Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Bận lòng ở trời Tây: Sướng nhất là giao thông


Có lẽ do ở nhà mở mắt ra là đã bức xúc với giao thông nên sang đây tôi thực sự cảm thấy lòng mình thật nhẹ nhõm mỗi khi rong ruổi trên đường.
Luật ngự trị không gian

Tôi đến Áo theo lời mời của vợ chồng Lê Chiên - cán bộ Sứ quán Việt Nam tại Áo. Ngày đầu ở Viên, Lê Chiên dẫn tôi thăm sơ bộ gần hết các điểm đáng đến. Viên đẹp như một nàng công chúa yêu kiều dẫu tuổi đã cả ngàn năm. Cảm giác thời gian không bị cắt khúc ở diện mạo kiến trúc.
Một góc Thủ đô Viên.

Lê Chiên bảo, có người quay lại sau vài chục năm xa cách, thấy Viên vẫn như xưa. Không phải so trong vài chục năm, cả trăm năm Viên vẫn là Viên. Không có nghĩa Viên không có gì đổi mới, như xưa là tính thống nhất, hài hòa của kiến trúc thủ đô được quy hoạch và tuân thủ với bất kỳ ngôi nhà, ngõ phố nào mới sinh sau.

Trên đồi mang tên Đỉnh Quyền Lực ngắm toàn cảnh Viên sáng sớm, dù dốt về kiến trúc như tôi cũng hiểu được: Trải qua nhiều triều đại khác nhau, Viên là sản phẩm của một tầm nhìn, thẩm mỹ kiến trúc thống nhất xuyên suốt các vương triều Áo. Mọi sự kế tục chỉ làm cho Viên ngày một đẹp hơn, hoàn mỹ hơn.

Người sống ở Viên bảo, thành phố này cũng bị kẹt xe. Nhưng là kẹt trong trật tự. Viên có những phố hẹp chẳng kém Hàng Bồ, Hàng Ngang của thủ đô ta. Ô tô đỗ dưới lòng đường, đỗ cả hai bên. Nhưng những chiếc xe bus dài ngoằng vẫn có thể cua với tốc độ khá nhanh giữa hai hàng ô tô đậu kín.

Nhớ đường Xuân Thủy, Cầu Giấy ở Hà Nội hàng ngày tôi vẫn đi làm rộng hơn nhiều tuyến phố ở đây, ô tô ít hơn ở đây, vậy mà ngày nào cũng tắc ứ ự. Điều khác biệt không khó tìm. Ở đây tịnh không một khẩu hiệu, một pa nô tuyên truyền, nhiệt liệt chào mừng, không sắc màu lòe loẹt, không bườm xươm vỉa hè. Chỉ có sơn kẻ làn đường, biển chỉ dẫn, đèn xanh đỏ ngự trị trong không gian đi lại. Luật giao thông hiện hữu ở mỗi bước đi, ở mỗi mét đường.

Thông tin là tiền bạc

Với visa được lưu trú 15 ngày, tôi muốn tranh thủ đi nhiều nước trong khối Schengen. Và tôi đã qua những 8 nước. Thuận lợi về thủ tục, đa dạng về phương tiện, chính xác về thời gian, chi tiết về thông tin… đó là những điều kiện quan trọng nhất giúp bất kỳ du khách nào cũng có thể thực hiện chuyến đi tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Lang thang trên đất Áo, Hungary, Czech, Slovakia, Croatia, Slovenia, Đức, Italia, bằng tàu hỏa, ô tô, tàu thủy, tàu điện ngầm, tàu nổi, xe bus, tôi cảm nhận ngành giao thông châu Âu luôn “đọc được” nhu cầu cần biết gì của một người từ lúc mua vé cho tới khi đến đích. Mọi điều muốn biết đều được thông tin hoặc trên bảng lịch trình ở nhà ga, hoặc các biển chỉ dẫn trên đường, góc phố.

Nhớ lần xuống ga Wolfshal để vào sân bay Viên. Từ ga lên mặt đất có hai hướng. Tôi đang lúng túng chưa biết đi theo hướng nào thì thấy ngay trước mắt có bản chỉ dẫn chi tiết: Hãng hàng không nào làm thủ tục check-in ở khu vực nào, bàn nào thì đi theo hướng nào. Lên mặt đất thấy có rất ít người qua lại, không biết sân bay xa hay gần. Nhưng rồi cũng không cần hỏi vì từng bước đi, bạn đều được dẫn dắt bằng những mũi tên, ký hiệu dễ tìm để bạn đến khu vực làm thủ tục. Rất khoa học và cụ thể!

Cái navi tít tít

Hiệp và Chiến thay nhau cùng chúng tôi rong ruổi châu Âu. Cả hai ở Áo đã hơn 20 năm và nay là công dân Áo. Hiệp thật thà bảo: “Hồi ở nhà, em quậy lắm. Vậy mà sang đây bọn em ngoan hẳn”. Công việc ổn định, lương cao, luật pháp nghiêm, không ngoan sao được.

Khi đi xuyên quốc gia, cánh lái xe châu Âu dùng thiết bị dẫn đường Navigation. Có cảm giác rằng, lái xe và cảnh sát ở xứ này phối hợp với nhau thực hiện luật giao thông chứ không phải rình nhau kẻ trốn, người chộp. Cái navi ngoài chức năng dẫn đường, thỉnh thoảng lại kêu “tít tít” khi Hiệp và Chiến đang cao hứng tốc độ. Đó là nó báo phía trước có camera và tài xế cần đi đúng tốc độ quy định.

Vào đường cao tốc phải mua vé. Vé tháng, vé 10 ngày, vé trong ngày. Vé bán ở trạm dừng chân, chỗ bán xăng. Lái xe phải dán vé lên kính trước. Qua 8 nước, tôi không gặp anh cảnh sát giao thông nào đứng chặn đường. Có chốt cảnh sát, lái xe được báo trước bằng biển báo.
Lang thang trên đất Áo, Hungary, Czech, Slovakia, Croatia, Slovenia, Đức, Italia, bằng tàu hỏa, ô tô, tàu thủy, tàu điện ngầm, tàu nổi, xe bus, tôi cảm nhận ngành giao thông châu Âu luôn “đọc được” nhu cầu cần biết gì của một người từ lúc mua vé cho tới khi đến đích.
Láu cá như ở nhà, khối lái xe trốn được vé xa lộ. Nhưng bạn có thể sẽ gặp các tình huống sau: Một ngày nào đó có “trát” gửi về tận nhà mời bạn nộp phạt, kể cả vi phạm ở nước ngoài. Kẻ phát hiện là các máy quay đặt trên đường. Mức phạt rất cao so với giá vé quy định. Hoặc bạn bất ngờ gặp viên cảnh sát nào đó ngẫu hứng đi tuần. Phạt nặng. Không xin xỏ.

Chuyện đỗ xe cũng thế. Mua vé tự động, tự giác lấy xe theo giờ mua. Chẳng có nhân viên nào kiểm tra. Đi lại ở nội đô các nước châu Âu (xe bus, tàu điện ngầm, tàu điện nổi) cũng vậy, tự động mua vé, tự động cho vào hộp dập ngày giờ. Khôn vặt thì khối kiểu trốn.

Nhưng ở xứ này, tự trọng cá nhân cao hơn đồng tiền. Hơn nữa, tiền đi lại quá rẻ. Vé 6-7 euro (1 euro chừng 26.000 đồng) đi thoải mái cả ngày tất cả các phương tiện. “Với lại, khi mình tự giác chấp hành luật thì lòng mình sẽ rất thanh thản anh ạ”- hai công dân Áo gốc Việt nói với tôi như thế.

Bận lòng ở trời Tây: Gặp Danube nhớ... sông Lô

Vục nước dòng Danube xanh xanh vỗ lên mặt, tôi chạnh lòng thương nhớ sông Lô hiền dịu quê tôi đang bị hủy hoại từng ngày.
Xanh quá, mông mênh quá

Sau gần một ngày thỏa mắt với các tác phẩm kiến trúc đặc sắc ở Viên, tôi và Lê Chiên ra sông Danube - một tuyệt tác do thiên nhiên ban tặng châu Âu. Đây rồi, “một dòng xanh xanh, một dòng tràn mông mênh”. Không rõ nghệ sĩ Thái Thanh hát lời Việt Danube xanh là của ai, nhưng quả đúng, Danube đầu thu xanh xanh, êm trôi mông mênh quá. Những lâu đài cổ trầm mặc đôi bờ, những chú hải âu, vịt trời lười nhác bồng bềnh trong cái nắng hanh đầu thu. Tôi vục nước dòng Danube đưa lên mặt, tự thỏa mãn với giây phút phiêu bồng của mình.
Thủ đô Budapest (Hungary) soi bóng bên dòng Danube.

Sáng 23/8, tôi mua vé từ Viên theo dòng Danube đi Bratislava (Slovakia). Hơn 60km, 23 euro/lượt. Con tàu trắng lướt trên dòng nước xanh phẳng lặng, những cánh rừng xanh ngát, thấp thoáng những lâu đài cổ, turbin điện gió và những căn nhà gỗ nhỏ của những tay đam mê câu cá thấp thoáng đôi bờ. Khách trên tàu đều dân châu Âu, chỉ mình tôi xứ lạ nhưng cùng giống nhau trong cái niềm vui vỡ òa được tràn lên boong khi con tàu ra dòng Danube lớn mênh mang.

Danube dài thứ hai ở châu Âu (2.850km), sau sông Volga; bắt nguồn từ khu Rừng Đen ở Đức, qua lãnh thổ 9 nước, hòa vào Biển Đen thuộc đất Ukraina. Công nghiệp, nông nghiệp, vận tải, năng lượng, du lịch, đánh bắt cá-đó là những lợi ích mà hơn 100 triệu người thuộc 19 quốc gia sống trong vùng châu thổ và ven sông Danube đang hưởng. 4 thủ đô trở nên quyến rũ , huyền thoại hơn nhờ soi bóng xuống dòng Danube: Viên (Áo), Bratislava (Slovakia), Budapest (Hungary) và Belgrade (Serbia). Năm 1991, UNESCO công nhận châu thổ sông Danube là di sản thế giới.

Tôi ngạc nhiên khi biết Danube là tuyến đường thủy bận rộn nhất châu Âu. Cả lượt đi lẫn lượt về Viên-Bratislava, cảm giác Danube chỉ dành cho du lịch. Họa lắm mới thấy một sà lan chở hàng. Dễ gặp hơn là những con tàu trắng sang trọng sơn cờ Thụy Sĩ, Áo to như khách sạn đưa những du khách cởi trần tắm nắng trên boong. Bãi sỏi đôi bờ cũng là chốn nghỉ ngơi của nhiều người, kể cả những người có thú vui tắm truồng. Không một cọng rác, không vệt dầu loang. Danube êm dịu, ngọt ngào và mênh mang quả như một phần giai điệu trong Danube xanh của Johnn Strauss II.

Luật từ việc câu cá


Có tư liệu nói rằng, Danube là nơi cư ngụ của 7 loài cá đã không tìm được nơi nào trên thế giới, đặc biệt đây là nơi sinh sản của loại cá tầm nổi tiếng. Vành đai Danube là vùng ngập nước độc đáo, là nơi cư ngụ của 1/3 loài thực vật, 1/2 loài động vật có vú. Rất nhiều loài chim quý hiếm như đại bàng đuôi trắng, cò đen có mặt ở đây. Lê Chiên đã từng theo bạn đi câu trên sông Danube kể rằng, luật pháp Áo quy định rất chặt việc câu cá. Phải mua thẻ 160 euro/năm và nộp thuế 15 euro. Câu mỗi loại cá bao nhiêu con/năm, bao nhiêu ki-lô/con…đều được quy định rõ. Ví như cá chép phải đủ 45cm mới được bắt. Tháng 5, cá chép đi đẻ thì cấm bắt. Câu được con nào phải ghi vào sổ mọi thông tin về nó…Cũng giống như mua vé xa lộ khi đi ô tô, chẳng mấy ai đi kiểm tra. Nhưng cũng chẳng ai gian lận.

Chiều buông trên sông. Gió mơn man thổi. Tôi những muốn ở mãi trên boong. Bỗng lòng chợt se nhớ những cơn gió mát chiều hè vờn ruộng ngô non trên bãi soi sông Lô quê tôi thời thơ ấu. Danube đẹp đài các. Sông Lô quê tôi xinh như một thôn nữ, nhỏ nhắn, hiền dịu và nhẫn nhịn. Trong xanh mùa thu, đỏ phù sa mùa hạ, bãi cát mịn trắng muốt phơi mình tự nhiên bên những hàng ngô non rạo rực nhựa sống; cá thì đủ loại, chỉ cần ngâm mình dưới nước một lúc có thể bắt được những chú cá nheo táo tợn.

Ngày tết làm lòng lợn bến sông, bất cẩn một tý là đàn quạ tha mất miếng ngon. Danube có Danube xanh của Johann Strauss II làm xao xuyến lòng thiên hạ thì Trường ca sông Lô của Văn Cao cũng là một áng thơ nhạc bất hủ làm ngây ngất bao thế hệ người Việt: Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u.
Châu Âu có Ngày Danube được tổ chức hàng năm từ 18 năm nay. Danube không chỉ là dòng sông để lấy nước, chạy tàu, bắt cá. Danube với châu Âu còn là lịch sử, là văn hóa, là dân tộc. Cá tầm ở Danube là loại cá quý. Cá lăng sông Lô nghe nói thời xưa để tiến vua. Một loài được bảo vệ. Một loài ăn mìn, dính điện. Cũng là con sông, cũng là loài cá! Ôi Danube, ôi những con sông Việt !
Thu ru bến sông vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu. Ôi, một thời hào hùng, một thời êm đẹp. Bây giờ thì hết cả rồi. Người ta nổ mìn diệt cả cá con, đổ mọi thứ rác rưởi lên mặt con sông hiền dịu. Những kẻ khát tiền sục những cái vòi đói khát vào lục phủ ngũ tạng con sông, hút bằng sạch các tầng cát mịn.

Bờ sông nham nhở, hoác miệng những cái hố đánh bẫy con trẻ chết đuối. Sông trở thành chiến địa giữa dân nghèo giữ đất và những kẻ cát tặc. Mà không chỉ sông Lô, sông nào ở Việt Nam bây giờ cũng chung số phận.

Nói vậy không có nghĩa Danube đã hoàn toàn yên ả với số phận của mình. Danube đang đứng trước sự lựa chọn của con người: Hoặc bảo tồn nguyên sơ, hoặc cải tạo để đem lại nhiều lợi lộc vật chất cho các quốc gia. Áo đã từng nắn dòng Danube, các nước hạ lưu nghèo hơn cũng muốn học theo.

Đã có nhiều cảnh báo Danube bị ô nhiễm do công nghiệp, nông nghiệp. Danube là tuyến đường thủy lớn và bận rộn nhất châu Âu. Vậy mà cứ mùa đông đến, nhất là đầu năm nay, Danube trở thành sông băng, con đường thủy tê liệt...
(Theo Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét