Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Những kệ sách trắng


SGTT.VN - Những kệ sách trống rỗng sơn trắng đến lạnh lùng dẫn người tham quan đến với biến cố đốt sách thời Đức quốc xã. Giữa đốt sách và đốt người có mối liên quan mà từ năm 1821 Heinrich Heine đã chỉ ra.
Nhìn xuống nắp kính hầm này chỉ là những kệ sách trống không. Đó là đài tưởng niệm... sách.
Khi ghé thăm đài tưởng niệm nạn nhân chiến tranh, anh bạn người Đức của tôi ngậm ngùi: “Hiện nay, hàng tuần, người dân tại Berlin vẫn đào được bom mìn sót lại từ thế chiến thứ hai. Vẫn có người dân tại Đức hàng ngày bị thương vong vì những tàn tích của cuộc chiến đã kết thúc cách đây hơn 50 năm”.
Người bạn Đức này hướng dẫn tôi đến thăm các địa điểm lịch sử trong thành phố Berlin, và kể về nhiều biến cố mà anh đã trải qua, trong đó rất nhiều câu chuyện ít được người ta nói đến. Ra khỏi đài tưởng niệm nạn nhân chiến tranh, chúng tôi sang quảng trường Bebelplatz (trước đây là Opernplatz), gần kề, người bạn muốn chỉ cho tôi xem một nơi tưởng niệm vốn được ít người nhắc đến nằm ở quảng trường, phía nam đại lộ Unter den Linden, thuộc quận Mitte.
Đưa tôi đến ô kính chịu lực rộng 1m2 giữa quảng trường, anh bảo tôi nhìn xuống và đoán xem đó là cái gì. Rất nhiều dự đoán được đưa ra cho căn hầm nhỏ rộng khoảng 4m2, với bốn bức tường kệ trắng ngay dưới chân mình, nhưng các lời đoán định của tôi chưa khiến anh hài lòng. Để trả lời cho cái nhún vai, lắc đầu kèm ánh mắt vô vọng của tôi, anh chỉ hai tấm bảng kim loại cách ô kính khoảng 2m, ở đó ghi câu nói của nhà thơ Heinrich Heine bằng tiếng Đức: “Nơi nào người ta đốt sách, họ cũng kết thúc bằng việc đốt người”... Điều Heinrich Heine nói đến từ năm 1821 dường như mang tính dự báo lịch sử của nước Đức sau này.
Tượng đài tưởng niệm ở bảo tàng chiến tranh Berlin
Những khung gỗ trắng dưới ô cửa kia chính là những chiếc kệ sách trống rỗng. Đây là đài tưởng niệm những cuốn sách bị đốt theo chính sách ngu dân của Đức quốc xã. Tôi rùng mình khi hình dung các biến cố kinh hoàng trong thế kỷ trước. Sau khi lên cầm quyền đầu năm 1933, Adolf Hitler phát động chiến dịch đốt sách trên cả nước, từ ngày 7.3 – 9.10.1933. Danh sách đen các tác giả và tác phẩm, thuộc mọi thể loại như văn học, lịch sử, nghệ thuật, tôn giáo, triết học, giáo dục “không mang tính Đức” cần thiêu huỷ được liệt kê. Albert Einstein, Harvelock Ellis, Lion Feuchtwanger, Sigmund Freud, Franz Kafka, Jack London, Heinrich Mann, Thomas Mann, Karl Marx… đều nằm trong tầm ngắm.
Những cuộc lục soát được tiến hành rộng khắp, trong thư viện, trường học, hiệu sách... nhằm thu hồi và mang sách ra đốt trước công chúng. Nhóm thanh niên, sinh viên theo Đức Quốc xã trực tiếp đốt sách tại hơn 100 thành phố với nghi thức long trọng. Tối 10.5.1933, chiến dịch đốt sách đồng loạt tại 22 trường đại học của Đức. Hơn 20.000 cuốn sách bị đốt. Số phận của các tác giả cũng không may mắn gì hơn, ngoài một số người kịp di cư sang nước khác. Số còn lại bị bắt, lưu đày trong các trại tập trung, bị trục xuất, ám sát hoặc nhiều người trong số họ phải tự sát để thoát khỏi sự truy quét điên cuồng trên. Đức đã đưa ra ý tưởng dựng tượng đài này ngay sau sự kiện thống nhất đất nước nhằm ghi nhớ về một giai đoạn văn hoá bị Đức quốc xã tiêu huỷ và mong rằng không bao giờ sự việc tương tự tái diễn. Được khánh thành tháng 5.1995, đài tưởng niệm do kỹ sư gốc Do Thái Micha Ullman thiết kế. “Đài tưởng niệm này ghi nhớ những đứa con tinh thần của các tác giả đã bị đốt, và tưởng niệm những người đã không may thiệt mạng trong sự kiện này. Bạn bè khi đến Berlin, tôi đều đưa họ đến đây”, anh bạn Đức nói. Hàng năm, sinh viên tại đại học Humboldt vẫn tổ chức bán sách tại quảng trường để tưởng nhớ sự kiện trên.
BÀI VÀ ẢNH: KIM DUNG
– Hiện các chuyến bay trực tiếp từ Việt Nam đến Berlin chưa có. Khách du lịch từ Việt Nam đến Đức có hai lựa chọn: bay thẳng từ Hà Nội sang Frankfurt hoặc từ TP.HCM quá cảnh qua Bangkok đến Frankfurt trước khi đón máy bay hoặc tàu điện đến Berlin. Berlin khá rộng và được chia thành hai khu vực với phong cách khác biệt giữa đông Berlin và tây Berlin do điều kiện lịch sử bị chia cắt trước khi hai miền đông tây thống nhất.
– Phương tiện đi lại thông dụng nhất di chuyển từ sân bay đến các điểm trong thành phố Berlin, đặc biệt là khu vực trung tâm lịch sử của thủ đô là xe buýt. Đi xa hơn thì dùng tàu điện ngầm. Bản đồ hệ thống xe điện và xe buýt cũng như các di tích lịch sử, viện bảo tàng hoặc các dịch vụ tại Berlin được phát miễn phí và được hướng dẫn ngay tại sân bay hoặc các ga điện ngầm của thành phố. Nếu du khách không thích thời tiết lạnh lẽo, đến Berlin đẹp nhất là vào khoảng tháng 6 đến tháng 8.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét