Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Nhớ những chai và ly gói trong giấy...


SGTT.VN - Ngật ngưỡng trên lưng chú lạc đà cao nghều nghễu, tôi lang thang vào những con đường nhỏ đầy cát bụi, phất phơ đám lau sậy. nắng chiều nhuộm hồng như rướm máu… khi hoàng hôn đang rơi nhanh trên sa mạc Pushkar. Pushkar, nằm trong tỉnh Ajmer, bang Rajasthan, là một trong những thành phố cổ xưa nhất Ấn Độ.
Những điều cấm kỵ
Ly và chai bia được gói trong những tờ giấy. Nhấm nháp ngụm bia lại cảm nhận cái cảm giác hứng thú của đứa trẻ con nhón vụng thức ăn trong bếp...
Đến vùng đất thiêng này, khoan nói đến đền đài hoành tráng, hồ thiêng xanh đẹp, chuyện xưa tích cũ… bạn cần phải thấm nhuần tư tưởng: Pushkar là miền đất thiêng. Hàng quán chỉ có thức ăn chay, không rượu bia, cấm hút thuốc ở quanh hồ thiêng, các đền thờ, không được mang giày dép khi đi quanh hồ hay khi xuống hồ, không được chụp hình các ghat (bến tắm) khi có người đang tắm rửa, người ngoại đạo không được vào một số ngôi đền quan trọng… Hơn cả miền đất thiêng bên sông Hằng, nơi đây quả thật quá nghiêm khắc về các khoản cấm, nhất là đối với những kẻ lang bạt giang hồ – có tôi trong đó. Lúc đầu tôi nghĩ vậy cũng tốt, ăn chay vài ngày thì đã sao, lại tốt cho sức khoẻ, bỏ rượu bia vài ngày cũng vậy, còn tiết kiệm chút tiền còm… nhưng một trưa cô đơn ven hồ xanh nắng loáng, một hoàng hôn trong vắt, một mình lang thang sa mạc hoang vắng… mới thấy sự cám dỗ và quyến rũ của những thứ “bị cấm” đó. Hay chính do bị cấm nên chúng càng quyến rũ?
Và đó là lý do trên lưng lạc đà tôi sững sờ nhìn theo chiếc xe lạc đà kéo có hai bạn Tây balô đang vui vẻ tí tởn nói cười, rồi ngửa cổ sảng khoái tu chai Kingfisher, dù đã gói trong giấy báo vẫn dễ dàng nhận ra. Sao các bạn làm tôi nhớ quá!
Không là đệ tử chân truyền của thần Dionysos, nhưng với tôi, việc thưởng thức những hương vị bia mới thú vị chẳng kém chuyện khám phá món ăn lạ khi lang thang xứ người. Sau ngày dài ngược xuôi chiêm ngưỡng di tích xưa kỳ bí, thiên nhiên tươi đẹp,… còn gì thú vị hơn khi chiều về, ngả người bên biển biếc, trước sông xanh… nhìn ngày đi đêm về, tự thưởng cho mình một ly bia thơm nồng, lạnh mát, chợt thấy hạnh phúc nhiều khi thật giản đơn. Rồi những lúc mỏi mệt sau chặng đường dài lăn lóc sật sừ trên xe pháo, “bội thực” với kinh thành hoành tráng, đền đài lộng lẫy, chán ngán với những món ăn nồng gia vị, lênh láng mỡ dầu, hay cô đơn chợt ập đến,… Khi đó, tôi lại mình tôi lặng lẽ gặm nhấm cái buồn bã… để chúng bé lại, cho chúng vơi đi bằng những ly nước vàng óng, nồng nàn hương houblon.
Và yêu thích sự vụng trộm
Nhưng tôi thích nhất, nhớ nhất vẫn là khi rón rén nhấm nháp những ly bia được gói để che lại trong những tờ giấy, ở những vùng đất thiêng, những ngày kỵ kiêng... Trong ly bia ngọt, có pha thêm chút hứng thú, kích thích của sự lén lút, vụng trộm. Như lũ trẻ con, dù bị la rầy nhưng vẫn thích nhón vụng thức ăn trong bếp hơn khi chúng được bày biện trên bàn, trên dĩa đàng hoàng. Cả người lớn!
Nên giờ tôi nhớ. Nhớ nụ cười tủm tỉm của mấy chàng trai Thổ khi nhìn vào cái chai gói giấy trên bàn tôi, trong quán kebab thơm lừng thành Trabzon, xứ Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Nhớ ánh mắt tinh nghịch của những cậu bé Duy Ngô Nhĩ nhìn kẻ lang bạt với cái chai cuốn chặt trong tờ quảng cáo, một chiều thứ sáu rền vang tiếng kinh cầu bên thánh đường Id Kad, Kashgar. Rồi đêm nao ở ga tàu Gaya, bên miền đất Phật Bodh Gaya, không chỉ riêng cái chai mà cả cái ly đều được gói giấy che quanh… bởi chính tay ông chủ quán tận tình. Với ai đó, việc này có thể là “tội lỗi”, có thể là “hư hỏng”… Nhưng với tôi, kẻ xác phàm còn vướng nhiều nợ hồng trần, phía sau những cái chai gói giấy không chỉ là kỹ năng phục vụ khách, mà còn là những tấm chân tình. Lang thang xứ người, thành quách lâu đài, cung vàng điện ngọc… rồi có lúc sẽ hoa mắt nhưng sao tôi quên những chăm chút, những chút tình con bên ly bia vàng đó.
Pushkar chiều sa mạc bình yên và đẹp lạ. Có kẻ hoang đàng sau ngày lang thang hạnh phúc nơi miền đất thiêng, giờ một mình lặng ngắm hoàng hôn rơi trong nỗi nhớ. Nhớ những chai và ly gói giấy.
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN THÁI HOÃN
Pushkar tiếng Phạn nghĩa là “đoá sen xanh”. Các tín đồ Hindu tin rằng một đoá sen xanh của thần Brahma đã rơi từ trời xuống nơi hồ thiêng, hồ Pushkar. Nằm bên bờ hồ thiêng, theo truyền thuyết thành Pushkar đã được thần Brahma tạo ra từ cách đây khoảng 60.000 năm trước, và nó có tên trong hầu hết các sử thi nổi tiếng Ấn Độ... Phố nổi tiếng với ngôi đền thờ thần Brahma xây dựng từ thế kỷ 14, một trong số vài đền thờ thần Brahma còn lại trên toàn thế giới (trong đó có đền Prambanan, Yogyakarta, đền Besakih, Bali). Quanh hồ Pushkar có đến 52 ghat (bến tắm). Bên cạnh sông Hằng, hồ thiêng Pushkar cũng là nơi những tín đồ Hindu ước mơ được hành hương đến tắm gội để tẩy sạch những tội lỗi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét