Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Quyến rũ các lâu đài sông Loire


(VOV) - Những lâu đài sông Loire khiến du khách mê say bởi vẻ đẹp của phong cách kiến trúc đa dạng kết hợp hài hòa với phong cảnh thiên nhiên.


Loire là con sông dài nhất nước Pháp (hơn 1.000km), bắt nguồn từ dãy núi lớn trung tâm, chảy lên phía bắc đến Orléans rồi rẽ sang trái, đổ ra Đại Tây Dương. Lưu vực sông Loire (đoạn từ Sully-sur-Loire đến Chalonnes-sur-Loire) là vùng đất rộng lớn và trù phú, vị trí chiến lược quan trọng trong thời trung cổ và phong kiến.
Thung lũng Loire là nơi xuất phát của nhiều dòng vua. Khi đã ngồi trên ngai vàng, ông nào cũng xây cho mình một lâu đài thật lớn và ấn tượng. Vì thế, các đế vương, công hầu nước Pháp đã xây dựng tại đây khoảng 100 lâu đài lớn nhỏ tạo thành một quần thể “các lâu đài sông Loire” (Les châteaux de la Loire). Cảnh đẹp tuyệt vời của thung lũng Loire cùng với hệ thống các lâu đài tráng lệ trở thành khu vui chơi giải trí cho quốc vương nước Pháp từ thế kỉ XI . Đây còn được gọi là khu vườn của hoàng gia Pháp. Thung lũng Loire cũng trở nên nổi tiếng trên thế giới về những lâu đài và được xem như một trong những khu vực chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng nhất nước Pháp.
Hiện thung lũng sông Loire nay còn khoảng 66 công trình lịch sử, hầu hết là những lâu đài bằng đá trắng, hoa cương và cẩm thạch cổ kính, tráng lệ được xây dựng từ trong thời Trung đại và thời Phục hưng. Nhiều lâu đài đài trong số đó còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay đang lung linh soi bóng bên dòng Loire.
Tại thung lũng sông Loire có rất nhiều thành phố, thị trấn lịch sử với nhiều công trình kiến trúc có giá trị như Orléans, Blois, Amboise, Tours, Saumur và Angers…
Thung lũng Loire thơ mộng còn nổi tiếng bởi những vườn nho. Đây là một trong những vùng rượu vang lừng danh của nước Pháp. Các nhãn vang ở vùng này hầu hết đều gắn liền với tên của các lâu đài, vốn khi xưa là các lãnh địa với những ruộng nho làm rượu rất ngon như Chinon, Azay-le-Rideau, Blois, Angers…
Lưu vực sông Loire được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vì giá trị văn hóa độc đáo, về lịch sử và kiến trúc phong phú và đa dạng, đặc biệt là hệ thống các lâu đài.
Thung lũng sông Loire với những lâu đài nguy nga quyến rũ bao quanh bởi những khu vườn xinh đẹp và những cánh rừng xanh ngát là một trong những điểm đến tuyệt vời cho những người yêu thích du lịch ở Pháp. Cứ cho rằng, nếu đi thật nhanh thì 1 ngày sẽ thăm được 2 lâu đài. Như vậy, bạn cũng phải mất hơn 1 tháng mới có thể chiêm ngưỡng toàn bộ 66 lâu đài tuyệt đẹp ở vùng này.
Cùng VOV online thăm 1 vài lâu đài nổi tiếng trong vương quốc những lâu đài của thung lũng Loire:
Lâu đài Amboise
Amboise được vua Charles 8 bắt đầu xây dựng từ 1492. Trong cuộc viễn chinh sang Italy (1495-1497), vị vua này đã mời về Amboise khoảng 20 nhà bác học, kiến trúc sư, nhà điêu khắc, thợ may, thợ làm vườn, trang trí... người Italy. Chính những người này đã đem lại nét mới cho nghệ thuật vùng sông Loire và góp phần đưa phong cách Phục hưng tại Pháp lên đến tột đỉnh.
Lâu đài Amboise vẫn còn dáng dấp một pháo đài trung cổ, án ngữ phía trên thành phố Amboise.
Lâu đài hiện thời không lớn lắm. Có giả thuyết cho rằng đây chỉ là một phần nhỏ, lâu đài nguyên thủy to gấp 10 lần hơn nhưng đã sụp đổ không còn dấu vết, chỉ còn lại phần nhỏ như trong ảnh.
Được vua Franois 1 mời, danh họa nổi tiếng thế giới Leonardo da Vinci đã đến sống ở Amboise 3 năm và qua đời tại đây ngày 2/5/1519.
Lâu đài Blois
Một trong những lâu đài được ngưỡng mộ nhất ở thung lũng Loire là lâu đài Blois do Quận công Chatillon xây dựng. Blois được xây dựng trong nhiều thế kỷ nên tập hợp nhiều phong cách kiến trúc nhất. Nằm ngay bên bờ sông Loire gồm bốn tòa nhà riêng biệt xây xung quanh một sân chung, lâu đài Blois giống như một pháo đài thời Trung Cổ và trở thành dinh thự Hoàng gia năm 1498.
Blois là lâu đài hoàng gia, nơi ở của nhiều vua Pháp trước khi có lâu đài Fontainebleau. Trong thời gian triều đình đóng đô tại đây, có tới 15.000 người phục vụ bên trong và ngoài lâu đài. Mỗi biểu tượng ở Blois đều có lịch sử riêng của nó. Francois I có biểu tượng con rồng phun lửa; biểu tượng của mẹ ông là con thiên nga bị mũi tên xuyên qua và Louis VII là con nhím…
Ở lối vào lâu đài, qua cổng chính là một bức tượng vua Louis XII. Xưa kia, hoa loa kèn là biểu tượng của gia đình hoàng gia Pháp, chính vì vậy mà những cây cột ở đây được khắc hình hoa loa kèn. Cầu thang uốn lượn dẫn lên tháp hình bát giác của lâu đài. Cung điện được xây dựng theo phong cách thời Phục hưng.
Blois từng là nơi ở của 7 vị vua và 9 hoàng hậu nước Pháp.
Bốn khối nhà của Blois thể hiện những giai đoạn lịch sử và phong cách kiến trúc riêng đã dẫn người xem ngược dòng thời gian tìm hiểu về hành trình phát triển của kiến trúc Pháp.
Lâu đài Cheverny
Một lâu đài nổi tiếng khác ở phía nam sông Loire là Cheverny. Lâu đài này vẫn còn giữ được những đồ gia dụng cổ quý hiếm mà những lâu đài khác ở Loire không có.
Cheverny nổi tiếng với bộ sưu tập nghệ thuật và thảm. Các bức tường được bọc bằng đồ da và được trang trí bằng những tấm thảm và thảm thêu. Nội thất ở Cheverny rất tinh tế, nhiều đồ vật còn giữ được hầu như nguyên vẹn khiến người ta có cảm giác vẫn đang có người sống tại đây.
Nơi đây còn có một bảo tàng về Tintin, bởi Cheverny chính là nguyên mẫu của lâu đài Moulinsart trong bộ truyện tranh Tintin nổi tiếng.
Lâu đài Cheverny vẫn còn giữ được những đồ gia dụng cổ quý hiếm mà những lâu đài khác ở Loire không có.
Lâu đài Chambord
Trong vương quốc các lâu đài ở thung lũng Loire, Chambord xứng đáng được phong hoa hậu. Được xây dựng năm 1539, dưới thời vua François đệ nhất (1515-1547), Chambord là tòa lâu đài mang phong cách Phục hưng lớn nhất nước Pháp, dài 156 m, cao 56 m, có hơn 440 phòng. Thậm chí mái lâu đài với vô số tháp và ống khói cũng đủ rộng để có thể dạo bộ trên đó. Khuôn viên của lâu đài là cả một khu rừng rộng 4.440 héc ta, được bao bọc bởi một bức tường dài tới 31km. Đây từng là nơi ở của nhiều đời vua.
Ngày nay, lâu đài này còn lưu giữ một bộ sưu tập nghệ thuật vô giá, một trong những nét hấp dẫn nhất đối với khách du lịch.
Lâu đài Chambord cũng được UNESCO xếp hạng di sản thế giới.
Lâu đài Chambord mới xứng đáng được trao cho chiếc vương miện của những tòa lâu đài ở thung lũng Loire.
Chambord là tòa lâu đài mang phong cách Phục hưng lớn nhất nước Pháp.
Chambord báo hiệu sự xuất hiện của lâu đài Versailles mà vua Louis 14 (1643-1715) sẽ xây vào nửa sau của thế kỷ 17.
Lâu đài Chenonceau
Nằm cách Chambord chừng 50km, Chenonceau được xây từ năm 1513 - 1521. Dù không hoành tráng bằng Chambord và cũng không đa phong cách như Blois, nhưng Chenonceau là một trong những lâu đài cổ đẹp nhất ở thung lũng sông Loire và là lâu đài được yêu thích nhất. Tòa lâu đài soi bóng dưới làn nước vì mặt tiền của nó được xây dựng trên những nhịp uốn bắc qua sông Cher (phụ lưu của sông Loire).
Chenonceau còn được gọi là “lâu đài của các quý bà” nơi ghi đậm dấu ấn những nhân vật nữ nổi tiếng trong lịch sử Pháp thời Phục hưng đã gắn bó mật thiết với kiến trúc này: sang trọng và quyến rũ, nhẹ nhàng và thanh thoát.
Vẻ đẹp duyên dáng và đầy nữ tính của "Lâu đài các quý bà" còn được tôn thêm bởi hai vườn cảnh nằm hai bên lối vào lâu đài. Khách tham quan đã đứng lặng rất lâu trong khu vườn Diane de Poitiers, chiêm ngưỡng tòa lâu đài đá trắng với những mái nhọn màu xám vút cao ẩn mình duyên dáng trong màu xanh của rừng và sắc tím phớt xanh nhẹ như sương khói của loài hoa nở trên những lối đi trong vườn.
Chenonceaux có lẽ đây là lâu đài duy nhất thực sự “nằm trên một dòng sông”. Hình ảnh tòa lâu đài lung linh bóng nước là đề tài bất tận cho những người yêu nhiếp ảnh.
Chenonceaux được Henri II đánh giá là một trong những lâu đài đẹp và sang trọng nhất của Vương quốc ông.
Lâu đài Villandry
Villandry - lâu đài cuối cùng trong số những lâu đài vĩ đại thời kỳ Phục hưng nằm trong thung lũng Loire. Villandry nổi tiếng về những khu vườn tuyệt đẹp: vườn nước cổ điển, vườn thượng uyển được chia hai phần “Vườn tình yêu”và “Vườn âm nhạc” và một vườn rau lớn.
Những khu vườn của lâu đài Villandry đã được UNESCO công nhân là Di sản Văn hóa Thế giới.
Được xây dựng hoàn thành vào năm 1536, lâu đài Villandry đã qua tay rất nhiều chủ song chỉ khi trở thành sở hữu của tiến sĩ người Tây Ban Nha - Joachim Carvallo vào năm 1906, khu vườn trong tòa lâu đài này mới được sửa sang và tu bổ có vẻ đẹp như hiện tại.
Được xây dựng hoàn thành vào năm 1536, Villandry là lâu đài cuối cùng trong số những lâu đài vĩ đại thời kỳ Phục hưng nằm trong thung lũng Loire
Những khu vườn thượng uyển trong lâu đài Villandry được cắt tỉa công phu...
...cân đối theo kiến trúc Pháp
Lâu đài Clos Luce
Đây là nơi nhà danh họa nổi tiếng thế giới Leonado da Vinci đã trút hơi thở cuối cùng. Cái chết của ông cũng chôn theo bao nhiêu bí ẩn khoa học và tâm linh của ông xuống mồ, để lại cho người đời một huyền thoại 500 năm nay chưa giải thích hết.
Lâu đài Clos Luce không lớn lắm. Trong khuôn viên lâu đài có một bảo tàng nhỏ nhỏ về các phát minh của Leonado da Vinci và một khu công viên ngoài trời tái tạo lại những phát minh lớn của ông nữa. Leonado da Vinci có nhiều phát minh kinh khủng so với tri thức nhân loại ở thời kì của  Leonadoda Vinci như vòng bi, các hệ thống cơ học và nhất là các thiết bị quân sự.
Clos Luce là nơi nhà danh họa nổi tiếng thế giới Leonado da Vinci đã trút hơi thở cuối cùng
Ở lâu đài Clos Luce có cả một khu công viên ngoài trời tái tạo lại những phát minh lớn của ông nữa.

Chambord - vương miện vàng thung lũng Loire

(VOV) - Đồ sộ và lộng lẫy nhất trong số các lâu đài ở thung lũng sông Loire là Chambord (Chateau de Chambord).

Được xây dựng năm 1539, dưới thời vua François đệ nhất (1515-1547), Chambord là tòa lâu đài mang phong cách Phục hưng lớn nhất nước Pháp để làm nơi nghỉ ngơi, săn bắn cho nhà vua. Bao quanh lâu đài là một khu rừng rộng lớn, xanh thẳm rộng 4.440 ha, được bao bọc bởi một bức tường dài tới 31 km. Đây là khu rừng có tường bao quanh rộng nhất châu Âu. Chambord có chiều cao 56m với hàng hiên dài 156m, bên trong có tới 440 phòng sang trọng với 365 lò sưởi và 356 ống khói với những hình dáng khác nhau.
Chambord từng là nơi ở của nhiều đời vua, nhưng theo nhận xét của nhiều du khách, những căn phòng vua chúa ở không hấp dẫn bằng khung cảnh trên sân thượng. Trên đó, những chỏm tháp vút cao màu lam xám lợp bằng đá acdoa (loại đá có thể lạng thành những lớp phẳng và mỏng) kết hợp hoàn hảo với những cột và hoa văn trang trí bằng đá trắng và đen trên các ống khói tạo tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ.
Mặc dù có những đặc trưng cho phong cách Pháp với bốn ngọn tháp ở bốn góc hình chữ nhật, nhưng lâu đài Chambord vẫn mang những ảnh hưởng của kiến trúc Italy.
Đến nay Chambord vẫn còn giữ được những đồ đạc có giá trị lịch sử như: chiếc giường lộng lẫy của nhà Vua với những hoa văn, chạm trổ độc đáo, một vài tấm thảm quý từ thế kỷ XVII... Tại đây, còn có một phòng trưng bày hàng nghìn bộ gạc hươu nai và những cũi chó nổi tiếng thế giới, trong đó cũi lớn nhất nhốt được 70 con chó..
Trong thế kỷ XVIII, lâu đài này thuộc về Marshal Moritz de Saxe, người đã xây những chuồng ngựa có thể nuôi một lúc hơn 200 con ngựa. Ngày nay, những chuồng ngựa đó là địa điểm tuyệt vời để biểu diễn môn cưỡi ngựa đỉnh cao.
Với kiến trúc hài hòa và phong cách trang trí Phục hưng đạt đến đỉnh cao nhất, Chambord báo hiệu sự xuất hiện của lâu đài Versailles mà Vua Louis 14 (1643-1715) sẽ xây vào nửa sau của thế kỷ XVII.
Khi tình cờ đến thăm lâu đài này, quốc Vương Carlos V của Tây Ban Nha đã xúc động thốt lên: "Chambord là kết tinh những cố gắng của toàn nhân loại".
Sau nhiều lần thay đổi chủ, Nhà nước Pháp đã mua lại lâu đài này vào năm 1930 và trùng tu như hiện nay.
Chambord được xem là một kiệt tác thời Phục hưng và được UNESCO xếp hạng Di sản Thế giới.
Đứng trước Chambord người ta có cảm giác đây là lâu đài trong truyện thần tiên. 
Bức tranh vẽ Chambord thời vua François đệ nhất được treo trong lâu đài.
Lâu đài Chambord cao 56 m, bằng tòa nhà hiện đại 15 tầng...
... với hàng hiên dài 31m.
Những chỏm tháp vút cao màu lam xám với những cột và hoa văn trang trí bằng đá trắng và đen trên các ống khói được kết hợp một cách hoàn hảo.
Hành lang sân thượng tòa lâu đài đủ rông để dạo bộ trên đó
Chambord là sự kết tinh tất cả kỹ xảo của con người và tinh hoa của văn hóa Phục Hưng thời kỳ đó.
Mỗi một lâu đài ở thung lũng Loire có mang triện riêng của các đời vua.
Một góc của lâu đài Chambord
Chiếc giường lộng lẫy của nhà vua với những hoa văn, chạm trổ độc đáo
Tại đây có một phòng trưng bày hàng nghìn bộ gạc hươu nai
 
Có cả một gian trưng bày thiết bị máy móc và đồ vật thời hoàng gia dùng khi sống ở đây 
Từ sân thượng tòa lâu đài nhìn ra cánh rừng xa với những kênh dẫn nước nhỏ uốn lượn.
Chambord được xem là một kiệt tác thời Phục hưng và được UNESCO xếp hạng Di sản Thế giới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét