Chúng tôi đến Besakih – đền Mẹ của Bali (Indonesia) - khi cơn mưa chiều vẫn rả rích. Lần đầu tới đây, đứng trước khoảng sân rộng với những vuông cỏ xanh mượt mà như trải thảm, ai cũng phải ngước nhìn. Besakih hoành tráng với những bậc thang cao ngất, dẫn tới những cổng vào sừng sững, uy nghi như cắt đôi ra từ một ngọn tháp nguyên vẹn, giấu những ngôi đền mái chồng xếp nhiều tầng rất đặc trưng của Bali phía sau. Màu đen nhánh của những sợi lá cọ lợp mái tháp, màu rêu mốc thâm u của những ngôi đền in trên nền trời xám xịt giữa màn mưa giăng vẽ nên vẻ kỳ bí, tôn nghiêm của đền. Trên nền đen xám ấy nổi bật những chấm áo trắng, những chiếc ô đủ màu của người đi lễ đền ngày rằm.
Người theo đạo Hindu đi lễ đền ngày rằm. |
Cũng như nhiều đền thờ khác ở Bali, ai vào Besakih cũng phải quấn sarong. Chúng tôi trú mưa dưới một mái hiên nhỏ, lúng túng quấn những chiếc sarong sặc sỡ đã chuẩn bị sẵn dưới ánh mắt tò mò của những người đi lễ. Những người lớn tuổi hầu hết đều mặc áo trắng, đàn ông thì quấn sarong tối màu, phụ nữ thì quấn sarong in họa tiết batik cầu kỳ hơn. Chỉ vài cô gái trẻ mới làm điệu bằng những chiếc áo hồng, áo vàng nền nã. Lũ chúng tôi thì ngược lại, chói lói với áo đỏ sarong xanh biển hay áo vàng sarong hồng rực rỡ, rồi tíu tít hòa vào dòng người đang mải miết lên những bậc cầu thang cao vút dẫn đến ngôi đền chính Pura Panataran Agung. Những bậc thang nối dài như vô tận. Khi chân thấy mỏi thì cũng lên đến cổng tháp dẫn vào sân chính trong đền. Mưa vẫn rả rích rơi, những người đi lễ đầu trần, thành kính dâng hương hoa lên đền.
Đền Mẹ Besakih là một tổ hợp gồm 21 ngôi đền và rất nhiều điện thờ nhỏ, nằm trên sườn phía nam của núi thiêng Gunung Agung. Ngọn núi lửa này phun trào lần cuối vào tháng 3.1963, làm khoảng 1.700 người thiệt mạng và đe dọa cả đền Besakih. Dòng dung nham tràn qua, chỉ cách ngôi đền vài mét. Người dân Bali tin rằng các vị thần đã che chở cho ngôi đền thiêng.
Đền Mẹ Besakih là một tổ hợp gồm 21 ngôi đền và rất nhiều điện thờ nhỏ, nằm trên sườn phía nam của núi thiêng Gunung Agung. Ngọn núi lửa này phun trào lần cuối vào tháng 3.1963, làm khoảng 1.700 người thiệt mạng và đe dọa cả đền Besakih. Dòng dung nham tràn qua, chỉ cách ngôi đền vài mét. Người dân Bali tin rằng các vị thần đã che chở cho ngôi đền thiêng.
Đền Mẹ Besakih. |
Chúng tôi len lén ngồi xuống thềm một ngôi tháp, dưới mái che lợp lá cọ rất dày, cạnh những người đàn ông đang nghỉ chân. Thấy chúng tôi ngắm những bức tượng được quấn vải, những cây nêu cong vút tết lá cọ và những tán lọng đỏ, lọng vàng cắm hai bên cửa đền đầy vẻ lạ lẫm, người đàn ông đứng tuổi ngồi gần nhất giải thích rằng: Ba ngôi đền quan trọng nhất ở Besakih là Pura Panataran Agung ở trung tâm buộc những dải vải trắng thờ thần Shiva – thần huỷ diệt, Pura Kiduling Kreteg ở bên phải với dải vải đỏ thờ thần Brahma – thần sáng tạo và Pura Batu Medeg ở bên trái với dải vải đen thờ thần Vishnu – thần bảo hộ.
Ngày thường, các ngôi đền vắng vẻ, chỉ có khách du lịch. Hôm nay là ngày trăng tròn, người Hindu đi lễ đền, dâng hương. Còn vào các dịp lễ hội, có tới hàng nghìn người tới lễ đền, cầu nguyện. Mỗi năm ở đây có khoảng 70 lễ hội như thế.
Chúng tôi chẳng biết mình có may hay không, bởi không đến đúng dịp lễ hội chỉ đến vào ngày rằm. Nhưng nhờ thế mà chúng tôi mới được vào sân chính của Pura Panataran Agung, còn vào những ngày lễ lớn thì đền đóng cổng với khách du lịch, sân chính cũng không được vào. Nhưng chúng tôi cũng chỉ được phép vào đến sân chính, còn thế giới bên trong các đền thờ ở đây vẫn là một bí mật. Bởi du khách không theo đạo Hindu dù đã mua vé vào cổng cũng chỉ được phép đi vòng quanh ngắm nghía.
Mưa tạnh dần, những người đàn ông lại tiếp tục đội những chiếc giỏ nan đựng đầy hoa quả, đồ lễ tới những ngôi đền khác. Chúng tôi cũng rời ngôi đền chính, lững thững theo những lối đi hẹp, ngắm các ngôi tháp.
Thoáng chốc, bóng sarong sặc sỡ của những người bạn khuất sau khúc rẽ, cả lối đi hun hút chỉ mình tôi giữa bóng đổ trầm mặc của những ngôi đền. Lại vội rảo bước, để vững tâm hơn khi thấy bóng sarong quen thuộc phía xa xa. Cũng có lúc, những bóng sarong xanh đỏ ấy hòa vào một đám rước rộn ràng tiếng trống, tiếng nói cười của các bà, các chị đội lễ lên đền.
Cứ thế, chúng tôi nấn ná với Besakih, mong đợi bóng trăng tròn vành vạnh treo lơ lửng trên những mái đền nhiều tầng thâm nghiêm, kỳ bí. Mưa đã tạnh hẳn, nhưng mây vẫn vần vũ trên nền trời xám xịt. Vậy là chúng tôi lỗi hẹn với trăng rằm ở Besakih.
Ngày thường, các ngôi đền vắng vẻ, chỉ có khách du lịch. Hôm nay là ngày trăng tròn, người Hindu đi lễ đền, dâng hương. Còn vào các dịp lễ hội, có tới hàng nghìn người tới lễ đền, cầu nguyện. Mỗi năm ở đây có khoảng 70 lễ hội như thế.
Chúng tôi chẳng biết mình có may hay không, bởi không đến đúng dịp lễ hội chỉ đến vào ngày rằm. Nhưng nhờ thế mà chúng tôi mới được vào sân chính của Pura Panataran Agung, còn vào những ngày lễ lớn thì đền đóng cổng với khách du lịch, sân chính cũng không được vào. Nhưng chúng tôi cũng chỉ được phép vào đến sân chính, còn thế giới bên trong các đền thờ ở đây vẫn là một bí mật. Bởi du khách không theo đạo Hindu dù đã mua vé vào cổng cũng chỉ được phép đi vòng quanh ngắm nghía.
Mưa tạnh dần, những người đàn ông lại tiếp tục đội những chiếc giỏ nan đựng đầy hoa quả, đồ lễ tới những ngôi đền khác. Chúng tôi cũng rời ngôi đền chính, lững thững theo những lối đi hẹp, ngắm các ngôi tháp.
Thoáng chốc, bóng sarong sặc sỡ của những người bạn khuất sau khúc rẽ, cả lối đi hun hút chỉ mình tôi giữa bóng đổ trầm mặc của những ngôi đền. Lại vội rảo bước, để vững tâm hơn khi thấy bóng sarong quen thuộc phía xa xa. Cũng có lúc, những bóng sarong xanh đỏ ấy hòa vào một đám rước rộn ràng tiếng trống, tiếng nói cười của các bà, các chị đội lễ lên đền.
Cứ thế, chúng tôi nấn ná với Besakih, mong đợi bóng trăng tròn vành vạnh treo lơ lửng trên những mái đền nhiều tầng thâm nghiêm, kỳ bí. Mưa đã tạnh hẳn, nhưng mây vẫn vần vũ trên nền trời xám xịt. Vậy là chúng tôi lỗi hẹn với trăng rằm ở Besakih.
Ngân Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét