Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Nhà ga Flinders – Biểu tượng lâu đời của Melbourne



Post image for Nhà ga Flinders – Biểu tượng lâu đời của Melbourne
Nếu như Opera House – Nhà hát con sò là biểu tượng xinh đẹp của nước Úc và thành phố Sydney thì nhắc đến Melbourne người ta nghĩ ngay đến nhà ga Flinders, trung tâm giao thông công cộng nhộn nhịp nhất đã có từ giữa thế kỉ 19.
Nằm ở góc đường Flinders và Swanston bên cạnh dòng Yarra hiền hòa thanh bình, nhà ga Flinders được xem là linh hồn kiến trúc của thành phố Melbourne. Lật lại lịch sử, từ năm 1854 Flinders từng có tên Melbourne Terminus và là nhà ga xe lửa hơi nước đầu tiên ở Australia. Hàng ngàn người đã tập trung tại nhà ga dọc theo tuyến đường đến Sandridge (ngày nay là cảng Melbourne) để diện kiến nữ hoàng Victoria và là chiếc tàu hơi nước công cộng đầu tiên trong ngày khánh thành. Hai nhà ga tiếp theo là Princes Bridge và Spencer Street được khánh thành tiếp theo năm 1859. Tuy chỉ là quãng đường ngắn giữa các ga nhưng cũng phải mất nhiều năm để chúng được kết nối với nhau.
Những năm 1880, đã có nhiều chuyến tàu như từ ga Flinders đi đến cảng Melbourne và St Kilda; từ ga Princes Bridge đến bãi biển Brighton và Hawthorn khởi hành hay Southern Cross Station (tên mới của nhà ga Spencer Street) là nơi bắt đầu hành trình cho những con tàu đến Williamstown, Geelong, Ballarat, Woodend, Kyneton, Sandhurst, Echuca và Wodonga.
Một vài năm sau khi cây cầu cạn được xây dựng, Flinders dần trở nên đông đúc hơn bởi số lượng hành khách sử dụng các chuyến tàu công cộng. Năm 1889, các thành viên của ủy ban hội đồng thành phố đã tổ chức một cuộc thi thiết kế nhà ga mới với giải thưởng 500 bảng Anh dành cho hai người thắng cuộc là J.V. Fawcett và H.P.C. Ashworth.
Nhà ga Flinder tại góc đường Flinder và Swanston
Dự án được khởi động năm 1901 và ngày 25/12/1095 hợp đồng thi công được kí kết. Nhà ga mới được hoàn thành 5 năm sau đó (1910) với chi phí 514.000 bảng Anh theo lối kiến trúc phục hưng Pháp. Thế là người Melbourne đã có một nhà ga lộng lẫy để họ tự hào. Dọc theo con đường Swanston xuất hiện các cửa ra và cổng tàu điện ngầm cũng đã thay thế cây cầu bộ hành tại lối vào từ đường Elizabeth.
Du khách đặt chân đến Melbourne có thể dễ dàng nhận ra tòa nhà màu gạch đỏ vữa kem vàng với mái vòm lớn cùng một tháp đồng hồ. Nhà ga có 13 bến đỗ, tất cả các chuyến xe lửa ra vào thành phố đều phải đi ngang qua đây. Những chiếc đồng hồ gắn trên cổng chính của nhà ga là một phần thiết kế nguyên thủy và vẫn còn lại nguyên vẹn đến ngày hôm nay. 13 chiếc đồng hồ ngày nay được điều khiển bởi hệ thống máy tính chỉ giờ tàu chạy đến các khu vực ngoại ô. Câu nói “hẹn gặp nhau ngay dưới những chiếc đồng hồ” ngụ ý chỉ 13 chiếc đồng hồ được đặt tại đây.
Hàng đồng hồ trước cổng chính nhà ga
Trái với vẻ ngoài cổ kính, bên trong nhà ga toát lên vẻ hiện đại nhờ cách bày trí của các shop lưu niệm, quán ăn, quán cà phê, sạp báo… Tại đây còn có cả trạm cảnh sát nên vấn đề an ninh rất được đảm bảo. Riêng ngày cuối tuần, nơi đây đón tiếp hơn 110.000 lượt khách với 1.500 chuyến tàu.
Bên trong nhà ga
Có rất nhiều thông tin thú vị quanh nhà ga Flinders trong đó có lời đồn rằng kế hoạch xây dựng nhà ga Bombay (Ấn Độ) và Flinders đã bị xáo trộn trong văn phòng thiết kế ở Luân Đôn – Anh Quốc (Thời gian đó cả Ấn Độ và Úc đều là một phần thuộc địa của Anh). Kết quả của việc ấy là kiến trúc nhà ga Bombay hiện đang nằm ở Melbourne và ngược lại kiến trúc gốc của Flinders đang nằm ở Bombay.
Trong khi chưa có chứng cứ nào làm sáng tỏ lời đồn đại này, nhà ga Flinders luôn là công trình gây ảnh hưởng đến những kiến trúc khác. Nhà ga Luz ở Sao Paulo, Brazil cũng lấy cảm hứng từ những đường tàu nhộn nhịp tại Flinders.
Trải qua nhiều năm, Flinders đã trở thành hình ảnh của Melbourne và là biểu tượng của thủ phủ bang Victoria. Nếu có dịp đến Melbourne, bạn hãy trải nghiệm cảm giác dạo quanh một vòng nhà ga, lên thử một chuyến tàu từ Flinders để cảm nhận không gian giàu văn hóa và lịch sử này nhé.
Ngọc Sương – Du Lịch Việt
Ở Melbourne, phương tiện công cộng được sử dụng rất phổ biến vì tính tiện lợi và an toàn. Xe điện dùng để di chuyển ở những vùng trung tâm. Xe lửa tiện dụng nhất vì nó có khả năng chuyên chở khối lượng hành khách lớn và phạm vi hoạt động được mở rộng ra những vùng xa trung tâm thành phố. Xe bus ít phổ biến hơn và thường chỉ dùng lưu thông trên một số vùng nhất định. Vào giờ cao điểm, các chuyến xe công cộng chỉ cách nhau từ 3 – 5 phút. Đặc biệt ở Melbourne, khi hành khách mua vé phương tiện công cộng có thể dùng cho cả 3 loại xe. Một số nơi khác như Sydney thì phải dùng vé khác nhau cho từng loại xe.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét