Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Lang thang Roma, tìm lại chút hương xưa


Tôi đến Roma vào sáng Chủ Nhật cuối cùng của tháng. Roma hôm ấy yên ả hơn những hình dung của tôi về một ngày cuối tuần rộn rịp với từng tốp khách du lịch phương Bắc màu da trắng ởn đang ra sức gom góp chút nắng Địa Trung Hải trong chuyến nghỉ hè, hay về tình trạng giao thông lộn xộn với những chiếc vespa phóng như lao xuống địa ngục như tôi từng được nghe thiên hạ kể về thành phố vĩnh cửu này (Roma còn có tên là “La città eternal” - Thành phố vĩnh cửu).
Đường phố Roma ngày yên bình
Tôi không thích những nơi chốn quá náo nhiệt. Tôi sợ cảnh chen lấn ở những công trình kiến trúc La Mã tuyệt đẹp - biểu tượng của Roma đông đúc, sợ gặp phải từng nhóm khách du lịch với máy ảnh và ba lô, ăn uống ồn ào trong những quán ăn với menù turistici (thực đơn trọn gói dành cho khách du lịch) đầy coca và dầu mỡ, sợ chụp phải một tấm ảnh với chi chít những đầu người và lưng áo...
Tóm lại, tôi đến Roma nhưng trong lòng dâng lên một nỗi sợ nhảm nhí về các thể loại ồn ào và đông đúc. Và cũng chính tại Roma, tôi biết mình đã lầm to!
Những dây leo ngả màu báo hiệu mùa thu sắp đến
Với quyết tâm tìm lại phần nào “Roma của một thời đã xa” theo như gợi ý của tác giả Isa Grassano trong cuốn “100 điều miễn phí nên làm một lần trong đời trên đất Ý”, tôi gần như bỏ hết những điểm du lịch hấp dẫn của thủ đô mà chỉ chăm chăm tìm kiếm cho mình chút hương xưa kiểu Ettore R. Franz: “Những điều đơn giản, những lễ hội, những khu vườn nhỏ nhắn, những bàn công rực hoa và những giàn hoa tươi mát dọc hai bên bờ sông”.
Lính canh Thụy Sỹ ở Vatican
Và thế là, suốt cả buổi chiều đi loanh quanh đến rạc chân, xem đến nát cả tấm bản đồ du lịch thành phố, tôi tự hỏi mình rằng, còn gì tuyệt vời hơn một chiều hè Roma yên ả quanh những khu phố cổ với đường nhỏ lát đá, những ngôi nhà sơn cam vàng kiểu Địa Trung Hải với ban công sắt đen nhỏ xíu treo đầy những chậu phong lữ tím ngát? Thỉnh thoảng lại bắt gặp một mảnh vườn con con nơi góc đường với những chậu cây xanh mướt và những mảng tường bám đầy dây deo nửa còn xanh tươi nửa đã nhuốm sắc thu vàng vọt? Khát thì lại kê miệng hớp đầy những ngụm nước mát lạnh từ vô số những rô-bi-nê nhỏ rải khắp các nẻo đường?
Phố cổ Roma với những con đường nhỏ lát đá
Roma trong mắt tôi còn là những hàng ăn nhỏ xíu kiểu al fresco (bàn ghế bày ngoài trời) kê kích tràn ra lối đi và những quảng trường nhỏ với bàn ăn trải khăn carô trắng đỏ, những cặp tình nhân ngồi thưởng thức bữa ăn trong ánh nắng chiều hè nhè nhẹ và gió hè miên man thổi nhẹ mái tóc hạt dẻ của thực khách.
Một nhà hàng nhỏ kiểu al fresco của nước Ý
Bàn ăn bày tràn ra đường
Đến cuối buổi chiều, tôi tách nhóm ra đi riêng, quyết định ở lại Piazza di Spagna nổi tiếng với những bậc thang Tây Ban Nha, tôi tìm đến một hàng kem nhỏ xíu mà mình đã quên mất tên, mua một cây kem sô-cô-la bạc hà to ứ hự và chọn những bậc thang nổi tiếng ấy làm nơi dừng chân sau một ngày đi bộ mỏi mệt.
Bậc thang Tây Ban Nha phơi mình dưới bầu trời xanh ngắt
Điểm dừng chân tiếp theo trong hành trình “chiều một mình qua phố” ở Roma chính là tiệm cà phê Greco nổi tiếng trên phố Via dei Condotti - điểm tập kết của những đại gia thời trang thế giới. Túi tiền sinh viên còm cõi  lâu lâu cũng đáp ứng được nhu cầu... ăn sung mặc sướng của chủ nhân nó mà vui vẻ cho tôi thưởng thức món cheese cake ngon ngất ngây của Caffè Greco.
Tiệm cafe Greco lâu đời nhất Roma
Những món bánh ngon không cưỡng lại được
Xắn một miếng bánh béo ngậy tê đầu lưỡi với hương phô mai thơm lừng tan trong miệng, mọi cái nắng nóng của mùa hè Nam Âu, ồn ào của phố thị phía bên kia ô cửa kính bỗng mờ nhạt đi, chỉ để tôi thấy một “la vita dolce” (cuộc sống ngọt ngào) của nước Ý mà thôi...
Ngọc Quyên

Chạm vào Thành phố Vĩnh cửu

[139749]Rome_3

Bạn sẽ ghen tị với cư dân ở Rome vì hàng ngày, họ được sống chung, sống trong di sản củatiền nhân, sử dụng những công trình từ nhỏ bé đến đồ sộ được tạo nên cách đây cả vài trăm năm cho đến ngàn năm.
Rome, Pisa và Vespa
Tôi đến Thành phố Vĩnh cửu (một nickname của Rome) một chiều tháng 5. Thời tiết, khí hậu Địa Trung Hải thời gian này khá nóng. Rome của Ý dường như còn nóng hơn với hệ thống tường, thành, các công trình đồ sộ tràn ngập. Những dòng người tham quan, những con đường bận rộn đầy xe các loại từ xe máy, xe hơi, taxi đến xe buýt, những tiếng ồn đinh tai của giao thông trên đường giữa thành phố Rome vào giờ cao điểm.
Vatican nhìn từ cửa sổ
Vatican nhìn từ cửa sổ
Nghe có vẻ hài hước, nhưng nước Ý được đặt vào danh sách điểm đến du lịch của vì cảm hứng mà các bộ phim điện ảnh mang lại như Gladiator, Quo Vadis?, Da Vinci Code hay là When in Rome. Tất nhiên, tùy từng mục đích mà mỗi du khách đến Rome quyết định đâu là trung tâm để thăm viếng vì ở Rome, mỗi tấc đất, mỗi mét vuông gạch đá đều chứa đựng những dấu vết lịch sử hào hùng của cư dân từ thời La Mã cổ đại đến ngày nay. Nếu quan tâm đến một đầu mối giao thông thuận tiện, ga trung tâm Termini sẽ được ưu tiên. Muốn tiện chiêm ngưỡng biểu tượng của Rome thì chọn khu đấu trường Colosseum và đồi Palatine. Ngoài ra, vẫn còn nhiều lựa chọn thuận tiện cho việc khám phá Rome như quảng trường Navona, Repubblica hoặc Popolo nằm về các hướng của thành phố.
Ngắm tác phẩm của Michelangelo, Raphael và Bernini là mục đích chính nên Vatican City là nơi tôi chọn làm trung tâm khi đến Rome. Nhà trọ đặt qua mạng nằm ngay đầu đường Ottaviano, nhìn sang bảo tàng Vatican và tòa thánh. Bức tường kiên cố màu đất bao quanh tòa thánh và mái vòm màu xanh của thánh đường St Peter’s Basilica là thứ đầu tiên đập vào mắt tôi mỗi buổi sáng tỉnh giấc.
Đến Ý thì phải thưởng thức Pizza. Đó là điều đương nhiên. Ngay hôm đầu tiên, cất hành lý xong là tôi lao ra đường tìm quán bán đồ ăn. Rất may, trên con phố kế bên có cửa hàng bán pisa xỉ và lẻ cho người dân địa phương. Thưởng thức pizza ở một cửa hàng thế này hơi bất ngờ nhưng khá thú vị. Bánh pizza đủ loại nhân, cân ký bán, giá cả rẻ hơn ở nhà hàng, không gian bày biện chỉ có bàn ghế đơn giản và một vài bức tranh tru72u tượng trên tường. Đó là những miếng bánh pizza ngon nhất tôi từng thưởng thức, không biết vì đói hay vì nó chắc chắn là “Made in Italy”. Tuy nhiên, lý tưởng hơn cả, đây là cơ hội nói chuyện và hiểu thêm đôi chút về “một bữa pizza” của người dân ở đây.
Một góc thành phố Rome với những di sản kiến trúc khổng lồ.
Một góc thành phố Rome với những di sản kiến trúc khổng lồ.
Người Ý, những người mà tôi đã gặp, rất thân thiện. Không chỉ là những người làm trong ngành dịch vụ du lịch, nhưng cả những người dân thường cũng sẵn sàng chiều lòng du khách. Ba cô gái người Ý ăn tối ở quán Pisa thậm chí còn chủ động bắt chuyện và hỏi thăm tôi về kế hoạch du lịch tại Rome. Họ chỉ cho cách bảo quản đồ cá nhân, giỏ xách, máy ảnh, giúp tôi đánh dấu một vài điểm đến thú vị trên chiếc bản đồ tôi mang theo mà ít du khách chú ý, các tuyến tàu điện ngầm và xe buýt. Nhưng đến lúc chia tay, Santa, một trong ba cô gái nháy mắt thuyết phục: “Đến đây thì phải trải nghiệm Vespa. Hãy tự thưởng cho mình một “kỳ nghỉ ở Rome” dù chỉ đến đây một mình”. Cô nhắc tôi nhớ đến bộ phim nổi tiếng một thời.
Với trên dưới chục triệu du khách ghé thăm hàng năm, Rome có lẽ không cần phim ảnh quảng bá để thu hút khách, nhưng không thể phủ nhận, chính những bộ phim lấy bối cảnh tại Rome đã đẩy doanh thu trong ngành du lịch tăng lên đáng kể. Những tour du ngoạn quanh Rome bằng vespa (tự chạy hoặc được chở) hiện rất được du khách tây phương và Mỹ yêu thích. Hay đài phun nước Trevi luôn tấp nập du khách. Nơi đây không chỉ có hệ thống các bức tượng điêu khắc đẹp mà còn gắn với một huyền thoại mà ai cũng muốn thử dù không biết họ có tin hay không: Nếu ném xuống hồ nước dưới chân đài phun nước một đồng xu, bạn sẽ có cơ hội quay lại Rome lần nữa. Chưa kể những dòng người xếp hàng ngày một đông từ rất sớm để mua vé vào tại hàng loạt điểm đến khác ở Rome, như bảo tàng Vatican sau khi loạt tác phẩm của Dan Brown ra mắt công chúng.
Tôi không thuê Vespa, mà lang thang đi bộ kết hợp với tàu điện ngầm những ngày ở Rome để chiêm ngưỡng, thậm chí là chạm tay, dựa lưng vào những công trình mà tổ tiên người Ý để lại trên mọi nẻo đường phố của Rome.
Cảm nhận về sự vĩnh cửu
Đến Rome là cơ hội chiêm ngưỡng thế giới nghệ thuật về kiến trúc, điêu khắc và hội họa, những thứ mang lại cho người xem về một cảm giác vĩnh cửu rõ ràng. Quả không hổ danh là trung tâm của nhiều trường phái trong lịch sử phát triển điêu khắc, nghệ thuật, kiến trúc của thế giới, từ phong cách La Mã cổ điển, hoàng gia, Romanesque, Phục hưng, Baroque, cho đến kiến trúc phát xít hiện đại (*).
Những cái tên nổi tiếng gắn với Rome có thể kể đến như: Donato Bramante, Nicola Salvi, Pietro Bracci, Bernini, Caravaggio… và lớp lớp thế hệ khác đã để lại các tác phẩm của làm nên một Rome độc đáo ngày này.
Cổng Arco di Costantino và Colosseum nơi quảng trường từ thời Roma cổ.
Cổng Arco di Costantino và Colosseum nơi quảng trường từ thời Roma cổ.
Những công trình, kiến trúc, tác phẩm nghệ thuật đại diện cho các phong cách hiện diện dầy đặc tại Rome hàng trăm, ngàn năm qua, hiện vẫn thực hiện tốt các chức năng từ những ngày đầu được làm ra. Những tòa nhà mái vòm, những quảng trường, những cây cầu, những tượng đài, những con đường, những bức tượng trang trí hoặc đứng độc lập, tạo cho Rome sự vĩ đại và huyền bí. Những giọt nước mát, trong lành chảy ra từ một đài phun nước công cộng có từ thời phục hưng tại một góc phố hay giữa một quảng trường luôn níu chân du khách trên hành trình khám phá Rome.
Không kịp đến cây cầu đá Pons Fabricius xây dựng từ năm 62 trước công nguyên nối bờ đông của sông Tiber với hòn đảo Tiber giữa sông, tôi đến đấu trường La Mã và đồi Palatine với mong muốn đặt chân lên dấu chân của những người La Mã xa xưa.
Các công trình nghiên cứu về Rome cho biết trong khi thành Roma cổ nằm dưới thành phố Rome hiện nay từ 8-15 mét do các lớp đất đá xây dựng chồng chất lên sau hơn 2.600 năm thì quảng trường phía ngoài hí trường Colosseum vẫn giữ nguyên vị trí từ khi hình thành. Điều này có nghĩa, khi du khách bước chân trên những hòn đá lát ở quảng trường, có nghĩa là đang bước đi trên dấu chân của người Roma cổ một thời. Mất gì đâu, tôi tin mình đã thực hiện được điều đó.
Bài và ảnh: Kim Dung


Chú thích: (*) Kiến trúc phát xít là loại kiến trúc được phát triển bởi các nghệ sĩ, kiến trúc sư sống ở xã hội phát xít, phát triển cùng với chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa dân tộc tại một số nước tây Âu vào đầu thế kỷ 20. Một vài kiến trúc điển hình như khu dân cư và kinh doanh EUR ở phía nam thành phố Rome, hay Palazzo di Giustizia tại Milan. Tuy nhiên, phần lớn các kiến trúc này đều được xây dựng dở dang hoặc bị hủy bỏ do sự nhạy cảm về chủ nghĩa phát xít sau thế chiến 2.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét