, cau trầu, hay chày cối, chổi, xà bông, thuốc lá... Nghĩa là đầy đủ các mặt hàng giống như các ngôi chợ tại Việt Nam. Rau tươi được các chủ trại Việt Nam trồng trong vùng cung cấp hằng ngày cho các chợ. Không thiếu các loại rau tươi mà người Việt hay ăn hằng ngày, từ rau xà lách, tần ô, rau muống, xà lách xoong, rau dền, cải, giá, cà chua, dưa leo, chanh, ớt, tỏi cho đến các loại rau ăn kèm với phở, mì quảng hay bún bò... như ngò gai, rau răm, rau thơm, rau dấp cá, bạc hà, bắp chuối, rau húng, rau muống chẻ, khế, chuối chát...


Nước mắm, nước tương chợ nào cũng có - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Chuối cau, đu đủ - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Chuối xiêm, chôm chôm… - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Mít, thanh long, xoài… - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Bầu bí… - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Trứng gà, trứng vịt, hột vịt lộn - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Nồi nhôm các loại - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
Khi đàn ông làm việc trong chợ
.
Thomas Trương/Viễn Đông
 
Nghề làm ở chợ thật ra rất cực nhọc và khá nặng nề. Chính vì thế, đa số đàn ông làm nghề này. Còn phụ nữ làm ở chợ thường là những công việc nhẹ nhàng như thu ngân, kiểm tra hàng hóa, bán thức ăn nhanh hay bán ở quầy rượu và vé số… Đàn ông thường thấy ở các chợ là những người có sức khỏe tốt, vận chuyển được hàng các loại, từ nhẹ tới nặng, từ loại lớn đến nhỏ. Đặc biệt là ở quầy bán cá thịt hầu như chỉ có những người đàn ông đảm trách. Khu vực này được xem là khá bận rộn, thường đông khách hàng yêu cầu cân cá, làm cá, chiên cá, cắt thịt, lóc xương…


Dụng cụ đánh vẩy cá và búa dùng để cắt khúc - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Được hướng dẫn vào tận những khu vực bán cá, thịt ở các chợ, như phóng viênViễn Đông đã từng ghi nhận trong một bài trước đây cùng loạt phóng sự này, chúng tôi công nhận một điều là nơi này khá hôi hám, ẩm ướt, nước, máu cá, vẩy cá văng tứ tung. Những đôi bàn tay với lòng bàn tay trắng tinh mà mu bàn tay thì tái nhợt. Móng tay bị hư vì phải tiếp xúc thường xuyên với nước lạnh, nước nóng và nhớt cá… 
Anh Q.L., một người làm cá lâu năm trong chợ của người Việt ở vùng South Bay, cho biết: “Lúc đầu mới vào nghề, tôi biết mình sẽ làm việc ở quầy làm cá. Lúc đó, trong đầu tôi quyết định sẽ chịu khó đeo găng tay để tránh tiếp xúc nhiều với nước hay bị lở tay như những anh em khác. Ban đầu cũng không được ai nói trước, vì tất cả các anh em trước khi vào nghề thường có tâm lý như vậy. Nhưng làm được chưa tới 2 ngày, tôi đã tự động bỏ găng tay để làm việc cho tiện lợi, nhanh nhẹn và dễ dàng. Chẳng lẽ mang vào, gỡ ra hoài, quá bất tiện, trong khi thời gian làm không kịp vì nhiều khách hàng chờ đợi”. 


Rửa cá bằng nước nóng, cá không còn bị nhớt và ít mùi tanh - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Chúng tôi thử đưa tay vào dòng nước mấy anh đang rửa cá xem nóng cỡ nào. Thật là quá nóng. Hầu hết bàn tay của mấy anh em làm cá đều bị nước ăn trắng tái. Anh L. nói tiếp: “Tôi vì theo các anh rửa nước nóng mới sạch cá, nhất là nhớt cá, nước nóng sẽ làm con cá sạch sẽ trắng trẻo hơn. Nhưng những lúc khác thì rửa nước lạnh, chỉ lúc hoàn tất mới rửa bằng nước nóng”. 
Tuy nhiên, ở chợ Hòa Bình, những người làm việc ở quầy bán cá, ai cũng mang găng tay. Anh P.B., một nhân viên chuyên làm cá cho khách hàng ở chợ, cho biết: “Cái gì cũng do quen thôi, anh ơi. Lúc đầu mang găng tay làm việc chậm nhưng làm lâu ngày sẽ quen, khi đó thì không cảm thấy khó khăn gì cả. Nhưng có điều mang hoài bàn tay cũng rất khó chịu”. 


Vớt cá sang hồ - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Những người chuyên làm cá, làm thịt ở các chợ đều có mang ủng cao, đeo tạp dề bằng nhựa trước ngực và có nơi mang găng tay. Nhưng người lúc nào cũng tiếp xúc với nước. Hơi nước bốc lên bám vào người rất tanh. Trong lúc đi làm, họ cũng chỉ gặp nhau trong khu vực này thôi, chứ không có thời gian đi lang thang qua những nơi khác mua hàng. Anh B. nói: “Đi tới đâu mùi tanh hôi tới đó, mọi người nhìn mình với vẻ mặt khác thường. Đi làm ở chợ là chỉ có thẳng một đường về nhà. Sau đó bỏ đồ bên ngoài rồi tắm rửa bằng xà bông thơm… dữ đội lắm mới sinh hoạt cùng gia đình được”. 


Mang cá trong kho lạnh ra bán - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Khi tôi bước vào khu vực bán cá ở chợ Sài Gòn City, một nhân viên đang thay nước hồ cá và vớt cá sang hồ bên bằng vợt. Tôi tiến đến chụp hình, nhiều lần gặp lúc cá giẫy giụa, nước văng ướt cả người. Tất nhiên, người nhân viên ấy cũng bị nước văng cả mặt. Một hệ thống xả nước vào nơi để lọc, mùi tanh của cá nồng lên mũi khá nặng. Một nhân viên ở đây cho biết: “Làm ở bộ phận này phải chịu người bị tanh hôi, nhưng thời buổi này có việc làm là vui lắm rồi, còn chọn lựa gì nữa. Tanh hôi, ẩm ướt, làm lâu ngày cũng quen và cảm thấy không có vấn đề gì”.


Giờ ăn trên xe chở hàng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Làm việc ở chợ ngày nay cũng có nhiều điều thuận tiện. Đa số chợ nào cũng có quầy bán thức ăn nhanh. Hầu hết các anh em làm trong chợ được ăn uống miễn phí. Đầu bếp có khi làm riêng cho anh em ăn. Sẵn có rau cải, gia vị trong chợ đầy đủ, nên món ăn cũng đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, giờ ăn uống cũng phải được anh em thay phiên nhau, để lúc nào cũng bảo đảm có người đứng bán và làm cá làm thịt cho khách mua hàng. 


Làm cả mớ cá cho nhà hàng mỗi ngày - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Các chợ ngày nay còn nhận chiên xào một số món cá, tôm cho khách hàng miễn phí. Có nơi, các anh còn chỉ cho khách hàng nên mua cá loại nào, nấu món gì thì mới ngon. Anh Quang, một nhân viên bán hàng ở quầy cá trong chợ Người Việt, cho biết: “Hướng dẫn cho khách hàng cá loại nào nấu món gì ngon là nhu cầu cần thiết, nhất là ở xứ người. Không phải ai cũng biết nấu nướng, nên việc cố vấn cũng là hình thức kinh doanh mua bán hiệu quả trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay”. Đây cũng là một điều giúp cho các chợ Việt Nam chiếm ưu thế bên cạnh những chợ các sắc dân khác trên đất Mỹ.


Quầy làm cá trong chợ Hòa Bình - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông



Rửa cá bằng nước nóng cho sạch - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Làm cá không cần găng tay cho nhanh - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông



Ra thịt cá cho khách hàng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông




Dù có mang ủng cao, tạp dề cũng bị ướt như thường - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông



Cắt thịt bằng máy - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Chợ ABC... Việt Nam
.

Thomas Trương/Viễn Đông



Những ngày cuối tuần đông nghẹt xe - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
Nhiều người Việt ở Cali nói riêng và ở khắp Hoa Kỳ nói chung, ít nhất cũng từng nghe qua một đôi lần đoạn phim quảng cáo với bài hát học vần tiếng Anh ABC… FG. Một vài cụ liền bỏ dở công việc tưới kiểng trong vườn và cùng các cháu của mình lên đường đi đến chợ ABC (góc Bolsa và Magnolia) để mua thức ăn. “Bà nghe ABC bà khỏe hẳn lên” vì đây là ngôi chợ của gia đình người Việt Nam trong thủ đô của người Việt tị nạn. Thức ăn ở đây tươi, mới. Bãi đậu xe rộng rãi, trong đó có luôn bến đỗ của Xe Đò Hoàng. Cùng dãy với chợ còn có rất nhiều cửa hàng bán trái cây tươi nhiệt đới, hoa tươi, thức ăn nhanh như heo, gà, vịt quay, bánh hỏi, bánh mì, chè, nước mía, hớt tóc, làm nail, bán vé máy bay, bán dụng cụ ngành nail, phở, mì, bún các loại, điện thoại, trạm đổ xăng, ngân hàng… đều dùng chung một bãi đậu xe lớn. 


Mặt trước chợ ABC - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Những người từ tiểu bang khác về California chơi, ghé chợ thì thường mua hàng rất nhiều, vì theo họ, hàng hóa ở đây quá rẻ so với tiểu bang họ ở tận bên miền Đông nước Mỹ. Có khi họ mua cả 30, 40 chục con cá lù đù, hay cả chục con cá lưỡi trâu. Khi nhà có tiệc tùng, sẵn dịp tôm hùm, cua Canada giảm giá thì họ mua cả mấy con rồi nhờ chợ làm giùm, mang về đãi gia đình rất tiện lợi. Chợ ABC từ 11 giờ trưa tới khoảng 3 giờ chiều có bán cơm phần to-go do dầu bếp Việt Nam đảm trách. 
Anh Dũng ở Riverside mỗi lần chở gia đình xuống Little Sài Gòn ăn uống thì đi mua thức ăn trong chợ ABC. Anh cho biết: “Mua thực phẩm, rau quả ở chợ ABC thích cái là lựa thoải mái, hàng hóa phong phú, muốn cái gì cũng có, thậm chí những món ăn hiện giờ ở Việt Nam tôi biết rất khan hiếm, nhưng người Việt mình ở Mỹ này có thể mua ăn được, như cá lòng ròng, con nhộng, đùi ếch, ốc sên, ốc hương... đặc biệt là tôm hùm xào lúc sale chỉ có 3,99 Mỹ kim/pound. Đi chợ ABC tiện hơn nữa là bãi đậu xe rộng rãi, không phải chạy lòng vòng, muốn hớt tóc, làm nail hay mua hoa tươi, trái cây giống ở Việt Nam cũng có bán đầy. Vào mùa Hè nhiều loại trái cây của người Việt mình ở Mỹ trồng ăn không hết mang ra chợ bán, nào là thanh long ruột trắng, ruột đỏ, ổi, mận, táo Tàu, đặc biệt là chuối xiêm, mít, bưởi…”. 


Cá he - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Gần chợ ABC còn có Vans Bakery chuyên cung cấp những loại bánh kẹo đủ các loại. Tại đây còn có Bánh Mì và Chè Cali thì ai mà không biết vừa rẻ và ngon. Bún Ban Mai có đủ loại bún nhiều người khen ngon như bún ốc, bún riêu. 


Lối chạy xe rộng rãi - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Phải nói chưa có lúc nào mà người Việt tha hương trên xứ Mỹ lại có đầy đủ những điều kiện ăn uống, sinh hoạt mua bán đa dạng thuận lợi và phẩm chất cao như hiện nay. Rau tươi được các chủ trại Việt Nam trồng trong vùng cung cấp hằng ngày cho các chợ. Có thể thấy là không thiếu các loại rau tươi mà người Việt hay ăn hằng ngày, từ rau xà lách, tần ô, rau muống, xà lách xoong, rau dền, cải, giá, cà chua, dưa leo, chanh, ớt, tỏi cho đến các loại rau ăn kèm với phở, mì Quảng hay bún bò... như ngò gai, rau răm, rau thơm, rau dấp cá, bạc hà, bắp chuối, rau húng, rau muống chẻ, khế, chuối chát. Trái cây đại đa số là các loại chuối, táo, dứa, dưa hấu, nho là gần như bán quanh năm, riêng các loại trái cây nhiệt đới như mít, sầu riêng thì được bán theo mùa. Các loại trái cây này được nhập cảng phần lớn từ Thái Lan, đôi lúc cũng có hàng từ Việt Nam sang. Thỉnh thoảng, người đi chợ cũng có thể tìm thấy sắn hay ngô Việt Nam đã được hấp hay nấu sẵn, đóng bao bán trong các chợ, người mua chỉ cần mua về bỏ vào lò vi ba (microwave) hâm nóng lên là có thể tận hưởng được mùi vị ngọt bùi của miếng sắn hay độ mềm dẻo của bắp ngô Việt. 


Một người đứng trước chợ quyên tiền - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
Người Việt sống ở Mỹ nói "đi chợ" không có nghĩa là chỉ đi mua riêng thức ăn mà còn là đi mua sắm đủ thứ. Vào một ngôi chợ Việt Nam như chợ ABC, khách hàng có thể tìm thấy hay mua đủ mọi loại vật dụng từ thực phẩm, đồ gia dụng, nước uống cho đến vàng, bạc, nhang, đèn, hoa, cho đến cau trầu, hay chày cối, chổi, xà bông, thuốc lá… không thiếu món gì. Nhưng có điều phẩm chất thì không phải lo lắng cho lắm như ở Việt Nam, nơi bán những loại hàng hóa bị tẩm hóa chất của Trung Cộng, hay bị nông dân ham lợi phun thuốc hóa học hay chất kích thích lên rau quả.


Quầy thịt cá - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Người Việt cũng có thói quen như người Mỹ là đi chợ vào cuối tuần, hay trong tuần đi chợ một lần, chứ không đi chợ hằng ngày như ở Việt Nam. Nếu nhà gần chợ thì đôi lúc sau giờ làm việc về các bà các ông có thể ghé ngang qua chợ mua thêm món rau để làm thức ăn tươi hay nấu nồi canh. Vì vậy, cứ đến chiều ngày Thứ Sáu, nguyên ngày Thứ Bảy và sáng Chủ Nhật là các bãi đậu xe trước các chợ rất đông. 


Tôm hùm - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Ông cháu đi chợ ABC - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Một góc chợ ABC - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Nơi bán trái cây, rau quả - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Bắp Việt Nam hấp sẵn - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Nhà sư trước cổng chợ ABC - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
Chợ nhỏ, chợ trung bình bán cho mối quen
.

Thomas Trương/Viễn Đông


Bán cả cây rau Việt Nam để mang về trồng trên đất Mỹ - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
Không chỉ có những chợ lớn mà thôi, ở ngay Quận Cam rất nhiều chợ cỡ nhỏ và trung bình được dựng lên. Nói nhỏ là so với các siêu thị lớn như Thuận Phát, Sài Gòn City, ABC, Á Đông, Hòa Bình, Mỹ Thuận… thì chợ kiểu gia đình làng xóm như Quang Minh, Bến Thành, Tam Biên, Anh Minh, Đà Lạt, Green Farm, Nam Hoa, T&K Food Market… mọc lên đầy khắp. Khách hàng chợ này cũng thuộc loại mối quen. Chính vì thế mà chợ lớn chợ nhỏ, chỉ tính riêng ở Nam Cali có sức sống ổn định. Đó là cho dù thời buổi kinh tế Mỹ vẫn còn khó khăn, cạnh tranh của thị trường chợ ngày một quyết liệt hơn, và ngay cả khi những thương hiệu lớn như Walmart, Target, nhiều chợ Mễ, chợ Tàu, chợ Hàn, chợ Nhật… cũng bán hàng hóa sản phẩm đa dạng cho cộng đồng người Á Đông, trong đó có những món mà người Việt Nam thích ăn.


Trái cây nhiệt đới đủ loại - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Theo quan sát điền dã của phóng viên Viễn Đông, những chợ nhỏ, chợ vừa cũng buôn bán đủ loại thực phẩm, thịt cá, rau quả, đồ gia vị và trái cây tươi… Các nhân viên ở chợ cho biết, mặc dù chợ không phải là lớn, nhưng bán đầy đủ không thiếu thứ gì. Thậm chí có những loại còn tốt hơn chợ lớn nữa. Khách hàng đa phần là những người quen thuộc, gắn bó lâu năm với chợ. Họ nói: “Chúng tôi không phải lo là không có người mua. Nhờ vậy mà các chợ vừa, chợ nhỏ, như anh thấy đó cũng sống được cho đến ngày nay”. 
Khi tôi bước vào chợ Quang Minh trong khu nhà mái ngói cam trên đường Brookhurst vào một buổi trưa Thứ Tư, nhiều người mua hàng đứng đông nghẹt chờ tính tiền. Nhưng khi gặp được chủ chợ thì ông từ chối trả lời phỏng vấn. Trong khi đó, cũng trên con đường trong khu Le Gởi Tiền Lẹ và Phở Thanh Lịch, một ngôi chợ của người Mỹ cũng khá đông khách mua hàng. Có những khách hàng nhân dịp vào khu vực này ăn uống, cũng vào chợ để mua thực phẩm. 


Cổng vào chợ T&K - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Vào những ngày Tết, chợ Bến Thành nằm trên phố Bolsa kế bên khu Phước Lộc Thọ, ngoài việc bán hoa tươi, trái cây phía trước, trong chợ còn bán đủ các loại dưa hành bánh mứt, bánh chưng bánh tét… Người mua hàng cũng đông đúc không kém các chợ lớn. 


Người vô gia cư trước chợ T&K - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Cho nên có thể nói, chợ nào có khách hàng quen, chợ đó sẽ tồn tại. Mấy chục năm qua, các chợ kiểu mini, chợ trung bình vẫn làm ăn được. Các khu chợ mini này tồn tại nhờ sự nhạy bén trong kinh doanh. Họ bán các mặt hàng khác nhau từ ăn uống, cho đến nước mía, bánh mì, chè, phở, cơm, mì vịt tiềm, trái cây đủ loại… Nhất là gần đây có thêm trái cây nhiệt đới phẩm chất ngon tuyệt vời không thua kém hàng gốc ở Việt Nam. 


Hàng hóa đa dạng trong một chợ nhỏ trên đường Brookhurst - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Ông Mai Anh, chủ cửa tiệm chuyên bán thức ăn nhanh, chè, bánh mì các loại và trái cây tươi nhiệt đới gần chợ Tam Biên trên phố Bolsa, cho biết: “Tại đây bán đủ loại trái cây nhiệt đới như bưởi, thanh long, nhãn, mận, táo, hồng, chuối xiêm do người Việt Nam mình trồng tại Mỹ. Chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... Đặc biệt là mít được nhập từ Mexico rất thơm ngọt”. 


Một góc chợ Tam Biên - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Các chợ loại trung bình và chợ nhỏ cũng bán đủ các loại trái cây. Đại đa số các loại chuối, táo, dứa, dưa hấu, nho là hầu như bán quanh năm. Riêng các loại trái cây nhiệt đới như mít, sầu riêng thì được bán theo mùa. Các loại trái cây này được nhập cảng phần lớn từ Thái Lan, đôi lúc cũng có hàng từ Việt Nam sang. Thỉnh thoảng, người đi chợ cũng tìm thấy khoai mì hay bắp Việt Nam đã được hấp hay nấu sẵn, đóng bao bán tại các chợ. Người mua chỉ cần mang về cho vào lò vi ba hâm nóng lên. 


Bưởi, xoài, mãng cầu, mít… - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Cộng đồng Việt ở Mỹ ngày càng phát triển và tập trung ở một số vùng như Nam Cali ở 3 khu vực: Los Angeles, Orange County và San Diego. Có những nơi như Little Sài Gòn, các chợ Việt Nam lần lần lấn lướt các chợ Mỹ. Đôi chỗ người Việt tìm cách mua lại các chợ Mỹ, rồi biến đổi các chợ Mỹ này thành chợ Việt. Các hệ thống chợ Mỹ như là Vons, Ralphs... dần dần phải di chuyển khỏi khu vực này do không thu hút được khách hàng Việt. Thế nên, người Việt ở quận Cam quanh khu vực phố Bolsa hiện nay mỗi lần muốn đi chợ Mỹ lại phải lái xe khá xa thì mới có chợ Mỹ để mua sắm. Chuyện gặp gỡ những người bản xứ, người sắc dân khác đi chợ Việt cũng không còn là chuyện lạ nữa. 


Thạch chè, bánh mì, thức ăn nhanh ở tiệm Mai Anh - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Mặt tiền chợ T&K - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông
Nam Hoa, ngôi chợ cổ ở Little Saigon
.
Thomas Trương/Viễn Đông


Ô mai Nam Hoa sản xuất - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Có cả lục bình con - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Chợ Nam Hoa, cũng giống như chợ Quang Minh, nằm chung trong khu nhà mái ngói cam trên đường Brookhurst. Cũng vẫn cung cách buôn bán theo kiểu giống như lúc nguyên thủy khi mở chợ, cứ “cà rịch, cà tang” nhưng cũng bán đủ thứ các loại thực phẩm thịt cá, hoa quả, gạo, gia vị và nhiều sản phẩm cho chính chợ sản xuất với những nhãn hiệu được cộng đồng từ lâu biết đến như Đệ Nhất khô bò, nem nướng, giò chả, gia vị để chế biến chả cá sống, ô mai các loại. Chợ cũng chuyên cung cấp thịt sống cho nhiều nhà hàng ở Quận Cam.


Ông Võ hơn 20 năm chuyên lóc xương cho chợ Nam Hoa - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Ông Mai Viết Hà, chủ chợ Nam Hoa, cho biết: “Trước đây, chợ có tên là Dân Lợi do một chủ người Hoa thành lập. Rồi sau biến cố năm 1975, vợ chồng chúng tôi sang Mỹ định cư. Lúc ấy khu này còn khá vắng vẻ và có hơn 75 phần trăm là các cửa hiệu của người Mỹ, Mễ và Tàu, khoảng 35 phần trăm là của người Việt Nam mình. Nhưng cho đến ngày nay, trong khu này, các thương hiệu của người Việt mình chiếm hơn 95 phần trăm. Năm 1981, vợ chồng chúng tôi mua lại chợ Dân Lợi. Lúc đầu hàng hoá ăn được giành cho người Việt Nam mình còn hiếm hoi lắm nhưng cũng có bán một số các món ăn, thịt cá, rau củ gần giống với khẩu vị của người Á Châu. Và cũng chỉ là bán lẻ cho đồng hương mình là chính. Cũng giữ theo cung cách mua bán Việt Nam trên xứ Mỹ hiện đại từ xưa cho đến hiện nay. Khách hàng Việt mình cũng đã quen kiểu bán gia đình của chợ mình và trở thành khách hàng quen thuộc qua nhiều thế hệ”. 


Công việc mới nhìn qua không thể làm được nhanh và dễ dàng như Ông Võ 
ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Cũng theo lời bà chủ chợ, lợi tức bán buôn ngày nay phần lớn dựa vào việc bán sỉ các loại thực phẩm cho các nhà hàng trong Quận Cam, đặc biệt là thịt bò, heo, gà. Có những loại bán ra khi đã được xay nhuyễn. Thế mạnh của chợ là còn tự sản xuất ra những loại hàng hoá có tên tuổi được nhiều người biết đến như: Nam Hoa lạp xưởng, bánh quế Pháp, bánh sô-cô-la Pháp, bánh chưng, khô bò. Đặc biệt, giò chả sản xuất không có sử dụng hàn the. 


Mặt tiền chợ Nam Hoa - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Khi chúng tôi đi một vòng thăm chợ, một nam nhân viên lực lưỡng đang khiêng những thùng thịt được đưa từ nơi làm thịt về mang vào để trên bàn. Ông Võ, một nhân viên lớn tuổi đã làm ở chợ Nam Hoa trên 20 năm, cho biết ông rất thành thạo trong việc lóc xương lấy thịt, dễ dàng và khá đơn giản. Tôi nhìn những bánh thịt khá to, chỉ với một con dao nhỏ đã mòn theo thời gian, mảnh mai như một cây tăm sắc bén. Ông Võ đã có nhiều năm kinh nghiệm nên xương được lấy ra từ một bánh thịt dễ như trở bàn tay và nhanh như chớp. 


Bó rau mồng tơi, rau cần nước - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Ông Hà chủ chợ còn cho biết thêm: “Mặc dù là ngôi chợ nhỏ trong vùng Little Sài Gòn, nhưng có thể xem đây là ngôi chợ đầu tiên của người Việt Nam có mặt tại Quận Cam, đánh dấu sự hiện diện của cộng đồng Việt Nam, và từ đó cho đến ngày nay cộng đồng Việt Nam lớn mạnh không ngừng. Chợ nhỏ mà có võ, nghe chú”. 


Một góc trưng bày trong chợ Nam Hoa - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Chợ cũng bán loại gạo Pentai của Thái Lan, cùng với gạo Con Ngỗng Bay ra thịt trường với số lượng lớn mỗi ngày. Ngoài ra, chợ còn bán các loại nếp Thái Lan.
Quan sát từ bên ngoài, chợ có khá nhiều chỗ đậu xe, có một khu vực bày bán những loại cây giống, rau đặc thù Việt Nam như rau dấp cá, ớt chỉ thiên, rau tía tô. Hai bên hàng xóm chợ Nam Hoa gồm có Kashi Beauty Supply, Đệ Nhất Nước Mía Viễn Tây, tiệm giặt ủi quần áo, phở… 



Lạp xưởng Nam Hoa được nhiều người ưa chuộng - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Vào bên trong, chợ có quầy để nào là chuối sứ, chuối cau, xoài, bưởi, khoai lang. Tại quầy tính tiền còn trưng nhiều bịch lạp xưởng, giò chả, nem nướng, ô mai các loại, bánh phở, có ghi giá cho từng món bằng tiếng Việt Nam. Một góc nhỏ bán nhiều loại cây giống như ổi, thanh long, ớt... Đặc biệt có bán cả lục bình con… mà theo tôi nghĩ bụng, chắc lục bình “trôi” từ Việt Nam qua. 
Đó là những nét đặc biệt của một ngôi chợ “cổ” của người Việt Nam tại vùng Little Sài Gòn này. 


Ô mai vô hộp - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông


Cây ớt chỉ thiên và nhiều loại rau Việt Nam - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông




Gia vị đồ khô - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét