Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Hồ Toba như viên ngọc bích giữa rừng


SGTT,VN - Ngất ngư sau chuyến phà hơn tám giờ từ đảo Penang, Malaysia đến Medan, Sumatra, Indonesia vào một ngày biển động. Trên xe buýt chật cứng từ bến cảng về thành phố, anh chàng địa phương ngồi kế bên hỏi “Bạn sang đây đi thăm hồ Toba hả? Tiếc quá, lễ hội đua thuyền vừa qua mới mấy ngày. Nhưng mùa này hồ đẹp lắm, cứ nghỉ ngơi rong chơi ở đó cũng thú vị lắm!…” Tôi ừ ừ hử hử. Rồi ráng nhớ cái tên Toba.
Một góc hồ Toba cho du khách ngơi nghỉ Ảnh: Trần Hoàng Bảo
Từ Medan tôi đi ngược lên phía bắc đảo lớn Sumatra thăm thú Banda Aceh, Bukit Lawang… Đi đâu cũng bị hỏi là đã ghé Toba chưa, làm tôi thêm tò mò. Cho đến một chiều, sau mấy chuyến xe nối tiếp nhau gần 20 giờ liền xuống làng Parapat, leo lên phà sang làng Tuk Tuk ở đảo Samosir giữa hồ, tôi ngỡ ngàng nhìn Toba một chiều sau mưa.
Một thời là thiên đường du lịch
Hồ Toba là báu vật thiên nhiên vô giá của quốc đảo này – như lời tán dương trong các sách du lịch. Nằm chơi vơi ở độ cao 905m, đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Giữa hồ có đảo Samosir, diện tích tương đương Singapore.
Hồ Toba một thời đã là thiên đường du lịch vùng Đông Nam Á những năm 70 – 80 thế kỷ trước, trước khi làn sóng du khách chuyển sang Thái Lan, vì tình hình an ninh chính trị thay đổi. Giờ, tình hình tạm ổn, du khách lại bắt đầu tìm về.
Rồi nắng lên, trời xanh ngắt và tôi có những ngày dài rong ruổi hang cùng ngõ hẻm quanh hồ. Mới thấy Toba toả sáng, xanh như viên ngọc bích chơi vơi giữa rừng núi thật đẹp. Nét quyến rũ còn ở những di tích xưa của các bộ lạc, vương triều nhỏ trong vùng như các cung điện, khu nhà mồ… của các tiểu vương Simanindo, Sidabutar… rải rác quanh hồ. Thêm nữa là những thôn xóm đặc trưng của người Batak khéo tay với mái nhà đặc trưng cong vút theo hình chiếc thuyền. Rồi đây đó nhà thờ với hoạ tiết phù điêu, mái cao ngất. Những con đường, có lũ dã quỳ dại nở vàng rực chạy ven hồ, khi bên mép nước, lúc lên cao… Tất cả làm Toba thêm rạng rỡ.
Chắt chiu gìn giữ thiên nhiên
Một điểm nổi bật nữa của Toba là việc gìn giữ môi trường, nếp sống. Đã qua thời hoàng kim nhưng Toba không có vẻ xuống cấp, chỉ thu nhỏ lại. Cuộc sống bình yên, người dân hiền hoà nên không có cảnh cò khách sạn, taxi… chèo kéo, hàng rong chao chát như ở nhiều nơi khác… Chỉ cần chậm bước trước một ngôi nhà nào đó để ngắm nhìn, bạn sẽ đón nhận những nụ cười rất tươi mời bạn ghé vào chơi. Chủ nhân của phần lớn những khu nhà nghỉ, resort bình dân ven hồ là những du khách phương Tây ngày trước đến đây, say mê vẻ đẹp thiên nhiên, con người… đã dừng chân lại. Do vậy, tác phong phục vụ của các nhân viên được huấn luyện chuyên nghiệp, với ý thức giữ gìn thiên nhiên rất được chú trọng. Các nhà nghỉ đều nằm quanh hồ, những sân vườn râm mát... Những cái ao dập dềnh bông súng đỏ au duyên dáng... Những chiều muộn nằm ở hàng ghế ven hồ của khu nhà nghỉ, nghe sóng nhẹ vỗ về, sóng lăn tăn...
Buổi sớm mai ngày tôi đi, trời trong vắt, tôi lên dốc đá vào quán càphê Juwita ngắm hồ trước khi rời. Vườn bên sân nhà ai đang cắt dọn, mùi cỏ non ngai ngái thơm, thật dễ chịu... Đang đắm mình với thiên nhiên, chợt nghe bà chủ quán, vốn rất dịu dàng, lớn tiếng. Hơi ngạc nhiên tôi ló đầu nhìn. Té ra, bà đang la cô bé hàng xóm quét đám cỏ mới cắt thả xuôi xuống vách đá cuối vườn, rồi sẽ rơi xuống hồ. Dì như phân bua với tôi vì sao giận dữ: “Ai cũng như nó, cái gì cũng trút xuống thì còn gì là hồ!” Đó là điều mà tại sao hồ Toba vẫn mãi trong xanh! Rồi chạnh lòng, tôi nhớ thương những con sông thật có duyên, những hồ thật đẹp ngày xưa ở quê nhà. Bạn chắc không cần tôi kể tên chúng ra đâu phải không? Và bạn có nhớ thương?
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN HOÀNG BẢO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét