Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Du lịch Ấn Độ tự túc

Phan Đình Huê

 

 

 

 

Kushinagar (Câu Thi Na), một trong bốn điểm đến hành hương của các phật tử khi đến Ấn Độ.

- Tôi muốn tự túc đi Ấn Độ khoảng hai tuần với mục đích hành hương, xin cho biết nên chuẩn bị đi thế nào? (Nhiều bạn đọc tại TPHCM và các tỉnh).
- Điều đầu tiên là bạn phải tìm hiểu thông tin về điểm đến, rồi vạch ra lộ trình cho chuyến đi của mình sao cho thuận tiện, tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Về thủ tục nhập cảnh, bạn phải xin visa cả hai nước Ấn Độ và Nepal. Sau khi chọn ngày khởi hành, bạn hãy mua vé máy bay khứ hồi rồi lên đường.
Những nơi các Phật tử thường viếng nhất là Lambini (Lâm Tỳ Ni, cũng viết là Lumbini), Bodgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), Sarnath (vườn Lộc Uyển), Kushinagar (Câu Thi Na). Có lẽ bạn nên viếng cả bốn địa danh trên cộng với đền Taj Mahal, một biểu tượng văn hóa của Ấn Độ. Tuy cũng có một chút thử thách là lúc phải đi ô tô, lúc đi xe lửa và đôi khi có những đoạn ngắn phải đi bộ.
Ở Ấn Độ, các tuyến đường quốc lộ khá tốt, nhưng đường nội bộ trong các bang thì không được tốt cho lắm. Ô tô chạy tuyến đường dài thì hiện đại, còn xe chạy tuyến gần thì rất cũ kỹ và nhồi nhét – thậm chí khách bám cả trên thành và ngồi trên mui, chỉ nhìn thôi cũng đã toát mồ hôi hột!
Tất nhiên khách đi tour trọn gói thì có xe riêng, còn bạn đi tự túc và nhất là muốn đến cả những vùng hẻo lánh, nên phải chuẩn bị tinh thần là sẽ có lúc phải lên mấy chiếc xe như thế!
Ở Ấn Độ, đi xe lửa có lẽ thú vị hơn, vì xe chạy êm, khách ngủ phòng lạnh (giường hai tầng trong một khoang nhiều giường), giá rẻ, an toàn và nhất là có nhiều du khách quốc tế cùng đi nên rất vui. Từ Dehli đi bốn địa danh kể trên trong nước Ấn Độ đều có đường xe lửa, nhưng đi qua Lambini thì phải đi ô tô.
Peace Pagoda ở Lambini (Lâm Tỳ Ni).
Tôi đã từng đi tàu đêm từ Varanasi đến  Agra, được ngủ ngon vào buổi tối và được ngắm cảnh làng quê Ấn Độ vào buổi sáng, nên tôi rất thích.
Giá cả ở Ấn Độ khá rẻ, nếu chi tiêu tiết kiệm thì chỉ cần chi khoảng 10 đô la Mỹ cho việc ăn, uống mỗi ngày; khách sạn nhỏ ở các bang giá khoảng 10 đến 15 đô la Mỹ/ngày, nhưng ở thủ đô Dehli thì phải 20 đến 30 đô la; vé tham quan phổ biến từ 2 - 4 đô la/khách. Theo tôi chuyến đi tự túc của bạn trong khoảng hai tuần thì có chi phí mặt đất khoảng 800 đô la Mỹ.
Về an ninh ở Ấn Độ không đến nỗi phải quá lo ngại, dù tất nhiên cũng có những người hành nghề… móc túi (mà nước nào chả có chuyện này, bạn nhỉ!). Theo tôi, bạn nên sử dụng thẻ tín dụng, còn tiền mặt có thể để trong các túi khác nhau hoặc bỏ vào bóp cùng với hộ chiếu đeo trước bụng.
Bạn cũng nên biết là, người Ấn Độ rất thích được bo (tips), vì vậy bạn cần chuẩn bị sẵn một ít tiền lẻ (loại 1 - 2 đô la hoặc nhỏ hơn) để bo cho người phục vụ nhé.
- Đi Ấn Độ, nên mua gì về làm quà? (Hoài Sơn - Hà Nội; Lê Thị Tâm An - Huế).
Túi vải và áo thun là những đồ lưu niệm của Ấn Độ được nhiều du khách ưa thích. Ảnh: PĐH
- Người Ấn rất khéo tay nên họ làm ra khá nhiều đồ thủ công mỹ nghệ dễ thương. Bạn có thể mua tượng voi hay các vị thần làm bằng chất liệu gỗ, đất nung hoặc bằng đồng. Các loại túi vải, túi được dệt bằng chỉ hay sợi vỏ cây, nón (két) làm từ vải mềm, áo thun đều là những thứ có hoa văn lạ, đẹp mắt dễ làm quà cho trẻ em, phụ nữ. Ngoài ra, bạn đừng quên mua ít gói bột cari chính hiệu về tặng các bà nội trợ nấu món thịt gà nhé.
- Lâu nay tôi vẫn nghĩ rằng Ấn Độ là quê hương của Phật giáo, nhưng gần đây có người nói rằng người dân Ấn không mộ đạo Phật lắm, xin giải thích giúp việc này.
- Đạo Phật phát sinh từ Ấn Độ rồi phát triển thành một trong những tôn giáo lớn trên thế giới, nhưng phần lớn người Ấn theo đạo Hindu (hay còn gọi là Ấn Độ giáo, Bà La Môn giáo). Thống kê cho thấy hiện nay khoảng 70% dân số Ấn Độ là tín đồ đạo Hindu, 20% theo đạo Hồi và các tôn giáo khác, còn lại chỉ chừng 10% theo đạo Phật.
Về mặt tâm lý, tín đồ của đạo nào thì mới thấy các di tích liên quan đến đạo đó linh thiêng. Do đó cũng không khó hiểu khi những phật tử đến Bồ Đề Đạo Tràng, quì lạy Đức Phật hết sức thành kính, nhưng mấy ông bạn Ấn đứng bên cạnh lại hết sức tỉnh queo, đơn giản vì họ theo đạo khác.
Ở đây cũng xin nói thêm, người Ấn thường dùng từ Buddhist temple -  đền thờ Phật, để chỉ chùa, và quản lý Bồ Đề Đạo Tràng là một cơ quan nhà nước của bang Bihar, chứ không phải Giáo hội Phật giáo Ấn Độ. Tuy nhiên điều đó cũng không ngăn được hàng triệu tín đồ Phật Giáo đến quốc gia này hàng năm.
- Tôi nghe nói nhiều về đền Taj Mahal, xin vui lòng giới thiệu đôi nét về ngôi đền này?
- Đền Taj Mahal thuộc cố đô Agra, cách thủ đô Dehli hơn 200km về phía nam. Đền do hoàng đế Shah Jahan của nước Môgôn (Mughal) cổ xây dựng từ năm 1632 đến năm 1648; trong một khu vườn lớn có kích thước 320m x 300m. Tương truyền công trình đã sử dụng khoảng 20.000 thợ thủ công lành nghề trong vương quốc và các quốc gia lân cận.
Toàn bộ di tích này có nhiều kiến trúc bằng đá như cổng, nhà thờ Hồi giáo, hồ nước, đường đi, vườn cây… nhưng tất cả chỉ để tôn vinh cho kiến trúc chính đó chính là đền do nhà vua xây dựng cho hoàng hậu Mumtaz Mahal, người đã từ trần sau khi sinh người con thứ 14.
Đền Taj Mahal.
Đền Taj Mahal là một phức hợp kiến trúc bằng đá với bốn mặt được thiết kế đối xứng và bốn góc là bốn ngọn tháp cao hơn 40 mét giống hệt nhau. Vì vậy nhìn từ bốn hướng, người ta không phân biệt được đâu là mặt nam, bắc, đông, tây của đền. Bên trong đền là mộ của đức vua và hoàng hậu nằm sát nhau, được che bởi bức bình phong bằng đá chạm trổ rất công phu.
Điểm nổi bật nhất của kiến trúc này là mái vòm cao 35 mét bằng đá cẩm thạch trắng có hình dáng giống như một nhà thờ Hồi giáo (quốc đạo của vương quốc Môgôn). Nhìn tổng thể Taj Mahal đẹp như một tuyệt tác bằng đá trắng nên người ta không có cảm giác đây là nơi yên nghỉ của người quá cố.
Đến Ấn Độ, hầu như ai cũng mơ ước được một lần đến Taj Mahal để được tận tay sờ vào tác phẩm lừng danh bằng đá và chụp hình trước hồ nước nơi ngôi đền soi bóng hàng trăm năm nay. Lượng khách đến đây nhiều đến mức làm cho ban quản lý di tích sợ các tảng đá trong đền sẽ bị bào mòn bởi dấu chân (trần) và khói bụi xe ô tô! Vì vậy, tất cả các loại xe có động cơ bắt buộc phải đậu cách xa đền 2km rồi đi xe điện vào. Còn khách khi bước lên đền đều được phát cho những bọc ni lông mềm để xỏ chân vào.

Hành hương về đất Phật 



 

 

 

 

Bodhgaya (Bồ Đề đạo tràng) nơi đức Phật Thích Ca đắc đạo.

- Du lịch Ấn Độ, nên đi vào thời điểm nào trong năm là thuận lợi nhất và đi theo đường bay nào? (Lại Thành, Phan Thiết - Minh Hoàng, Sóc Trăng -  Lê Tâm và Hồng Giang, Huế)
- Vào thời gian cuối năm, khí hậu tại Ấn Độ rất lạnh, nhiệt độ có thể xuống dưới âm, nhưng vào mùa hè đôi khi lại lên đến trên 40 độ C. Vì thế, thời điểm thích hợp để đến Ấn Độ trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 4, hoặc từ tháng 9 đến tháng 10.
Phần lớn các tour từ Việt Nam đi Ấn Độ cũng trong thời gian này, trong đó tour đi hành hương chiêm bái Phật vì còn có lý do là vào dịp đầu năm mới âm lịch, nên du khách thường chọn tháng 2.
Hiện nay chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam sang Ấn Độ, vì vậy bạn phải bay quá cảnh qua Thái Lan, Malaysia hay Singapore với tổng thời gian bay khoảng 6 giờ. Giả sử bạn khởi hành từ TPHCM vào lúc 10g30, đến Băng Cốc lúc 12g30, quá cảnh rồi đi tiếp chuyến bay lúc 3g chiều, thì khoảng 9g tối sẽ đến thủ đô Delhi (giờ Ấn Độ đi chậm hơn Việt Nam 1g30 phút)
-  Xin cho biết đôi nét về tour hành hương đất Phật (Ấn Độ) và các đơn vị đang tổ chức? (Nguyễn Thanh Minh, Nha Trang - Hoàng Ngọc, Huế - Minh Tâm, TPHCM)
- Nước Ấn Độ xưa mà người Việt vẫn thường gọi là Tây Trúc, nay thuộc Ấn Độ và Nepal, là nơi phát tích đạo Phật, vì vậy hành hương về xứ Phật, chính là đi đến hai quốc gia này.
Ông Phan Đình Huê, Phó hiệu trưởng Trường Du lịch và Tiếp thị Quốc Tế (TPHCM); Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt (Viet Circle).
Các địa danh thiêng liêng mà Phật tử thường ao ước được đặt chân đến là Lumbini (vườn Lâm Tỳ Ni) là nơi thái tử Tất Đạt Đa chào đời, Bodhgaya (Bồ Đề đạo tràng) nơi đức Thích Ca đắc đạo, Sarnath (vườn Lộc Uyển) nơi đầu tiên đức Phật thuyết pháp sau khi đắc đạo, Kushinagar (Câu Thi Na) là nơi Đức Phật nhập niết bàn. Trong đó Lumbini nay thuộc Nepal, còn tất cả các địa danh còn lại đều thuộc Ấn Độ.
Hầu hết các di tích này đều không còn nguyên vẹn do bị tàn phá bởi thời gian và những cuộc xung đột bạo lực. Các tour này thường được tổ chức trong thời gian từ 10 ngày đến 2 tuần, đi bằng máy bay, xe lửa kết hợp với ô tô.
Tuy nhiên, tour này không phổ biến lắm, nên chỉ có một số chùa ở TPHCM đứng ra tổ chức cho các Phật tử và một vài công ty du lịch tổ chức dành cho khách thương gia. Đặc điểm tour hành hương do các chùa tổ chức là giá rẻ (vì có nhiều đêm ngủ trong chùa như chùa Việt Nam Phật Quốc tự ở Bồ Đề đạo tràng). Tour của các công ty du lịch tổ chức thì tiện nghi hơn, ngắn ngày hơn nhưng giá cũng cao hơn.
Hiện nay đang có tour hành hương Ấn Độ với điểm nhấn là đến Bồ Đề đạo tràng đúng vào ngày rằm tháng Giêng. Ở miền Nam, bạn có thể liên hệ với Công ty du lịch Vòng Tròn Việt (ĐT: 08.38.38 9.069 / 79) và ở miền Bắc, liên hệ với Công ty du lịch Asiana (ĐT 04. 35.736.748)
Đền Taja Mahal.
- Tôi nghe nói nhiều về tam giác du lịch Delhi – Jaipur – Agra nổi tiếng, đề nghị giới thiệu vài nét về tour này. (Lê Tâm, Huế - Trần Thọ, Đà Lạt)
- Delhi (trước đây là New Delhi), thủ đô của Liên bang Ấn Độ, vốn có rất nhiều di tích kiến trúc cổ tồn tại bên cạnh các tòa nhà hiện đại mới xây sau này. Jaipur là thủ phủ bang Rajasthan, được mệnh danh là Pink city (thành phố màu hồng) vì ở đây các thành cổ và đền đài đều được xây dựng bằng đá màu mận chín (còn gọi là màu gan gà); trong đó, nổi bật nhất là city palace (thành phố của cung điện) được xây dựng giữa thế kỷ 19, là một tập hợp của các dinh thự, đền thờ và bảo tàng bằng đá.
Còn Agra là nơi có đền Taja Mahal xây dựng giữa thế kỷ 17 bằng đá cẩm thạch trắng, được coi là một trong những kỳ quan thế giới mới, thậm chí nhiều người còn cho rằng đây là một trong ba kiến trúc nổi bật nhất của châu Á còn tồn tại (hai kiến trúc kia là Angkor Watt và Vạn Lý Trường Thành). Bên cạnh Taj Mahal, thì thành cổ Agra cũng là một điểm tham quan thú vị khác.
Delhi, Jaipur và Agra nằm cách nhau hơn 200km nên rất dễ dàng liên kết để tạo thành một tuyến điểm du lịch hình tam giác mà ai đến Ấn Độ chưa đi thì cũng có thể coi như chưa đến nước này. Hiện nay các tour đi tham quan ba địa điểm này phổ biến trong khoảng 1 tuần.
Jaipur.
Cộng hòa Ấn Độ là một quốc gia nằm ở Nam Á, có diện tích lớn hơn Việt Nam 9 lần (3,287 triệu km2) và đứng thứ 7 trên thế giới. Ấn độ được chia thành 28 bang và 7 vùng lãnh thổ liên bang, với dân số khoảng 1,2 tỉ người, đứng thứ 2 trên thế giới.
Khi nói đến Ấn Độ, du khách thường nghĩ ngay đến một vùng đất kỳ bí như chính quảng cáo incredible India (Ấn Độ huyền thoại) của ngành du lịch nước này. Ấn Độ là xứ sở của các tôn giáo lớn như đạo Phật, đạo Hindu. Ấn Độ có rất nhiều đền đài và di tích tôn giáo được làm bằng đá hàng trăm năm trước, nên đã thu hút khách một lượng đông đảo du khách khắp nơi trên thế giới.
Những kiến trúc nổi tiếng nhất có thể kể đến là đền Taj Mahal làm bằng đá cẩm thạch, các cung điện làm bằng đá đỏ, hay các đền thờ đạo Hồi, đạo Hindu, đạo Phật và di tích của đạo Phật ở Bồ Đề đạo tràng. Bên cạnh đó, thì các bãi biển ở Ấn Độ Dương, sông Hằng (Ganges river), hay vùng rừng núi giáp Nêpal cũng rất hấp dẫn.

Đi Ấn Độ, cần chuẩn bị những gì?


 

 

 

 

Du lịch Ấn Độ đang là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều người Việt Nam.

- Tôi nghe nói thức ăn của người Ấn không hợp khẩu vị người Việt mình, có đúng vậy không? Nếu đi Ấn Độ vài ngày, liệu có cần mang theo thực phẩm gì bổ sung?
- Người Ấn nấu gì cũng có cà ri. Đó là một truyền thống lâu đời, cũng như xứ mình ăn gì cũng phải có nước  mắm. Và họ thích ăn bột mì hơn là gạo. Cả hai món này quả thật là không hợp khẩu vị với người Việt vốn chỉ quen ăn cơm với các thức ăn được luộc, nướng, xào hay kho mặn.
Các công ty du lịch thường chen một số bữa ăn có rau luộc, thịt dê nướng, cá chiên cùng với cơm (nấu hơi nhão) cho du khách Việt Nam. Nếu bạn vẫn chưa yên tâm thì có thể đem theo  mì gói (loại trong ly), tôm khô, muối tiêu, hay cá cơm kho mặn, nhưng nhớ đừng mang nước mắm (không được đem lên máy bay), thịt heo hay thịt bò (người theo đạo Hồi, đạo Hindu kiêng cữ).
Ca ri là thứ gia vị không thể thiếu, hầu như món ăn nào của người Ấn cũng có loại gia vị cay nồng đặc trưng này.
Tuy nhiên theo tôi, bạn nên tham khảo khuynh hướng của các du khách châu Âu là khi đi du lịch nước ngoài, ngoài việc tham quan xứ lạ quê người họ còn tìm hiểu văn hóa bản địa thông qua ẩm thực. Do đó họ luôn ăn món ăn địa phương như một sự trải nghiệm thú vị hơn là bắt buộc. Chính điều này giúp họ cảm thấy thoải mái và có thể đi được nhiều nước trong thời gian dài.
- Nhiều người đi Ấn Độ than phiền về khí hậu nóng nực. Nhưng đi hành hương thì theo tôi nghĩ là không thể ăn mặc tùy tiện, thoải mái như đi du lịch nghỉ dưỡng. Vì vậy, xin cho biết khi đi Ấn Độ nên chuẩn bị trang phục như thế nào phù hợp?
- Ấn Độ là một trong những quốc gia có thời tiết khá khắc nghiệt. Mùa hè có lúc nóng hơn 400C, còn mùa đông lạnh có khi dưới 00C.
Hạn hán là nỗi ám ảnh hàng năm của nông dân Ấn Độ.
Nếu bạn đi vào mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 9) thì nên mang theo nón rộng vành, quần áo mềm, mỏng, dễ thấm mồ hôi và một ít viên C sủi bọt (để bổ sung lượng khoáng chất bị hao hụt do ra mồ hôi), đồng thời phải cẩn thận với các cơn mưa rào. Nếu bạn đi vào cuối mùa thu, trong mùa đông và đầu mùa xuân (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau), thì phải đem theo áo ấm, một ít mứt gừng để giữ ấm cơ thể.  Còn khi vào trong các đền, miếu thì bắt buộc phải mặc trang phục chỉnh tề, lịch sự.
Hiện nay các tour Ấn Độ thường được tổ chức vào các tháng có thời tiết khá tốt (như đã nói ở kỳ trước), nên bạn không quá lo cho sức khỏe của mình. Tuy nhiên nếu bạn là một người muốn mua tour giá rẻ trong các tháng cao điểm mùa hè, hay giữa mùa đông, thì nhất thiết phải tìm hiểu thật kỹ dự báo thời tiết trước khi lên đường.

Và mùa đông, khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 0 độ C cũng là những ngày khung khiếp với những người nghèo khổ. 
- Vấn đề an ninh trật tự ở Ấn Độ, qua những thông tin thời sự khiến tôi e ngại. Xin cho tôi vài lời khuyên.
- Ấn Độ là một quốc gia đa tôn giáo, thỉnh thoảng cũng có xảy ra một số vấn đề về an ninh. Điều đáng mừng cho khách du lịch là các điểm tham quan tập trung chủ yếu ở miền Trung và cách rất xa vùng biên giới Tây, Nam – là nơi thỉnh thoảng xảy ra những vụ khủng bố, nên rất an toàn.
Tuy nhiên bạn cũng nên làm quen với hình ảnh nhân viên an ninh mang súng dài đi tuần tại sân bay, bến cảng hay nơi công cộng ở Ấn Độ. Với kinh nghiệm đi gần 20 quốc gia trên thế giới, thì tôi thấy điều này không có gì đặc biệt, vì nhiều nước cũng làm như vậy. Chính điều này làm cho chúng ta thấy quý sự bình yên của đất nước mình.
- Xin cho biết đôi nét về sông Hằng và các tour tham quan dòng sông này?
Đông đảo người Ấn ùn ùn xuống tắm giặt bên bờ Tây sông Hằng.
- Sông Hằng (Ganges river) dài 2.500km, bắt nguồn từ dãy Himalaya, đổ về hướng đông, đến cuối hạ lưu thì cùng với sông Brahmaputra, tạo thành đồng bằng Bengal, rộng nhất thế giới. Hiện nay thượng lưu của sông này nằm chủ yếu trong nước Ấn Độ, còn hạ lưu và vùng đồng bằng Bengal thì phần lớn thuộc Bangladesh.
Đối với những người theo đạo Hindu, thì sông được coi như một vị thần linh thiêng, chính vì vậy họ thường tổ chức lễ cúng thần sông ở nhiều nơi, còn các vị vua hay lãnh chúa xưa thường chọn bờ sông để xây kinh đô hay pháo đài.
Đoạn sông linh thiêng nhất – theo quan niệm của người Ấn Độ giáo - là đoạn sông chảy qua thành phố 5.000 năm tuổi (cổ nhất thế giới) Varanasi, thuộc bang Uttar Pradesh. Tại đây, ngày nào cũng vậy,  từ lúc tờ mờ sáng có hàng ngàn người dân đến quỳ lạy, khấn vái trên bờ hay gục mặt xuống nước một cách hết sức thành kính để cầu xin thần sông Hằng ban phước lành hay tha thứ cho những điều tội lỗi mà họ mắc phải. Những người giàu có bị bệnh nặng thì rất thích đến đây …chờ chết, để được hỏa thiêu và rải tro xuống dòng sông!
Tại khúc sông chảy qua thành phố Varanasi này có một cồn cát nổi giữa dòng, nên đó cũng chính là nơi ngắm nhìn bình minh trên sông Hằng thích hợp nhất. Tôi đã từng đến đây để được xem tất cả những điều kể trên với cảm giác lẫn lộn. Với tôi, sông Hằng vào buổi sáng rất đẹp, nhưng các hoạt động tôn giáo thì đầy màu sắc huyền bí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét