Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

(THVL) Vịnh Cá mập ở Australia

Vịnh Cá mập thuộc miền Tây Australia đã được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Đúng như tên gọi, vịnh Cá mập là nơi trú ẩn của hơn 28 loài cá mập do vùng bờ biển này có nhiều đàn cá nhỏ – nguồn thức ăn quan trọng đối với nhiều loài cá mập.
Vịnh Cá mập có diện tích 22.000 km2, mực nước ở đây tương đối cạn với độ sâu trung bình chỉ khoảng 10 m. Nước biển trong vịnh ấm áp vì được những hòn đảo ngoài khơi che chắn các dòng nước lạnh. Ngoài ra, ánh nắng mặt trời nóng bức và gió mạnh khiến nước biển bốc hơi nhanh đã làm tăng độ mặn trong nước. Những điều đó đã tạo nên hệ sinh thái độc đáo của vùng này. Có khoảng 3000 con cá heo sống ở vịnh Cá mập, chúng đều có tên riêng và được phân biệt nhờ vào cái vây trên lưng. Từ sáng sớm đến trưa là thời điểm lý tưởng nhất để ngắm nhìn cá heo bên bãi biển. 
Bán đảo Peron vươn mình ra biển, góp phần tạo nên một vùng vịnh có môi trường sống rất độc đáo này. Hệ sinh thái độc đáo của bán đảo Peron được chính quyền Australia bảo vệ rất nghiêm ngặt. Monkey Mia là nơi có nhiều cá heo tụ tập vui đùa bên bờ biển. Khu Monkey Mia được thành lập vào năm 1990 để làm nơi nghiên cứu về thế giới tự nhiên ở Vịnh Cá mập. Mỗi năm có khoảng 100.000 ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới đến đây.
Phí vào tham quan khu Monkey Mia là 6 đôla Australia. Số tiền này được dùng để góp phần bảo vệ các loài động vật hoang dã ở vịnh Cá mập. Còn một phương cách khác để bạn có thể nhìn ngắm những con cá heo là dùng thuyền. Phí đi thuyền là 79 đôla Australia. Thuyền di chuyển chầm chậm và rất êm trên vịnh biển nhờ các cơn gió và năng lượng mặt trời.
Ở vùng nước biển cạn trong vịnh Cá mập có rất nhiều tảo biển và đây là môi trường sống lý tưởng cho những con rắn biển. Loài động vật này thường ăn những loài sinh vật nhỏ sống quanh các khóm tảo biển.
Bên các khóm tảo biển ở vùng nước cạn của vịnh Cá mập có nhiều loài cá nhỏ sinh sống. Chúng thu hút nhiều loài sinh vật khác đến đây tìm thức ăn, trong đó có chim cốc Pied. Chim chóc tụ tập đông đúc ở vịnh Cá mập để thưởng thức những bữa tiệc cá.
Loài lợn biển thường sống ở những vùng biển cạn nhiệt đới và cận nhiệt đới. Người ta nói rằng, chúng là nguồn cảm hứng sáng tác những câu chuyện thần thoại về mỹ nhân ngư.
Mỗi ngày, lợn biển tiêu thụ khoảng 70 kg cỏ. Lợn biển trưởng thành có chiều dài khoảng 3 met. Theo ước tính, có khoảng từ 10.000 đến 15.000 con lợn biển sống ở vịnh Cá mập. Hiện nay, số lượng của chúng trên thế giới đã suy giảm đáng kể.
Mũi Skipjack thuộc bán đảo Peron là nơi lý tưởng để nhìn ngắm nhiều loài động vật hoang dã. Cá mập copper, hay còn gọi là bronze whaler, thường được tìm thấy theo từng đàn nhỏ ở vùng Đông Bắc và Tây Nam Đại Tây Dương. Chúng cũng xuất hiện tại vùng Tây Bắc và Đông Thái Bình Dương, đặc biệt là vùng biển quanh Australia và New Zealand.
Cá mập copper
Cá mập copper là kẻ săn mồi có thể bơi rất nhanh. Chúng thường đi săn theo nhóm, số lượng đông đúc sẽ mang đến nhiều thuận lợi khi vây bắt con mồi. Sự phát triển của cá mập copper rất chậm, thường thì chúng phải mất đến 20 năm mới trưởng thành về giới tính. 
Bãi biển Vỏ Sò (Shell beach) là bãi biển xinh đẹp nhất ở vịnh Cá mập. Đúng như tên gọi, bãi biển dài 100 km này được tạo thành bởi vô số vỏ sò ốc, chúng chất thành lớp dày đến 10 m.
Nguyên nhân khiến bãi biển này có nhiều vỏ sò có liên quan đến độ mặn của nước biển. Ánh nắng mặt trời nóng bức và gió mạnh khiến nước biển ở đây bốc hơi nhanh hơn và độ mặn cũng cao hơn so với những vùng biển khác. Nhiều loài sinh vật biển như cua, sò ốc không thể thích ứng với điều kiện khắc nghiệt như thế nên đã chết, để lại những mảnh vỏ nằm chồng chất trên bãi biển.
Từ bãi biển Vỏ Sò, sau khi vượt qua chặng đường dài 70 km về hướng Nam, bạn sẽ đến hồ Hamelin – nơi có một trong những cấu trúc sống lâu đời nhất trên Trái đất. Đá Stromatolites được xem là “mẹ của các loài sinh vật”. Tuy được gọi là đá nhưng thật ra, chúng là sự tập hợp của các vi sinh vật, góp phần cung cấp khí oxi giúp cho sự sống trên trái đất phát triển trong hơn 3,5 năm tỷ năm qua.
Stromatolite là cấu trúc đá trầm tích cổ đại hình thành tầng tầng, lớp lớp ở những vùng nước cạn qua quá trình biến đổi địa chất lâu dài. Những quần thể Stromatolite xuất hiện cách đây khoảng 3,5 tỷ năm.
Thanh Trúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét