Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Hoa Diên Vĩ


Vào nửa cuối thế kỉ XIX, nền hội họa thế giới xuất hiện một họa sĩ bậc thầy: Vincent Van Gogh. Ông là người Hà Lan, tác giả của hơn 800 bức tranh, chủ yếu là tranh sơn dầu với màu vàng rực rỡ. Sinh thời, Van Gogh là người nghèo túng, vì tranh của ông không có người mua. Chỉ duy nhất một bức tranh được bán khi ông còn sống. Cũng chỉ có một lời khen duy nhất dành cho tranh của ông đăng trên báo "Nước Pháp buổi sáng". Ông chủ yếu sống bằng tiền trợ cấp của người em trai.
du-lich-ha-lan-13112011-00
Nhưng 100 trăm năm sau khi ông qua đời, trong một cuộc bán đấu giá tranh tại New York, bức "Hoa diên vĩ" của ông đã được bán với giá 53.900.000 USD, bức "Hoa hướng dương" với giá 40.000.000 USD. Hai bức tranh này đã xếp hàng thứ ba và thứ bảy trong danh sách những bức tranh đắt giá nhất thế giới!
Ngày 30 tháng 3 năm 1853, Vincent Van Gogh chào đời tại làng Zundert thuộc vùng Brabant phía nam Hà Lan. Trong gia tộc của Van Gogh, cha và ông nội đều là mục sư của đạo Tin Lành. Van Gogh có ba người chú làm nghề mua bán tranh tại các trung tâm văn hoá lớn châu Âu. Họ là những thương nhân nghệ thuật có tiếng hồi bấy giờ.
Bản thân Van Gogh từ nhỏ đã yêu say đắm phong cảnh thiên nhiên quê hương, một vùng nông thôn Hà Lan chưa mấy chịu tác động của cách mạng công nghiệp.
Van Gogh buộc phải mưu sinh từ khi mới 16 tuổi, bằng nghề mua bán tranh tại công ty nghệ thuật Goupil của ông chú. Nhờ thế Van Gogh có điều kiện chiêm ngưỡng những kiệt tác hội họa thế giới, gặp gỡ với một số họa sĩ có tên tuổi và dần hình thành mơ ước hội họa. Song vì quá nghèo, Van Gogh phải loay hoay tự học là chính. Vì thế, con đường nghệ thuật của ông trở nên quanh co, khúc khuỷu.
Đã có một thời gian sau khi rời khỏi phòng bán tranh, Van Gogh tạm gác lại ước mơ nghệ thuật, hiến mình cho tôn giáo. Ông đã từng theo học tại các trường dòng có tên tuổi, sau đó trở thành một nhà truyền giáo.
Song thực tế phũ phàng của cuộc sống đã giúp ông nhận thấy, ngay cả tôn giáo cũng chẳng thể giải thoát con người khỏi đau khổ. Đến khi đó, Van Gogh mới ý thức được rằng, chỉ cây cọ vẽ mới giúp mình thể hiện những gì đã chiêm nghiệm.
Khi Van Gogh quyết định hiến thân cho nghệ thuật, nền hội họa thế giới đang trải qua một cuộc cách mạng. Các họa sĩ theo trường phái "ấn tượng" đồng loạt cho rằng cần phải phá vỡ những khuôn khổ cũ kỹ, xơ cứng mang tính chất "học viện", rời bỏ những phòng vẽ chật chội, tối tăm để đến với thiên nhiên, nắm bắt và ghi lại những hình ảnh lộng lẫy của vạn vật dưới ánh nắng mặt trời.
Sau rất nhiều năm tháng kiếm tìm, mãi đến khi tới Arles, một địa danh nằm cạnh sông Rhone, cách Địa Trung Hải không xa, Van Gogh mới tìm thấy màu vàng làm gam màu chủ đạo cho tranh của mình.
Ông cho rằng, màu vàng là thứ màu sắc có sức thể hiện mạnh mẽ nhất, là thứ ánh sáng tươi đẹp nhất. Ông muốn mỗi tác phẩm của mình tràn ngập ánh nắng. Ông cho rằng "không có ánh nắng thì không có hội họa chân chính"!
Van Gogh đã dùng màu vàng để vẽ ánh mặt trời, hoa hướng dương, hoa diên vĩ, cánh đồng lúa mỳ, cây cầu bắc qua sông, quán cà phê... Ngay đến cả căn phòng của ông cũng tràn ngập một màu vàng lộng lẫy, chói chang.
Trong "Căn nhà màu vàng của Vincent", tường mang màu tím nhạt của hoa tử linh lan, mặt đất lát gạch nung đỏ, giường, ghế, tường... toàn là màu vàng. Gối có màu lục nhạt của chanh, tấm trải giường màu đỏ tươi, cửa sổ màu lục, bàn phấn màu cam, chậu rửa mặt màu lam, cửa sổ màu tím nhạt...Có lẽ ngoài Van Gogh, chẳng ai có thể ở trong ngôi nhà có gam màu nóng bức như vậy!
Còn quán cà phê đêm hiện lên dưới nét cọ của Van Gogh cũng là những màu sắc bắt mắt nhất: tường màu đỏ, đèn màu vàng chanh tỏa ra ánh sáng màu da cam và lục lấp lánh. Tác phẩm đã cung cấp một mô thức sử dụng màu sắc cho các nhà hội họa, một mặt khác lại dự báo sự xuất hiện của nền hội họa siêu thực sau này.
Không kể là tác phẩm vẽ ban ngày hay ban đêm, trong nhà hay ngoài trời, hầu như tất cả tranh của Van Gogh đều nhuộm bởi màu vàng chói lóa, như có nắng mặt trời ngấm vào. Tranh của Van Gogh đa phần không có cấu tứ, không hề có đường nét, mà chủ yếu là màu sắc của thiên nhiên được đưa vào khuôn mẫu một cách tùy thích.
Màu vàng làm nên bản sắc tranh của Van Gogh nhưng cũng lấy đi hết sinh lực của ông. Gần một năm trời ở Arles, Van Gogh đã vẽ 190 bức tranh, trong đó phần lớn là kiệt tác. Ngày nào ông cũng vẽ, vẽ như điên, như dại. Cứ mặt trời mọc là ông vác giá vẽ ra khỏi nhà. Ông giam mình dưới ánh nắng chói chang của mặt trời, vẽ hết bức này đến bức khác, cho đến khi thân mình như bị nướng chín, hai mắt tóe lửa.
Lao động căng thẳng và ánh nắng chói chang của mặt trời đã vắt kiệt sức lực của ông. Ngoài ra, sự kích thích từ gam màu vàng đậm trong tranh sơn dầu của ông, rượu mạnh và thuốc lá đã làm ông phát điên, phải nhập viện tâm thần. Nhưng ngay cả những ngày lâm bệnh, ông vẫn không ngừng vẽ. Hễ có cơ hội là ông trốn khỏi bệnh viện để vẽ.
Bức "Đêm sao" vẽ mặt trăng, các ngôi sao và sao chổi kỳ dị trên bầu trời đêm...thể hiện tâm trạng sợ hãi và bất an của tác giả đã được vẽ trong thời gian này. Khi không thể đi ra đồng nội, ông vẽ hành lang, hoa viên của bệnh viện, vẽ bệnh nhân và thầy thuốc.
Ngày 27 tháng 7 năm 1890, giữa một cánh đồng chói chang ánh nắng, cánh tay cầm cọ của Van Gogh đã cầm súng bắn vào thân thể của mình. Hai ngày sau, ông lìa đời. Sự sống của "ông vua màu sắc" đã tan biến về vương quốc của ánh sáng mặt trời.
Trong bức tự họa nổi tiếng nhất, Van Gogh mang vóc dáng của một người đàn ông gầy gò, bộ râu hung hung xồm xoàm, cái miệng ngậm tẩu, cổ quấn chiếc khăn trùm lên tận tai và trên đầu đội một cái mũ nhỏ. Ông vẽ cái mũ để che đi bên tai bị xẻo, cũng là để ghi lại một câu chuyện đau lòng, một cuộc tình chua xót, cuộc sống cô độc và gàn dở của ông.
Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Van Gogh đã từng yêu sớm, yêu nhiều người, trong đó có cả người cùng giới. Nhưng ông không kết hôn cùng ai, vì họ đều rời bỏ ông, một phần vì ông nghèo, vì ông gàn dở và quá say mê hội họa.
Năm 16 tuổi, khi còn làm nhân viên bán tranh, Van Gogh thầm yêu Usula - con gái ông chủ phòng tranh. Khi Van Gogh lấy hết can đảm tỏ tình, Usula đã từ chối thẳng thừng, vì nàng đã có người tình trong mộng. Trong con mắt của Usula, Van Gogh chỉ là một gã tóc hung ngốc ngếch.
Chẳng những thất tình, mất việc, Van Gogh còn bị bà mẹ của Usula đuổi ra khỏi nhà. Sau đó, Van Gogh lại đem lòng yêu một người em họ vừa góa chồng tên là Katherine, nhưng cũng bị cô dứt khoát từ chối.
Trong tâm trạng chán nản, Van Gogh gặp Christin, một phụ nữ có bốn con, lại đang mang thai 6 tháng. Để nuôi bốn đứa trẻ, ban ngày Christin làm nghề giặt giũ, ban đêm đứng ngoài đường bán dâm. Vì thương tình, Van Gogh chung sống với chị ta. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, người đàn bà bốn con và đang bụng mang dạ chửa ấy cũng bỏ đi, vì nhận thấy rằng, Van Gogh say mê hội họa hơn là mê chị.
Những gì cảm nhận được từ mối tình ngắn ngủi với Katherine đã giúp Van Gogh hiểu được thân thể và sự từng trải của một người đàn bà để vẽ nên bức tranh "Bi ai" - một tác phẩm xuất sắc của ông.
Bức tranh vẽ người đàn bà mang thai ngồi cạnh một bụi gai bên đường. Đôi cánh tay gầy gò của người đàn bà gác trên đầu gối, đầu rụt lại trong đôi vai gầy guộc, mặt úp xuống khuỷu tay, mớ tóc thưa rối bời xõa trên vai, hai chiếc vú thõng xuống cặp đùi không có thịt... Đó là hình tượng của người đàn bà bị vắt sạch tinh lực. Bên dưới bức tranh, Van Gogh đề dòng chữ: "Trên đời sao lại có một người con gái cô độc và tuyệt vọng như thế này".
Sau khi chia tay với Christin, Van Gogh lại sa vào lưới tình của Malgeth. Hai người đã tính đến chuyện kết hôn, nhưng do sự phản đối quyết liệt của gia đình Malgeth nên việc đã không thành. Vì tuyệt vọng, Malgeth uống thuốc độc tự tử. May mà Van Gogh đến kịp nên nàng đã thoát chết, nhưng phải vào nhà thương điên.
Trong số những kiệt tác của Van Gogh có bức "Căn phòng của Vincent ở Arles". Trong tranh, Van Gogh vẽ hai cái gối, hai cái ghế trong căn phòng nhỏ màu vàng để thể hiện tâm trạng nóng lòng chờ đợi một người.
Người Van Gogh chờ đợi không phải là đàn bà, mà là người đàn ông, tên là Paul Gauguin - danh họa Pháp. Van Gogh gặp Gauguin ở Paris và sau đó hai người chung sống với nhau. Quan hệ giữa hai người không được êm thấm. Giữa họ, thường xảy ra tranh cãi, chủ yếu vì tính cố chấp và vì vấn đề tài chính.
Trong một lần cãi nhau, Van Gogh đã ném cốc rượu vào mặt Gauguin và cầm dao đòi giết chết ông ta. Không chịu đựng nổi, Gauguin bỏ đi, mặc cho Van Gogh van xin, nài nỉ.
Khi còn lại một mình, trong cơn điên loạn, Van Gogh cầm dao cạo cắt đứt tai trái của mình. Sau đó, ông gói chiếc tai bị cắt vào chiếc phong bì thư, đưa đến cô gái làng chơi quen thuộc và nói rằng: "Đây là món quà lưu niệm anh tặng cho em"...
Từ đó trở đi ông thường xuyên phải đội mũ để che kín nửa đầu không có tai
Nguồn: hoangyenanh.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét