Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Thung lũng sát thủ mùa tuyết và anh đào chín


SGTT.VN - Thung lũng Alamut (Iran) khét tiếng từ hơn mười thế kỷ trước với một tổ chức sát thủ, đến mức danh từ sát thủ trong tiếng Anh (assassin) có nguồn gốc từ tiếng Ba Tư...
Alamut, đường lên dốc đứng.
Chuyến đi thứ nhất – truyền thuyết khét tiếng
Thoạt đầu, chúng tôi định đi Qazvin, thành phố cách thủ đô Tehran 150km về phía tây bắc. Nhưng trên đường đi, giở sách du lịch ra đọc mới biết Qazvin chỉ là điểm trung chuyển cho các du khách đi lên thung lũng Alamut. Alamut mới là điểm hút khách. Thế là gần đến thành phố, tất cả quyết định đổi hướng, đi lên Alamut. 100km từ Qazvin đi lên thung lũng là 100km đường núi.
Theo một truyền thuyết, vào thế kỷ 12, giáo phái Ismail (đạo Hồi) bị coi là dị giáo. Người đứng đầu giáo phái này là Hasan-e Sabbah (1070 – 1124) đã lập một tổ chức sát thủ khét tiếng. Ông cho xây dựng những pháo đài vững chắc ở vùng núi Alborz, phía bắc Iran, trong thung lũng Alamut. Hệ thống pháo đài còn trải khắp khu vực Tây Á, kéo dài sang tận lãnh thổ Syria ngày nay. Sabbah tung sát thủ đi khắp nơi để ám sát hoặc bắt cóc các giáo sĩ, các chính khách, thủ lĩnh của những phe nhóm… Họ tin rằng việc ám sát là thiêng liêng và sẽ đưa mình lên thiên đường. Giáo chủ tạo ra niềm tin ấy bằng cách đưa họ đến hưởng lạc trong những khu vườn bí mật, đầy những giai nhân, một hình ảnh về thiên đường mà ông ta muốn hứa hẹn cho đám sát thủ ở kiếp sau. Trong thiên đường ấy, giáo chủ cho họ dùng ma tuý hashish và đám sát thủ được gọi là Hashish-iyun (kẻ dùng ma tuý hashish, chế biến từ lá non và đọt của cây gai dầu). Về sau, từ tiếng Farsi, danh từ này du nhập vào tiếng Anh, phát âm chệch thành “assassin”, tức là sát thủ. Giáo chủ Sabbah còn khét tiếng trong một truyền thuyết rằng ông từng ra lệnh hành quyết hai con trai của chính mình, trong đó một người mắc tội uống rượu. Đội quân sát thủ của ông chiến đấu với thập tự quân từ châu Âu đến và gieo rắc kinh hoàng về tới tận châu Âu.
Nhưng một số học giả cho rằng đó chỉ là huyền thoại sai lệch. Trên thực tế Hasan-e Sabbah là một người có tư tưởng tự do, chuộng khoa học và truyền thuyết về ma tuý chỉ nhằm mục đích phỉ báng giáo phái Ismail của ông. Sau hơn 150 năm tồn tại, năm 1256, hầu hết các pháo đài sát thủ bị quân Mông Cổ, đứng đầu là Húc Liệt Ngột (Hulagu Khan, cháu của Thành Cát Tư Hãn) đánh chiếm, thông qua một thủ đoạn ngoại giao. Trước đó lãnh đạo của giáo phái (người kế tục của Sabbah) đã bị buộc phải đầu hàng. Chỉ có hai pháo đài quyết tiếp tục chiến đấu là Girdkuh và Lamiasar. Nhờ có hệ thống bể chứa nước và dự trữ lương thực, Girdkuh bám trụ thêm được 17 năm nữa. Trước khi rút đi, quân Mông Cổ đã huỷ diệt hoàn toàn hệ thống pháo đài, đề phòng hậu hoạ. Ngày nay đến thung lũng sát thủ, người ta chỉ còn thấy di tích là những đống đổ nát. Giáo phái Ismail bị tiêu diệt và phải sau nhiều thế kỷ mới phục hồi. Hiện nay họ chiếm đa số ở Tajikistan và phía bắc Pakistan, nhưng không còn lưu dấu một chút nào ở Iran.
Núi rừng bao phủ tuyết trắng, nhưng con đường lên dốc xuống đèo thì tuyết đã được dọn sạch, khô ráo và đẹp. Chỉ hơi uốn lượn nguy hiểm. Chúng tôi dừng lại thị trấn Alamut uống trà rồi đi tiếp 25 cây số nữa. Lần mò mãi mới đến chân núi. Chỉ còn 350 bậc đá cuối cùng để leo lên mà bó tay. Tuyết ngập hết các bậc đá, có chỗ đến đầu gối, không thể trèo lên được. Đành ngửa cổ nhìn lên đỉnh núi, thấy cái giàn giáo bao quanh pháo đài đang trong thời kỳ bảo dưỡng. Thấy mấy lá cờ phất phơ, đành giương ống kính lên mà chụp.
Tuyết trắng xoá chỉ còn thấy pháo đài tít trên cao.
Chuyến đi thứ hai – cheo leo vách đá
Gửi những tấm ảnh tuyết phủ kín đỉnh núi khắp thung lũng về cho bạn bè, thế là có người viết thư điện tử bảo: trong phim Hoàng tử Ba Tư gần đây có nói về giáo phái sát thủ này, nhưng cảnh diễn ra ở vùng sa mạc, hoá ra phim điêu ơi là điêu. Có lẽ cách thể hiện ấy cũng chấp nhận được. Xứ Ba Tư ngày xưa trải dài khắp vùng Tây Á, bao trùm cả lãnh thổ một số nước khác, trong đó có cả Iraq bây giờ. Xứ này vừa có vùng tuyết phủ vừa có sa mạc. Vậy những người làm phim cũng có thể đã để cho chuyện xảy ra trong khung cảnh sa mạc, người xem sẽ dễ tin hơn là thấy cảnh tuyết trắng.
Chuyến đi đầu không trèo lên được đến đỉnh núi để thấy phế tích của pháo đài sát thủ, chúng tôi quyết tâm trở lại vào mùa hè 2011. Lần này thì lên được. Không còn cảnh tuyết trắng xoá khắp nơi như hồi tháng 2 nữa, bây giờ là tháng 7. Đám cây cối trụi lá hồi mùa đông, giờ đã xanh um bao phủ chân núi. Nửa chặng đầu, người nào không muốn leo núi có thể cưỡi ngựa cưỡi lừa. Người thích leo trèo thì cứ những bậc đá mà lên. Hồi mùa đông tuyết phủ, cả vùng không một bóng người. Bây giờ thì người nườm nượp như hành hương. Đường lên cheo leo giữa núi rừng bao la. Gần lên đến nơi thì dốc đứng, người ta phải dựng giàn giáo, làm những bậc thang gỗ và tay vịn sắt cho du khách trèo lên.
Bày ra đấy cả một khu phế tích của pháo đài. Những bức tường xây bằng đá đẽo kiên cố. Những vọng gác đục thẳng vào núi đá. Những ô tường thành hất thẳng quân thù đang leo lên khiến chúng rơi xuống tan xác dưới vực sâu. Vậy đâu là nơi giáo chủ Sabbah thể hiện quyền uy trước đoàn thuyết khách bằng cách ra lệnh cho vài sát thủ nhảy ngay xuống vực sâu, chứng tỏ họ luôn sẵn sàng chết? Trong khu phế tích còn đầy đủ những phòng hội họp chiến thuật quân binh, những kho chứa lương thực, bể chứa nước đủ dùng quanh năm…
Người đâu ta? Nhật hay Tàu hay Hàn? Việt Nam à, Việt Nam Hồ Chí Minh! Rồi mời uống nước ăn dưa hấu họ mang theo.
Khu làng chân núi trồng nhiều cây ăn quả. Đào, mận, táo… nhiều nhất là anh đào. Ngày nghỉ, dân từ thành phố Qazvin cách đó hơn trăm cây số kéo về đây tham quan núi sát thủ, rồi ghé vào làng cắm trại picnic, tranh thủ mua anh đào. Xe hơi đỗ đầy hai bên đường, dưới bóng anh đào.
BÀI VÀ ẢNH: HỒ ANH THÁI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét