Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Tại sao Tây Tạng?


Thanh Niên ngày 31.7.2012 đăng tin chính quyền Trung Quốc cấm du khách 6 nước: Anh, Na Uy, Áo, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam đến Tây Tạng mà không cho biết lý do vì sao đưa ra lệnh cấm này.

Câu hỏi được đặt ra là, trên thế giới có hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng vì sao chỉ có 6 nước nêu trên bị cấm, và cấm đến Tây Tạng chứ không một vùng đất nào khác trên lãnh thổ rộng mênh mông của Trung Quốc?
Tây Tạng
Một góc thủ phủ Lhasa của Tây Tạng - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Tây Tạng là một vùng đất “nhạy cảm” xét về lịch sử trong quá khứ và cả những gì diễn ra hiện nay. Trung Quốc thế kỷ 21 có khá nhiều “vùng nhạy cảm” chứ không riêng gì Tây Tạng. Tân Cương với thủ phủ Urumqui là một ví dụ. Những cuộc đụng độ sắc tộc nảy lửa diễn ra giữa cư dân bản xứ theo đạo Hồi với người Hán ở Urumqui trước đây cũng khiến cho chính quyền Trung Quốc ra quyết định cấm du khách bén mảng đến vùng đất này, nhất là nhà báo.
Tôi chưa có dịp đến Tân Cương, nhưng Tây Tạng thì có. Bất kể du khách vào Tây Tạng bằng đường nào cũng đều phải có giấy phép đặc biệt do cơ quan chuyên trách ở Bắc Kinh cấp. Nếu một người ngoại quốc vào được Tây Tạng mà chưa có giấy phép, khi bị phát hiện sẽ gặp rắc rối to, thậm chí bị coi là gián điệp.
Tây Tạng vốn là vùng đất Phật mà nay ra nông nỗi như vậy há phải có nguyên nhân?
Ngày 25.7.2012, TS Mai Hồng - nguyên Trưởng phòng Tư liệu thuộc Viện Hán Nôm đã tặng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ xuất bản ở Thượng Hải năm 1904 và tái bản 1910 dưới triều đại nhà Thanh. Tấm bản đồ ấy chỉ rõ: cực nam đất nước Trung Hoa thời bấy giờ là Nhai Châu, một địa danh thuộc đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.
Thế rồi một ngày nọ, Trung Quốc trưng ra tấm bản đồ lạ hoắc có 9 đoạn bao gần hết biển Đông, còn gọi là đường lưỡi bò, “liếm” luôn 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chuyện chưa dừng lại ở đó. Căn cứ vào những tấm bản đồ địa chính trị xuất bản vào đời nhà Thanh đầu thế kỷ 20 ở Trung Hoa, Tây Tạng với thủ phủ Lhasa vẫn còn là một quốc gia độc lập.

Nỗi đau Lhasa

Ngày 22.2.1940, cậu bé 5 tuổi tên Tenzin Gyatso xuất thân trong một gia đình nông dân miền bắc Tây Tạng - hóa thân của Đạt Lai Lạt Ma thứ 13, đã được tôn lên ngôi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 trong một nghi thức trang trọng ngay tại thánh địa Lhasa.

Nguyện cầu trước cung điện Potala - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Tây Tạng lúc ấy chịu ảnh hưởng của đế quốc Anh, đang thâu tóm một vùng rộng lớn bao gồm cả Ấn Độ, Nepal, Butan và Miến Điện (Myanmar) - những quốc gia sát nách Tây Tạng. Năm 1947, Ấn Độ tuyên bố độc lập, thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Anh. Kể từ đây, người Anh mất dần ảnh hưởng ở Tây Tạng. Thời điểm này cũng bước vào giai đoạn cuối của cuộc nội chiến Trung Hoa giữa Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch.
Năm 1949, Mao Trạch Đông giải phóng Trung Hoa lục địa, đuổi Quốc dân đảng và Tưởng Giới Thạch ra đảo Đài Loan cho đến tận ngày nay. Theo quan điểm của chính quyền Trung Quốc hiện nay, Đài Loan là “vùng đất không thể tách rời” đối với Trung Hoa lục địa. Theo lịch sử địa chính trị thì Đài Loan thuộc Trung Hoa từ thời xa xưa, vấn đề ở chỗ “sáp nhập” theo cách nào mà thôi. Thế còn Tây Tạng?
Tháng 10.1950 tức là chỉ mới 1 năm sau khi giải phóng Trung Hoa lục địa, 80.000 binh lính Trung Quốc bắt đầu tràn qua và chỉ đúng 1 năm sau, tháng 10.1951, Mao Trạch Đông đã kiểm soát thủ phủ Lhasa - trái tim của Tây Tạng.
Trước tình cảnh đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 vẫn theo đuổi chính sách biến Tây Tạng thành vùng đất trung lập nhưng có vẻ khó thành hiện thực. Năm 1954, Đạt Lai Lạt Ma thân chinh đến Bắc Kinh để diện kiến lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông. Ngài lưu trú ở Bắc Kinh cả tháng trời để tìm kiếm một nền hòa bình lâu dài cho vùng đất Tây Tạng thời hiện đại vốn xa lạ với chuyện binh đao, giết chóc.
Chuyến đi ấy của vị lãnh tụ tinh thần Tây Tạng chẳng hứa hẹn điều gì sáng sủa cho số phận của vùng cao nguyên lạnh giá. Đạt Lai Lạt Ma về đến Tây Tạng với tâm trạng nặng trĩu, bất an vì lúc này người ta có thể ngửi thấy “mùi chiến tranh” phảng phất khắp thủ phủ Lhasa.
Và chuyện gì đến cũng đã đến. Tháng 3.1959, binh lính Trung Quốc với số đông áp đảo đã đồng loạt nổ súng và làm chủ hoàn toàn Lhasa trước sự kháng cự yếu ớt của binh sĩ “nghiệp dư” Tây Tạng.
Trước khi chiến sự nổ ra, Đạt Lai Lạt Ma 14 đã kịp cải trang và cùng đoàn tùy tùng rời khỏi Lhasa. Sau nửa tháng di chuyển bằng đường bộ băng qua dãy Hy Mã Lạp Sơn, ngài đến Dharamsala, vùng đông - bắc Ấn Độ sống lưu vong cho đến ngày nay. Có người gọi Dharamsala là “Little Lhasa”.

Chốn linh thiêng

Thủ phủ Lhasa của Tây Tạng có 2 công trình kiến trúc đặc sắc, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới: cung điện Potala và chùa Đại Chiêu (Jokhang Temple).

.

iểm tra nghiêm nhặt giấy tờ những người “có dấu hiệu khả nghi” ở chùa Đại Chiêu - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Đại Chiêu là ngôi chùa linh thiêng và nổi tiếng bậc nhất ở Tây Tạng, cũng là địa điểm thu hút đông đảo người hành hương và khách du lịch giống như Potala. Chỉ có điểm khác nhau cơ bản về địa lý: cung điện Potala nằm tách biệt trên một ngọn đồi, trong khi chùa Đại Chiêu lại nằm lọt thỏm giữa phố phường đông vui, nhộn nhịp. Trước chính diện của chùa là một quảng trường tấp nập người qua kẻ lại.
Đến những thành phố du lịch trên thế giới thỉnh thoảng bạn thấy có cảnh sát, sự hiện diện của họ là nhằm kịp thời can thiệp, giải quyết những tình huống xấu xảy ra cho du khách. Ở chùa Đại Chiêu không chỉ công an “nổi”, công an “chìm” mà còn có cả sự hiện diện của lực lượng cảnh sát tinh nhuệ chống khủng bố, bạo động và quân đội nữa, tất cả đều là người Hán với súng tiểu liên trên vai và súng đại liên trên xe.
Ngoài súng ống đạn dược, binh lính làm nhiệm vụ ở khu vực này còn được trang bị… bình chữa cháy màu đỏ như ta thường thấy và những cái mền đã được nhúng nước. Tại sao? Ở Lhasa, nếu ai đó có ý định tự thiêu vì lý do chính trị, thì quảng trường chùa Đại Chiêu là một nơi thích hợp cho việc ấy do có đông người chứng kiến. Lúc ấy, bình chữa lửa và mền nhúng nước sẽ dùng vào việc cứu hỏa.
Và dĩ nhiên du khách nước ngoài sẽ không bỏ lỡ cơ hội ghi hình cảnh đau thương nhưng sống động ấy. Đó là lý do giải thích vì sao nhân viên an ninh làm nhiệm vụ ở đây có quyền kiểm tra camera của bất kỳ du khách nào nếu nghi ngờ người đó cố ý (hoặc vô tình) ghi lại những hình ảnh “không đẹp”.
Khi đến tham quan chùa Đại Chiêu, du khách nước ngoài luôn được dặn dò là không nên chụp hình, quay phim cảnh sát và quân đội hiện diện nơi đây. Nếu bị phát hiện, người ta sẽ buộc bạn phải xóa đi những hình ảnh “nhạy cảm” ấy.
Ở quảng trường chùa Đại Chiêu, tôi đã chứng kiến cảnh công an kiểm tra chứng minh thư mấy anh chàng người Tạng “có dấu hiệu khả nghi”. Ở Tây Tạng ngày nay, nhìn trang phục bạn sẽ dễ dàng phân biệt được ai là du khách nước ngoài, ai là người Tạng, người Hồi hoặc người Hán.
Một chiều đến tham quan chùa Đại Chiêu, tôi bắt gặp một gia đình Tạng gồm 1 người đàn ông lớn tuổi đi cùng 2 phụ nữ trung niên và 1 bé trai khoảng 5 tuổi. Đến giữa quảng trường, chắc do mỏi chân, người đàn ông ngồi xếp bằng dưới nền gạch làm bằng đá hoa cương, gương mặt đăm chiêu hướng về chùa Đại Chiêu. Ngay lập tức một anh cảnh sát trẻ người Hán mặc đồng phục đen đến nắm tay kéo ông ta đứng lên và ra hiệu đi chỗ khác.
Lực lượng an ninh ở Lhasa buộc phải hành xử như vậy, theo suy nghĩ bất chợt ngay lúc ấy của cá nhân tôi, là nhằm tránh diễn ra sự kiện tương tự như từng xảy ra ở miền Nam Việt Nam năm 1963: hòa thượng Thích Quảng Đức ngồi xếp bằng tự thiêu giữa Sài Gòn nhằm phản đối chính sách đàn áp Phật giáo dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Không riêng gì chùa Đại Chiêu, ngay trong cung điện Potala nhân viên an ninh cũng có cách hành xử tương tự với bất kỳ ai nếu thấy người đó có biểu hiện “khả nghi”.

Chính diện chùa Đại Chiêu, cảnh sát chống bạo động (ngồi trong lều) luôn hiện diện với vũ khí và bình chữa cháy - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Bạn sẽ nghĩ gì khi đến tham quan một thành phố mà đi đâu cũng thấy lính tráng mặc đồ rằn ri tay lăm lăm súng tiểu liên? Lhasa là một thành phố như vậy. Để tăng cường sự kiểm soát và phản ứng nhanh một khi có biến cố xảy ra, chính quyền ở Tây Tạng đã tiến hành xây dựng khá nhiều đồn lính (một dạng như lô cốt) khắp các trục đường ở Lhasa. Những đồn lính ấy được làm bằng đá xanh khá vững chắc, rộng khoảng 30 m2, bên trong có bếp, nhà vệ sinh, phòng ngủ…
Ngoài vô số những lô cốt hiện diện ở mặt tiền phố phường, còn có nhiều doanh trại quân đội chính quy khá quy mô nằm ngay trong nội thị của Lhasa. Phi trường quốc tế Lhasa cũng là một “điểm nhấn”. Ở đó, bạn sẽ thấy chiến đấu cơ còn nhiều hơn máy bay thương mại. Phi trường ấy có thể nhanh chóng biến thành căn cứ không quân ngay lập tức một khi cần phải như thế.
Đến Lhasa, du khách nào cũng tò mò muốn biết cuộc sống bên trong các tu viện, nơi đào tạo Lạt Ma Tây Tạng. Thế nhưng các tu viện ấy hiện nay chỉ mở cửa hạn chế và du khách buộc phải trình giấy phép cho đồn cảnh sát ở đầu ngõ thì mới được vào.
Vào đến bên trong, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy lính tráng hiện diện khắp nơi. Có nghĩa là, những tu viện trên toàn lãnh thổ Tây Tạng đều được cảnh sát và quân đội Trung Quốc “chăm sóc tận tình”. Tại sao? Vì tu viện ở Tây Tạng thực chất là trường đại học đào tạo Lạt Ma có trình độ cử nhân và tiến sĩ Phật học. Đó là nơi đại đa số gia đình người Tạng muốn con trai của mình được nhận vào.
Đoàn Xuân Hải
Đôi mắt người sơn... Tạng
SGTT.VN - Tây Tạng có những ngày không bình yên nhưng thông thường, đây là vùng đất tĩnh lặng. Những dãy núi điệp trùng quanh năm tuyết phủ, những đàn trâu Zack lượn lờ tìm cỏ trên những cánh đồng khô cằn, những ngôi nhà vách bằng đá ong, mái làm bằng đất sét nằm u buồn trong giá rét. Gương mặt và cuộc sống của người Tạng cũng có vẻ im lìm như chính vùng đất cưu mang họ...
Đôi mắt của người Tạng gặp ở ven đường. Ảnh: Gia Vinh
Ngày 23.7.2012, trên website www.tibetgrouptour.com, cục du lịch Tây Tạng chính thức thông báo: đã mở cửa cho du khách trở lại mảnh đất này sau hơn một tháng cấm du khách đến đây (6.2012). Tuy nhiên, du khách của sáu nước: Anh, Na Uy, Hàn Quốc, Áo, Philippines và Việt Nam sẽ không được cấp giấy thông hành đến Tây Tạng đến khi có chỉ thị mới. “Chính quyền Trung Quốc cấm du khách đến Tây Tạng là chuyện không mới. Có khi cấm vài ba tháng, có khi kéo dài cả năm”, giám đốc một công ty tổ chức du lịch đến Tây Tạng nói. Nghe những thông tin ấy, tôi chợt nhớ Tây Tạng và những hình ảnh u buồn nhưng quyến rũ, lặng lẽ nhưng nóng bỏng của vùng đất này, nơi cách đây chưa xa tôi may mắn được đặt chân đến.
Máy bay, lôcốt và những toán lính tuần tra
Từ Thành Đô, sau gần hai giờ bay, chiếc Airbus của hãng Air China đưa tôi đến Tây Tạng. Từ trên cao nhìn xuống, sân bay hiện đại nhất của Tây Tạng là Lhasa Gonggar lọt thỏm giữa những dãy núi đá tưởng chừng đến bất tận. Khi chạm đường băng, nhìn qua ô cửa máy bay đang lao vun vút, tôi chợt nhận ra những đốm đen nhìn thấy từ trên cao là những chiếc máy bay chiến đấu và trong tình trạng sẵn sàng. Những quả bom và tên lửa đã được cài sẵn trên thân máy bay, xen kẽ giữa máy bay là những chiếc xe tải quân sự. Trên đường băng còn có cả những khẩu pháo được trùm bạt kín mít… Sáng hôm sau, đem chuyện thấy trên sân bay Lhasa Gonggar hỏi hướng dẫn viên người Tạng, anh lắc đầu: “Bí mật quân sự mà, làm sao tôi biết được. Chỉ biết, tại sân bay Lhasa Gonggar, ngoài đường băng cho máy bay dân sự, còn có đường băng riêng cho máy bay chiến đấu”.
6 giờ sáng ở Lhasa, tuyết rơi dày đặc và đã có người đi trên đường phố. Từ cửa sổ khách sạn Tibet Minzu, tôi thấy toán lính ba người trong trang phục rằn ri đang tuần tra trên đường, giày gõ như đang diễu binh. Súng trên vai, tay cầm khiên sắt như cảnh sát dã chiến. Gương mặt của những người lính tuần tra cũng... lạnh lẽo như nhiệt độ bên ngoài chừng vài độ C. Khoảng 10 phút lại thấy một toán lính, cũng ba người, đi theo chiều ngược lai, họ chào theo kiểu nhà binh, rồi xa hút tầm mắt...
Đường phố của thủ phủ Lhasa rộng rãi, sạch sẽ, ít xe qua lại. Cũng có những ngã tư đèn xanh, đèn đỏ. Nhưng khác với những đô thị bình yên khác trên thế giới, dù không có tiếng súng, nhưng ở các ngã tư, chính quyền đang tích cực xây dựng những trạm gác kiên cố bằng bêtông. Có cái đã hoàn tất, cái đang dang dở, theo anh hướng dẫn viên, lôcốt đủ sức chứa khoảng tiểu đội làm việc và sinh hoạt tại chỗ. Trên vài con đường tôi đã đi qua trong thủ phủ Lhasa, ước chừng có khoảng chục lôcốt như vậy.
Buổi chiều ở chùa Đại Chiêu
“Gọi là chùa cũng được mà tu viện cũng chẳng có gì sai”, anh hướng dẫn viên nói vậy. Đại Chiêu (Jokhang Temple) được xây dựng từ năm 693. Tương truyền nơi đây, công chúa Văn Thành (thời nhà Đường) đem tượng Phật đặt tại đây, bắt đầu truyền bá đạo Phật tại Tây Tạng.
Nhân viên an ninh mặc đồ đen đang kiểm tra giấy tờ của nhóm thanh niên người Tạng tại tu viện Đại Chiêu (Lhasa, Tây Tạng). Ảnh: Gia Vinh
So với cung điện Potala (Bố Đạt La Cung, theo truyền thuyết Tây Tạng là chỗ ở của Quan Thế Âm Bồ Tát, bây giờ là nơi ở của các Đạt Lai Lạt Ma), tu viện Đại Chiêu kém hơn nhiều về giá trị lịch sử cũng như quy mô kiến trúc; nhưng điểm đặc biệt hiện nay là sự xuất hiện của khá đông nhân viên công lực. Trước tu viện là quảng trường rộng, từ bên ngoài đi vào quảng trường, những chiếc xe bọc thép gắn súng đại liên nằm im lìm dưới hàng cây cổ thụ. Khi vào tới quảng trường, hai bên là hai dãy lều của các lực lượng phản ứng nhanh (SWAT), lính chủ lực, công an sắc phục đen… Mỗi tốp lính có năm người, trong đó có hai người mang bình chữa cháy “mini”, ba người còn lại súng sẵn sàng trong tay. Mỗi lần đổi ca đi tuần, tốp lính lại lên “quy láp” rẹt rẹt, nghe rờn rợn… Nhiều người trong đoàn thắc mắc về những bình chữa lửa, một thành viên trong đoàn nhẹ nhàng nói: “Dùng để dập lửa!” Hỏi chuyện hướng dẫn viên người Tạng, mới biết, quảng trường của tu viện Đại Chiêu là nơi nhiều người Tạng tự thiêu trước đây.
Không chỉ là nơi cầu nguyện của người dân Tây Tạng, bên trái tu viện Đại Chiêu là nơi bán hàng, khách mua không chỉ là du khách nước ngoài mà có cả người Tạng nên lượng người tại tu viện Đại Chiêu lúc nào cũng đông. Kể từ khi tình hình Tây Tạng bất ổn về chính trị, quảng trường còn đông người hơn. “Quyền của các lực lượng tuần tra ở đây là kiểm tra bất kỳ những gì mà họ thấy bất an. Chụp gì thì chụp nhưng không được chụp ảnh lực lượng bảo vệ. Nếu chụp, bị phát hiện họ sẽ xoá sạch thẻ nhớ và còn làm khó dễ”, trước khi xuống xe, hướng dẫn viên người Tạng nói với chúng tôi. Du khách nước ngoài phải mang theo hộ chiếu, đi theo đoàn, có hướng dẫn viên lúc nào cũng thủ sẵn giấy thông hành vào Tây Tạng do cục Du lịch Tây Tạng cấp.
Quả không sai, chúng tôi thấy một du khách Tây bị xét máy ảnh. Đi được vài bước, một nhân viên mặc quân phục màu đen, chận tốp thanh niên người Tạng trong trang phục lạ mắt: bên trong áo sơmi, bên ngoài áo khoác chùng màu đen, để kiểm tra giấy tờ. Tốp thanh niên im lặng móc thẻ trình. Không hiểu có gì trục trặc, chờ tốp lính đi tới, nhân viên này nói chuyện với viên chỉ huy. Một thanh niên bị tách ra khỏi nhóm, cùng với tốp lính đi về lều. Rồi đến nhóm thứ hai, nhóm thứ ba… bị hỏi giấy tờ như vậy.
Không chỉ ngắm nhìn núi non hùng vĩ, di tích huyền bí của mảnh đất mênh mông này, tôi còn hay để ý đến gương mặt của người Tạng. Họ ít nói, ít cười ngay cả khi buôn bán cho khách. Đôi mắt của họ, từ già đến trẻ lúc nào trông có vẻ như u buồn, như chất chứa nhiều nỗi niềm. Nét buồn ấy như còn mang cả ý niệm của người theo đạo Phật: lánh xa quyền lực để sống cuộc sống thanh bình trên thảo nguyên mênh mông.
BÀI VÀ ẢNH: GIA VINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét