Ngân Hà
Lần đầu tiên tôi ăn cơm bốc kiểu Ấn là ở... Malaysia, trong khu Tiểu Ấn (Little India). Ngồi ăn mà cứ thấp thỏm không hiểu mình có uống nhầm phải nước rửa tay hay không.
Giờ thì tôi đã mê mẩn và ăn cơm bốc kiểu Ấn thành thạo không kém người Ấn.
Lần đầu tiên tôi ăn cơm bốc kiểu Ấn ở khu Tiểu Ấn (Little India) của TP.Penang (Malaysia). Lò dò những bước đầu tiên vào khu Tiểu Ấn, mắt chúng tôi hoa lên vì những bộ váy áo saree rực rỡ và lấp lánh, mũi hít hà mùi hương trầm thơm nồng đặc trưng của người Ấn, còn tai thì nghe tiếng băm chặt rộn ràng.
Ăn cơm bốc kiểu Ấn tại khu Little India, Penang (Malaysia)
Ngoài hè quán ăn bên kia đường, một anh chàng đầu bếp mập ú da đen bóng đang xào món gì đó bốc khói bằng... hai con dao phay. Vậy là quên cả saree lấp lánh, tất cả ào sang, mắt tò mò dán chặt vào đôi bàn tay đang băm tít mù như múa trên chiếc chảo phẳng như mặt bàn. Rồi khi đám khách lạ nuốt nước miếng ừng ực, anh chàng xúc gọn tất cả số mì băm nhỏ, sém vàng ấy vào đĩa bằng một động tác cũng như múa và mất hút vào trong nhà.
Chưa hết chưng hửng thì anh bếp quay ra. Lần này, anh chàng biểu diễn món cơm rang, vẫn đảo bằng dao, chỉ khác là dùng một chiếc. Nhưng anh chàng lại làm chúng tôi lác mắt khi rút ra một khay gia vị gồm đến hơn chục bát nhỏ, đủ màu vàng, cam, đỏ... và thoăn thoắt xúc mỗi thứ một thìa nhỏ cho vào chảo cơm. Lập tức, mùi càri, ớt bột cay nồng xộc lên.
Lân la hỏi chuyện, anh chàng bếp hay cười gốc Ấn tên Tariq chỉ tay như múa vào từng bát và giới thiệu các loại gia vị mà chúng tôi chỉ nghe thấy liến thoắng hai từ “chili” và “curry”, nghĩa là ớt và càri – thứ gia vị đặc trưng của Ấn Độ và quay sang gật gù đoán với nhau rằng đó là các kiểu ớt khô, bột nghệ, quế, hồi... dựa vào màu sắc của các bát gia vị và bằng kinh nghiệm của những kẻ cả tuần chả vào bếp ngày nào.
Thấy tôi tò mò với dùng dao thay xẻng xúc cơm, Tariq cho tôi thử làm đầu bếp. Cầm hai con dao to như dao phay không có cán và lưỡi không sắc, tôi vừa băm lạch cạch, vừa nghe Tariq giới thiệu món ăn bằng tiếng Anh mà cứ ngỡ anh chàng đang nói tiếng Ấn. Chỉ lơ mơ rằng đấy là món ăn truyền thống của Sri Lanka hoặc vùng Nam Ấn, Tariq cũng chẳng biết rõ và phải hỏi lại đến lần thứ ba chúng tôi mới có thể đánh vần cái tên của nó là Kottu Roti, Kothu Roty hoặc na ná thế, nên chúng tôi đành tự đặt cho nó một cái tên dễ nhớ là “mỳ băm băm”.
Cơm càri ăn bốc là món phổ biến trong các quán ăn ở Sri Lanka
Chắc mẩm sẽ ăn thử món “mỳ băm băm” ấy, nhưng khi ngồi vào bàn, chúng tôi lại đổi ý, vì thấy cặp đôi bàn bên đang ăn cơm bốc ngon lành trên mảnh lá chuối xanh mướt. Hỏi han, rồi cãi nhau đến khô cả cổ mới chọn xong món ăn nhờ vào những bức ảnh chụp rất đẹp trong cái thực đơn dài dằng dặc bằng tiếng Anh, chúng tôi vớ lấy bình nước trên bàn, rót một cốc đầy và tu ừng ực một hơi hết sạch. Bên cạnh, hai cô gái mặc saree lấp lánh vừa thong thả rửa tay trong cái bát xinh xinh, vừa liếc chúng tôi tủm tỉm cười. Cả lũ chột dạ nhìn lại, trên bàn có một bình nhựa đựng nước giống như các quán ăn ở nhà, nhưng to gấp đôi và một ấm nước nhỏ hơn. Tôi vội ngoắc một anh chàng chạy bàn để hỏi và được trả lời rằng nước trong bình là nước uống. Nhưng cái vẻ cười cười của chàng khiến tôi không yên tâm chút nào, lại ngoắc một chàng khác, lần này đổi kiểu hỏi rằng “nước trong ấm để làm gì?”. Câu trả lời vẫn là “nước uống”, kèm cái vẻ cười cười đầy nghi ngờ.
Trong lúc hoang mang chẳng hiểu mình có uống phải nước rửa tay hay không, thì Tariq mang đồ ăn ra. Bàn ăn la liệt bát lớn bát bé. Trừ bát cơm trắng tơi rời từng hạt, hai cái naan – một loại bánh nướng ăn thay cơm - cùng bát sữa chua, bốn năm bát còn lại đều nấu kiểu càri sền sệt. Thấy chúng tôi lóng ngóng với mảnh lá chuối trải trước mặt thay cho bát ăn, Tariq làm mẫu bằng cách đổ tất cả cơm, càri rau, thịt, đậu, khoai tây và cả... sữa chua vào đó. Chúng tôi trợn mắt, rồi một người liều lĩnh nhất nhón tay bốc cơm lên miệng với vẻ hoài nghi của kẻ tình nguyện làm “chuột bạch”. Sau hai giây, mắt anh chàng sáng rực, tay hăm hở bốc tiếp một miếng to hơn, miệng lúng búng một tiếng “ngon”. Chỉ chờ thế, những kẻ còn lại rào rào bốc cơm, rào rào ăn trong ánh mắt mãn nguyện và nụ cười tươi rói của mấy anh chàng phục vụ nãy giờ đứng vây quanh. Mồm mép lem nhem càri, chưa bao giờ tôi thấy ngón tay của mình ngon đến thế.
Giờ thì tôi đã ăn cơm bốc ở cả Nepal, Sri Lanka lẫn Ấn Độ, đã nhớ tên gọi của món cơm này ở mỗi nước và luôn khiến các chàng phục vụ có thói quen hỏi khách nước ngoài câu hỏi “less spicy - ít gia vị chứ?” phải lác mắt bằng câu trả lời dõng dạc “spicy - đủ gia vị nhé!”. Thế nhưng tôi vẫn chả nhớ được tên của món “mì băm băm” mỗi khi muốn gọi món ăn rộn ràng tiếng băm chặt ấy ở một nhà hàng giữa cố đô Kandy của Sri Lanka hay những quán ăn ven đường ở Ấn Độ, nên tôi vẫn phải mỏi tay băm băm để diễn tả theo kiểu “body language”. Đôi khi được thưởng thức một món gồm rất nhiều thứ băm vụn mà ăn xong rồi vẫn chẳng hiểu là rau, là đậu hay là những thứ gì nấu với càri cay sè.
Giờ thì tôi đã mê mẩn và ăn cơm bốc kiểu Ấn thành thạo không kém người Ấn.
Lần đầu tiên tôi ăn cơm bốc kiểu Ấn ở khu Tiểu Ấn (Little India) của TP.Penang (Malaysia). Lò dò những bước đầu tiên vào khu Tiểu Ấn, mắt chúng tôi hoa lên vì những bộ váy áo saree rực rỡ và lấp lánh, mũi hít hà mùi hương trầm thơm nồng đặc trưng của người Ấn, còn tai thì nghe tiếng băm chặt rộn ràng.
Ăn cơm bốc kiểu Ấn tại khu Little India, Penang (Malaysia)
Ngoài hè quán ăn bên kia đường, một anh chàng đầu bếp mập ú da đen bóng đang xào món gì đó bốc khói bằng... hai con dao phay. Vậy là quên cả saree lấp lánh, tất cả ào sang, mắt tò mò dán chặt vào đôi bàn tay đang băm tít mù như múa trên chiếc chảo phẳng như mặt bàn. Rồi khi đám khách lạ nuốt nước miếng ừng ực, anh chàng xúc gọn tất cả số mì băm nhỏ, sém vàng ấy vào đĩa bằng một động tác cũng như múa và mất hút vào trong nhà.
Chưa hết chưng hửng thì anh bếp quay ra. Lần này, anh chàng biểu diễn món cơm rang, vẫn đảo bằng dao, chỉ khác là dùng một chiếc. Nhưng anh chàng lại làm chúng tôi lác mắt khi rút ra một khay gia vị gồm đến hơn chục bát nhỏ, đủ màu vàng, cam, đỏ... và thoăn thoắt xúc mỗi thứ một thìa nhỏ cho vào chảo cơm. Lập tức, mùi càri, ớt bột cay nồng xộc lên.
Lân la hỏi chuyện, anh chàng bếp hay cười gốc Ấn tên Tariq chỉ tay như múa vào từng bát và giới thiệu các loại gia vị mà chúng tôi chỉ nghe thấy liến thoắng hai từ “chili” và “curry”, nghĩa là ớt và càri – thứ gia vị đặc trưng của Ấn Độ và quay sang gật gù đoán với nhau rằng đó là các kiểu ớt khô, bột nghệ, quế, hồi... dựa vào màu sắc của các bát gia vị và bằng kinh nghiệm của những kẻ cả tuần chả vào bếp ngày nào.
Thấy tôi tò mò với dùng dao thay xẻng xúc cơm, Tariq cho tôi thử làm đầu bếp. Cầm hai con dao to như dao phay không có cán và lưỡi không sắc, tôi vừa băm lạch cạch, vừa nghe Tariq giới thiệu món ăn bằng tiếng Anh mà cứ ngỡ anh chàng đang nói tiếng Ấn. Chỉ lơ mơ rằng đấy là món ăn truyền thống của Sri Lanka hoặc vùng Nam Ấn, Tariq cũng chẳng biết rõ và phải hỏi lại đến lần thứ ba chúng tôi mới có thể đánh vần cái tên của nó là Kottu Roti, Kothu Roty hoặc na ná thế, nên chúng tôi đành tự đặt cho nó một cái tên dễ nhớ là “mỳ băm băm”.
Cơm càri ăn bốc là món phổ biến trong các quán ăn ở Sri Lanka
Chắc mẩm sẽ ăn thử món “mỳ băm băm” ấy, nhưng khi ngồi vào bàn, chúng tôi lại đổi ý, vì thấy cặp đôi bàn bên đang ăn cơm bốc ngon lành trên mảnh lá chuối xanh mướt. Hỏi han, rồi cãi nhau đến khô cả cổ mới chọn xong món ăn nhờ vào những bức ảnh chụp rất đẹp trong cái thực đơn dài dằng dặc bằng tiếng Anh, chúng tôi vớ lấy bình nước trên bàn, rót một cốc đầy và tu ừng ực một hơi hết sạch. Bên cạnh, hai cô gái mặc saree lấp lánh vừa thong thả rửa tay trong cái bát xinh xinh, vừa liếc chúng tôi tủm tỉm cười. Cả lũ chột dạ nhìn lại, trên bàn có một bình nhựa đựng nước giống như các quán ăn ở nhà, nhưng to gấp đôi và một ấm nước nhỏ hơn. Tôi vội ngoắc một anh chàng chạy bàn để hỏi và được trả lời rằng nước trong bình là nước uống. Nhưng cái vẻ cười cười của chàng khiến tôi không yên tâm chút nào, lại ngoắc một chàng khác, lần này đổi kiểu hỏi rằng “nước trong ấm để làm gì?”. Câu trả lời vẫn là “nước uống”, kèm cái vẻ cười cười đầy nghi ngờ.
Trong lúc hoang mang chẳng hiểu mình có uống phải nước rửa tay hay không, thì Tariq mang đồ ăn ra. Bàn ăn la liệt bát lớn bát bé. Trừ bát cơm trắng tơi rời từng hạt, hai cái naan – một loại bánh nướng ăn thay cơm - cùng bát sữa chua, bốn năm bát còn lại đều nấu kiểu càri sền sệt. Thấy chúng tôi lóng ngóng với mảnh lá chuối trải trước mặt thay cho bát ăn, Tariq làm mẫu bằng cách đổ tất cả cơm, càri rau, thịt, đậu, khoai tây và cả... sữa chua vào đó. Chúng tôi trợn mắt, rồi một người liều lĩnh nhất nhón tay bốc cơm lên miệng với vẻ hoài nghi của kẻ tình nguyện làm “chuột bạch”. Sau hai giây, mắt anh chàng sáng rực, tay hăm hở bốc tiếp một miếng to hơn, miệng lúng búng một tiếng “ngon”. Chỉ chờ thế, những kẻ còn lại rào rào bốc cơm, rào rào ăn trong ánh mắt mãn nguyện và nụ cười tươi rói của mấy anh chàng phục vụ nãy giờ đứng vây quanh. Mồm mép lem nhem càri, chưa bao giờ tôi thấy ngón tay của mình ngon đến thế.
Giờ thì tôi đã ăn cơm bốc ở cả Nepal, Sri Lanka lẫn Ấn Độ, đã nhớ tên gọi của món cơm này ở mỗi nước và luôn khiến các chàng phục vụ có thói quen hỏi khách nước ngoài câu hỏi “less spicy - ít gia vị chứ?” phải lác mắt bằng câu trả lời dõng dạc “spicy - đủ gia vị nhé!”. Thế nhưng tôi vẫn chả nhớ được tên của món “mì băm băm” mỗi khi muốn gọi món ăn rộn ràng tiếng băm chặt ấy ở một nhà hàng giữa cố đô Kandy của Sri Lanka hay những quán ăn ven đường ở Ấn Độ, nên tôi vẫn phải mỏi tay băm băm để diễn tả theo kiểu “body language”. Đôi khi được thưởng thức một món gồm rất nhiều thứ băm vụn mà ăn xong rồi vẫn chẳng hiểu là rau, là đậu hay là những thứ gì nấu với càri cay sè.
Theo Lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét