Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Nhúng chân vào nham thạch… lạnh ở Magwe


SGTT.VN - Gọi nham thạch vì rất dễ liên tưởng khi nhìn dòng bùn, khí phun lên liên tục từ các khối đất hình chóp nón giống miệng núi lửa. Nhưng không nóng bỏng, rực đỏ, dòng “nham thạch” ở Nga Ka Pwe Taung, thuộc thành phố Magwe, (Myanmar) lại trắng sánh, và lạnh.
Như một núi lửa, luôn sôi ùng ục nhưng bùn của nham thạch này lại lạnh ngắt .
Hầu như chưa thấy công ty du lịch nào giới thiệu Magwe, thành phố thủ phủ vùng Magway (Magway Division), lớn nhất trong bảy vùng hành chính của Myanmar. Trên mạng thông tin cũng ít, dù nơi đây là cửa ngõ vào các miền đất nổi tiếng Bagan, Pyay… Thành phố yên bình này còn là nơi duy nhất nằm ngoài cuộc nổi dậy dẫn đến đảo chính năm 1988 ở Myanmar.
Những hình tượng lạ ở Mya Tha Lun
Cũng dễ hiểu, vì cho đến gần đây, lượng du khách nước ngoài, nhất là khách phương Tây, đến Myanmar rất ít. Thêm nữa, chỉ cách Bagan khoảng 150km, Magwe hơi khó để thu hút du khách bởi đang mê đắm cái thành phố ngàn đền xưa lộng lẫy đó. Thế nhưng một lần “lạc bước” đến đây, tôi lại bị cuốn hút qua những nét lạ của Magwe và cả phố nhỏ yên bình hiền hoà, nghèo khó nhưng chân tình. Như những phố quê Việt ngày cũ.
Cùng hai bạn trẻ Hà Lan, ba người khách nước ngoài trên chiếc xe buýt địa phương xộc xệch chúng tôi đến Magwe một trưa nắng chát chao. Quăng hành lý vào phòng vé trống huơ trống hoác nơi bến xe, chúng tôi leo lên chiếc xe lôi gắn máy. Anh tài vui tính tiện đường, ngang xóm kêu một chú nhóc nhảy tót lên xe, “cho nó viếng chùa luôn, lâu rồi nó chưa đi”. Như hầu hết người dân mộ đạo Myanmar, anh giới thiệu chúng tôi đến thăm ngôi chùa Mya Tha Lun Paya (paya là chùa trong tiếng Myanmar) trước. Còn phần hấp dẫn để sau, như anh tài xế láu lỉnh giải thích.
Nói nào ngay, ngôi chùa lớn nhất của Magwe, được xây dựng từ 1929, Mya Tha Lun Paya dù rực rỡ, đẹp nhưng rất khó có thể so sánh với những ngôi chùa cổ lừng danh xứ Myanmar ở Yangon, Mandalay… Bù lại, toạ lạc trên ngọn đồi bên bờ dòng Ayeyarwady, ngôi chùa lấp lánh vàng son này được thêm duyên bởi phong cảnh khoáng đãng. Dòng sông phả hơi mát và chở nặng phù sa tô thêm màu xanh tươi thắm cho làng quê đôi bờ. Nhưng, điểm ấn tượng nhất của ngôi chùa, như cả ba chúng tôi vừa phì cười vừa cùng đồng ý, là những bức tượng trong chùa. Dĩ nhiên không phải là những pho tượng Phật trang nghiêm, mà là các tượng, phù điêu hay gặp trong các ngôi chùa nhằm giáo dục chúng sinh tránh làm điều ác, để không bị trừng phạt ở chín tầng địa ngục… đã được các nghệ nhân địa phương làm rất chi tiết và rất “đời”. Bật cười trước tượng một phụ nữ đang sát sanh, mặt nhăn nhó xấu xí với cặp vú được nắn thật dài, như trái mướp to, chảy xệ ra ngoài áo. Tôi nói với hai bạn đồng hành: “Từ lâu, tôi có nghe các ông nhà văn nước nhà mô tả vú trái mướp, cứ tưởng mấy ổng hư cấu, giờ sang đây mới được mãn nhãn!” Hai cu cậu toe toét, “Ừa, tụi tui cũng vậy!”
Núi lửa… lạnh ở Hồ Rồng
Thấy chúng tôi vui vẻ, anh tài Ko Thant hứng chí tăng tốc về Nga Ka Pwe Taung, điểm du lịch thứ hai mà anh nồng nhiệt khoe. Nga Ka Pwe Taung, còn gọi là Hồ Rồng (Dragon Lake) là những chiếc hồ lạ. Cái lớn nhất được đặt tên Thu Sei Ta, cái nhỏ kế là Nanda, dựa theo truyền thuyết các hoàng tử và công chúa Rồng của người địa phương. Bốn chiếc hồ, lớn nhất đường kính cũng chỉ 5m, nhỏ nhất chỉ vài tấc, nằm trên miệng các mô đất hình chóp nón, như hình dáng miệng núi lửa. Điều lạ là các hồ không chứa nước mà là bùn sánh màu trắng xám, cứ “sôi sùng sục” dù chúng lạnh ngắt, ngay cả giữa trưa hè Myanmar. Chúng phun bùn, khí butane tạo những bong bóng thi nhau nổ bùm bụp, còn bùn thì rỉ rả chảy tràn xuống vùng đất khô nẻ xung quanh. Núi lửa thật sự đang hoạt động, tôi chưa thấy tận mắt nhưng phim ảnh thì nhiều, dễ tìm. Còn leo lên miệng các hồ này, thò chân nhúng vào “nham thạch lạnh” đang sùng sục, đứng hiên ngang bên “miệng núi lửa” (!) quả là những hình ảnh khó kiếm. Nên không chỉ khách lạ chúng tôi mà các chú tiểu đi chơi hồ cũng nhẹ vén cà sa để thò chân trần vào bùn, chụp hình.
Magwe nằm trên quốc lộ Yangon – Bagan. Yangon – Magwe: 10 – 12 giờ, vé xe khoảng 120.000 đồng. Bagan – Magwe: 4 – 5 giờ, khoảng 70.000 đồng. Thường Magwe được chọn là điểm trung chuyển đi cố đô Pyay từ Bagan. Ít thời gian, cũng có thể sắp xếp thăm viếng các điểm trên trong vài giờ dừng chân. Xe lôi đi hai điểm trên khoảng 200.000 đồng/nguyên xe.
Xuống rửa chân ở bể nước của ngôi chùa nhỏ ngay dưới những Hồ Rồng, chúng tôi ngồi trò chuyện hồi lâu với ông từ giữ chùa mến khách, dù đôi lúc phải dùng tay chân nhiều hơn lời nói. Lật cuốn sổ ghi danh dành riêng cho khách nước ngoài, tôi ngỡ ngàng khi đếm thấy chỉ khoảng mười khách nước ngoài ghé đây mỗi tháng. Coi kỹ hết cuốn sổ từ năm 2008, tôi chỉ thấy duy nhất một cái tên Việt nguệch ngoạc. Do vậy “Hôm nay tôi rất vui vì có đến ba bạn ghé thăm và tôi mong sao sẽ có nhiều khách biết đến những Hồ Rồng đặc biệt của quê nghèo chúng tôi”, ông từ chia sẻ.
Rất tiếc không ghé nhà ông chơi được dù ông chân tình mời, vì anh tài xế đang chờ. Cũng xin lỗi không thăm xóm nhỏ của anh Ko Thant vì chúng tôi còn lo sắp xếp kiếm tìm chuyến xe đi tiếp ở miền đất mỗi ngày thưa thớt 2 – 3 chuyến xe qua lại này… Tôi ra đi, vẫn nhớ hoài tình quê ấm áp nơi đây. Mãi bôn ba chuyện đời, tôi vẫn nợ anh tài, ông từ về lời hứa, hơi mạnh miệng hôm đó, rằng sẽ giới thiệu Magwe rộng rãi đến với bạn bè. Vẫn chưa làm được, đến giờ. Nên mong sao những dòng chữ này là lời tạ lỗi muộn với Magwe, miền đất và những người dân hiền hoà. Và cũng mong sẽ có thêm nhiều du khách Việt ghé thăm. Không chỉ để có những tấm hình hiên ngang cạnh núi lửa, bên nham thạch (!), mà còn được hoà mình và hiểu thêm cuộc sống ấm áp tình người chốn này.
BÀI VÀ ẢNH: T. TRÀ KHÚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét