Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Khám phá Angkor kỳ bí

Giadinh.net - Nhắc đến Campuchia, người ta dễ nghĩ ngay đến đất nước của những chùa tháp, vì ngay từ cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh ngó sang cửa khẩu của bạn là đã thấy kiến trúc Khmer.
Giống như tại quê hương Phật giáo là Ấn Độ, rồi các nước láng giềng: Myanmar, Thái Lan, Lào, dọc dài đất nước này, chúng tôi trông thấy rất nhiều người theo Đạo Phật đang trong mùa hành khất. Ít ai biết được rằng, đế chế  Angkor từng nổi danh trong khu vực vào thế kỉ 9,10 để rồi tàn lụi và đi vào miền kí ức của người Khmer; còn vương quốc trung lập Campuchia chỉ mới hòa bình và thống nhất từ năm... 1999. Campuchia chính là mảnh đất chứa đựng những điều kỳ lạ.
Từ rắn con, rắn mẹ đến châu chấu, cào cào... tất cả đều bị làm thịt. Người Campuchia chỉ đãi thượng khách bằng món này.
Du khách sợ côn trùng, chỉ có người Miên thì khoái ăn.
Có cái nắng, có cái gió...
Từ những chị, những cô buôn thúng bán bưng, nước da đen nhẻm, chít khăn quanh đầu, chỉ giỏi nói tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết, thường đến các nhà hàng sang trọng nhất Phnom Penh cứ ngày này qua ngày khác bán một loại thức ăn được ưa chuộng mà nhiều du khách khiếp vía: côn trùng.
Tại bến phà Niết – Lương (Neak Leung Ferry) – nơi gián đoạn duy nhất giữa các tỉnh phía tây nam với Thủ đô Phnom Penh, tôi mải mê nhìn các tấm panô có trương hình ảnh của ba người: Thủ tướng Hunxen - Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP); hoàng thân Norodom Ranariddh, Chủ tịch Đảng Funcipec và Chủ tịch Đảng SRP - Sam Rainsy. Đây là một nơi rất đặc biệt bởi có thể đi cửa khẩu Bavet, tỉnh Svey Rieng, Pray Veng.
Bỗng một cánh tay từ phía sau khèo tới, tôi quay lại và ngạc nhiên trông thấy những thúng tôm được để trên đầu một người phụ nữ, mà không hề có lấy một tấm bạt che. Cả một thúng hàng chất chồng, chia tôm làm hai loại lớn và nhỏ mà chị này không thèm lấy tay giữ. Có lẽ vì những năm tháng mưu sinh ở đôi bờ đã làm chị giữ được thăng bằng rất tốt khi để trên đầu. Cạnh đó, những con sò nghêu bắt dưới nước xong cũng được luộc qua loa đại khái và đi rao bán.
Giống như những người ở vùng quê nghèo này, chị không nói tiếng Anh được, chỉ đến khi có phiên dịch thì tôi mới có thể trò chuyện được với Chanda - tên của chị bán tôm. Người Khmer thường rất hay đặt tên như vậy.
“Tôm này ở đâu, mua và ăn như thế nào vậy chị?”. “Gia đình tôi bắt ở dưới sông, luộc xong là lên bán. Một bì ni lông là 2.000 ria (nửa USD)”.
Chuột đồng "xuất kích" phía trước hoàng cung.
Dưới trời nắng như đổ lửa, giữa khói bụi xe mù mịt, không có du khách nước ngoài nào dám mua ăn thử loại tôm sông. Duy chỉ có những người Khmer gần đó và cả các cán bộ của bến phà thì thoải mái mua xong là bỏ vào miệng nhai như... ăn trái cây. Họ rất thích thú với món ăn hải sản kiểu này.
Bà Tư Rết, một người dân gốc Việt cạnh bến phà thì bảo: “Ba má tôi kể rằng những năm qua đây, dưới thời tàn khốc của Khmer đỏ, do đói quá nên nhiều người dân phải ăn đủ thứ để sống, chứ làm gì có gạo. Họ phải ăn nào là rau rừng, tôm, ốc, cua, rắn rít đến cào cào, châu chấu. Cứ hơ qua lửa là... quất luôn”. Hèn gì đến giờ, họ vẫn vậy. Tôi nghe mà muốn rùng mình. Bà Tư Rết bảo lên Thủ đô, đội quân bán côn trùng đông hơn đây nhiều.
Nằm sát vùng xích đạo nên thời tiết Campuchia hầu như chỉ có một mùa nắng. Khí hậu khắc nghiệt như vậy nên loại cây thốt nốt mới tồn tại nổi ở mảnh đất này. Bao nhiêu năm qua, bên bến phà Niết - Lương, những người bản xứ không làm nông nghiệp mà chỉ chuyên bán tất tần tật các loại côn trùng, nước uống cho khách đường xa để kiếm tiền sinh sống.
Phía sau lớp khăn che mặt của bao bóng hồng để chống chọi lại cái nắng, cái gió ấy là cuộc mưu sinh thường nhật khi con cái họ “sống dưới đáy sông” Mekong để “trục vớt” tất cả thủy hải sản, rồi các bà, các chị sơ chế và mang đi bán.
Thúng tôm để trên đầu ở bến phà Niết - Lương.
Quốc hồn quốc túy
Tới Phnom Penh, đang đi dạo trước bảo tàng diệt chủng Toul Sleng, tôi tá hỏa khi trông thấy đội quân hàng rong bán toàn côn trùng. “Sản phẩm” gồm có: Rắn lục nướng nhuộm màu đỏ rực; nhện (tiếng Campuchia là a- ping), điên điển (giống con gián), châu chấu, cào cào chiên cháy đen thui; nhộng luộc. Mỗi thứ nằm trong một bì ni lông để người mua dễ thấy. Khi mua, người bán sẽ bọc trong bì ni lông để người mua cầm khỏi dính tay. Samitt, du khách đến từ xứ sở sương mù Anh quốc bảo tôi: “Khiếp thật! Họ tận diệt cả những con rắn mới sinh, trong khi rắn là loài cải tạo môi trường và là động vật bò sát quý hiếm”. Tôi gật đầu tán thành.
Đúng như dự đoán của tôi, không có vị du khách ngoại quốc nào dám mua loại côn trùng bán nhan nhản tại Thủ đô. Chỉ có những người đàn ông Khmer cứ chiều đến là “canh me” cánh phụ nữ bán côn trùng dạo để mua về “chiết tửu”. Giá một bì ni lông gồm 4 con rắn nướng xiên que giá 3.000 ria (4.000 ria bằng một USD). Anh Thong sak, một người dân sống trên đường 15 của Thủ đô tự hào nói: “Côn trùng là món ăn khoái khẩu của người dân chúng tôi, vừa nhậu được, vừa ăn... lót dạ cũng được. Mỗi loại một hương vị riêng nhé!”.
Từ các đại lộ cho đến các khu sang trọng nhất Thủ đô, từ chợ lớn đến chợ nhỏ, tôi trông thấy nơi nào cũng có bán côn trùng. Cạnh chợ Oxay, Russia, Ocada, những người Khmer đi chợ xong là không thể quên mua côn trùng để mang về nhà ăn. Thông thường, họ mua về ăn kèm với cơm ống (cơm đựng trong ống) như fastfood (thức ăn nhanh) ở các nước.
Thong sak rủ tôi về nhà anh thưởng thức... côn trùng. So với nhiều món ăn khác, đối với thượng khách, thể nào người Khmer cũng mời ăn côn trùng. Trông thấy chú rắn con đã bị... xiên que nướng, tôi hãi quá nhưng Thong sak thì cứ thoải mái cho vào miệng nhai. Vừa ăn, anh vừa khen rắn mua hồi chiều ngon hơn hôm mua ở chợ Oxay.
Rắn xiên que, nhán, châu chấu chiên giòn.
Trước đây, dưới thời Polpot chỉ có những người nghèo sống tại các vùng quê mới ăn côn trùng. Thế nhưng, giờ đây nó trở thành món ăn không thể thiếu được trong đời sống của người dân. Ngay cả trên các đại lộ lớn của Thủ đô như: Norodom Bivd – nơi tập trung trụ sở của cảnh sát hoàng gia, đại sứ quán Nhật Bản, Trụ sở Đảng Funcipec...; Bounivong Bivd – nơi đặt trụ sở Đại sứ quán Việt Nam, thực đơn các nhà hàng sang trọng đều có món... côn trùng. Giá các loại côn trùng ở đây đắt gấp 10 lần so với mua ngoài đường. Nhiều đại gia tại Pnom Penh khi tiếp khách ngoại quốc đều “chú trọng” các loại món ăn mà khách thì... khiếp, chủ thì... sướng. Giống như người Thái, dân Khmer ăn rất cay cộng với nhiều tỏi. Côn trùng được dọn ra bàn và chấm với nước mắm nồng nặc mùi cay của ớt trái và mùi nồng của tỏi.
Phía trước Hoàng cung, cũng có một đội quân toàn nữ bán các côn trùng cho đến chuột cống, chuột nhắt nướng. Mỗi khi trông thấy một chiếc xe dừng lại, họ lập tức nhào ra lòng đường để mời chào mua côn trùng và chuột nướng đỏ lét. Người Campuchia nói, ăn côn trùng rất giàu vitamin, nhiều năng lượng cho nên họ ăn cho khỏe và... đâm nghiện.
Đến Campuchia, nhiều du khách cho rằng món ăn côn trùng là “tàn dư của Polpot”. Thế nhưng từ khi nào chẳng rõ, người Khmer nói, đó chính là nét ẩm thực mang tinh thần dân tộc, là quốc hồn quốc túy của vương quốc trụ vững bên dòng Mekong chảy về Việt Nam.
(Còn nữa)
Hoàng Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét