Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

Độc đáo thành cổ xứ Thổ


Quen biết với Tổng Giám đốc Fiditour Nguyễn Việt Hùng gần 20 năm, đã từng tham gia nhiều đoàn Farmtrip với công ty nhưng đến năm nay tôi mới được đi cùng ông trong một đoàn hoành tráng sang Thổ Nhĩ Kỳ - quê hương của nhà văn châm biếm nổi tiếng thế giới Azit Nexin, nơi có 9 di sản văn hóa được UNESCO công nhận
Trao đổi với giới truyền thông trước ngày khởi hành, ông Hùng thổ lộ: “Được  mệnh danh là “quốc gia nằm ở ngã tư của các nền văn minh”, sự giao thoa văn hóa đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một điểm đến du lịch độc đáo. 

Đặc biệt, sau sự kiện Liên hiệp châu Âu chọn Istanbul làm “thủ đô văn  hóa châu Âu 2010” càng thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ trở thành tâm điểm trên bản đồ du lịch quốc tế. Lần này đến Thổ Nhĩ Kỳ tôi mong muốn tìm hiểu làm thế nào đất nước nằm giữa 2 châu lục Á - Âu này mỗi năm  đón trên 30 triệu du khách?”.
Linh thiêng thành cổ Hierapolis
Không phải ngẫu nhiên mà Hierapolis - TP cổ đại ở Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ - được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới và chính thức có mặt trên đồng tiền xu của Thổ Nhĩ Kỳ. Hình thành trên các lớp đá vôi rắn từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, Hierapolis  được xây dựng trên thác nước canxi trắng xóa, với tổng chiều dài  2700 m, rộng 600 m và cao 160 m. Nơi đây có những con suối lượn lờ qua các gờ cao nguyên, trải qua nhiều thế kỷ đã hình thành nên một chuỗi nhũ đá trắng ngần muôn hình vạn trạng và đặc biệt là xếp tầng tầng lớp lớp như những bậc thang. 

Hierapolis nghĩa là “TP linh thiêng ” vì tiềm ẩn nơi đây  một lượng lớn đền đài, dù bây giờ chỉ còn tồn tại những nền móng cũ là các sàn đá cẩm thạch. Điều ấn tượng với đoàn chúng tôi là Hierapolis còn là một “TP buồn” với trên 1.200 ngôi mộ hoàn toàn được chôn cất trên nền đá vôi. Hầu hết các ngôi mộ từ cuối thời kỳ La Mã, Hy Lạp và thời kỳ đầu của Kitô giáo là của những người dân từ những nơi khác đến Hierapolis để  trị bệnh và qua đời trong thời cổ đại cùng  một số ngôi mộ của người dân bản địa được chôn cất ở đây. 

Đoàn Farmtrip tại nhà thờ Hồi Giáo
Nghĩa trang rộng lớn này dài  2 km và ngày nay những ngôi mộ ở đây đều được khai quật. Đây được xem như  một trong những địa chỉ bảo tồn tốt nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ với những cỗ quan tài gồm cả quan tài của hoàng đế Marcus Aurelius thời đế chế La Mã.
Đến Hierapolis chúng tôi còn thán phục người xưa đã biết tận dụng nguồn nước khoáng địa nhiệt trong khu vực  như một loại spa thiên nhiên từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên để xoa dịu nỗi đau bệnh tật và phiền não trong tâm hồn. 

Nơi đây không chỉ    trung tâm chăm sóc chữa bệnh mà còn là một trong những địa chỉ quan trọng của trí tuệ, nghệ thuật, tôn giáo và thương mại của đế chế La Mã. Thậm chí nhiều người còn chọn nơi này để nghỉ hưu và qua đời. Không chỉ đoàn chúng tôi, khách du lịch đặt chân đến đây đều tranh thủ “trầm mình” xuống dòng suối mát rượi, trong lành này một cách tự nhiên mà chẳng hề e ngại, mắc cỡ.
Văn minh thành cổ Ephesus
Rời  Hierapolis, hành trình tour đưa chúng tôi tham quan đền thờ nữ thần Artemis - một trong 7 kỳ quan cổ đại nổi tiếng của nhân loại, nằm trong TP cổ nhất của đế chế La Mã - Ephesus. Đền do kiến trúc sư Hy Lạp Chersipron thiết kế, xây dựng vào khoảng năm 550 trước Công nguyên, là nơi thờ nữ thần sinh sản. Đây là công trình kiến trúc đầu tiên trong lịch sử  được xây toàn bằng đá cẩm thạch, dài 115 m, rộng 55 m, bao gồm 127 cột đá.
Ephesus là TP cổ một thời huy hoàng rực rỡ, đã bị chôn vùi lâu năm và mới khai quật một phần nhỏ. Dù bên ngoài ngổn ngang gạch đá, những bức tường thành trơ trọi nhưng càng đi sâu vào bên trong, chúng tôi càng bị hấp dẫn bởi nét độc đáo lạ kỳ không thua gì Angkor Watt, Angkor Thom của xứ sở chùa Tháp. Từ 3.000 năm trước, Ephesus đã phát triển với dân số khoảng  500.000  người,  được coi là TP tiêu biểu của văn minh La Mã.  Ephesus được sắp xếp ngăn nắp, trật tự  thành từng  khu vực riêng biệt: thư viện, khu hành chính,  chợ, khu “nhà giàu”...  
Ephesus  có những  nhà tắm công cộng rộng lớn và  một hệ thống dẫn nước thuộc loại tối tân nhất thời bấy giờ. Tầm cỡ của thành phố cổ này được hình dung qua sân vận động, nơi  trình diễn văn nghệ,  cũng là đấu trường khi cần thiết, với sức chứa khoảng 25.000  người. 

Đoàn đang chăm chú nghe thuyết minh
Dù bị tàn phá rất nhiều qua lớp bụi thời gian, chiến tranh, động đất... nhưng khi đứng trên cao chúng tôi  vẫn dễ dàng mường tượng  ra một TP sôi động và  náo nhiệt thuở nào. Không chỉ chúng tôi say mê ngắm nghía, thán phục mà mỗi ngày có hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đến đây để chiêm ngưỡng TP La Mã lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau thành  Rome. 
Không chỉ tại những TP cổ mà ngay ở  Istanbul - được mệnh danh là “ngã tư của văn minh Đông Tây”, từng  là thủ đô của 3 đế chế La Mã, Byzantine và Ottoman, là TP duy nhất trên thế giới đặt chân lên hai châu lục Á - Âu trên chiếc cầu Bosphorus dài hơn 1.500 m, rộng 33 m;  chúng tôi cũng vô cùng ngạc nhiên khi  ngay giữa lòng TP hiện đại vẫn tồn tại những bức tường thành cổ kính, loang lổ vết đạn bom,  dấu tích của thành quách đền đài xa xưa sau những cuộc chiến.
Một chi tiết khiến chúng tôi thật sự giật mình là khi đưa chúng tôi tham quan các đền thờ Hồi giáo ở nhiều nơi trên đất Thổ, hướng dẫn viên rất tự hào khi đất nước họ đã biết giao hòa  giữa các tôn giáo để cho ra đời một kiến trúc độc đáo, đặc sệt chất Thổ. Chẳng hạn, đền thờ Hồi giáo Hagia Sophia  có lịch sử  hết sức ly kỳ: là nhà thờ Thiên Chúa giáo  từ thế kỷ IV, sau đó xây dựng lại thành nhà thờ Hồi giáo vào thế kỷ VI; đến năm 1935 trở thành viện bảo tàng.  

Bằng chứng là  những nét độc đáo của nghệ thuật mosaic trên những tranh khảm trên tường vẫn còn rõ mồn một hình ảnh chúa Giêsu dù  khi đế quốc Ottoman chiếm đóng, nhà thờ được cải biên làm đền Hồi giáo và xây dựng thêm các tháp xung quanh, tạo nên một kiến trúc hài hòa giữa nhà thờ Thiên Chúa giáo và đền Hồi giáo. Phải chăng đây là   một dấu tích lịch sử, thể hiện sự  tôn trọng và gìn giữ quá khứ, sự chung sống hòa bình giữa các tôn giáo?
Việt Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét