Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Rhodos – xứ sở của những huyền thoại


SGTT.VN - Tôi được gợi ý đi Rhodos, Hy Lạp. Ừ thì đi. Gần đến ngày lên đường tôi mới lên google một ít thông tin về Rhodos để chuẩn bị hành trang lên đường. Ai ngờ những gì mình không mong chờ nhất lại là những tốt đẹp nhất.
Thành cổ Rhodos và những ngôi nhà hiện đại.
Hàng năm Rhodos đón một số lượng khách du lịch khổng lồ (đứng vị trí thứ hai Hy Lạp) nên sân bay ở đây luôn nhộn nhịp. Tôi chọn khách sạn tại thị trấn Kremasti – cách sân bay chỉ 10 phút và cách trung tâm Rhodos khoảng 25 phút bằng xe buýt, đi lại rất thuận tiện. Tuy nhiên để đi cho hết những điểm du lịch nổi tiếng của đảo và đi cùng em bé nên tôi thuê một chiếc xe hơi. Ngoài ra ở Rhodos người ta rất chuộng xe máy, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy ở đây hầu như tất cả các nhãn hiệu xe máy có tại Việt Nam như Honda, Piaggio, Sym, Yamaha và cả Kymco…
Tuyệt vời Colossus
Thường khi nhắc đến Rhodos người ta nghĩ đến ngay Colossus – một trong bảy kỳ quan cổ đại của thế giới nhưng tôi mê Lindos hơn cả và dĩ nhiên Lindos là điểm đến đầu tiên của tôi. Lindos là một trong ba thành phố cổ đầu tiên của Rhodos và bây giờ là ngôi làng nổi tiếng nhất ở Hy Lạp bởi thành Acropolis (được xây dựng vào khoảng năm 300 trước công nguyên) trên đỉnh núi cao và những ngôi nhà trắng toát được trang trí khá duyên dáng với những cánh cửa xanh và giàn hoa giấy màu hồng nằm lưng chừng dốc núi. Tới Lindos vào một buổi trưa nhiệt độ khoảng gần 40oC nhưng tôi nhất quyết phải leo lên thành Acropolis mà không cần thuê những chú lừa chở đi. Thật ra khi đến chân núi, mọi người bảo nhiệt độ trên đỉnh Acropolis khoảng 43oC và với cái nắng cháy bỏng da thịt như thế này thì nên thuê lừa mà đi nhưng khi tôi nhìn vào đôi mắt buồn của chúng, thấy thật không nỡ nào mà ngồi trên lưng chúng nữa. Máu anh hùng nổi lên, tôi cùng ông xã và con trai bốn tuổi quyết tâm đi bộ lên. Thế mà lại hay. Đường đi lên đến đỉnh Acropolis phải đi qua những con đường nhỏ, ngõ nhỏ của những ngôi nhà mang đặc trưng kiến trúc Byzantine, Trung cổ, Hy Lạp… khi thích thì dừng lại để chụp hình nên quyết định đi bộ rất đúng đắn. Và phần thưởng xứng đáng cho chúng tôi là một cảnh tuyệt đẹp khi đứng trên đỉnh cao của thành nhìn xuống và sự hùng vĩ của đền thờ Athena Lindia. Đẹp đến nghẹt thở!
Phương tiện đi lại ở Rhodos là xe buýt, xe máy và ôtô. Để đến trung tâm (phố cổ Rhodos) bạn nên đi xe buýt vì rất khó tìm bãi đậu xe và phí đậu xe rất cao, tính theo giờ. Riêng đi lại những điạ điểm tham quan khác, bạn có thể đi xe buýt hoặc thuê xe máy, xe ôtô tại khách sạn hoặc những trung tâm cho thuê xe uy tín như Hertz, Budget, Avis... Quà lưu niệm nên mua: mỹ phẩm chiết xuất từ ôliu, mật ong ngâm các loại hạt: hạnh nhân, hạt đào, hạt dẻ… và bọt biển tắm thiên nhiên.
Trải nghiệm Kalithea
Rã rời sau một ngày leo núi, hôm sau tôi đi Kalithea Spa. Đầu thế kỷ 20, khi chiếm Rhodos người Ý đã cho xây khu trung tâm spa này để điều trị cho những người bị bệnh thấp khớp nhờ vào sự kỳ diệu của những dòng nước màu đỏ chảy ra từ vách đá bên vịnh biển này. Tuy nhiên, sau đó nó bị bỏ rơi vào quên lãng cho đến năm 2007 mới được đưa vào sử dụng lại và bây giờ là nơi cho mọi ngưòi đến để lặn biển và tham quan kiến trúc toà nhà mái tròn đặc biệt này. Có rất nhiều bộ phim nổi tiếng được quay tại đây. Sự bảo tồn nghiêm ngặt của chính phủ và ý thức cao độ giữ gìn di tích văn hoá xưa đã giúp Kalithea Spa vẫn còn nguyên sự quyến rũ của nó. Đến Kalithea Spa rồi thì phải ghé qua bãi biển Faliraki gần đó để xem sự nhộn nhịp và thoải mái của khách du lịch trẻ. Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy ở Rhodos người ta mặc bikini lái xe máy phóng ầm ầm trên đường hoặc mặc quần bơi leo lên thăm thành Acropolis ở Lindos. Nóng quá nên mọi thứ đơn giản cho tiện?
Những viên gạch xếp tỉ mỉ từ các viên đá nhỏ ở Colossus.
Điểm nhấn Rhodos
Đi loanh quanh xong là tôi vạch kế hoạch cho những ngày còn lại để tham quan phố cổ Rhodos (hay còn gọi là thành phố thời Trung cổ) ngay tại trung tâm đảo – địa điểm không thể bỏ qua khi đến hòn đảo xinh đẹp này.
Riêng cái danh từ Trung cổ này thôi đã làm tôi hình dung mình sẽ rong ruổi qua những thành trì đổ nát hoang phế, những phiến đá nằm phơi sương dãi nắng cùng thời gian. Nhưng khi đến nơi thì mắt tôi chữ A, miệng chữ O vì quá ngạc nhiên với những gì còn lưu lại tại thành cổ Rhodos này. Cả một thành phố nhỏ (mà hiện giờ có khoảng 6.000 hộ dân đang sinh sống trong thành cổ này) được bao bọc với những bức tường cao to vững chắc dài 4km mà người Rhodos tự hào rằng chẳng gì có thể phá huỷ được. Đi lang thang qua những con đường và hẻm nhỏ nhìn ngắm những ngôi nhà mang dáng dấp kiến trúc thời Trung cổ, nhà thờ mang kiến trúc Gothic và Byzantine, những đài phun nước cổ xưa… tôi mê man đắm chìm vào không khí cổ xưa. Đã đến thành cổ Rhodos thì không nên bỏ qua con đường Hiệp Sĩ – nơi gặp gỡ rất nhiều nhà trọ cổ xưa của hiệp sĩ các nước mà biểu tượng của riêng từng nước vẫn còn được lưu giữ phía trước cửa ra vào. Và cũng nên viếng thăm cung điện của vua, để thấy lại sự huy hoàng một thời kỳ lịch sử hào hùng của hòn đảo nhỏ này. Trải qua nhiều thời kỳ phát triển khác nhau (thời kỳ cổ đại, thời kỳ La Mã, thời kỳ Byzantine, thời kỳ Ottoman, thời kỳ Ý, thời hiện đại) nhưng dấu ấn sâu đậm còn để lại ở Rhodos là thời kỳ của những hiệp sĩ. Nắm giữ hòn đảo từ năm 1309 đến năm 1523 – một thời gian không phải là quá dài – nhưng những thành tựu từ cơ sở hạ tầng (thành trì, bệnh viện, đường xá, nhà thờ...) cho đến kinh tế và văn hoá mà những hiệp sĩ để lại cho Rhodos thật đồ sộ và phong phú, mà có đến đây rồi thì mới cảm nhận đầy đủ được.
Tôi trở về cùng với giấc mơ ngọt ngào…
BÀI VÀ ẢNH: HUỲNH HƯƠNG TRÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét