Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Chợ phiên đầy sắc màu bên biển Goa


SGTT.VN - Thật lạ lùng khi đến tận miền Nam Ấn Độ xa xôi vẫn gặp những người Tây Tạng lưu vong bán tranh thang-ka, pháp luân chung, chén hát Tây Tạng… Nhưng đã ăn thua gì với các ông tây bà đầm từ bên kia đại dương xa lắc cũng bày mấy thứ lạc-xoong ra mẹt – thúng – mủng – nia ngồi phơi giữa một phiên chợ rực rỡ sắc màu ở Anjuna, Goa, Ấn Độ.
Sắc màu truyền thống của người Ấn độ miền Goa này. Ảnh:
Còn thuộc về Bồ Đào Nha cho đến những năm 1960, Goa là thiên đường du lịch cho dân hippy thập niên 60 – 70 thế kỷ trước, với những bãi biển đẹp. Tôi không là tín đồ của bãi biển như các bạn tây, vì quê nhà nhiều biển đảo đẹp, nhưng khi từ bắc Ấn xuôi nam tôi không thể không dừng chân ở Goa vì được nghe quá nhiều về miền đất này.
Biển hồng, biển xanh và tôm cá
Tôi ghé làng nhỏ Anjuna để đến phiên chợ thứ tư nổi tiếng ở đây, nhưng chưa thấy chợ, tôi đã ngất ngây vì bãi biển Anjuna và các bãi kế đó chỉ vài phút chạy xe. Anjuna không dằng dặc thuỳ dương cát trắng được chia hai phần hơi tách bạch. Phần bãi cát thoải người ta đang dựng lều trại chờ ngày mai phiên chợ. Phần còn lại nằm ngay bên vách một sườn đồi nghiêng nghiêng chạy dài. Biển ở dưới chân sườn dốc nhiều đá gộc gồ ghề không tắm được, nhưng rất đẹp. Đẹp lạ! Vì có bao giờ bạn thấy biển màu hồng? Sườn đồi nằm ven biển đất đỏ nên những con sóng xanh vỗ vào sẽ nhuốm hồng. Cả vùng biển dưới chân sườn dốc hồng rực, ra xa một tí sẽ nhạt dần và xa tí nữa biển lại xanh. Với du khách nhác tắm biển, chỉ thảnh thơi đòng đưa trong chòi lá, dưới bóng dừa râm, hóng gió, nhấm nháp từng ngụm Kingfisher lạnh ngắt, ngắm biển hồng… thì Anjuna quả là hơn cả mong đợi!
Còn thích bơi lội, leo lên chiếc xe scooter (thuê ở Anjuna, chỉ 60.000 đồng/ngày) phi vài phút là đến bãi Vagator, nằm trong danh sách bãi đẹp của Goa, để vẫy vùng trong biển xanh bên cát trắng... Muốn vừa tắm biển xong là có cá tươi mới về bến để nhấm nháp, chịu khó chạy thêm vài phút nữa là đến bãi biển gần xóm chài Chapora, nơi bạn có thể chen chân với các ông tây bà đầm xăn quần vén váy lội ra tận thuyền lựa tôm cá tươi, mang vô nhờ cô chủ quán nấu giúp. Vẫn chưa đủ? Có ngay pháo đài cổ Chapora do người Bồ Đào Nha xây dựng từ năm 1617 sừng sững trên đồi cao gần đó, sẽ là nơi bạn ngắm nghía kiến trúc xưa cũ. Đây cũng là một quang cảnh rất tuyệt để bạn “chờ” hoàng hôn biển đỏ rực, làm nền cho bầy hải âu chập chờn, những cánh cò chao trên vườn dừa không xa bên dưới… Thế mới hiểu vì sao các bạn cứ kể về Goa, dù đây chỉ mới là Anjuna, chưa phải các điểm được đánh giá cao hơn nữa.
Những nụ cười nhiều “sắc màu”
Các bạn tây bày bán hàng thủ công mỹ nghệ tự làm tại chợ phiên. Ảnh:
Thế nhưng vẫn háo hức chờ chợ phiên! Có thật sự hấp dẫn, có nhiều màu hơn chợ phiên Tây Bắc vốn nổi tiếng rực rỡ sắc màu, hay cũng chỉ là đồn đãi. Hôm sau tôi dậy thật sớm chạy tót ra chợ phiên. Vắng tanh vì quá sớm! Lại phải đánh xe một vòng tìm bãi đẹp ngắm bình minh, khi quay lại, không biết từ đâu mà nhanh như chớp, sắc màu đã đổ về rạo rực cả bãi biển; rực rỡ hơn chợ phiên Tây Bắc nhiều.
Chợ Tây Bắc ngoài mấy cô gái Mông, Dao… xinh xinh xống váy lắm màu, cũng không cạnh tranh được với áo váy mấy cô, mấy dì ở đây; còn lại hàng hoá giờ chủ yếu hàng Tàu, xám ngoét hoặc hoe hoe nhợt nhạt sắc, hoặc diêm dúa đến khó chịu. Còn ở đây, xiêm y dù rất rực rỡ của các phụ nữ cũng không bằng một góc so với màu sắc của hàng hoá. Từ những thau chậu gia vị nồng nàn sắc, vun đầy nằm kề nhau luôn có trong các bức hình kinh điển về Ấn Độ, đến những vải vóc, áo quần, đến đèn lồng, đến tranh thêu, bình shisha, đến đồ sơn mài, hàng lưu niệm đủ loại… tất cả đều rực lên muôn sắc mà có lẽ chỉ có cuốn pantone màu mới có đủ.
Chưa kể sự đa dạng của hàng hoá, sắc màu lạ của đủ loại du khách, sự góp mặt của những người bán hàng cũng là những “sắc màu” riêng của phiên chợ này. Từ những người Tây Tạng lưu vong nhẫn nại hiền lành ngồi gõ những cái chén hát thị phạm cho khách. Từ những ông tây bà đầm già – chắc ở lại đây luôn từ thuở đi hippy thế kỷ trước; đến các cô tây xuân thì ngồi bày bán mấy cuốn sách cũ, mấy đồ buộc tóc, vòng đeo tay tự tết lấy… điểm thêm sắc màu cho phiên chợ nhộn nhịp một cách bình yên. Hàng hoá từ thượng vàng hạ cám, bạn cứ săm soi ngắm, mạnh dạn thử, trả giá… đều nhận được những nụ cười vui vẻ chứ không là những cái lườm nguýt hay mấy mảnh giấy báo đốt phong long, rồi…; bạn cứ thoải mái lượn lờ ở đây.
Lang thang chợ phiên, thấy cái gì cũng hay nhưng vẫn thấy thiếu thiếu, nhớ nhớ cái gì. Té ra là nhớ nồi thắng cố và cái can rượu ngô của mấy chú mấy anh Tây Bắc nhà mình! Nhưng đã có một quầy bar trong quán tranh râm mát ven rìa chợ, kề biển xanh. Tôi bước nhanh vào quán. Cụng chai Kingfisher cái cốp, tỏ ý khích lệ cậu trẻ Mark, từ Sydney, chen chung bàn đang hồ hởi chia sẻ: “Để tao về nhà học mấy nghệ nhân, mai mốt ghé lại Goa hay cả ở những chỗ khác, làm mấy thứ bày bán kiếm chút đỉnh chứ đi chơi không vầy cũng uổng!” Rồi chợt nghĩ, không kể như mình đã quá thời từ lâu (!), các bạn trẻ Việt Nam bây giờ, được bao người suy nghĩ như cậu Mark?
BÀI VÀ ẢNH : TRẦN THÁI HOÃN
Có thể đến Goa từ Mumbay, Bangalore… nhưng phổ biến nhất là từ Mumbai. Có cả xe lửa, buýt (khoảng 12 – 14 giờ, 200.000đ/xe thường – 300.000đ/máy lạnh) và máy bay (45 phút). Anjuna là nơi nghỉ ngơi giá rẻ nhất Goa, chỉ trên dưới 100.000đ/phòng, thuê xe scooter chỉ 60.000đ/ngày. Hải sản nhiều, giá rẻ bằng 2/3 ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét