Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Thung lũng các vì vua Tampak Siring – Bali – Indonesia



gunung-kawi
Chuyến ghé thăm đảo Bali, ngoài những bãi biển trải dài, những bữa ăn phong phú hải sản, bạn chắc chắn sẽ ấn tượng với những đền đài đặc trưng của hòn đảo kỳ diệu. Đất nước vạn đảo Indonesia có một lịch sử lâu đời và những chuyến di cư vĩ đại của nhiều dân tộc từ xứ Đông Dương hay Ấn Độ Dương đã tạo nên quần thể dân cư phong phú bậc nhất Đông Nam Á. Mỗi hòn đảo tách biệt bởi địa lý và biển cả đã tạo điều kiện cho con người nơi ấy giữ trọn vẹn nền văn hóa từ ngàn xưa để ngày nay mỗi bước chân lữ khách lại là một câu chuyện mới mở ra trên hành trình khám phá. Du Lịch Việt mời các bạn cùng ghé thăm đảo Bali Indonesia mà hành trình kỳ này sẽ dừng chân tại Tampaksiring, vùng đất mà người ta hay gọi là thung lũng của những vị vua.
Tampaksiring là thị trấn ở trung tâm đảo Bali, Indonesia nơi tọa lạc ngôi đền nổi tiếng Gunung Kawi. Trong quá khứ, Tampaksiring là một trong những trung tâm quyền lực ở Bali trong thời trị vì của các nhà vua. Đô thị này cũng là nơi có cung điện Tampaksiring, công trình được xây dựng giữa những năm 1957 – 1960 với sự khởi xướng của tổng thống Soekarno.
Biểu tượng tôn giáo và tín ngưỡng mang tên Gunung Kawi là ngôi đền Hindu giáo vốn được bỏ quên từ thời xa xưa. Dựa vào những mô tả của Tengkulak A vào năm 945 saka (lịch của người Bali) được ấn hành bởi nhà vua Marakata, khu vực đền nằm bên dòng Pekerisan và được gọi là Katyangan Amarawati. Dòng sông Pekerisan cũng được đặt lên bởi Jalu và dựa vào những điêu khắc trên cánh cửa ngôi đền lớn nhất có viết “Haji Lumahing Jalu” mà người ta xác định được. Cái tên Gunung Kawi cũng bắt nguồn từ khu quần thể khi hình dáng xây dựng của đền giống như biểu tượng những ngọn núi. Đền cổ Gunung Kawi được xác định tồn tại khoảng thế kỉ thứ X Sau CN trong thời đại Udayana năm 989. Trong thời gian tại vị của Marakata năm 1023, ngôi đền có tên gọi Katyagan Amarawati. Thời hưng thịnh của Gunung Kawi được phát triển và gìn giữ trong thời vua Anak Wungsu trị vì vào khoảng năm 1049 – 1077.
Gunung Kawi nổi tiếng nhất là những candi. Candi chính là những ngôi đền nhỏ được tạc vào trong vách đá. Mỗi candi cao khoảng 7m, được đặt vào những hốc đá thẳng đứng, công trình được cho là để dâng lên nhà vua Anak Wungsu triều đại Udayana và những người vợ yêu của ông.
Đền Gunung Kawi, ngôi đền tiền-Hindu (pre-Hindu) nổi tiếng ở Bali.
 Ở một trong các điểm gặp nhau của những con đường đông đúc tại Tampaksiring có biển ghi “Objek Wisata Gunung Kawi”. Con đường dẫn đến một nơi nhỏ đậu xe nhỏ. Từ đây lối nhỏ dẫn vào thung lũng thần thánh bên dòng Pakerisan với những ruộng lúa xanh mát hai bên khiến du khách cảm thấy rất nhẹ nhõm cất bước.
Đường vào quần thể đền Gunung Kawi xanh mát lúa và cây cỏ
Mười ngôi đền nhỏ – candi ở Gunung kawi là những kiến trúc còn nguyên vẹn nhất và lớn nhất trong tổng số 15 candi ở Bali.
Một lối nhỏ dẫn vào quần thể Gunung Kawi
Cách gọi những ngôi đền nhỏ là Candi đến từ Candika, tên gọi của nữ thần vốn là vợ thần Shiva, vị thần cao cả trong đạo Hindu. Những candi được làm từ đá và đặt trong các hốc khoét tròn hoàn toàn mang âm hưởng từ văn hóa Bali mà không giống ở nơi đâu trên thế giới. Tuy vậy bạn cũng có thể nhận ra kiểu kiến trúc tổng thể có chút gì đó gần như những candi ở đảo Java, Indonesia.
Trái ngược với những lời đồn đoán, candi không phải là những ngôi mộ, bên trong chưa bao giờ chứa xương hay tro người. Với lòng tôn kính, những candi được xem là biểu tượng trường kì cho sự tồn tại của những thành viên trong gia đình hoàng tộc.
Mặt trước những candi với 3 tầng trên mái với hình tượng linga-yoni giao hòa
Những candi của Gunung Kawi được chia ra thành 3 phần rõ rệt. 4 candi nhỏ có thể tìm thấy ngay bên cạnh dòng sông, 5 candi chính nằm phía đối diện và du khách có thể dễ dàng nhìn thấy từ trên cao, candi thứ 10 nằm hơi sâu về phía sau của cụm candi chính.
Kiến trúc bên ngoài candi có dáng như tòa cao ốc vút cao với mái 3 tầng mang hình tượng linga-yoni giao hòa (hai biểu tượng cho âm dương và giới tính trong Hindu giáo). Mỗi candi thật sự nhìn như những cánh cửa, mở ra nhưng chưa biết dắt đến nơi đâu. Candi cũng chất chứa những câu chuyện và truyền thuyết kì bí về Hindu giáo của người Bali mà các hướng dẫn viên rất vui lòng chia sẻ với các du khách mê tìm hiểu lịch sử.
Bảng điêu khắc những ký tự hình chữ nhật bằng tiếng Tây Java
Phía trên mỗi cánh cửa vào đền đều có bảng điêu khắc những ký tự bằng tiếng Tây Java hình chữ nhật trong khoảng thế kỉ 11. Mặc dù nhiều ký tự đã bị xóa mờ hoặc phá vỡ nhưng những gì còn sót lại cũng góp phần chứng tỏ sự ra đời của Gunung Kawi vào khoảng thời gian này
Một công trình kiến trúc có mái che dùng làm nơi sinh hoạt
Đối diện bên sườn núi của những Candi là khu vực rộng lớn được chia ra thành 3 phần bởi những cây cột. Một vài không gian rộng 8m chiều dài và 3m chiều sâu với trần cao hơn 2m. Trong khu vực còn có khoảng 34 công trình điêu khắc vào đá khá tinh xảo khác.
Dòng nước thiêng chảy qua ngôi đền
Với những người Bali theo Hindu giáo, người ta tin rằng khi dòng nước chảy qua những candi, dòng nước ấy sẽ trở nên thiêng liêng qua việc kết nối với vị thần đang ngự bên trong. Điều đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay khi Gunung Kawi vẫn tồn tại như là cội nguồn của dòng nước thiêng cho các buổi lễ của người Hindu ở Bali.
Bước chân đến Bali, ghé thăm Gunung Kawi, chắc hẳn bạn sẽ có những cảm nhận vừa gần gũi nhưng cũng lại rất mới lạ toát lên từ đền thiêng. Nơi ấy trời và đất, cỏ và cây, nắng và gió cứ như giao hòa trên bước đường khám phá của tất cả lữ khách.
An Nam – Du Lịch Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét