Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Đi bụi sang Myanmar

Nguyễn Đức Quỳnh Dung


Myanmar được ví như xứ sở của đền chùa với kiến trúc rất độc đáo.
(TBKTSG Online) - Từ những chuyến đi trước đây, nghe những tay đi bụi châu Âu và Mỹ nói rằng Myanmar là đất nước xinh đẹp nhất Đông Nam Á, tự ái dân tộc nổi lên, tôi quyết tâm đến đó một lần cho biết và cũng để xem Myanmar có thật sự đẹp như vậy không.
Tìm đường
Ở Sài Gòn, xin visa đi Myanmar thì đến số 50 Sầm Sơn, phường 4, quận Tân Bình. Chi phí là 35 đô la Mỹ, thời gian là 7 ngày làm việc. Tôi nộp đơn vào thứ Hai thì đến thứ Tư tuần sau mới có visa. Thực sự, khoản phí làm một visa chỉ 20 đô nhưng phải trả thêm 15 đô là cước phí chuyển hồ sơ từ Sài Gòn ra Hà Nội.
Sau này tôi mới biết, nếu xin visa ở Bangkok chỉ tốn khoảng 25 đô la Mỹ. Vì vậy, lần sau có đi Myanmar tôi sẽ sang Bangkok xin thị thực nhập cảnh, bởi vì dù gì thì tôi cũng sẽ bay từ Bangkok, vì bay từ đó rẻ hơn bay trực tiếp từ Việt Nam nhiều, dù lúc đó Vietnam Airlines đang có khuyến mãi.
Visa Myanmar có hiệu lực đến 3 tháng kể từ ngày cấp nhưng thời gian ở tại Myanmar chỉ có 28 ngày thôi, tính từ ngày đầu tiên đặt chân vào đất nước này. Kể cũng hơi ít, bởi vì tôi muốn ở lâu hơn.
Sau vụ visa, tôi tính chuyện mua vé máy bay. Vé một chiều khuyến mãi Bangkok - Yangon của Air Asia giá 1.290 baht + phí sân bay 700 + phí dịch vụ 90 + convenience fee 50. Cộng thành 2.130 baht. Nếu có hành lý ký gửi thì phải đóng thêm 200 baht cho 15kg và 300 cho 20kg. Dự định ban đầu của tôi là mua vé máy bay một chiều thôi, bởi vì tôi muốn ở Myanmar càng lâu càng tốt, sau khi nghe nói có thể gia hạn visa thêm hai tuần. Khi nào gia hạn được rồi, tôi sẽ mua vé khứ hồi sau.
Tuy nhiên, sau khi suy đi tính lại thấy làm như thế giống “Dế mèn phiêu lưu ký” quá, bởi vì muốn vào và ra khỏi Myanmar thì chỉ có cách bay thôi, không thể đi bằng đường bộ như ở các nước khác. Ngoài ra, ở Myanmar, mọi thủ tục khó khăn hơn, mạng internet lại không dễ vào. Nếu ở quá hạn visa và không thể gia hạn thì có thể gặp rắc rối. Vì thế, tôi đã mua vé khứ hồi Bangkok - Yangon luôn.
Có vé máy bay khứ hồi và visa trong tay, tôi xách ba lô lên đường. Như mọi khi, từ Sài Gòn tôi sang Phnom Pênh, sau đó Siêm Riệp, và cuối cùng là Bangkok bằng đường bộ, một con đường mà tôi đã quá rành cách đi từ những lần đi bụi trước. Từ đó, tôi bay sang Yangon.
Huyền ảo đêm Yangon.
Đêm đầu tiên tại Myanmar
Từ Bangkok sang Yangon chỉ mất 80 phút bay. Nếu bay với Air Asia từ Bangkok, hành khách cần chuẩn bị tiền để mua thức ăn và nước uống hoặc là chuẩn bị... chịu khát trên máy bay, bởi đây là hãng máy bay giá rẻ nên chẳng có gì là miễn phí hết.
Khi đến sân bay quốc tế Yangon, tôi bị những tài xế taxi vây quanh và họ ra giá cuốc taxi về khu trung tâm là 8 đô la Mỹ. Tôi nghĩ mình có thể trả giá 5 hoặc 6 đô và kiếm người đi cùng để chia bớt nhưng những du khách khác đều đăng ký tour nên họ có xe đến đón.
Tôi đi loanh quanh kiếm người thì thấy một người Nhật vừa bước ra cửa, cũng bị đám taxi vây quanh. Thế là tôi tiến đến hỏi, có phải anh đón taxi về thành phố không, với ý định rủ đi cùng để chia tiền cước. Anh ta nhìn tôi từ trên xuống dưới với vẻ cảnh giác và... xích ra xa.
Trời, đi bụi mà không biết vụ share taxi sao (?!), tôi nghĩ bụng, mình ăn mặc kín đáo, đâu có giống gái mại dâm tí nào! Dù hơi bực mình nhưng tôi vẫn kiên nhẫn hỏi lại: "Có phải anh cần đón taxi về thành phố không?". Lần này thì anh ta lộ rõ vẻ sợ hãi và vội vàng bỏ đi.
Tôi trở vào bên trong thì một người Myanmar bước đến hỏi, có phải tôi muốn tìm người cùng đi để chia tiền trả taxi không. Tôi gật đầu. Anh ta cho biết, Motherland Inn 2 có xe đưa khách về trung tâm miễn phí. Tôi thấy nhà khách này được giới thiệu ở Lonely Planet, giá phòng là 7-10 đô la Mỹ.
Khu trung tâm thành phố Yangon.
Tôi bước đến chỗ chiếc xe đón khách hỏi thăm. Thì ra thông tin của Lonely Planet 2009 lạc hậu quá. Thực ra giá phòng ở Motherland Inn 2 mắc hơn nhiều; giá thấp nhất cho phòng đơn, quạt máy, toilet và nhà tắm bên ngoài đã là 10 đô rồi. Thấy trời đã gần 7 giờ tối rồi nên chấp nhận luôn. Có gì về đến trung tâm thì xách ba lô đi qua chỗ khác hỏi giá sau vậy.
Lúc đó, chúng tôi chờ thêm hai khách nữa thì khởi hành. Có tổng cộng năm người, tính luôn cả tôi và hai tiếp tân cùng một lái xe người Myanmar. Những người Myanmar này rất dễ thương. Vì thế tôi quyết định ở lại Motherland Inn 2 ít nhất một đêm. Chúng tôi đi khoảng 30 phút thì đến nơi.
Không tin nổi, khi xe vừa đến thì một đám trẻ người Myanmar từ trong nhà trọ ùa ra xách balô cho chúng tôi. Lúc đó tôi không có tiền kyat để boa, boa bằng đô la thì nhiều quá nên định giành lại chiếc túi của mình để tự xách nhưng không tranh được với mấy đứa trẻ này. Những du khách khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau cười. Đúng là buồn cười thật khi những du khách cao to, dân chuyên đi bụi, thì lại đi tay không còn những đứa trẻ thì lại khuân vác đồ.
Nhà trọ Motherland Inn 2.
Vào đến nơi, chúng tôi được tiếp đón bằng nụ cười của các cô gái tiếp tân và mỗi du khách được mời một ly nước chanh mát rượi. Đã khát quá sau hơn một tiếng đồng hồ trên máy bay của Air Asia chẳng ăn uống gì (vì mọi thứ đều phải mua). Nhớ đến Lonely Planet (*) có đề cập đến dorm (phòng nhiều giường dành cho khách ba lô) ở đây; vì vậy tôi đi một vòng để tìm giá cho dorm.
Một cô tiếp tân tiến đến hỏi tôi đã từng ở đây rồi sao. Tôi nói chưa bao giờ vì đây là lần đầu tôi đến Myanmar. Cô tiếp tân này giới thiệu giá phòng cho tôi. Tôi hỏi giá dorm. Cô này nói 8 đô/đêm. Đây là giá dorm mắc nhất mà tôi từng ở trong khu vực Đông Nam Á. Thấy trời tối và xung quanh vắng vẻ (do nơi này ở xa trung tâm khoảng 2 cây số) nên tôi đồng ý luôn. Cô tiếp tân làm thủ tục check-in cho tôi và lấy chìa khoá mở dorm.
Quá rẻ, tôi trả 8 đô la cho một phòng trọ rộng rãi dành cho 7 người. Nhưng khi bước chân vào dorm, tôi có cảm giác rờn rợn bởi vì phòng to mà lại không có ai ở hết. Có tổng cộng 7 giường. Mỗi giường đều trải drap giống nhau và drap đều trùm lên gối có bao màu trắng trông như ở bệnh viện ấy. Thấy cũng sợ nhưng nghĩ ngay bên ngoài cửa có nhân viên bảo vệ ở nên tôi yên tâm.
Thu xếp xong xuôi, tôi lên giường nhưng không ngủ được nên lấy tấm bản đồ Yangon vừa xin ở sân bay ra “ngâm cứu” một lát rồi ngủ thiếp đi và không tắt đèn. Đến khoảng 1g30, không ngủ được nữa nên tôi lấy sách Lonely Planet ra đọc, vừa đọc vừa ngủ lơ mơ, chập chờn đến khoảng 3g sáng thì dậy luôn.
Bước ra ngoài tôi thấy nhân viên nhà bếp đang chuẩn bị thức ăn bữa sáng cho khách (ở Myanmar, các guesthouse luôn có ăn sáng miễn phí cho khách). Tôi vào “tám” vài câu và xin bình nước nóng. Sau đó, tôi đánh răng rửa mặt, dự định khoảng 5g khi trời sáng thì sẽ đi bộ ra Sule Paya vừa ngắm cảnh vừa tìm chỗ trọ rẻ hơn. Thế là kết thúc đêm đầu tiên của tôi trên đất nước Myanmar.
__________________________________________________
(*) Lonely Planet là một hãng chuyên kinh doanh thông tin du lịch và hàng lưu niệm; ngoài trang web nổi tiếng, họ đã xuất bản 500 đầu sách hướng dẫn du lịch đến 195 quốc gia trên thế giới.





Thoát một cú lừa ở Yangon



.

Tháp Shwedagon tại Yangon. Toàn thân ngôi tháp được dát vàng.
 Ở Yangon, tôi tìm được một chỗ nghỉ trọ lý tưởng cho dân du lịch bụi, nghĩa là "gía thấp, chất lượng cao". Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi trong những ngày đầu đặt chân đến Myanmar là xém mắc một cú lừa đổi tiền (money scam) liên quan đến lằn gấp đôi ở giữa tờ đô la Mỹ. Đây là chuyện mà mọi du khách đến Yangon cần biết để cảnh giác.

Từ Motherland Inn 2 đi về trung tâm tôi đi qua con phố của người Ấn. Vì thế, ấn tượng đầu tiên của tôi về Yangon là sao mà giống ở Ấn độ quá – cũng những con người da ngăm đen, gầy gò, quấn miếng vải sọc ca rô làm quần và cũng những khuôn mặt và nụ cười đó. Đường phố thì đầy ổ gà và các vũng nước, bồ câu và quạ bay khắp nơi. Xe buýt thì cũ kỹ nhưng luôn chất đầy khách, phóng bạt mạng trên đường.
Mùi masala - đặc trưng của Ấn độ - thoang thoảng đâu đây. Tôi thầm nghĩ, sao mà Myanmar bị ảnh hưởng bởi Ấn độ mạnh đến thế. Sau này tôi mới biết rằng đấy là khu Ấn độ và Yangon là thành phố mang phong cách Ấn đậm nhất ở Myanmar.
Lò dò hỏi thăm, cuối cùng tôi cũng đến được nhà trọ nằm ngay tại trung tâm, sạch sẽ và giá cả phải chăng. Đó là Okinawa Guesthouse.
"Nhà của tôi" tại Yangon
Okinawa Guesthouse nằm ngay trung tâm thành phố Yangon, rất sạch sẽ và yên tĩnh. Sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet xếp nhà trọ này vào loại khá (mid-ranged - ở Myanmar các nhà trọ được phân thành ba loại: trung bình, khá và sang trọng. Okinawa thuộc loại giữa). Giá phòng ở đây tối thiểu là 8 đô la Mỹ, nhưng có một phòng chung (dorm) khá dễ thương ở tầng lửng chỉ có 4 giường với giá 5 đô la. Điều đặc biệt nhất là dorm này có gắn máy lạnh, nên khá là mát mẻ vào buổi trưa và... lạnh cóng vào ban đêm.
Điện đóm ở Myanmar rất chập chờn, thỉnh thoảng máy lạnh chạy, thỉnh thoảng lại tắt do điện bị cúp, phải chuyển sang nguồn điện từ máy phát riêng. Tuy nhiên tôi vốn không thích máy lạnh nên khi máy lạnh tắt thì tôi lại ngủ ngon, lúc lạnh quá lại không ngủ được.
Sule Paya, ngôi chùa nổi tiếng nằm ngay khu trung tâm của Yangon.
Okinawa Gueshouse nằm rất gần Sule Paya, một ngôi chùa nổi tiếng ở đây. Vì vậy, khi nào đi lạc tôi chỉ cần hỏi thăm đường về Sule Paya. Tuy ở gần nhưng tôi chưa bao giờ ghé thăm ngôi chùa này bởi muốn vào chùa phải mua vé vào cổng mất 2 đô. Đứng bên ngoài và chụp hình, đối với tôi như vậy là đủ rồi.
Nhân viên lễ tân ở Okinawa có vẻ mặt không thân thiện cho lắm, nhưng khi bạn hỏi gì thì anh ta cũng trả lời hết. Ở đây, khách có thể giặt đồ trong nhà tắm và phơi ở khu nhà bếp phiá sau. Có hôm tôi đi chơi về trễ, quần áo của tôi phơi được người phục vụ mang vào cất hộ.
Ngoài ra, tôi còn có thể xin nước nóng để uống và nấu mì gói nữa nhé. Đặc biệt nhân viên phục vụ ở đây toàn là nam và họ khá là dễ thương, luôn tươi cười (trái hẳn với khuôn mặt quạu quọ của anh cháng tiếp tân).
Okinawa còn hơn các nhà trọ khác ở chỗ các phòng đều có cửa kiếng màu, ngay cả ở khu vực rửa mặt cũng được lắp kiếng màu trông rất đẹp và ấm cúng. Phòng tắm chung khá sạch. Vì thế tôi cảm thấy khá thoải mái khi ở đây.
Một điểm tốt nữa cho Okinawa Gueshouse là khi rời Yangon để đi Mandalay, tôi gửi lại một túi hành lý, chỉ mang theo một túi nhỏ đựng ít đồ dùng đủ trong hai tuần. Hành lý ở đây gửi miễn phí, chỉ cần có khoá để khoá các ngăn kéo là có thể gửi vô tư, tha hồ dung dăng dung dẻ ở những nơi khác với một ba lô nhỏ gọn đeo trên vai.
Một tòa nhà cổ xưa giữa trung tâm Yangon.
Chạm mặt bọn lừa đổi tiền ở Yangon
Trước khi đi Myanmar, tôi tham khảo thông tin về đất nước này và có khá nhiều bài viết về money scam (lừa đảo tiền) ở đây. Vì vậy, tôi đã không bỏ qua cơ hội để... bị lừa ít nhất một lần.
Tôi ở Okinawa Guesthouse, gần Sule Paya (trong tiếng Myanmar, Paya nghĩa là chùa). Trưa hôm thứ hai sau khi đến Myanmar, tôi ra chợ đổi tiền nhưng hơi thất vọng vì tỷ giá khá thấp. Trung bình một đô la Mỹ đổi được 1.000 kyat, nhưng vào thời điểm này (tháng 10/2010), họ chỉ đổi 890 kyat = 1 đô, nên tôi quyết định không đổi mà quay về nhà trọ (ở đó có thể sử dụng đô la thoải mái).
Khi đến đầu đường vào nhà trọ, tôi nghe hai người Ấn rao: "Money exchange, 1đô la Mỹ = 950 kyat". Nghĩ rằng đây có thể là một trò lừa tiền (money scam) nên tôi ghé vào. Họ dẫn tôi vào bên trong, lịch sự kéo ghế cho tôi ngồi, hỏi tôi muốn đổi 100 đô la Mỹ phải không. Tôi nói phải. Người Ấn thứ nhất móc ra hai xấp tiền toàn giấy 1.000 kyat, đếm đếm, đổi qua đổi lại và đưa cho tôi. Tôi đếm lại rất cẩn thận, nhưng xấp tiền đó chỉ có 85 tờ (85.000 kyat). Tôi nói họ. Họ chấp nhận và đưa tôi thêm 10 tờ. Sau đó họ yêu cần tôi đưa tiền đô ra.
Đúng lúc đó, có một người Hoa bước vào và hai người Ấn giới thiệu rằng đó là chủ của họ. Khi tôi đưa ra tờ 100 đô, họ nói họ không sử dụng series bắt đầu bằng H. Tôi nói tôi đã tìm hiểu thông tin, ở Myanmar người ta chỉ không sử dụng tiền đô phát hành trước năm 2003 và có số series bắt đầu bằng CB. Tờ đô của tôi không cũ, phát hành năm 2006, series bắt đầu bằng H, tại sao lại không sử dụng được?
Thế là tay người Hoa giải thích lòng vòng một hồi bằng thứ tiếng Anh dở ẹc. Tôi nghe không hiểu nên yêu cầu họ trả lại tờ 100 đô, cất vào ví xong, tôi lấy tờ 100 đô khác ra đưa, họ không đồng ý bởi vì nó cũng có series bắt đầu bằng H. Tôi lấy lại tờ 100 đô, kiểm tra lại những tờ còn lại, toàn là có series bắt đầu bằng H. Tôi nói, thôi không đổi nữa và trả lại cho họ tiền kyat. Tên Ấn độ ngồi kế bên tôi cầm lấy xấp tiền.
Thế là tên chủ nói, nếu tôi muốn đổi thì phải chấp nhận tỷ giá giá thấp hơn (= 900 kyat), thấy tỷ giá này vẫn cao hơn tỷ giá ở chợ nên tôi đồng ý. Tôi đưa tờ 100 đô la Mỹ và tên Ấn đưa lại cho tôi xấp tiền. Hắn rút lại 5 tờ trước mặt tôi và bảo rằng còn lại 90 tờ. Tôi cầm xấp tiền, định đếm lại, nhưng hai tên Ấn liên tục nói và hỏi tôi nhiều câu không đâu vào đâu khiến tôi mất tập trung, không thể đếm tiền được và đành cầm xấp tiền đi để “thoát” khỏi họ; nhưng chỉ đi vài bước tôi dừng lại đếm và phát hiện xấp tiền chỉ còn 70 tờ.
Tôi quay lại ngay lập tức và nói xấp tiền chỉ còn 70 tờ. Lúc đó gã người Hoa làm ra bộ hốt hoảng, chạy vào trong kiểm tra và nói rằng bọn trẻ con chơi gần đấy đã lấy mất của họ 20 tờ. Một tên Ấn ra vẻ đau khổ nói rằng họ đã mất tiền và nói nếu tôi đồng ý thì đổi 100 đô lấy 70.000 kyat. Tôi không đồng ý và yêu cầu lấy lại tờ 100 đô của tôi. Tên Ấn móc ra đưa lại cho tôi tờ đô lúc này đã được gấp lại làm đôi. Nhìn thấy đúng số series tiền của mình tôi mừng quá, cầm về luôn.
Khi về đến nhà trọ, tôi nghĩ có thể họ tráo tiền giả, nên kể chuyện cho những người ở nhà trọ nghe và móc tờ đô ra săm soi, so sánh với những tờ đô khác. May mắn là chúng giống nhau. Lúc đó, anh chàng nhân viên lễ tân của nhà trọ chỉ vào tờ đô và nói tờ đô này có lằn xếp ở giữa, vì vậy sẽ không đổi được ở chợ.
Thật đểu cáng, bọn lừa đảo này đúng là ăn không được phá cho hôi đây. Ở Myanmar, tờ đô la phải mới cứng và không có lằn xếp giữa mới có thể đổi được. Anh lễ tân của nhà trọ cho biết thêm, nếu tôi muốn thì vẫn có thể đổi ở Central Hotel với tỷ giá thấp hơn. May là tôi còn những tờ đô khác để sử dụng, vì vậy tôi quyết định giữ lại tờ đô này để sử dụng ở Thái Lan.
Một cái chợ chồm hổm bên đường phố Yangon.

Cố đô Mandalay


.
Sông Ayeyarwady bao quanh hoàng thành của vương triều cuối cùng của Myanmar.
 Từ trung tâm Yangon đến các bến xe khá xa, vì thế mọi người thường đến khu vực trước cửa nhà ga Yangon để mua vé xe buýt. Tại đây có vô số đại lý xe buýt nên tha hồ lựa chọn. Tôi vào đại một nơi mua vé đi Mandalay với giá 10.400 kyat, khởi hành lúc 20 giờ và một vé xe trung chuyển đến bến xe giá 1.000 kyat nữa. Khoảng 17 giờ tôi phải có mặt tại đây để lên pick-up ra bến xe cùng mọi người.

Xe buýt đêm khá lạnh, vì vậy nếu mọi người muốn ngủ ngon giấc thì tốt nhất nên mang theo quần áo mùa đông. Tôi thấy người địa phương còn mang theo cả mền để đắp nữa. Điều phiền toái thứ hai là từ Yangon đến Mandalay có hai chốt kiểm soát an ninh. Tại đây mọi người phải xuống xe, đi bộ qua để trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu. Vì thế cho dù có đang ngáy pho pho thì bạn cũng bị đánh thức ít nhất hai lần để xuất trình giấy tờ chứng minh là bạn nhập cư hợp pháp. Tuy nhiên, hôm đó trên xe chỉ có tôi và một anh chàng người Moroco là người nước ngoài thôi nên được ưu tiên, khỏi phải xuống xe đi bộ qua trạm.
Khoảng 7 giờ sáng thì xe đến bến xe Mandalay. Từ đây về trung tâm phải đi taxi mất 5.000 kyat. Tôi đi cùng xe với ba người khách du lịch khác nên mỗi người chỉ trả một ít. Hầu như mọi du khách đều đến con đường số 25. Nơi đây có một vài nhà trọ mà khách đi bụi hay ở như Royal Guesthouse, Nylon Guesthouse, Garden Guesthouse. Tôi chọn ở Royal Guesthouse.
Royal Guesthouse
Mandalay là thành phố lớn thứ hai của Myanma, cách thành phố Yangon 716 km về phía bắc. Đây là kinh đô của vương triều cuối cùng của Myanma và là thủ phủ của vùng Mandalay, nằm ở vị trí trung tâm của đất nước Myanmar. Con sông Ayeyarwady bao quanh phía tây thành phố.
Ở đây có nhiều loại phòng với giá cả khác nhau. Nếu đi một mình thì có thể chọn phòng đơn giá 4 đô la Mỹ, hoặc phòng giá 5 đô, cả hai loại phòng này đều có nhà vệ sinh và phòng tắm bên ngoài. Tôi thường ưa chọn loại phòng có toilet và nhà tắm bên ngoài hơn bởi nhân viên nhà trọ cũng sử dụng nên khi thấy dơ là họ dọn sạch ngay. Hơn nữa, toilet và nhà tắm bên ngoài thì giá phòng luôn rẻ hơn. Và trong trường hợp chúng không sạch sẽ lắm thì bạn sẽ không phải ngửi mùi khi ngủ.
Phòng giá 5 đô ở Royal Guesthouse khá đẹp và có cửa sổ rất lớn nhìn ra bên ngoài, tạo cảm giác rộng rãi, thoải mái. Tuy gọi là phòng đơn (single), nhưng có thể ở hai người bởi vì trong phòng có hai chiếc giường nhỏ. Nếu ở một người thì giá 5 đô la nhưng nếu ở hai người thì giá sẽ là 7 đô.
Royal Guesthouse ở Mandalay.
Tôi thích ở phòng này bởi vì giá chỉ mắc hơn 1 đô nhưng phòng rộng gấp đôi phòng giá 4 đô la. Tuy nhiên, bởi vì phòng 5 đô la có thể ở hai người nên bạn có thể tìm người cũng đi du lịch một mình (solo traveler) ở chung để chia cho đỡ tốn tiền. Ở Myanmar, tôi thấy có khá nhiều người đi du lịch một mình nên việc tìm người ở chung phòng không khó lắm. Ba lô khoá lại và xích vào thanh giường. Sau đó nếu thích thì cùng nhau đi tham quan thành phố, nếu không thì mạnh ai nấy đi. Chìa khoá gửi ở tiếp tân. Nếu làm theo cách này thì bạn vừa được ở phòng đẹp, chỉ tốn có 3 đô rưỡi lại vừa có thêm bạn để chia sẻ kinh nghiệm.
Ở Royal Guesthouse, có khá nhiều nơi sinh hoạt chung, ở phòng ăn sáng, ở phòng khách gần nơi tiếp tân hoặc trên sân thượng. Nơi nào cũng đẹp và khá thoải mái. Bạn có thể ngồi ở đây bắt chuyện với những du khách ở đây lâu hơn để hỏi họ thông tin về thành phố, ví dụ ăn nơi nào vừa ngon vừa rẻ, thuê taxi như thế nào cho rẻ hoặc đây cũng nơi lý tưởng để tìm người đi taxi cùng đến những nơi tham quan trong và ngoài thành phố. Tôi được cung cấp khá cấp khá nhiều thông tin và “bí kíp” trốn vé của những nguời đã ở đây và đang chuẩn bị đi đến thành phố khác.
Giờ trả phòng (check out) thường vào lúc 12 giờ trưa, nhưng xe tàu thường chạy lúc 4 giờ chiều. Vì vậy bạn có thể gói gém hành lý và ngồi chờ chờ ở phòng khách. Nơi đây chính là nơi bạn sẽ tìm hiểu thông tin từ những người khách như vậy. Họ sẽ chia sẻ cho bạn kinh nghiệm “đau thương” (tốn tiền vô ích) để bạn có thể tránh không bị mất tiền lãng xẹt.
Royal Guesthouse khá sạch sẽ và thoải mái (theo nhận xét của nhiều khách du lịch) so với Nylon Hotel và Garden Guesthouse ở gần đó. Nhân viên ở đây lau dọn suốt và sẵn sàng cung cấp bất cứ thông tin bạn cần. Họ tỏ ra khá thân thiện nên bạn cũng có thể “tám” với họ. Ở đây có hai ca làm việc. Ca ban ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều, thường ưu tiên cho nữ. Ca đêm bắt đầu từ 6 giờ chiều đến 7 giờ sáng hôm sau. Nhân viên phục vụ đi ngủ lúc 12 đêm đến khoảng 4 giờ sáng đã dậy làm việc, đến giờ giao ca thì họ về nhà ngủ tiếp. Nhân viên có kinh nghiệm nhận lương tháng khoảng 80 đô la Mỹ, người mới vào nghề thì lương thấp hơn. Ở Myanmar, hầu như người ta không làm thêm giờ hoặc công việc ở sở làm khác, với mực lương như thế thì không đủ chi tiêu trong một tháng.
Royal Gueshouse nằm ở khu trung tâm du lịch của thành phố Mandalay, cách chợ trung tâm khoảng 5-10 phút đi bộ. Ngoài ra bạn có thể thuê xe đạp hay tìm xe ôm hoặc taxi khá dễ dàng.
Tóm lại, tôi rất thích nơi này. Nếu lần sau có quay lại thì tôi cũng sẽ ở đây. Điều duy nhất ở đây mà tôi ngại là sợ vào mùa cao điểm không có phòng trống cho tôi ở mà thôi bởi vì khách du lịch cũng rất thích nơi này nên thường hay thiếu phòng. Tốt nhất, trước khi đến Mandalay, du khách nên nhờ nhân viên nhà khách ở Yangon đặt phòng trước.
Taxi ở Mandalay. Ảnh: Quỳnh Dung
Tượng điêu khắc gỗ của một ngôi đền ở Mandalay.

Một ngày ở ngoại ô Mandalay

.
Nhìn từ đồi Sagaing. Ảnh: Quỳnh Dung
 Để dạo một vòng ra vùng ngoại ô cố đô Mandalay, chúng tôi thuê một chiếc taxi, bao đi suốt từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều với giá thỏa thuận là 25 đô la Mỹ, chia ra cho 5 người, mỗi người chỉ tốn 5 đô la Mỹ. Chỉ một ngày, chúng tôi đã thăm tu viện Mahagandhayon nổi tiếng, tham quan khu đồi Sagaing, ngôi làng Inwa xinh đẹp và đi qua thành cổ Amarapura, một cố đô khác của Myanmar.

Điểm đầu tiên xe thường đưa khách đến một xưởng chuyên sản xuất tượng Phật bằng bùn và đất nung. Kế tiếp xe sẽ dừng ở trại sản xuất vải cotton nổi tiếng. Du khách có thể vào trong xưởng xem thợ dệt và chụp hình và mua hàng ở cửa hàng trưng bày ngay trước xưởng. Với khoảng một, hai đô la bạn có thể mua được một túi xách xinh xắn dệt hoa văn truyền thống Myanmar.
Sau đó, bạn sẽ đến thăm tu viện Mahagandhayon, ở đây có khoảng hơn một ngàn tăng sĩ đang tu học, trong đó có cả người Việt. Khi đi tham quan xung quanh tu viện, bạn có thể được một tăng sĩ nào đó muốn thực tập tiếng Anh tiếp cận hỏi vài câu, gợi ý hướng dẫn tham quan. Tu viện này là một nơi rất đông du khách đến thăm, nhất là vào mùa cao điểm (từ tháng 10 đến tháng 3).
Thường du khách đến đây vào khoảng 10g30 để được nhìn thấy cảnh các tăng sĩ ăn trưa, một cảnh tượng hoành tráng. Đặc biệt khi bạn tham quan vào ngày có người cúng dường trai tăng. Các tăng sĩ xếp hàng dài cùng bình bát trong tay và những người cúng dường sẽ xới cơm vào bát, hoặc sắp vào bình bát những vật phẩm như bánh mì, viết, khăn quàng cổ, đèn cầy…
Một gia đình Phật tử Myanmar đang cúng dường bữa ăn cho tăng sĩ tại tu viện Mahagandhayon. Ảnh: Quỳnh Dung
Các nhà sư tại tu viện Mahagandhayon đang dùng bữa trưa. Ảnh: Quỳnh Dung
Việc chụp ảnh các tăng sĩ trong lúc họ đang ăn thực sự không hay lắm, nhưng phần lớn du khách đến đây đều có ý mong được tận mắt chứng kiến và chụp hình cảnh tượng này. Đặc biệt là tăng sĩ ở đây ăn mặn, trong món ăn có thịt cá và tăng sĩ có thể chọn ăn hay không những món mặn này. Ngay trước nhà, có bản danh sách ghi tên những người cúng tiền cho thiền viện này. Trên đó, tôi thấy có một đoàn Việt Nam quyên góp khoảng 1.200 đô la Mỹ.
Dọc theo lối vào tu viện, người ta dựng những tấm bia đá thật lớn, khắc những dòng chữ nhỏ nên tôi cứ tưởng đây là những bài kinh hoặc lời giáo huấn của đức Phật được khắc vào đá và đặt dọc lối đi để nhắc nhở mọi tu sĩ. Nhưng một tăng sĩ cho tôi biết, đấy là bia khắc tên những phật tử cúng dường để xây dựng tu viện. Ở đây tôi gặp một đoàn Phật tử Việt Nam đang hành hương ở Myanmar và họ cho tôi biết rằng vào ngày hôm sau họ sẽ dâng y cho Phật tại Trung tâm giáo huấn Phật giáo, cũng là nơi họ nghỉ ngơi trong mấy ngày tại Mandalay.
Sau khi rời Mahagandhayon, chúng tôi đến đồi Sagaing. Ở đây, chúng tôi phải leo khá nhiều bậc thang để lên viếng ngôi chùa ở trên đồi. May nhờ lối đi có mái che nên cũng khá dễ chịu. Chỉ cần thành tâm vừa leo vừa niệm Phật thì bạn sẽ không thấy mệt. Những người Tây Ban Nha đi chung tôi thở hổn hển, trong khi tôi chẳng thấy “xi nhê” gì hết.
Toàn cảnh đồi Sagaing. Ảnh: Quỳnh Dung
Lối đi có mái che lên chùa ở đồi Sagaing. Ảnh: Quỳnh Dung
Ngôi chùa trên đồi rất đẹp với hoa văn và kiến trúc Myanmar, trên tường là những bức tranh kể về cuộc đời của Phật tổ Thích ca. Bạn có thể đi tham quan vòng quanh chùa và chụp hình. Nếu có ai đến gần và yêu cầu bạn mua vé vào chùa hay mua vé để được chụp hình, quay phim thì bạn cứ giả lơ như không hiểu và bỏ đi là xong. Nhưng lúc mới lên đến nơi, bạn hãy tranh thủ chụp nhiều hình trước khi có người đến yêu cầu mua vé. Từ trên đồi nhìn xuống cảnh trí rất đẹp và hoành tráng. Sông núi, mái chùa và cây cối chen lẫn vào nhau, đẹp vô cùng và tôi nghĩ là chỉ có thể thấy ở Myanmar - một đất nước mà đi đâu cũng gặp chùa chiền.
Từ đồi Sagaing, chúng tôi ra phía bờ sông để thăm làng Inwa. Ở đó, chúng tôi dừng chân ăn trưa, mỗi người tốn từ 1 đến 3 đô la Mỹ (theo giá dành cho du khách) với những món ăn khá ngon nên cũng không có gì đáng phàn nàn. Tôi chọn mì xào với thịt gà, những du khách khác chọn cơm chiên hoặc ăn theo kiểu Myanmar với các món cà ri cá, gà, heo cùng khá nhiều món kèm theo với giá 2,5 đô. Những người ăn ít có thể gọi một món cho hai người ăn chung vì thức ăn khá nhiều. Có điều, sau một buổi leo đồi thì hầu như ai cũng ăn nhiều hơn bình thường.
Ăn xong, chúng tôi mua vé qua sông, mỗi người 1,2 đô la, đi hai lượt khứ hồi. Qua sông rồi, chúng tôi thuê xe ngựa đi vòng quanh. Mỗi xe ngựa chỉ chấp nhận chở hai khách, nhưng nếu bạn đi ba người thì có thể thỏa thuận để cũng chỉ phải trả 5 đô la cho một cuốc xe chở ba người. Phong cảnh thôn quê ở đây khá đẹp, nên thơ, yên bình và việc ngồi xe ngựa lóc cóc qua những con đường đầy ổ gà cũng thật thú vị, cực kỳ vui dù sau đó sẽ thấy ê ẩm cặp mông.
Một bé gái bán hàng lưu niệm ở Inwa. Trên mặt em bôi thanakak, là một loại kem chống nắng và dưỡng da của người Myanmar làm từ cây thanakak. Ảnh: Quỳnh Dung
Và cũng vui không kém là dù bạn có dừng chân ở đâu thì cũng có rất nhiều người bán hàng lưu niệm, lắc, dây chuyền bằng cẩm thạch và bằng hột dưa hấu mời chào. Tất nhiên, tôi vẫn trả giá khi muốn mua món đồ nào đó nhưng không muốn kỳ kèo nhiều với những người bán hàng dạo này bởi tôi nghĩ, thay vì chi tiền cho việc mua vé tham quan, thà trả tiền mua hàng cho những người bán hàng ở đây thì sẽ tốt hơn, vừa mua hàng vừa giúp được những người nghèo nhưng rất hiếu khách ở đất nước Myanmar.
Ở Inwa, người đánh xe ngựa đưa chúng tôi đến thăm một tu viện, ngay tại cổng có một ki-ốt bán vé. Tôi tìm đến những người bán hàng dạo, lựa hàng để mua và chờ khi những người soát vé không để ý thì tôi lẻn vào bên trong, đi thẳng đến tháp đồng hồ, leo lên cao để hưởng không khí mát rượi và cảnh đẹp trong lành của miền quê Myanmar.
Sau đó, xe ngựa tiếp tục đưa chúng tôi đến một ngôi chùa hay thiền viện gì đó; ở đây cũng bán vé vào cổng nên chúng tôi không vào. Một vòng dạo quanh bằng xe ngựa, tuy có ê mông nhưng cũng đáng với giá 5 đô la cho ba người.
Sau khi từ bến sông về (lượt về không phải mua vé, vì vậy bạn phải giữ vé sau khi qua sông lượt đi dù chẳng có ai soát vé), chúng tôi được chở đến cây cầu U Bein bắc qua hồ Taungthaman ở Amarapura, cách Mandalay 11km về phía nam. Amarapura từng là kinh đô của Myanmar (1783-1857) dưới thời vua Budawpaya trước khi vua Mindon Min dời đô về Mandalay.
Cầu U Bein dài 1.200 mét, xây dựng toàn bằng gỗ tếch từ hơn 200 năm trước đây. Tại đây, chúng tôi có dịp ngắm cảnh hoàng hôn trên sông thật đẹp, dọc bờ sông có cả nhà hàng, nơi du khách có thể nhâm nhi và ngắm cảnh. Ở đây gần tu viện vì thế bạn sẽ thấy có khá nhiều tăng sĩ qua lại trên cầu. Nếu có nhiều thời gian hơn, bạn có thể tham quan khu vực xung quanh cầu, cũng rất đáng xem.
Khoảng 6g30 tối, chúng tôi trở về khu trung tâm thành phố. Dù khá mệt sau một ngày lội bộ, leo trèo nhưng tôi vẫn đến xem Moustache Brothers show, giá vé là 10 đô la Mỹ, một mức giá vé không rẻ. Đó là một chương trình rất đáng xem, các nghệ sĩ trình diễn những điệu muá cổ truyền của Myanmar và đặc biệt là họ kể những câu chuyện hài hước bằng tiếng Anh về đời sống ở Myanmar, về thời sự chính trị trên thế giới.
Hầu hết các nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong chương trình này đều đã lớn tuổi nên kỹ thuật vũ đạo của họ rất điêu luyện. Nhưng nếu không nhìn rõ mặt, bạn sẽ bất ngờ về tuổi tác của họ khi thưởng ngoạn những vũ điệu rất phức tạp, những động tác mềm mại mà tưởng chỉ người trẻ mới thực hiện được.
Ở đây bạn có thể mua những chiếc áo thun có giá khoảng 5 - 6 đô la Mỹ để ủng hộ “nat” - những vũ công chuyên biểu diễn các điệu múa cổ truyền của Myanmar. Chương trình hàng đêm mở màn lúc 8g30 và kết thúc lúc khoảng 10 giờ tối. Vì vậy du khách nên ăn bữa tối trước khi đến xem, nếu không bạn sẽ rất đói bụng bởi khoảng sau 10 giờ, hầu hết các nhà hàng ở đây đã đóng cửa.
Nếu không nhìn rõ, bạn sẽ lầm tưởng các vũ công này là những nghệ sĩ trẻ bởi những động tác mềm mại, phức tạp trong vũ đạo của họ.



Chuyến phà dọc trên sông Ayeyarwady


.
Hoàng hôn trên sông Ayeyarwady.
 Nghe dân du lịch bụi kháo nhau rằng không thể được xem là biết về Myanmar nếu chưa trải qua một ngày trên dòng sông Ayeyarwady, dòng sông lớn nhất ở đất nước này. Để làm được điều đó thì cách duy nhất là đi từ Mandalay về Bagan bằng tàu. Vé tàu của nhà nước là 10 đô la Mỹ, còn tàu tư nhân giá vé tới 37 đô la.

Nghe nói tàu của nhà nước không cho đặt vé trước, lúc nào đi thì mua vé rồi đi luôn. Chưa đến 4 giờ sáng, tôi đã thức dậy, quảy ba lô xuống tiếp tân trả phòng. Thì ra tôi là người dậy sớm nhất, sau đó lần lượt những du khách khác bắt đầu xuất hiện. Thấy hai người đến từ Israel bước ra sân cùng ba lô lỉnh kỉnh, tôi đoán rằng họ cũng muốn đón taxi ra bến tàu nên bắt chuyện và gợi ý chia tiền taxi. Họ đồng ý và chúng tôi chờ thêm một người nữa để chia taxi, bởi vì một chiếc taxi “blue-cab” cho 4 người là 4.000 kyat.
Lát sau, anh chàng người Bỉ mà tôi gặp hôm trước xuất hiện. Anh ta định đi bằng xe Honda ôm nhưng khi tôi nói chúng tôi cần thêm một người để chia tiền taxi thì anh ta đồng ý. Thế là chúng tôi lên đường. Từ Royal Guesthouse đến bến tàu, mỗi người trả một ngàn kyat.
Ở bến tàu, người dân Myanmar và du khách chen mua vé. Có hai cửa bán vé, chúng tôi vào xếp hàng một lát mới biết rằng du khách có thể đi thẳng vào bên trong mua vé chứ không mua cùng ô cửa với người địa phương. Tôi đưa hộ chiếu và 10 đô la nhờ anh chàng Bỉ mua giùm. Anh ta nói, người bán vé phải rất vất vả đề tìm tên quốc gia của tôi. Tôi hơi ngạc nhiên bởi vì chữ Việt Nam được viết rất rõ ràng và hộ chiếu của tôi cũng có cùng kiểu với hộ chiếu của các nước khác.
Mua vé xong, chúng tôi xuống tàu. Thật ra, phải gọi đó là chiếc phà mới đúng. Nó có hai tầng. Tầng dưới chất đầy hàng hoá và cũng có nhiều người ngồi bệt trên sàn, trông khá nhếch nhác và ẩm ướt. Tôi đoán, chắc ở đây giá vé thấp hơn. Tầng trên thoáng mát và sạch sẽ hơn, là nơi du khách nước ngoài ngồi. Khách nước ngoài có một khu riêng và có ghế nhựa để ngồi. Người địa phương thì trải giấy báo ra ngồi bệt xuống sàn.
Bến phà ven sông Ayeyarwady.
Tàu nhổ neo lúc 5giờ40 sáng và dự kiến sẽ đến Bagan vào khoảng 7 giờ tối. Thế là chúng tôi có dịp ngắm bình minh và hoàng hôn trên sông này trong cùng một ngày rồi. Khi mặt trời lên, mọi người tranh thủ chụp hình và sau đó ngồi nắm cảnh. Phong cảnh dọc bờ sông khá đẹp. Bên phía tôi ngồi là cảnh thiên nhiên. Bên phiá kia là cảnh nhà cửa, chùa chiền xen nhau. Myanmar quả không hổ danh là một xứ sở của chùa chiền. Cứ thấy mái chóp nhọn nhô cao hơn xung quanh một chút thì bạn có thể tin chắc rằng đấy là một ngôi chùa.
Khoảng hai tiếng đầu, tôi thấy hào hứng vì cảnh đẹp và lạ, những ngôi chùa và phong cảnh thiên nhiên hoà vào nhau vào trông rất đẹp; nhưng mãi rồi cũng thấy chán vì gần như suốt ngày chỉ thấy hình ảnh đó lập lại dọc hai bên bờ sông.
Tuy nhiên, thật sự chúng tôi cũng không được thảnh thơi lâu bởi vì mỗi khi phà dừng lại ở bến tàu nào thì đội quân bán hàng rong quây quanh chúng tôi mời mua hàng. Họ nói thách giá khá cao nên tôi luôn trả giá xuống một nửa. Ở đây họ bán samosa của Ấn độ, bánh bao, bánh ngọt, đu đủ, dưa hấu gọt sẵn, đặc biệt là chuối già. Họ đội cả nải chuối lên đầu để rảnh đôi tay bám leo lên phà bán hàng.
Tôi mua được một nải chuối giá 500 kyat của một người rao giá bán là 2.000 kyat. Thế là có thức ăn cho bữa trưa rồi. Anh chàng người Bỉ ngồi kế bên tôi đã thủ sẳn vài cái bánh ngọt rồi nên tỏ ra thờ ơ, chẳng muốn mua gì.
Mỗi khi phà cập bến, những hành khách người Myanmar thường có người thân ra đón. Họ dùng xe bò để chở hàng hóa hoặc hành lý cồng kềnh. Đám du khách lại đổ xô ra xem và chụp hình. Đến trưa, trời hơi nóng và hành khách đều mệt mỏi và buồn ngủ vì phải dậy sớm. Có một khoảng mặt sàn được trải chiếu và trở thành chỗ ngủ chung cho nhóm du khách nước ngoài thay phiên nhau nằm chợp mắt tí chút.
Ở các bến phà, hàng rong buôn bán rất nhộn nhịp. Hàng hóa đóng sẵn xếp trên bờ sẵn sàng chờ phà cập vào chở đi.
Khi tàu gần đến Bagan thì có một đội quân bán những tấm drap trải giường may tay theo kiểu truyền thống Myanmar (tôi thấy rất giống thổ cẩm Việt Nam). Họ chào giá mỗi tấm là 7.000 kyat nhưng có vẻ chẳng ai quan tâm. Thế là họ gợi ý chúng tôi đổi quần áo, son phấn, dầu gội đầu, nước hoa... và bù thêm ít tiền để lấy tấm thổ cẩm. Anh chàng Miguel người Tây Ban Nha vừa lôi ra một cái áo thun trắng là một chị bán hàng nhanh tay cầm lấy và bảo anh ta đưa thêm 3.000 kyat nữa. Nhưng Miguel chỉ đồng ý trả thêm cho chị ta 2.000 kyat và cuối cùng anh ta có được tấm thổ cẩm.
Một cô bé bán hàng xinh xắn nài nỉ tôi mua và đổi đồ. Tôi chẳng có gì để đổi bởi vì phần lớn hành lý đã để lại Yangon. Tôi chỉ mang theo chiếc balô nhỏ. Tôi móc ra thỏi son liplip và bôi lên môi cô ta thử, cô ta thích lắm và đề nghị tôi đổi thỏi son cùng một ít tiền để lấy tấm thổ cẩm. Tôi không đồng ý bởi vì ba lô tôi chẳng còn chỗ nào để nhét vào. Thế là cô bé bắt đầu hạ giá từ 7.000 kyat xuống 5.000, rồi xuống 4.000 ... rồi 3.500 kyat. Vậy là tôi đoán tấm thổ cẩm chỉ có giá khoảng 2.500 đến 3.000 kyat thôi.
Khoảng 7 giờ tối, chiếc phà cập bến Bagan. Innwa guesthouse có xe đưa đón khách miễn phí (từ bến phà vào trung tâm Nyang U chỉ khoảng một cây số). Tuy nhiên, theo sách Lonely Planet thì giá phòng ở đây khá rẻ nên tôi và anh chàng người Bỉ cũng leo lên xe đi cùng những người Tây Ban Nha đến nhà khách này.
Nhưng khi đến nơi mới biết giá phòng mắc hơn so với thông tin của cuốn Lonely Planet. Chúng tôi không đồng ý, cùng vác ba lô lên vai quay trở ra. Tôi và một cô gái Tây Ban nha ngồi giữ hành lý, ba anh chàng Tây Ban Nha cùng anh chàng Bỉ đi quanh đó tìm chỗ trọ khác. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nơi ở vừa ý, giá cả chấp nhận được là 8 đô la Mỹ cho phòng đôi và 5 đô la cho phòng đơn; các phòng đều có máy lạnh và toa lét, nhà tắm bên trong

.

Bagan - xứ sở chùa chiền

.
.
Đền chùa (paya) có mặt khắp nơi ở Bagan. Ảnh: Quỳnh Dung
. Thành phố Bagan gồm có ba khu, gồm Nyaung U, Old Bagan và New Bagan. Thường khách du lịch ba lô chọn khu Nyaung U để ở vì ở đó mọi thứ đều rẻ hơn so với hai khu kia. Ngoài ra Nyaung U rất gần bến tàu và bến xe vì thế cho dù khách du lịch chọn đến Bagan bằng tàu hay xe thì họ đều đến khu Nyaung U trước.


Tác giả trong bộ váy (longi) truyền thống của người Myanmar. Mặt bôi thanaka như hầu hết phụ nữ địa phương.
Ở Nyaung U, giá phòng đơn khoảng 4-5 đô la Mỹ và giá phòng đôi khoảng 8-10 đô. Du khách có thể chọn thuê xe đạp hoặc xe ngựa để đi tham quan các ngôi chùa cổ (ở đây chùa, đền, tháp đều được gọi chung là 'paya'.) Giá thuê xe đạp một ngày khoảng một đô la.
Từ khu Nyaung U đi xe đạp đến Old Bagan khoảng 45 phút. Điều khá ngạc nhiên là ở đây có chùa Mahabodhi, cả tên và kiến trúc đều rất giống chùa Mahabodhi ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn độ. Tại đây có một phụ nữ Myanmar rất thân thiện với mọi người, sẵn sàng mời các bạn nữ bôi thử thanakha (kem chống nắng và dưỡng da làm từ thân cây thanakha – đặc sản của các cô gái Myanmar). Sau đó, chị ta mời bạn mặc thử longi rồi chụp hình. Nếu thích thì bạn có thể mua một ít thanakha và một cái longi.
Bagan quả thật là một thành phố của những đền chùa, cho dù bạn đi đâu, loanh quanh thế nào thì bạn cũng ở trước hoặc sau, hoặc bên cạnh một ngôi đền hay chùa nào đó. Nghe nói ở đây có tổng cộng 4.000 ngôi đền, chùa lớn nhỏ. Và hình như người dân vẫn thấy con số 4.000 là chưa đủ nên họ vẫn tiếp tục xây dựng thêm những đền, chùa mới. Trong đó, có một số đền chùa được người nước ngoài tài trợ vì thế bạn có thể thấy tên của họ khắc trên tấm bảng đặt ngay trước cổng.
Một số ngôi chùa tháp bạn có thể leo lên đỉnh để chụp hình; từ góc nhìn trên cao, ngắm nhìn phong cảnh chung quanh thật tuyệt vời. Vì thế những khách du lịch hay nói đùa với nhau: Ở Bagan không hề có thợ chụp hình tồi, bởi vì chỉ cần bạn nhắm mắt lại, giơ máy lên, bấm một cái là có ngay một tấm hình đẹp.
Các ngôi chùa ở Bagan nổi bật với những bức tranh trên tường kể về cuộc đời hoặc những câu chuyện liên quan đến Đức Phật. Hiện nay rất nhiều bức hoạ bị người ta nạy ra để đánh cắp (nghe nói rất nhiều trong số đó là những du khách từ châu Âu) vì thế rất nhiều mảng tường trông rất loang lổ dù nhìn vẫn rất đẹp. Tôi tưởng tượng khi còn ở tình trạng nguyên thủy, những ngôi chùa ở Myanmar trông rực rỡ và đẹp mắt biết bao với những bức hoạ trên tường này.
Tranh vẽ trên trần nhà chùa bị tróc lở. Ở giữa là hình hai bàn chân đức Phật. Ảnh: Quỳnh Dung
Một điều đặc biệt nữa ở Bagan là những ngôi chùa nằm trong top 5 có khi lại không đẹp bằng những ngôi chùa không được liệt kê trong sách. Tôi nghĩ điều này cũng hay, bởi vì nhờ thế những ngôi chùa ít nổi tiếng này mới giữ được nguyên trạng và khá yên tĩnh, bởi vì chỉ có những du khách tự đi khám phá tìm tòi thì mới phát hiện, những du khách đi trên những chiếc xe buýt lớn và đi theo tour chẳng bao giờ biết đến những nơi này.
Suốt ba ngày ở Bagan, tôi và một người bạn ở Bỉ cứ đạp xe đi thăm những ngôi chùa và chúng tôi luôn bị bất ngờ bởi nhiều nơi đẹp đến lặng người và cảm nhận những giây phút nhẹ nhàng trong không gian yên tĩnh ở những cảnh chùa tịch mịch.
Tranh cát Bagan
Tượng Phật ở chùa Ananda. Ảnh: QD
Bất kỳ du khách nào khi đến Bagan cũng được chào mời đặc sản nơi đây là tranh cát. Các nghệ nhân dùng cát ở bờ sông gần đó, trải ra giấy vải cotton, tráng và nén, sau đó vẽ tranh lên, rồi tô màu, thế là một bức tranh cát ra đời. Có người sử dụng vàng pha loãng ra rồi dùng để tô màu cho bức tranh, vì vậy bức tranh có màu sắc khá lạ và óng ánh vàng. Một bức tranh như vậy giá khoảng 15-25 đô la Mỹ.
Nội dung các bức tranh nói về văn hoá, con người Myanmar, hoặc kể về cuộc đời đức Phật. Thường gặp nhất là những bức tranh vẽ vị Phật tương lai, tranh vẽ bàn chân Phật với 108 câu chuyện trên đó, tranh về lịch của người Myanmar (ở đây người dân tin rằng mỗi ngày trong tuần đều tương ứng với một con vật, ví dụ ai sinh vào thứ Hai thì tương ứng với con hổ và mỗi ngày họ đều đến chùa, cầu nguyện trước bàn thờ có hình con hổ).
Do những bức tranh thường được sao chép từ những ngôi chuà nên thường chúng trông khá giống nhau. Vì thế nếu bạn muốn mua thì khoan mua ngay, hãy đi lòng vòng các ngôi chùa dọ giá trước sau đó hãy quyết định. Người bạn Bỉ của tôi đã mua hớ giá hai bức tranh về bàn chân Phật và vị Phật tương lai bởi vì đã mua ngay tại ngôi chùa đầu tiên mà chúng tôi ghé thăm. Sau một hai ngày đi rảo khắp các ngôi chùa, chúng tôi phát hiện ra giá thật sự rẻ hơn rất nhiều và bạn sẽ luôn bị bao vây bởi đội quân bán tranh cát cho dù bạn đang ở những ngôi chùa hẻo lánh ít khách vãng lai hay những nơi tấp nập du khách.
Đầu tiên một người Myanmar sẽ thân thiện tiếp cận bạn, hỏi thăm vài câu và sau đó rất lịch sự và nhẹ nhàng đề nghị bạn đừng nổi giận khi anh ta bày tranh của mình ra với giá rất rẻ dành cho bạn, và bạn chỉ cần mua một bức thôi. Một hai ngày đầu tiên, chúng tôi còn lịch sự xem tranh, sau đó oải quá nên từ chối ngay khi được đề nghị bởi vì ở đây một du khách có thể được chào mời bởi hàng trăm người bán tranh cát, bao gồm cả người lớn, trẻ em và người già.
Khi tôi hỏi là tại sao họ không mang tranh đến những thành phố khác để bán, như vậy họ sẽ có nhiều khách hơn. Họ trả lời rằng chính phủ không cho phép làm thế (?). Hóa ra, những người bán tranh cát cũng phải có giấy phép hành nghề. Họ cho biết, mỗi giấy phép có giá khoảng 40 đô la Mỹ, một số tiền không nhỏ đối với người dân lao động ở đây. Những người không xin được giấy phép chỉ dám hành nghề ở những ngôi chùa nhỏ, ít có khách du lịch chứ không dám đến những nơi thường xuyên có du khách ghé thăm.
Dù bị vây quanh bởi đội quân bán tranh cát, chúng tôi vẫn không bị làm cho nản lòng và thối chí bởi vì vẻ đẹp của thành phố này quả là có một không hai. Đặc biệt là khi leo lên một ngôi tháp mà ngắm cảnh hoàng hôn, bạn sẽ có cảm giác chẳng khác nào đang ở xứ sở thần tiên. Trong ba ngày ở đây, tôi đã chụp khoảng 1.000 tấm hình và người bạn Bỉ của tôi cũng vậy. Suốt thời gian ở đây, chúng tôi luôn mồm thốt lên “đẹp quá!” hoặc “không thể tin nổi!”.
Hoàng hôn Bagan.

Trekking đến vùng hồ Inlay




 

 

 

Đi bộ vượt qua những cánh đồng và đồi hoa, cỏ đến hồ Inlay. Ảnh: Quỳnh Dung
.Du khách đến Myanmar không nên bỏ qua một trekking tour (tour đi bộ băng qua rừng, núi) nếu muốn biết về đất nước này một cách đầy đủ nhất. Đó là câu được nói nhiều trong những dịp du khách từ bốn phương gặp nhau ở Myanmar, trao đổi thông tin, kinh nghiệm với nhau. Vì thế tôi cũng lọ mọ tham gia thử một trekking tour cho biết.

Để tham gia trekking, du khách thường đi xe buýt đến Kalaw, từ đó sẽ theo tour đi bộ chừng hai, ba ngày đến hồ Inlay. Giá vé xe buýt từ Bagan đến Kalaw khoảng 10.500 kyat. Xe buýt của tôi khởi hành lúc 4 giờ sáng tại Bagan và đến Kalaw vào lúc 1 giờ trưa. Tại đây chúng tôi bị một đội quân quây quanh chào mời trekking tour.
Những đồi hoa, cỏ chập chùng rất nên thơ, mát tầm mắt người đi bộ tham gia tour trekking ven hồ Inlay. Ảnh: Q.Dung
Tôi và một người Bỉ và một người Pháp cùng nhau đến nhà nghỉ Lily để tìm phòng trọ, ở đây giá phòng cho một người là 3 đô Mỹ với toilet bên ngoài và 5 đô Mỹ với toilet bên trong. Ở đây chúng tôi hỏi về trekking tour thì được cho biết giá dành cho mỗi người là 10 đô Mỹ/ngày + 3.000k cho xe trung chuyển đến vị trí trekking + 4.000k vận chuyển hành lý đến hồ Inlay trước (bởi vì chúng tôi chỉ cần mang theo một ba lô nhỏ đựng những vật dụng cần thiết, đây là tour trọn gói ăn ở) + 4.000k tiền đi thuyền qua hồ Inlay để về khách sạn.
Tổng cộng mỗi người phải trả cho hai ngày trekking là 20 đô Mỹ + 10.000k. Thực ra, ban đầu họ bảo giá trekking là 12 đô/ngày, nhưng chúng tôi đòi giảm. Tuy nhiên, tôi không có hành lý để gởi bởi vì tôi đã gửi ba lô lớn tại Yangon và ké vào ba lô của người bạn Bỉ một ít đồ. Thế là tôi chỉ có hành lý nhỏ gọn khoảng 3-4 kg trên lưng nên đỡ tốn 4.000k.
Hôm sau, ăn sáng tại khách sạn xong, khoảng 7g30 tôi tranh thủ đi ra chợ địa phương tại Kalaw để xem. Lúc này chợ chưa dọn hàng xong, hầu như chẳng thấy khách mua hàng, nhiều gian hàng còn chưa mở cửa. Hơi ngạc nhiên!!! Chợ gì mà 7g30 vẫn chưa đông người mua bán!
Lên đường
Khoảng 8g30, chúng tôi đến điểm tập trung. Nhóm trekking gồm tôi, anh chàng Stefan người Bỉ và cô Aude người Pháp, cô sinh viên người Đức (cô nàng này vừa trải qua kỳ thực tập 5 tuần tại Hà Nội), một người Na Uy, một cặp người Bỉ (họ không nhận mình là vợ chồng mà gọi nhau là traveling partners – bạn đi du lịch), một cặp người Israel mà tôi chia tiền taxi đến bến tàu tại Mandalay. Cả thảy là 9 khách du lịch, 2 hướng dẫn cùng 1 đầu bếp (đã đi trước đến điểm nghỉ ngơi để chuẩn bị bữa ăn trưa cho mọi người) lên đường lúc 9g15.
Những thửa ruộng bậc thang ven đồi thấp nên không gây ấn tượng được như vùng tây bắc Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Dung
Phong cảnh khá đẹp nhưng nếu so với tour trekking của Sapa (Việt Nam) thì ở đây còn thua xa. Cô sinh viên người Đức cùng đi trong nhóm đã nhận xét như thế. Quả thật, chỉ nói riêng cảnh những mảnh ruộng bậc thang ở vùng Tây Bắc Việt Nam, theo tôi thì ở đây không sánh bằng.
Anh chàng Harry (hướng dẫn của chúng tôi) khá là thân thiện và đẹp trai nữa. Anh chàng gốc người Ấn độ, thuộc tôn giáo Sik (một tôn giáo có thánh đường là Golden Temple tại Amristar, Ấn độ; tôn giáo này xem mọi người đều bình đẳng, không có tầng lớp, giai cấp...
Trên đường đi mọi người làm quen với nhau và nói chuyện rôm rả. Khoảng 12g45, chúng tôi đến một ngôi làng nơi chúng tôi dừng chân để ăn trưa. Tại đây chúng tôi được ăn súp bông cải nấu với gừng, sau đó mỗi người được phát được điã mì ăn cùng rau xào thập cẩm, cũng khá ngon bởi vì ai cũng đói bụng.
Chợp mắt một chút, chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Phong cảnh cũng tương tự đoạn đường đã đi qua. Thỉnh thoảng, chúng tôi dừng chân để nói chuyện với những người địa phương, đặc biệt là mấy cô bé người dân tộc đang gùi cỏ về nhà. Thấy chúng tôi, cả năm em cũng dừng chân nghỉ; vì thế chúng tôi có thể chụp hình các em thoải mái.
Các bé gái trên đường gùi cỏ về nhà giúp mẹ. Ảnh: Q. Dung
Khoảng 5g20 chiều thì đến một thiền viện, nơi chúng tôi sẽ ăn tối và ngủ. Trong khi chờ bữa ăn tối, một số người vào thăm ngôi làng gần đó mua nước uống và trò chuyện với dân làng, những người khác thì tranh thủ tắm sau một ngày đi đường bụi bặm. Tôi không dám tắm do thời tiết ở đây khá lạnh nên chạy vào bếp vừa sưởi ấm vừa xem đầu bếp chuẩn bị bữa ăn tối.
Chúng tôi được một bữa ăn thịnh soạn ngay tại hành lang trước cửa thiền viện. Bắt đầu với món súp nhẹ rồi các món chính gồm món đậu xào cà rốt, đậu bắp xào, khoai tây nấu gà; món salad là dưa trộn và một món thập cẩm đủ loại rau củ. Sau khi no căng bụng chúng tôi tráng miệng bằng một thứ kẹo giống như kẹo mè đậu phộng của Việt Nam và một quả chuối nướng theo cách rất đặc biệt.
Mỗi người có một quả chuối lột vỏ sẵn đặt trong dĩa, Harry bật quẹt châm lửa thẳng vào quả chuối (không dùng nhiên liệu nào cả), chuối tự động bốc cháy lên và người ăn dùng muỗng lăn quả chuối cho đến khi chín đều thì tắt lửa đi và thưởng thức. Đây là loại chuối đặc biệt chỉ có ở Myanmar. Vị ngọt chuối nướng kiểu này khá lạ miệng và ngon.
Món chuối nướng tráng miệng rất đặc biệt, chỉ có ở Myanmar. Ảnh: Quỳnh Dung
Sau bữa ăn, mọi người trò chuyện đến khoảng 8g thì chuẩn bị đi ngủ trước khi điện bị cúp. Cả nhóm ngủ chung nhau giống như ở dorm (phòng trọ nhiều người chung phòng), mỗi người một tấm nệm, gối và chăn. Ban đêm ở đây khá lạnh, trước đó tôi quên hỏi mượn thêm chăn, nên tôi đã không thể ngủ ngon vì trời lạnh quá, chập chờn suốt đêm. Đến khoảng 5g sáng thì các chú tiểu bắt đầu tụng kinh buổi sáng. Bữa sáng hôm ấy, chúng tôi được dọn món chappati ăn cùng salad bơ, tráng miệng với đu đủ, cam và quýt. Khá ngon!
Sau đó mọi người rủ nhau vào gặp sư trụ trì để cúng dường. Tôi được vị sư trụ trì đeo cho một sợi dây may mắn và còn được ngài tặng một bức tranh do chính tay ngài vẽ. Tôi thấy rất vui vì trong nhóm, mỗi người đều được đeo một sợi dây may mắn, nhưng không ai may mắn được tặng tranh như tôi.
Khoảng 8g20, cả nhóm tiếp tục lên đường. Hôm nay đoạn đường dễ đi hơn hôm trước, ít phải lên dốc hơn, chỉ khoảng nửa giờ đầu leo dốc, sau đó chỉ toàn xuống dốc. Phong cảnh cũng tương tự như ngày hôm trước. Chúng tôi đến một ngôi làng, nơi ăn trưa nghỉ ngơi và xuống thuyền đi đến khách sạn là khoảng 12g20. Ở đây, chúng tôi được ăn món cơm nấu theo kiểu của người Shan (cơm gạo dẻo nấu cùng xì dầu và trứng, ăn chung với cà chua). Ăn xong thì xuống thuyền.
Hồ Inlay
Theo quy định, bất cứ du khách nào khi đến hồ Inlay đều phải nộp 5 đô la Mỹ. Nhưng Harry, hướng dẫn của chúng tôi, dặn dò rằng nếu nói với người thu tiền rằng chúng tôi chỉ đi tham quan hồ, sau đó về Kalaw thì mọi người chỉ đóng 2 đô thôi (và tất nhiên là không có vé). Có du khách băn khoăn, hỏi Harry, nếu lỡ lúc vào làng Inlay gặp người soát vé thì sao?! Anh chàng hướng dẫn cười, nói rằng chẳng có ai soát vé cả, họ chỉ thu tiền mà thôi, sau đó mặc du khách đi đâu thì đi.
Thuyền đưa khách qua hồ Inlay. Ảnh: Quỳnh Dung
Vậy là thay vì trả 5 đô, mỗi người chúng tôi chỉ trả 2 đô rồi xuống thuyền. Trên thuyền có 5 chiếc ghế, 5 chiếc áo phao để sẵn trên ghế và có cả 5 cái dù để cho khách che nắng và che ... nước hồ bắn vào người khi có ghe, thuyền đi ngược chiều.
Lúc đầu, tôi thấy Inlay trông cũng giống như bất kỳ hồ nào ở Việt Nam, nhưng khi đến khu vực ăn thông ra biển thì hồ trông giống như biển vậy. Điều đặc biệt nhất là ở đây có floating garden (vườn trồng rau nổi trên hồ). Khu vườn này không cần tưới nước bởi vì rễ cây cắm thẳng xuống hồ, người làm vườn chèo thuyền đi thăm vườn mỗi ngày và ngay trên vườn có ngôi nhà nhỏ dành cho những người làm vườn ở.
Sau khoảng 90 phút đi thuyền, chúng tôi đến nơi. Mọi người cùng nhau tìm khách sạn ở. Tôi cùng Aude và Stefan quyết định ở chung một phòng tại nhà nghỉ Min La Bar, có vị trí xa hơn những nhà nghỉ khác một chút, bên ngoài là một khu vực khá đẹp, phòng nằm trên gác, dưới là sàn gỗ. Chúng tôi có ba người nên chọn lấy một phòng đôi (có hai giường đơn) giá 14 đô la Mỹ, yêu cầu kê thêm một giường và phải trả thêm 5 đô nữa, tổng cộng là 19 đô la.
Điều đặc biệt là nhà nghỉ này có phòng thiền (meditation room) và nhà hàng khá đẹp treo đầy hoa phong lan. Mỗi khách mới đến hoặc khi vừa đi chơi về đều được phục vụ nước chanh miễn phí. Phòng chúng tôi khá rộng, có ba cửa sổ, hai cửa sổ nhìn ra khu vườn phong lan, ba người chúng tôi ở chung phòng này rất thoải mái. Phòng tắm khá sạch sẽ, sân phơi đồ khá thuận tiện. Ngay cầu thang là hai thùng nước lọc cho mọi người uống miễn phí. Nhà nghỉ còn tặng cho khách cả bản đồ khu vực hồ và bản đồ dành cho người muốn đi dạo bằng xe đạp.

Một ngày trên hồ Inlay


.
Người dân vùng hồ Inlay dùng chân chèo thuyền, trông rất lạ mắt. Ảnh: Quỳnh Dung
(TBKTSG Online) - Nhóm chúng tôi gồm ba người: Stefan (Bỉ), Aude (Pháp) và tôi thuê một chiếc thuyền máy với giá 12.000 kyat và bắt đầu khám phá hồ Inlay. Đầu tiên, chúng tôi đi ngang qua các khu vườn nổi (floating gardens) của người Intha, sau đó đến thăm một phiên chợ ở làng Maing Thauk và nhiều điểm thú vị khác ven hồ Inlay.

Những luống rau, cà chua, cây môn xanh tươi trong khu vườn nổi trên hồ Inlay. Ảnh: Quỳnh Dung
Những khu vườn nổi được đắp thành luống thẳng tắp trông khá đẹp, vào mùa này họ trồng nhiều cà chua. Nông dân ở đây vớt rong rêu dưới lòng sông đắp lên vườn để làm phân bón. Khu vườn có cả cổng vào, du khách chỉ được tham quan và chụp hình bên ngoài cổng, không được vào trong vườn.
Chúng tôi đến làng Maing Thauk, hôm nay ở làng này có họp chợ phiên (mỗi làng luân phiên họp chợ một ngày trong tuần). Chợ phiên này có rất nhiều gian hàng bán đồ lưu niệm dành cho du khách. Ở đây, một gói 50 điếu xì gà quấn bằng lá tự nhiên giá chỉ có 400 kyat, trong khi đó ở khu chợ gần chỗ tôi ở bán 700 kyat. Làng Maing Thauk có một cây cầu gỗ khá dài, nhưng so với cầu U Bein ở Mandalay thì thấp hơn và ngắn hơn. Ở khoảng giữa cầu có những trạm nghỉ chân cho khách qua đường có mái che và ghế ngồi khá thoải mái, mát mẻ.
Người đánh cá đang lấy chân kéo lưới lên và dùng tay bắt cá. Ảnh: Quỳnh Dung
Sau đó chúng tôi được chở dọc theo sông để chụp hình người Intha bắt cá và xem họ chèo thuyền bằng chân. Cách đánh bắt cá của người dân ở đây cũng giống như nhiều nơi ở Việt Nam. Họ dùng nom dài đóng xuống sông (nước sông ở đây không sâu lắm khoảng 1-2 mét) hoặc dùng lưới giăng dưới sông và dùng cây đập mạnh xuống mặt nước để lùa cá vào lưới hoặc nom. Khi họ làm như vậy, cá sẽ hoảng sợ và bơi vào lưới. Để di chuyển, họ dùng một chân để chèo thuyền, chân còn lại thì trụ trên ghe, hai tay thì gỡ lưới để lấy cá.
Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất bạc U Hla Pe Family. Xưởng sản xuất và phòng trưng bày hàng ở cùng một chỗ nên du khách vừa xem cách thức sản xuất vừa mua sản phẩm luôn ở đó. Aude - cô bạn người Pháp cùng đi với tôi - mua một sợi dây chuyền và đôi bông cùng kiểu giá khoảng 40 đô la Mỹ.
Ở ngôi chùa Phaung Daw OO bên bờ hồ Inlay, người dân ở đây đến chiêm bái, cầu nguyện thường đắp lá vàng dát lên che kín cả pho tượng. Đặc biệt là chỉ có nam giới mới được dán trực tiếp lá vàng lên tượng, nữ giới không được vào trong mà chỉ đứng bên ngoài khấn vái.
Thợ đang lấy sợi từ thân sen. Để có được 1 kg sợi chỉ này, một người phải mất một tháng để gỡ. Ảnh: Quỳnh Dung
Ở làng Inpawkon, chúng tôi được xem cách thức sản xuất vải từ sợi tơ từ thân cây sen. Để có được ký tơ sen, người ta phải mất hàng tháng và sản phẩm dệt may từ tơ sen khá đắt tiền; một chiếc khăn choàng cổ có giá 50 đô la Mỹ. Ở đây họ cũng sản xuất lụa và vải sợi (cotton). Vải sợi sản xuất ở đây tương tự như ở nhà máy sản xuất vải ở Amapura, Mandalay mà tôi đã ghé thăm. Tóm lại các sản phẩm ở đây chẳng hề rẻ.
Dệt vải từ sợi chỉ thân sen. Ảnh: Quỳnh Dung
Chúng tôi còn được đưa đến nơi được gọi là làng của người cổ dài (long-necked village). Nhưng ở đó chỉ có ba người cổ dài ngồi dệt vải biểu diễn cho khách xem và chụp hình. Ban đầu tôi cứ tưởng sẽ được đến thăm ngôi làng của những người cổ dài sinh sống, nhưng người ta bảo rằng ngôi làng đó ở xa lắm, không thể đến được.
Tôi đoán là người ta đem về ba người phụ nữ này chỉ để "biểu diễn" cho khách xem và bán hàng với giá cực mắc. Cách làm này có vẻ chụp giựt để vơ tiền vào túi nhưng rõ ràng rất không hay cho hình ảnh du lịch của Myanmar. Và tất nhiên, khi có cảm giác người ta "treo đầu dê, bán thịt chó" thì chẳng du khách nào còn hứng thú mua đồ ở những nơi như thế này.
Cuối cùng chúng tôi đến một thiền viện có cái tên gọi ngồ ngộ là "mèo nhảy" (Jumping-cat monastery). Ở đây người ta huấn luyện mèo để nhảy qua những cái vòng, giống như trong rạp xiếc, thay vì là khỉ hay voi nhảy qua vòng, ở đây là mèo nhảy vòng. Thiền viện còn có khá nhiều tượng Phật và các tượng đều được đặt trong một ngai vàng hoa văn rất đẹp.
Trên đường trở về, chúng tôi được ngắm cảnh hoàng hôn trên hồ Inlay rất đẹp với cảm giác yên bình, nhẹ nhàng; kết thúc một ngày đi chơi trên hồ thật vui dù buổi sáng và chiều khá lạnh, đã mặc áo khoác nhưng vẫn lạnh cóng cả người.

Đường lên hòn Đá Thiêng


.
Hòn Đá Thiêng (Golden Rock) trên núi Kyaiktiyo ở Kimpun. Ảnh: Quỳnh Dung
(TBKTSG Online) - Từ chùa Sule ở trung tâm thành phố Yangon, tôi đón xe buýt số 43 đến bến xe tốc hành với chiếc vé 200 kyat, để tiết kiệm tiền taxi. Sau 80 phút ê mông trên chiếc xe buýt chạy y như tàu lượn (roller coaster), tôi cũng đến được bến xe. Vừa nhảy ra khỏi xe buýt, tôi “được” vây quanh bởi một nhóm tài xế taxi.
.
Đến giờ, mọi người lần lượt lên xe. Tìm mãi tôi mới thấy số ghế được viết trên thành xe, ngang với chỗ để... đầu gối. Trái ngược với những chiếc xe buýt đêm lạnh như mùa đông châu Âu, chiếc xe buýt này nóng như mùa hè ở Ấn độ. Nhưng được cái là phong cảnh dọc đường đi khá đẹp. Giống như ở Việt Nam, mỗi khi xe dừng là có hàng tá người bán rong đội mâm đi vòng quanh xe buýt để rao hàng. Họ không được phép lên xe, chỉ đứng ở dưới đường rao thôi. Tôi cũng mua được một trái bắp nấu (giá 200 kyat) để lót dạ.
Đây là chiếc xe dành cho người dân địa phương mà tôi không được đi lên hòn Đá Thiêng. Ảnh: Quỳnh Dung
Khoảng 4 giờ chiều thì xe đến Kimpun. Xe dừng trong một cái sân khá rộng trước cửa một nhà hàng, vì thế vừa nhảy xuống xe tôi đã được nhân viên của một khách sạn gần đấy chào đón. Không thích ở đây, tôi đi về phía nhà nghỉ Pann Myo Thu. Nhà nghỉ này chỉ cần nhìn cũng đủ mê tít rồi. Khu vườn lan khá rộng và đẹp dẫn đến các phòng. Trong vườn có ghế xích đu cho khách ngồi ngắm lan. Phòng đơn là 5 đô la Mỹ, phòng có hai giường đơn là 8 đô (nếu tìm được bạn đồng hành để chia tiền thì nên chọn phòng này, vừa rẻ vừa có người nói chuyện). Giá phòng ở đây không bao ăn sáng. Nếu muốn ăn sáng phải trả thêm 1 đô.
Làm thủ tục nhận phòng xong, tôi đi dạo quanh. Ở đây vào thời điểm này người bán nhiều hơn người mua, các cửa hàng nằm san sát nhau, ở đây có hai loại "đặc sản" mà những nơi khác ít thấy. Thứ nhất súng và dao găm, kiếm được làm bằng thân cây và ống tre (ngay chân hòn Đá Thiêng mà lại bán toàn là dao kiếm, súng ống thì thật đáng ngạc nhiên quá; tôi còn nghe nói rằng ở đây những thứ "đồ chơi" bạo lực này là thứ mấy nhà sư thích nhất mới ghê chứ!). Thứ hai là các loại mứt: mứt sung, mứt cà, mứt gừng, mứt cam, mứt cóc... Thị xã này hầu như chẳng có gì để xem ngoài những cửa hàng này, vì thế khách du lịch thường chỉ ở một đêm để sáng lên núi xem Đá Thiêng chứ ít ai ở lại lâu.
Phụ nữ chỉ được ngồi từ xa cầu nguyện chứ không được đến gần, sờ vào hòn Đá Thiêng. Ảnh: Quỳnh Dung
Nghe nói 6 giờ sáng là có chuyến xe pick-up đầu tiên đưa khách lên núi rồi. Trạm xe pick-up rất gần nhà nghỉ, tôi chỉ mất 2 phút đi bộ. Thoạt nhìn, thấy một chiếc pick-up đầy nhóc người, tôi chạy đến và định leo lên thì có tiếng ai đó la lên: “Foreigner, over there” (Người nước ngoài, lại kia). Thế là tôi phải lên một chiếc xe khác, gần như trống rỗng.
Đến khoảng 7g20 thì mới đủ người. Quái lạ là người địa phương không dồn vào một chiếc pick-up mà họ cứ ngồi rải rác trên những chiếc khác nhau, cuối cùng chiếc nào cũng gần đủ người và ai cũng phải chờ đợi. Anh bạn người Bỉ ngồi kế bên tôi bực bội ra mặt, miệng luôn lẩm bẩm những câu chê bai, khó chịu. Cả người dân địa phương cũng tỏ vẻ rất bực mình.
Cuối cùng tài xế của chúng tôi cũng cho xe lăn bánh, dù trên xe vẫn còn 3-4 chỗ trống. Xe chạy khoảng 20 phút thì dừng cho hành khách đi toa lét và tài xế thu tiền xe. Người địa phương và du khách nước ngoài đều trả cùng mức giá như nhau là 1.500 kyat.
Khoảng 15 phút sau, chúng tôi lại lên đường. Quãng đường này đúng là kinh người và chiếc xe chúng tôi lao đi như một chiếc tàu lượn siêu tốc thực thụ. Đường núi dốc, có những nơi ngoặt rất gấp. Mọi người ngồi vắt vẻo trên chiếc xe tải cũ kĩ gầm gú mỗi khi lên dốc và xịt khói đen xì mỗi khi xuống dốc. Hai bên dốc thẳng đứng. Chỉ cần tài xế sơ sẩy tay lái là mọi người có thể cùng nhau về Tây phương cực lạc rồi.
Sau khoảng 30 phút “hồn xiêu, phách lạc”, cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi. Tại đây có dịch vụ khiêng kiệu dành cho những người không thể leo nổi đoạn đường còn lại. Tất nhiên, tôi đi bộ bởi vì khoảng cách và độ dốc ở đây so với những ngọn núi ở Việt Nam thì chẳng thấm vào đâu. Đưòng đi được tráng xi măng sạch sẽ chứ không phải lởm chởm đá, gập ghềnh như ở núi Yên Tử ở Việt Nam.
Trong khi đàn ông có thể tự tay dán những miếng vàng ròng mỏng như giấy lên tảng đá để cầu phúc, cầu may cho mình và gia đình. Ảnh: Quỳnh Dung
Vừa đi vừa ngắm cảnh thoải mái, khoảng 45 phút sau tôi cũng đến hòn Đá Thiêng. Tại đây, người nước ngoài phải trả 6 đô la mua vé vào cửa và 2 đô cho máy ảnh. Ở đây đầy nhóc người cầu nguyện hoặc nhập thiền trong không gian yên tĩnh. Chỉ có nam giới mới được vào cửa (có bảo vệ canh giữ nghiêm ngặt) để đến gần và chạm vào hòn Đá Thiêng.
Đối diện hòn Đá Thiêng, người ta xây một toà nhà được chia ra hai phần, một bên cho nam và một bên cho nữ để ngồi cầu nguyện. Trong khu quanh nhà này có những ngôi nhà riêng biệt đặt hương án thờ tượng Phật và khá nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm.
Sau gần hai tiếng loanh quanh nhìn ngắm hòn đá thiêng, tôi “xuống núi”. Lần này có kinh nghiệm, tôi chọn ngồi ở băng ghế trước, nơi có chỗ để chân rộng hơn và có chỗ để tì vào nếu muốn đứng lên để chụp hình khi xe đang chạy.
Xuống núi, tôi vẫn còn đủ thời gian để đi Bago nếu muốn, bởi vì xe buýt khởi hành lúc 2 giờ. Quay về nhà trọ lấy hành lý, tôi được một anh nhân viên nhà trọ này dắt đến bến xe buýt gặp bạn anh ta. Thế là chuyến xe từ Kimpun đi Bago, tôi chỉ phải trả có 4.000 kyat thay vì 5.000 kyat. Đúng là quen biết có khác. Hình như giá vé giao thông công cộng cho người nước ngoài ở đây là vô định, vì thế họ muốn lấy bao nhiêu tiền cũng được và có thể giảm giá nếu muốn.
Du khách nước ngoài đến Myanmar luôn phải trả tiền khi vào chùa và trả tiền hơn gấp nhiều lần so với người địa phương khi sử dụng giao thông công cộng. Ví dụ giá vé xe buýt Yangon đi Kimpun, người Myanmar trả 4.000 kyat thì khách nước ngoài phải trả gấp đôi; người địa phương mua vé tàu lửa Bago đi Yangon giá 500 kyat, khách nước ngoài phải trả 2.000 kyat, gấp bốn lần cho chỗ ngồi cùng hạng. Nhưng chênh lệch cao nhất là giá vé đi phà qua sông Yangon, du khách nước ngoài phải trả 1.000 kyat, gấp 100 lần giá vé người địa phương, chỉ có 10 kyat.
Còn đây là chuyến xe xuống núi đang chuẩn bị xuất phát, có cả khách du lịch và người địa phương. Ảnh: Quỳnh Dung

Bago




 

 

 

Bốn pho tượng Phật dựa lưng vào nhau ở chùa Kyaik Pun. Ảnh: Quỳnh Dung
 Xe đến Bago khoảng 4 giờ chiều, tôi đi bộ về khu vực khách sạn ở Main road. Lạ là ở đây các khách sạn đều nằm trên đưòng quốc lộ nối liền Yangon và Mandalay. Vì thế cũng khá ồn ào. Vừa đến nơi, tôi gặp một anh chàng Myanmar chào mời, giới thiệu và đưa tôi vào một khách sạn cứ như anh ta là nhân viên khách sạn ấy.

Sau khi nhận phòng xong tôi mới biết là anh ta chạy xe ôm và muốn đưa tôi đi tham quan Bago nửa ngày vào sáng hôm sau và nếu muốn thì buổi trưa tôi có thể đi xe lửa về lại Yangon. Thấy anh ta có vẻ hiền, nói tiếng Anh khá và giá tiền nửa ngày tham quan cũng khá mềm, chỉ có 5.000 kyat nên tôi đồng ý và hẹn anh ta 7 giờ sáng sẽ khởi hành.
Nhưng nói thật là điều khiến tôi thích đi với anh chàng này là anh ta sẽ chỉ cho tôi cách trốn vé vào cửa các ngôi chùa. Ở Myanmar có một điều rất khác các quốc gia tôi đã từng đến là người dân ở đây luôn sẵn sàng bày cách cho du khách trốn vé vào cửa các điểm du lịch, chùa chiền do chính phủ tổ chức thu tiền.
Tối đó, tôi đi ra chỗ mà ở đây người ta gọi là chợ đêm nhưng chỉ thấy lèo tèo vài gian hàng bán đồ ăn chiên xào thôi. Ở Bago hầu như chẳng có những sinh hoạt vui nhộn hằng đêm và có lẽ vì thế ít có du khách nào ở đến hai đêm. Buồn, tôi quay về nhà trọ ngủ để giữ sức cho ngày hôm sau.
Pho tượng Phật nằm được coi là thiêng liêng nhất Myanmar. Ảnh: Quỳnh Dung
Pho tượng Phật thiêng liêng nhất Myanmar
Sáng hôm sau, đúng hẹn 7 giờ chúng tôi lên đường. Nơi dừng chân đầu tiên là chùa Kyaik Pun. Ngôi chùa này có bốn pho tượng Phật khá lớn tựa lưng vào nhau nhìn ra bốn hướng. Có một truyền thuyết về sự ra đời của ngôi chùa này liên quan đến bốn chị em người Mon; theo đó, bất kỳ ai trong số bốn chị em đó lấy chồng thì một trong bốn pho tượng sẽ gãy đổ. Khi tôi đến thì các bức tượng vẫn còn nguyên vẹn; vậy là đến lúc này cả bốn phụ nữ đó vẫn không lấy chồng chăng?!
Tiếp theo chúng tôi đến chùa Shwe Tha Lyaung, nơi có pho tượng Phật nằm dài 55 mét và cao 16 mét; được xem là bức tượng Phật thiêng liêng nhất ở Myanmar. Câu chuyện về nguồn gốc ngôi chùa được khắc vào bức tường ngay sau lưng bức tượng Phật khổng lồ bằng tiếng Miến và tiếng Anh. Ngoài ra, trên đường dọc lối vào, một bên tường cũng có những bức tranh kể về sự tích này; bên kia nói về những lần ngôi chùa được tu sửa.
Một anh bạn nhiếp ảnh người Canada kể rằng, trước đây có một nữ du khách Mỹ leo lên bức tượng này để chụp ảnh, cô ta bị bắt và lĩnh án tù 20 năm (?!). Tòa án Myanmar buộc tội nữ du khách này vì đã leo lên nơi thiêng liêng nhất của Myanmar, chẳng khác nào đã bước lên cả dân tộc này! Không biết câu chuyện này thực hư thế nào, nhưng nếu có dịp đến Myanmar, bạn nhớ đừng leo lên tượng Phật để chụp ảnh nếu không muốn gặp rắc rối với pháp luật bản xứ.
Ngôi chùa có kiến trúc như tháp Chàm. Ảnh: Quỳnh Dung
Tượng Phật nằm ngoài trời. Ảnh: Quỳnh Dung
Sau Shwe Tha Lyaung, chúng tôi đến một ngôi chùa khác, ngoài cổng viết bằng tiếng Miến nên tôi không đọc được. Bên trong ngôi chùa này có một toà tháp giống như tháp Chàm ở Việt Nam. Trong toà tháp này là các pho tượng Phật.
Ở ngôi chùa này cũng có pho tượng Phật nằm, mô phỏng theo pho tượng khổng lồ ở chùa Shwe Tha Lyaung nhưng được xây ngoài trời và hoàn thành vào năm 2001. Lòng bàn chân của pho tượng này có khắc hình vẽ các câu chuyện về Đức Phật.
Lần tiên sau ba tuần ở tại Myanmar tôi mới được thấy cảnh những bức tượng các đệ tử đức Phật ngồi nghe thuyết pháp được đặt ngoài vườn ở chùa Maha Kalyani Sima.
Lòng bàn chân tượng Phật. Ảnh: Quỳnh Dung
Ở Shwemawdaw Paya - ngôi chùa nổi tiếng nhất Bago, toàn bộ toà tháp được dát vàng ròng. Đáng tiếc là vào thời điểm chúng tôi viếng thăm, toà tháp đang được lau chùi (định kỳ là 4 năm một lần), vì thế tôi không thể chụp ảnh toàn bộ toà tháp bằng vàng ròng được. Dù vậy, toà tháp nửa dưới màu vàng, nửa trên màu đen (do người ta dán giấy đen và gắn cọc tre vào để thợ có thể làm việc) trông cũng khá ấn tượng.
Trước khi kết thúc buổi sáng, chúng tôi đến thăm hai thiền viện. Một nơi được gọi là thiền viện Rắn (Snake Monestary) vì ở đây có một con trăn thật to mà mọi người ở đây tin rằng đó là hoá thân của vị sư trụ trì trước đây.
Vì thế người dân rất tin tưởng và hay đến để cầu nguyện. Trên đường đến một thiền viện khác để xem cảnh các nhà sư thọ trai bữa chính Ngọ, tôi ghé vào một ngôi chùa trên đồi, chịu khó leo bộ lên chùa để có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Bago.
Thế là hết nửa ngày viếng thăm thành phố Bago với giá 5.000 kyat trả cho tài xế xe ôm mà tôi thấy rất đáng đồng tiền! Khi nào đến Bago, bạn hãy thử tour này nhé.
Tháo chùa Shwemawdaw Paya - ngôi chùa nổi tiếng nhất Bago, toàn bộ toà tháp được dát vàng ròng. Ảnh: Quỳnh Dung
Công nhân đang làm việc bên trong giàn tre bảo vệ. Ảnh: Quỳnh Dung
Món ăn yêu thích của tôi tại Myanmar
Đa số món ăn của Myanmar đều sử dụng rất nhiều dầu mỡ; vì thế sau hai tuần chỉ ăn toàn những món béo ngậy như thế, bao tử của tôi "biểu tình", không tiêu hoá thức ăn nữa. Tôi gặp món này lần đầu tiên là ở Yangon, sau đó ăn thử ở InLay và nhận ra đây là một món ăn khá ngon và dễ tiêu. Đây là món ăn duy nhất tôi biết ở Myanmar không dùng nhiều dầu mỡ.
Người Myanmar gọi món này là "Mê Ung Mi Xê". Món ăn này giống như lẩu của Việt Nam, nhưng được nấu trong một cái thố nhỏ vừa đủ cho một người ăn. Món ăn cũng gồm có thịt, rau (rau muống, cà rốt, bắp cải, giá…), bún, gia vị; ngoài ra còn có nấm, đậu hũ, sả và nhiều thành phần khác nữa mà tôi không biết tên. Tất cả hợp lại thành một món ăn khá ngon và hợp khẩu vị với tôi.
Giá của món ăn này khoảng 1 đô la Mỹ, cũng khá bình dân so với một bữa ăn truyền thống Myanmar. Tôi đã giới thiệu món này cho anh chàng Stefan người Bỉ và cô nàng Aude người Pháp. Cả hai cũng rất thích món này và đều tròn mắt ngạc nhiên khi biết giá của món này chỉ có một đô la Mỹ.
Tùy từng địa phương mà cách nêm nếm khác nhau. Ví dụ, ở hồ Inlay, người nấu cho nhiều đậu phộng vào nên món ăn có vị béo và thơm (dĩ nhiên vị béo của đậu phộng dễ chịu hơn nhiều so với vị béo của dầu mỡ chiên xào). Ở Yangon, người bán lại cho vào mè và nhiều sả nên món ăn có vị cay nồng; cái này mà ăn vào mùa mưa là hết sảy!
Tên gọi của món này trong tiếng Myanmar là Mê Ung Mi Xê. Ảnh: Quỳnh Dung
Quán bán món ăn ở hồ Inlay nằm ở khu chợ đêm. Chợ đêm ở đây cũng là chợ ngày. Ban ngày người ta họp chợ bên trong. Đến khoảng 5 giờ chiều, chợ đóng cửa, những người bán chợ đêm dọn hàng ngay trước cửa chợ để bán về đêm. Ở Yangon, quán này nằm ngay trên đường Mahabooni, nằm ngay trung tâm thành phố, cạnh Sule Paya (chùa Sule). Con đường Mahabooni ngày đêm lúc nào cũng tấp nập, nhộn nhịp hàng quán lề đường. Quán mà tôi hay ghé ăn món yêu thích nằm sau cầu vượt (từ cầu vượt đi khoảng 300 mét là đến).
Bạn sẽ nhận ra quán ăn đường phố bởi những cái thố được dùng để nấu món này nằm ngay trên bàn, phía sau của những cái thau đựng thành phần thức ăn (xem hình). Món này có thể được ăn cùng với ớt tươi giã hay kim chi. Nhớ ăn từ từ kẻo phỏng lưỡi nhé. Vừa ăn vừa hít hà vị thơm và cay của xả và ớt, vị béo của mè và đậu phộng nghen bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét