Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Xem người Indonesia bảo tồn một di sản


SGTT.VN - Chúng tôi đến Saung Angklung Udjo tại Bandung, Tây Java một chiều mưa. Âm thanh của tiếng đàn tre Angklung trong sân khấu rộng dường như át hết tiếng lộp độp trên mái ngói. Hàng trăm học sinh trung học ngồi kín khán đài đang say sưa lắc một nhạc cụ bằng tre theo bàn tay chỉ huy của người hướng dẫn. Họ đang chơi bản We are the world bằng đàn angklung mộc mạc – đặc trưng của người dân Tây Java.
Hàng tuần, học sinh và cả người lớn đến đây học cách chơi đàn Angklung.
Bảo tồn bắt đầu từ trong nhà
Femi Diajeng, giáo viên dạy đàn angklung chỉ cho tôi những chiếc đàn lớn nhỏ treo trên kệ giải thích cặn kẽ nguồn gốc và đặc điểm của đàn với niềm tự hào ngời trên khuôn mặt. “Người dân tại đây đều hiểu cặn kẽ về nguồn gốc, lịch sử và những câu chuyện liên quan đến chiếc đàn này. Ai cũng biết chơi đàn, dù người già hay trẻ. Nếu ai hỏi, mọi người đều có thể nói rõ về cây đàn này và trình diễn thử vài bài”, cô Femi nói.
Theo sử sách Indonesia, đàn angklung là một trong những dụng cụ âm nhạc được người dân các đảo Indonesia yêu thích trước khi thời kỳ hưng thịnh của đạo hindu tại đây. Vào thời kỳ hưng thịnh của đạo Hindu và Vương quốc Sunda nắm quyền từ thế kỷ thứ 7, đàn angklung là nhạc cụ quan trọng dùng trong các nghi thức lễ hội, đặc biệt dùng ngợi ca, tôn vinh vị thần sinh sôi nảy nở Dewi Sri, cầu mong cho đất đai màu mỡ. Ngoài những dấu tích cho thấy loại đàn này được người Sunda tại Tây Java chơi nhiều thế kỷ qua, người ta vẫn tìm thấy nhạc cụ này tại Sumatra và Kalimantan, hay vùng Trung và Đông Java hay ở nhiều nước tại Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Thái Lan. Tháng 7.2011, hơn 5.000 người từ nhiều nước cùng chơi đàn Angklung tại Washington D.C, Mỹ, đánh dấu sự kiện nhiều người nhất cùng chơi đàn Angklung.
Ngày nào cũng có một buổi biểu diễn văn hoá dân gian và chơi đàn angklung tại đây. Mục đích của việc duy trì các hoạt động thường niên này nhằm tạo một thói quen để người dân đưa việc thưởng thức và chơi nhạc này thành một phần trong đời sống hàng ngày của họ. “Cây đàn ngày xưa dùng ca ngợi thần linh, giờ chúng tôi dùng để chơi các bản nhạc yêu thích. Một loại nhạc cụ được tổ tiên dùng từ hàng ngàn năm trước, giờ vẫn hữu ích cho đến ngày nay”, ông Udjio, nghệ nhân làm đàn angklung nói.
Học sinh từ mẫu giáo đến trung học tới đây hàng tuần để nghe giảng và học cách chơi loại đàn tre này. Những cư dân địa phương lớn tuổi cũng đăng ký tham gia các buổi hướng dẫn chơi đàn cùng học sinh nếu họ có thời gian rảnh. “Đó là một trong những cách mà người dân cố làm để bảo tồn văn hoá cổ truyền của mình”, Femi nói.
Nghệ nhân Udjio đang thẩm âm trong quá trình chế các đàn Angklung.
Và quảng bá là bảo tồn
Du khách hay bất cứ ai khi đến đây đều thưởng thức được bữa tiệc âm nhạc, từ nhạc cổ truyền bản địa cho đến những bản nhạc hiện đại trên thế giới mà các nghệ sĩ và các học viên chơi bằng đàn angklung. Ngoài ra, các nghệ sĩ còn kết hợp chiếc angklung với những nhạc cụ làm từ tre khác, tạo nên các âm thanh lạ lẫm quyện vào nhau. Ngay như Angklung tấu lên một số bản nhạc như giao hưởng số 5 của Beethoven, Titanic, Heal the world, You raise me up…, tôi hiểu tại sao người Indonesia quyết tâm quảng bá và muốn đưa dụng cụ này thành một nhạc cụ quốc tế.
Đàn Angklung được mang kết hợp với các nhạc cụ hiện đại của tây phương, chơi trong dàn nhạc giao hưởng lớn, lần đầu tiên là năm 1955 diễn ở hội nghị Bandung nhận được nhiều sự chú ý. Năm 1966, ông Udjio Ngalagena, một nghệ sĩ địa phương và là nghệ nhân làm đàn Angklung đã thành lập “Saung Angklung – ngôi nhà của Angklung”, tạo thành một trung tâm bảo tồn và phát triển loại nhạc cụ này cho đến nay. Sau nỗ lực của những thế hệ tiếp nối, tháng 11.2010, UNESCO đã công nhận Angklung, nguồn gốc Indonesia là một di sản văn hoá của nhân loại.
“Chúng tôi không thể thuyết phục người nước khác rằng, đây là di sản tuyệt vời của chúng tôi nếu chúng tôi không biết về nó. Chính bản thân mỗi người dân ở đây phải là một sứ giả trình bày loại đàn này”, Femi khẳng định. Femi đã đại diện cho những nghệ sĩ chơi đàn Angklung, đi diễn thuyết và trình bày sự độc đáo của Angklung tại nhiều vùng ở Indoneisa và nhiều nước trên thế giới suốt hai năm qua.
Indonesia cũng đưa ra nhiều chương trình tiếp sức cho cuộc hành trình quảng bá nghệ thuật này trên thế giới. Đại sứ và lãnh sự quán của Indonesia tại các nước có nhiệm vụ giới thiệu loại đàn này ở các nước sở tại. Saung Angklung Udjo cử các ca sĩ, nhạc sĩ thành thạo về loại đàn này đi biểu diễn tại nhiều nơi trên thế giới, bắt đầu từ những nước thuộc thế giới Hồi giáo. Nhiều chương trình trao đổi văn hoá, âm nhạc giữa Saung Angklung Udjo và các trường đại học âm nhạc tại nhiều nước được triển khai. Những bản nhạc quốc tế nổi tiếng được trình bày bằng đàn Angklung, được ghi âm và được lan truyền trên internet. Nhưng trên tất cả, người bản địa tự có thói quen yêu thích và chơi nhạc cụ này mỗi ngày trong đời sống hàng ngày.
BÀI VÀ ẢNH: KIM DUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét