Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

(THVL) Du xuân ở Thiên Thủy

Thành phố Thiên Thủy thuộc tỉnh Cam Túc, Trung quốc nằm dọc theo con đường tơ lụa nổi tiếng ngày xưa. Hiện, Thiên Thủy là một thành phố công nghiệp phát triển mạnh với số dân khoảng 3,5 triệu người.
Thiên Thủy là thành phố lớn thứ 2 của tỉnh Cam Túc. Thành phố này có rất nhiều khách sạn từ bình dân cho đến 5 sao, giá thuê phòng rẻ hơn rất nhiều so với những thành phố lớn như Thượng Hải hay Bắc Kinh.
Nếu có dịp đến đây vào những ngày đầu tháng giêng âm lịch, bạn sẽ được tham gia một lễ hội rất độc đáo – lễ hội đón Tết. Lễ hội này diễn ra hằng năm và là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm của người Trung Quốc. Trong những ngày Tết, mọi người mặc quần áo đẹp, trang trí những chiếc xe hoa thật lộng lẫy, rồi diễu hành trên đường phố. Những hoạt động náo nhiệt đó thường diễn ra vào khoảng 10 giờ sáng, nhưng nếu đến sớm hơn bạn sẽ được xem người dân Thiên Thủy chuẩn bị cho sự kiện tưng bừng này.
Nhân vật quan trọng trong sự kiện này là những đứa trẻ. Chúng được trang điểm thật đậm. Mỗi làng chọn ra 1 đứa trẻ dẫn đầu đoàn diễu hành của mình. Gia đình nào có con được chọn sẽ cảm thấy rất hãnh diện vì điều đó. Đứa bé được mặc trang phục nhiều màu rực rỡ, gương mặt cũng được tô vẽ rất nhiều màu. Hình ảnh của các em tựa như các nhân vật trong các vở tuồng truyền thống của người Trung Quốc.
Đứa trẻ được lựa chọn diễu hành sẽ trang điểm thật đậm và mặc bộ đồ nhiều màu sắc
Lễ diễu hành là hoạt động rất quan trọng trong ngày Tết của người Trung Quốc ở thành phố Thiên Thủy. Tham gia lễ hội bao gồm người dân thành phố và các vùng lân cận. Mỗi chiếc xe hoa đại diện cho 1 gia đình hoặc 1 ngôi làng được thiết kế nổi bật với nhiều màu sắc nhằm gây sự chú ý của mọi người. Trên một số chiếc xe hoa có bày trí thêm hình ảnh lân, hay rồng – những con vật tượng trưng cho sự may mắn theo văn hóa của người Trung Quốc.
Ngoài lân, rồng, hoa cỏ, lễ hội đón Tết của người Thiên Thủy không thể thiếu những nhân vật nổi tiếng trong các câu chuyện thần thoại chẳng hạn như các vị thần. Lễ hội sẽ có những màn trình diễn rất hoành tráng và sôi động với sự tham gia của tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi.
Đối với người Trung Quốc, Tết Nguyên đán là dịp lễ hội quan trọng nhất trong năm. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, các phong tục đón tết đã có ít nhiều thay đổi, nhưng nó vẫn là hoạt động được nhiều người mong đợi nhất.
Để chào đón năm mới, người ta tiến hành rất nhiều nghi thức long trọng trong đó có shehou gồm những màn trình diễn hát múa truyền thống. Qua các bài hát và điệu múa, mọi người cầu nguyện cho vụ mùa bội thu. Từ “She” có nghĩa là “thần đất” và từ “huo” có nghĩa là “lửa”. Người xưa tin rằng, sức mạnh kỳ diệu của đất và lửa sẽ xua đuổi những điều không may mắn đi nơi khác.
Trải qua thời gian lâu dài, phong tục shehou đã phát triển thêm nhiều nét mới. Đó không chỉ là những màn nhảy múa – ca hát trong nghi thức cúng tế mà bao gồm nhiều màn biểu diễn nghệ thuật kết hợp với các trò giải trí đặc sắc thu hút đông đảo mọi người tham gia.
Vào ngày Tết, người Trung Quốc thường ăn các loại bánh kẹo ngọt truyền thống. Các loại bánh kẹo làm bằng phương pháp thủ công được nhiều người ưa chuộng hơn những sản phẩm công nghiệp. Người Trung Quốc thích các loại bánh này không chỉ vì chúng có vị ngọt ngon mà còn vì ý nghĩa qua hình dáng của chúng. Bánh kẹo thường có hình tròn, tượng trưng cho sự sum họp. Sum họp gia đình trong ngày tết là điều rất quan trọng trong văn hóa của người Trung Quốc.
Động Mạch Tích là một hệ thống hang động rất đặc biệt nằm trong lòng một ngọn núi cùng tên. Động Mạch Tích nằm cách khu trung tâm thành phố Thiên Thủy khỏang 40 km về hướng đông nam. 
Người ta còn gọi núi Mạch Tích là núi Cỏ Khô (Haysatck mountain). Ngay khi đến đây, bạn sẽ hiểu vì sao người ta gọi ngọn núi này là núi cỏ khô. Hình dáng của hang tựa như một đụn rơm mà chúng ta thường thấy ở các làng quê. Động Mạch Tích là 1 trong 4 hang Phật giáo lớn nhất ở Trung Quốc. Dù nhìn ngắm ở bất cứ góc độ nào bạn cũng đều nhìn thấy những kiệt tác nghệ thuật bằng đá. Không ít trong số những bức tượng này được chạm khắc trên bề mặt đá từ cách nay hơn 1500 năm.
Người ta nói rằng, chúng đã được tạo nên từ khoảng năm 384 sau Công nguyên đến thế kỷ XVII. Người xưa đã chạm khắc nhiều tác phẩm nghệ thuật trên khắp vách núi. Họ cũng đục khóet đá để tạo thành hàng trăm hang động trên ngọn núi này. Mạch Tích Sơn có đến 194 hang với 7200 bức tượng.
Nét mặt của những bức tượng Phật ở đây trông phúc hậu hơn ở nhiều nơi khác. Chúng phản ánh gương mặt điển hình của người dân Thiên Thủy. Đó là lý do mà người ta gọi đây là hang của thường dân. Các bức tượng luôn nở nụ cười trên môi, trang phục và phụ kiện trên các bức tượng đều rất đẹp. Khi đến đây hẳn bạn sẽ rất thán phục tài nghệ của các nghệ nhân xưa. Không chỉ đục khóet núi hay chạm khắc những tác phẩm điêu khắc, họ còn tạo nên những bậc thang để mọi người dễ dàng leo lên đỉnh núi.
Hang Mạch Tích không có nhiều tượng Phật như hang Mạc Cau ở Đôn Hoàng nhưng tượng Phật ở đây mang nét đặc trưng của văn hóa Trung quốc hơn vì tượng Phật ở hang Mạc Cau thể hiện sự giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Hang Mạch Tích cũng là một trong những hang động có những tác phẩm điêu khắc dựa trên hình ảnh của dân thường hơn là khắc họa hình ảnh của vua chúa hay các vị thần thánh. Do Mạch Tích Sơn nằm sâu trong rừng, nên các bức tượng ở đây được bảo tồn tương đối tốt.
Động Mạch Tích có những tác phẩm điêu khắc Phật giáo đẹp
vào bậc nhất ở Trung Quốc
Tạm biệt Động Mạch Tích, chúng ta cùng ghé thăm làng nghệ thuật thủ công Han-Than thuộc vùng núi Mạch Tích. Nơi đây trông rất bình dị, nhưng lại là một điểm dừng chân lý tưởng. Bạn hãy đến đây để quan sát cảnh quan xung quanh, tìm hiểu về nghề làm gốm sứ và tự tay mình làm thành một món đồ nào đó.
Thanh Trúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét