Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Dân tộc Naga và Lễ hội năm mới Kaing Bi (Myanmar)


Naga là nhóm sắc tộc thiểu số đa quốc gia hiện cư trú tại khu vực tây bắc Myanmar và rải rác ở các bang Assam, Nagaland, Manipur và Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Các nhóm sắc dân chính có thể kể như Angami, Ao, Chakesang, Chang, Katcha,Khiamnungan, Konyak, Liangmei, Lainong...

Tại Myanmar, có khoảng 150.000 dân Naga phân thành 64 nhóm bộ lạc chính, mỗi bộ lạc bao gồm nhiều thị tộc cộng sinh, chủ yếu cư trú ở lưu vực sông Chindwin dưới chân núi Saramati (bang Chin, Myanmar).
Dù đa dạng về số nhóm bộ lạc, cộng đồng người Naga nói các phương ngữ Naga khác nhau thuộc cùng ngữ hệ Tạng-Miến. Trong tiếng Sanskrit, từ “Naga” được dùng để chỉ nhóm những “người thượng”, những “người lõa thể” cư trú rải rác chốn thâm sơn cùng cốc. Trong lịch sử, người Naga đã từng giữ tục thờ rắn Naga (xem TTCT ngày 21-12), song cho đến nay người ta vẫn chưa biết tên tộc người Naga có trước hay tên rắn thần Naga có trước.


Các thiếu nữ Naga trong ngày hội Kaing Bi

Xã hội Naga tổ chức theo mô hình làng liên kết tự quản trong khuôn khổ những qui định chung của nhà nước liên bang. Nhiều nhóm người Naga tổ chức một tập thể quân đội riêng nhằm bảo vệ cho cả cộng đồng. Trong mỗi bản làng, người ta xây trạm gác trên thân những tán cây to để quan sát động tĩnh trong vùng.
Người Naga rất coi trọng nguồn gốc xuất thân của từng thành viên, do vậy các nhóm sắc dân đều có tục lệ qui định kiểu cách, màu sắc trang phục thường nhật cũng như dùng trong lễ hội để phân biệt. Ngoài khác biệt về mẫu trang phục, họ còn qui định cả về kiểu tóc, kiểu nón, kiểu xăm mặt, các phụ trang đi kèm...
Ngày thường, nam giới cởi trần, mặc quần ngắn hoặc đóng khố. Nữ thì mặc áo và vận váy (ngắn, dài tùy vùng). Vào ngày hội, đàn ông lẫn phụ nữ đều bỏ công trang trí cho mình những bộ trang phục nhiều màu sắc và những chiếc nón đội đầu rất ấn tượng. Trên cổ họ lủng lẳng những chiếc răng hổ, móng gấu, biểu tượng của sự chiến thắng và biểu trưng cho các vị trí xã hội.


Đánh trống gỗ ngày hội Kaing Bi

Người Naga sống chủ yếu bằng nghề rừng và nghề trồng trọt theo lối “đao canh hỏa chủng” (đốt cây phát nương trồng trọt) trên nương rẫy hay các triền ruộng bậc thang mé sườn đồi dọc hai bên sông Chindwin. Nam giới tự liên kết thành nhóm săn bắt trong rừng sâu, trong khi phụ nữ có thêm nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại nhà. Tỉ lệ biết chữ ở cộng đồng Naga vào khoảng 61%.
Người Naga thẳng tính, thật thà, chăm chỉ, gan dạ và nóng tính. Mỗi đàn ông là một chiến binh đích thực. Sức mạnh và lòng can đảm là thước đo nam tính và vị trí của họ trong cộng đồng.
Trước đây người Naga có tục săn đầu người; mỗi nhóm hoa văn xăm trên mình là thành tích của một lần đi săn thành công, được hiểu là biểu tượng của sự may mắn và lòng dũng cảm. Hủ tục này bị cấm triệt để từ năm 1991, và từ đó quê hương của người Naga đã trở thành những vùng hấp dẫn du khách thập phương.
Người Naga theo thuyết vật linh. Họ tin rằng con người có hồn (một hay nhiều hơn), khi chết, linh hồn sẽ tìm đường về với tổ tiên tận chốn rừng sâu nơi mà người phàm trần không bao giờ đặt chân tới được.

Do vậy, các nghi lễ tống tiễn linh hồn trong phong tục tang ma được thực hiện rất nghiêm ngặt. Một số nơi dựng nhà mồ cho người chết, trên đó gắn các kỷ vật của người quá cố và các vật dụng cần thiết với hi vọng tất cả sẽ hữu ích ở thế giới bên kia.
Một số bản làng xưa có tục đốt quan tài bằng lửa nhỏ trong suốt hai tháng liền, sau đó gom xương, tro còn lại bỏ vào trong vò và mang đi chôn. Một số nơi dựng tượng nhà mồ, giữ tục dâng lễ vào những ngày đặc biệt. Một số gia đình dựng bàn thờ trong nhà ngụ ý xua đuổi tà ma và bảo vệ các chiến binh nơi trận mạc.
Người Naga mở hội suốt năm. Lấy nhóm dân Lainong làm ví dụ, các lễ hội phổ biến có thể kể như lễ hội Kai-vi (khai hội đầu xuân), Lor Sorh Sao (lễ xuống đồng), Au Zeh (lễ tạ lỗi các nạn nhân bị săn đầu), Auk-sa (lễ hội mừng gieo hạt), Kyoh Shau Vee (lễ hội gặt hái)... Mỗi nhóm sắc dân đều có những lễ hội riêng, song toàn dân Naga có chung tết năm mới Kaing Bi - lễ hội quan trọng nhất của họ.


Hoa văn vẽ trên mặt. Thời cổ trung đại, các vết xăm trên mình (mặt, ngực, tay, chân) nam giới gắn liền với số đầu người săn được theo phong tục bản địa. Ngày nay, người Naga bỏ tục săn đầu người, song tục xăm mình vẫn còn tồn tại ở nhiều bản làng. Một số phụ nữ cũng có thói quen xăm mình

Tết Kaing Bi thường được tổ chức vào các ngày 15, 16 tháng giêng hằng năm, là dịp sum họp cả cộng đồng. Có thể nói lễ hội là dịp hội tụ, gặp gỡ, giao lưu của nhiều dòng chảy văn hóa Naga, là dịp cùng nhau giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống hàng ngàn năm của họ. Trung tâm để mọi người tụ tập thường là đồi Lahe - nơi được cho là vùng đất linh thiêng.
Từ vài ngày trước tết, người Naga nhộn nhịp tập dượt các điệu múa truyền thống nhằm phục vụ lễ hội và góp phần giữ gìn truyền thống. Một đấu trường được dựng lên, trang trí bằng một chiếc cổng đẹp với những biểu tượng chào mời rất độc đáo.
Trước khi chính lễ diễn ra, người ta tiến hành dựng những cây cột linh thiêng ngay phía trước các ngôi nhà làng (morung), cùng theo đó mọi người cầu nguyện cho năm mới sung túc. Các cây cột thiêng được vát một mặt phẳng, trên đó trang trí nhiều lớp màu đỏ, trắng, đen theo truyền thống hình chữ V.
Tiếp đến, người ta cột những con gà làm vật cúng tế vào chân cột. Một vị thầy tế rắc vài giọt rượu lên mình gà, miệng khấn cầu thần linh phù trợ cho cộng đồng năm mới khấm khá.
Sau đó, người ta cắt cổ gà, để máu gà phún ra quanh chân cột làm dấu hiệu của sự may mắn. Rồi những bát rượu đựng bằng cốc lá chuối, những bát ngũ cốc và các đồ lễ được bày ra để dâng cúng thánh thần.
Ngay sau khi tiến hành nghi lễ cúng tế, từng nhóm người Naga đại diện cho từng bản làng bắt đầu vào hội múa. Những điệu múa của người Naga trông rất mạnh mẽ, thường kết hợp nhịp nhàng của toàn bộ cơ thể (đầu, tay, chân).
Các điệu múa còn được bổ sung các đường đao lưỡi mác vút lên không trung phần nào thể hiện sinh động lối sống canh nông và săn bắt thường nhật của họ. Mỗi bản làng là một điệu múa, cứ thế ngày hội kéo dài đến tận khuya. Xen kẽ với những điệu nhạc xập xình và những vũ điệu rừng xanh mạnh mẽ, người ta còn tổ chức hội vật, nhảy sạp, thi đánh trống, thi thổi tù và, thổi sáo trúc...
Lễ hội kết thúc bằng nghi thức đốt lửa và nhảy múa tập thể. Đối với người Naga, niềm vui ngày tết Kaing Bi sẽ là động lực giúp họ tiếp tục hành trình sống suốt một năm sau đó. 
(Tài liệu chính: J.D. Saul (2005) The Naga of Burma - their festivals, customs and way of life, NXB Orchid)


Nguồn: Tuoitre Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét