Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Bạn muốn đến Nepal không?


Có một quốc gia nhỏ bé, nằm giữa hai “cường quốc” về dân số là Trung Quốc và Ấn Độ. Có một mảnh đất đẹp và thần bí nằm sâu trong lục địa, phía nam dãy Himalaya, thuộc Nam Á. Đó là Nepal.

Những ngôi chùa cổ kính, những con đường đẹp nhất thế giới đã quyến rũ biết bao nhiêu du khách. Nepal nghèo, nghèo gần như nhất Châu Á, nhưng cái sự nghèo nàn ấy không hề  phủ mờ đi cái đẹp và sự thần bí của đất nước này. Bởi có một thứ luôn luôn tỏa sáng, đó chính là nền văn hóa và lịch sử lâu đời hiển hiện trên từng góc phố, từng viên đá, từng bộ trang phục, và lễ nghi...nơi đây. Không chỉ được coi là Vùng Đất Thánh với những thánh tích được bảo tồn gần như nguyên vẹn, mà Nepal còn được biết đến là đất nước của những ngọn núi, trong đó có đỉnh Everest, được mệnh danh là “nóc nhà thế giới”. Chính bởi những nét quyến rũ khó cưỡng ấy, Nepal đã không còn chỉ là điểm đến của riêng những tín đồ Phật Giáo có tâm nguyện hành hương về Đất Phật nữa, mà đang dần trở thành lựa chọn hàng đầu cho những người thích chinh phục đỉnh cao của các ngọn núi, và những người đam mê du lịch. 
 
Nóc nhà thế giới Everest 
Khi đặt chân tới Nepal, điều đầu tiên bạn nhận thấy là mật độ dày đặc của hệ thống đền chùa. Đền chùa ở khắp mọi nơi, trên sườn dốc, trên núi, giữa quảng trường, trong khu dân cư, hoặc thậm chí là ngay giữa lòng phố, giữa khu chợ đông đúc ồn ào. Người dân Nepal có đời sống tín ngưỡng vô cùng phong phú. Ăn uống, sinh hoạt, làm việc…tất cả đều trong bầu không khí thanh khiết ấy. Họ cầu nguyện luôn luôn, với một dây tràng hạt trong tay. “Một năm có 365 ngày thì ở Nepal có tới 126 lễ hội lớn nhỏ và họ cầu nguyện quanh năm”. Tính cách người dân Nepal hiền hòa, có lẽ là bởi thế! 
 
 
Những ngồi đền, chùa cổ kính ở khắp nơi

Một số lưu ý khi du lịch ở Nepal:

Trước khi quyết đinh tới Nepal, bạn cần trang bị cho mình một chút hiểu biết về đất nước này.  

Khí hậu: Nepal nằm trong vùng khí hậu Á nhiệt đới. Có 3 mùa luân chuyển trong một năm. Mùa hè (tháng 4 -tháng 6), mùa mưa (từ tháng 6 – tháng 10), và mùa đông (tháng 10- tháng 4 năm sau). Thời gian phù hợp nhất để du lịch Nepal là vào khoảng tháng 10 –tháng 11. Thời gian này, khí hậu Nepal khá dễ chịu, không khí trong lành. Tháng 2-  tháng 4 cũng khá ổn tuy nhiên không tốt bằng tháng 10 - tháng 11. Nếu bạn muốn trải nghiệm mùa đông ở Nepal, muốn ngắm nhìn và co ro giữa trời tuyết trắng xóa, thì thời điểm từ tháng 11 tới tháng 1 năm sau là một sự lựa chọn hoàn hảo. Tháng 5 -7, thời tiết khá nóng. Mùa mưa vào tháng 7-9 sẽ làm trời u ám, đường trơn trượt, không thích hợp du lịch ở Nepal. 

Tới Nepal bằng cách nào: Nepal có tới 35 sân bay trên toàn nước, tuy nhiên, từ Việt Nam chưa có chuyến bay thẳng tới đây. Vì thế, bạn buộc phải quá cảnh tại Bangkok (Thailand) hoặc New Dehli (Ấn Độ). Nepal cũng không đặt nhiều Đại sứ quán tại các nước, nên phần lớn du khách thường lấy visa ngay tại Hải quan sân bay  (thời hạn 60 ngày, giá $30-40). Một lưu ý quan trọng, nếu bạn tới Nepal bằng ô tô từ Ấn Độ, thì khi xin visa vào Ấn, bạn phải xin loại double (ra -vào 2 lần), nếu không, khi từ Nepal trở lại Ấn Độ,  hải quan Ấn Độ sẽ từ chối cho bạn nhập cảnh.

Giao thông: Giao thông Nepal khá thú vị, với nhiều chủng loại phương tiện, nhưng chủ yếu nhất vẫn là ô tô (xe đò), và tàu thuyền (chạy bằng dầu diesel). Xe máy cũng có nhưng không phải lúc nào cũng chạy, vì “không có xăng để bán” .

Ăn uống: Giống với một số quốc gia khác như Laos, Malaysia gốc Ân, người Nepal cũng ăn bốc, không dùng đũa hay thìa dĩa. Một bữa ăn điển hình của người dân Nepal là cơm trộn rau (gọi là dal-bhat) cùng một số loại gia vị. Bột mì, ngô, kê và khoai tây là món ăn chính của người dân vùng núi. Tuy nhiên, bạn cũng không cần quá lo lắng vì không hợp khẩu vị hay thói quen, vì ở Nepal cũng có những nhà hàng khá sạch sẽ với những thực đơn làm yên lòng du khách. Nhưng riêng tôi thì cho rằng, tới mỗi một vùng đất, cái chúng ta cần nhất chính là sự trải nghiệm. Mới, lạ, thậm chí là một chút “bất ổn” mới chính là thứ dân du lịch thứ thiệt cần. 
Dal-bhat, món ăn truyền thống của người dân Nepal

Tất nhiên, nói thế không có nghĩa bạn nên đón nhận bất cứ thứ gì (trong ăn uống) một cách “hồn nhiên”. Ví dụ, vì chất đất của Nepal không tốt nên lời khuyên dành cho bạn là tuyệt đối không uống nước lã, nhất định phải đun sôi nước trước khi uống, thậm chí là đun sôi cả sữa. Đồ ăn cũng vậy, chỉ ăn khi đã được làm chín.

MỘT SỐ ĐIỂM THAM QUAN CHÍNH

Thủ đô Kathmandu:
Tên thành phố nghĩa là” Thành phố quang minh”, quanh năm là mùa xuân với nhiệt độ trung bình là 20oC. Là thủ đô, và cũng là thành phố lớn nhất Nepal, Kathmandu chia làm hai khu vực: Cựu thành và Tân thành. Cựu thành tập trung những công trình kiến trúc cổ, cung điện, đển chùa. Tân thành là vương cung hiện nay, và là tòa nhà Chính phủ. 

Quảng trường Durbar:
Quảng trường này nằm trong thành cổ, ngay trước cố cung, bao gồm những kiến trúc cổ của Nepal được xây dựng từ thế kỷ XVI- XIX. Hiện còn 50 ngôi đền và cung điện vẫn giữ nguyên phong cách kiến trúc từ thời Trung cổ. Hầu hết những công trình này đều là Di sản Văn hóa Thế giới.

Cố cung Hanuman Dhoka:
Tên gọi khác là Cung thần Khỉ, được xây dựng vào thế kỷ XIII. Từ thế kỷ XIX trở về trước là hoàng cung của các triều đại. Hoàng cung này có 5 tầng và vô số phòng. Hiện nay còn 12 ngôi đền được coi là tinh hoa trong nghệ thuật kiến trúc của Nepal. Phía trước cố cung có một pho tượng Khỉ, khoác áo màu đỏ, che ô, đó là Thần Khỉ hay Thần bảo hộ, theo tín ngưỡng của người Nepal.


 
Thành cổ Phadgaon:

Đây là thành cổ lớn thứ 3 của thủ đô Kathmandu, là cái nôi kiến trúc và nghệ thuật của Nepal thời kỳ Trung cổ. Năm 1980, Phadagaon được Liên hiệp quốc liệt vào danh sách 18 kỳ quan của Châu Á cần phải được bảo vệ. Truyền thuyết  kể rằng, thành được quốc vương Malay thiết kế theo hình con ốc biển vào thế kỷ IX. Hình ảnh đầu tiên khi bước chân vào thành cổ là một ngôi đền tháp 5 tầng, đây là kiệt tác nghệ thuật và là ngôi đền cao nhất của Nepal. Hai bên bậc thềm là tượng các con vật với kích cỡ và hình dáng khác nhau, với nhiệm vụ bảo vệ thành cổ Phadgaon. Trong ba thành phố thuộc Kathmandu thì Phadgaon là nơi sản xuất đồ gốm nổi tiếng.

Chợ gốm : Đây là nơi hấp dẫn nhất của thành cổ Phadgaon. Người dân nơi đây đều sống bằng nghề làm gốm sứ với kỹ thuật bàn quay thủ công nhưng mỗi ngày có hàng vạn sản phẩm gốm sứ đẹp ra lò. 

Thành phố Pokhara:
Hồ Phewa và núi tuyết Anapurna

Nằm cách thủ đô Kathmandu 200km về phía Tây, Pokhara nổi tiếng thế giới về phong cảnh tự nhiên và là điểm du lịch nổi tiếng của Nepal, với hồ Phewa và núi tuyết Anapurna bao quanh. Vùng hồ yên tĩnh và giá cả phải chăng làm cho Pokhara trở thành khu du lịch hấp dẫn của Nepal. 

QuyPham_
Theo IAMES

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét