Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Myanmar- ánh nhìn mới lạ

(NLĐO)- Tôi đến sân bay quốc tế Myanmar sau gần 2 giờ bay, nắng hè Sài Gòn dường như chưa thấm tháp với không khí trên 36 độ C nơi đây.
 May mắn được đi nhiều nơi, nhưng thật bất ngờ ở đất nước thuộc khối ASEAN gần gũi thế này lại bắt gặp nhiều điều lạ: những phụ nữ Myanmar bôi kín hai bên má bằng thứ bột trắng ngộ nghĩnh, nam giới trong trang phục như váy và các nam nhân viên hải quan bỏm bẻm nhai trầu…
Không mỹ phẩm, chỉ bột chống nắng Thanakha
Ngay cả hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi, cô Khin Chan, cũng có gương mặt được bôi vẽ giống hệt những người phụ nữ Myanmar tôi nhìn thấy trong sân bay. Không giữ nổi tò mò, tôi hỏi Khin Chan ngay khi lên xe về trung tâm thành phố Rangon.  Chan vui vẻ chia sẻ: “Hầu hết phụ nữ Myanmar chúng tôi không dùng mỹ phẩm, thứ duy nhất bất kỳ ai đặt chân đến Myanmar đều dễ dàng nhận thấy, đó là bột Thanakha (loại cây họ gỗ có rất nhiều ở vùng miền Bắc và được coi là đặc sản của xứ chùa tháp này). Thân cây Thanakha to khoảng bằng bắp tay người lớn, được cắt thành từng khúc khoảng 10 cm, người ta cầm thanh Thanakha mài vào miếng đá có thấm nước và dùng phần bột mài để bôi lên  má. Với phụ nữ Myanmar, đây là thứ bột hữu hiệu nhất để chống nắng, trang điểm và dưỡng da cả ngày và đêm”.
Suốt gần một tuần ở Myanmar, đi qua nhiều vùng miền, dù là vùng đồng bằng hay núi cao, đâu đâu cũng bắt gặp Thanakha trên gương mặt các cô gái, các em bé (từ một tháng tuổi), các bà, các mẹ với đủ dạng hình tròn, vuông, chữ nhật hoặc vệt quẹt ngang cách điệu.
Tôi cũng thử bôi Thanakha tại khu chùa Swedaw nổi tiếng. Ở đây có giới thiệu đủ loại Thanakha, từ Thanakha truyền thống (nguyên khúc cây dùng để mài trên đá) cho đến loại bột tinh chế, bột đúc thành miếng nhiều hình dạng để nhúng sơ qua nước  rồi “đóng” vào má (như kiểu đóng dấu) hoặc dạng kem tiện lợi bán cho du khách. Cảm giác đầu tiên về Thanakha là mát lạnh, và khi  bột đã khô dần trên má thì lan tỏa sự mịn màng, dễ chịu.
Biến ảo Paso và Longyi
Sau “thảo dược” Thanakha, Chan tiếp tục... khoe trang phục truyền thống hàng ngày của người dân Myanmar. Khác với trang phục truyền thống của các dân tộc thường chỉ được sử dụng trong những dịp đặc biệt hoặc lễ tết, do đặc thù thời tiết nắng nóng gần như quanh năm, trang phục truyền thống Paso- dành cho nam và Longyi- dành cho nữ được người dân Myanmar sử dụng hàng ngày. Paso và Longyi đơn giản là  miếng vải trơn hoặc caro khoảng 2m dành cho nam và loại vải màu sắc, hoa văn dành cho nữ. Thao tác chưa đầy 5 giây, miếng vải được quấn ngang hông thay cho quần hoặc váy (thường dài đến mắt cá chân). Và thú vị hơn, khi cần thiết, Paso hay Longyi được kéo lên thành tấm áo che mưa, che nắng, quấn tròn thành dạng đế mũ vững chắc cho những phụ nữ đội hàng hóa (trái cây, bao gạo, thực phẩm) mà không cần dùng tay giữ. Ở vùng Bago (cách Rangon khoảng 100km), phụ nữ còn sử dụng Longyi làm địu hoặc võng cho em bé khi đi làm. Loại trang phục này khiến người mặc không thể sải bước chân dài nhưng khi cần, họ có thể thay đổi cách quấn để biến thành những chiếc quần lửng và thoải mái … chạy.
Giá cả của trang phục này khá phù hợp với người dân, trung bình khoảng từ 150.000vnđ/chiếc, rẻ hơn nhiều so với các loại quần áo tây nhập từ Thái Lan, Trung Quốc. Một lý do quan trọng khác cho sự hiện hữu của trang phục truyền thống trong đời sống hàng ngày là vì hơn 85% dân số Myanmar theo Phật giáo, cuộc sống hàng ngày của họ gắn liền với chùa, trong đó có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng như chùa vàng Shwedagon kiêu hãnh ngọn tháp phủ 60 tấn vàng nguyên chất được xây dựng cách đây 2.500 năm vào thời Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế; chùa Kyaithtiyo và Kim Thạch có từ 2.400 năm trước và ở độ cao hơn 1.200 m so với mực nước biển- một kỳ quan tôn giáo và tâm linh của Phật tử; chùa Shwethalyaung với tượng Phật nằm dài 55m, cao 16m hay chùa thiêng Shwemawdaw có ngọn tháp 98m cao nhất Myanmar, chùa Kyauk Taw Gyi sở hữu tượng Phật tạc từ đá cẩm thạch nguyên khối nặng hơn 60 tấn… Trang phục Paso hay Longyi, do vậy,  giúp các Phật tử Myanmar dễ dàng ngồi trong tư thế thiền định và kín đáo.
Những vết son trên hè phố
Nói đến Paso của nam giới, cũng phải nói thêm về cách quấn rất độc đáo, thay vì tạo nút thắt bên hông như phụ nữ, phần nút thắt của Paso nằm chính giữa bụng, tạo thành túi nhỏ dùng để đựng trầu.
Nam giới ở đây nghiện trầu và nhai trầu suốt ngày. Thật dễ dàng tìm thấy các hàng quán bán trầu dọc đường và người bán cũng đều là nam giới. Mỗi bịch trầu tươi gói sẵn có giá khoảng khoảng 5.000đ. Miệng nhai bỏm bẻm, đôi tay nhanh thoăn thoắt lựa trầu, người bán chỉ mất 30 giây để têm xong gói trầu khoảng 5 miếng. Cũng vì thói quen ăn trầu này mà đường phố ở Rangon (đặc biệt tại các khu vực xe buýt, xe túc túc hay taxi) có rất nhiều đoạn vỉa hè nhuộm màu đỏ… của bã trầu chứ không phải  kẹo cao su nham nhở như thường thấy tại các đô thị hiện đại ngày nay. Chan thường nói vui với chúng tôi đó là “những vết son đỏ trên hè phố”.
Đối với tôi, thành phố Rangon thực sự là một bức tranh sống động của những sự tương phản. Sở hữu một cơ sở hạ tầng khá hoàn hảo với những con đường rộng 6 – 8 làn xe chạy do Anh quốc quy hoạch trước đây, nhưng phần lớn xe cộ (taxi, xe buýt) chạy trên đường đều có tuổi thọ… hơn nửa thập kỷ, thậm chí những xe buýt “hông trần” hay “mui trần”  không cửa sổ, không cửa ra vào, không có nóc xe vẫn phơi phới chạy trên phố. Nếu mọi thứ bỗng dừng lại trong chốc lát, cả thành phố này sẽ giống như một viện bảo tàng xe cổ.
Tất nhiên, trên phố vẫn có không ít xe hàng hiệu đời mới nhất vi vu len lỏi. Mảng sống nghèo nàn, lạc hậu trên hè phố phản chiếu lên vuông kính sáng choang của những căn biệt thự hoàn hảo, những chung cư giá triệu đô! Giá cước viễn thông cực kỳ đắt đỏ, gọi từ Rangon về Việt Nam khoảng gần 6 USD/phút và không phải lúc nào cũng thông suốt, do vậy, bạn sẽ không ngạc nhiên khi điện thoại công cộng ở Myanmar rất thịnh hành với những chiếc bàn nhỏ nằm ở các góc phố. Người ta đặt khoảng 2 – 3 chiếc điện thoại trên bàn, khi gọi, người dân thoải mái đứng ở vỉa hè để “A lô…”! Và thêm một điều khiến Rangon trở nên khác lạ, thành phố này không có xe máy. Tất cả người dân đều sử dụng phương tiện xe buýt công cộng hoặc xe túc túc, xe ba gác (khoảng 2.500đ/vé/xe buýt). Các phương tiện này lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, chật cứng. Nhiều du khách nước ngoài đứng ngây người nhìn những xe túc túc có số người bám quanh thành xe nhiều hơn người ngồi trong xe!
Nét duyên ngầm khó cưỡng
Sở hữu tới hơn 75% lượng gỗ teak của thế giới và nhiều loại gỗ quý, đá quý nên đã đến Myanmar, du khách không thể không choáng ngợp trước đồ lưu niệm đá và gỗ có mặt ở khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Mẫu mã còn đơn sơ nhưng đảm bảo không có hàng giả, người dân Myanmar thật thà, chất phác nên cảm giác khi… shopping rất thoải mái, thú vị. Nếu muốn, họ có thể lấy nguyên khúc gỗ hay miếng đá  mài đẽo bằng tay cho bạn xem. Giá cả cũng bao la như hàng hóa, những chiếc vòng tay từ khoảng 20.000đ cho đến vài triệu- khắc từ loại gỗ quý chiên đàn, hàng chục triệu- các loại đá quý. Hấp dẫn hơn cả là bạn có thể săn lùng những thanh gỗ hóa thạch nhiều hình dạng với giá gần 1 triệu đồng, tùy  kích cỡ.
Tuy chỉ mới phát triển du lịch, nhưng cách mà Công ty du lịch ở Myanmar mời Hoa Hậu Du lịch 2011, Cô Khin Yy Pa, đến giao lưu cùng đoàn chúng tôi quả là hiện đại, bất ngờ. Trẻ trung và xinh tươi trong trang phục truyền thống, Hoa hậu du lịch Myanmar nói lời mời du khách Việt đến với đất nước Myanmar pha trộn nhiều nét văn hóa đặc sắc và duyên dáng tặng chúng tôi  điệu múa truyền thống thay cho lời chào tạm biệt và hẹn gặp lại
Đất nước với triết lý nhà Phật hiện diện khắp mọi nơi, con người hiền hòa, thân thiện, bóng  nhà sư khất thực mỗi sáng trên đường phố, khu phố Tàu sầm uất, khu phố người Ấn ồn ào, những chiếc xe ba gác chất đầy hàng hóa và nụ cười Thanakha của các cô gái… giống như nét duyên ngầm tạo nên một diện mạo thực sự mới mẻ, quyến rũ mỗi du khách khi đặt chân đến nơi đây.
Đoàn Thị Thanh Trà (Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét